Thứ Bảy, 23/11/2024, 01:50 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), tạo lập thế trận là yếu tố cơ bản, quan trọng chi phối trực tiếp các hoạt động và loại hình tác chiến trên chiến trường, trong đó có tiến công chiến lược. Do đó, để tiến hành thắng lợi hình thức tác chiến chiến lược quan trọng này, chúng ta phải giải quyết tốt nhiều vấn đề; trong đó, việc tạo lập thế trận tác chiến cần được nghiên cứu thấu đáo cả về lý luận và thực tiễn.
Thực tiễn các cuộc chiến tranh thế giới cũng như trong sự nghiệp giải phóng của dân tộc cho thấy, thế là yếu tố quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả của trận đánh. Trong tác chiến, thế là tổng thể các mối quan hệ tạo thành điều kiện và xu thế vận động, phát triển của các bên tham chiến, bao gồm: hình thái bố trí, tương quan lực lượng, cách đánh, trạng thái tinh thần - tâm lý của tướng sĩ, địa hình khu vực tác chiến và luôn có sự vận động, biến đổi. Trước khi bắt đầu cuộc chiến, thế của hai bên có thể cân bằng; khi tác chiến xảy ra, thế của bên này vận động ngược chiều với thế của bên kia, thế của bên này phát triển thì thế của bên kia suy yếu, bên này có thế chủ động thì bên kia ở thế bị động; thế cũng có thể chuyển từ chủ động thành bị động, từ tiến công sang phòng ngự, v.v. Trong tác chiến, tổng hợp các thế: chủ động, bị động, tiến công, phòng ngự, bao vây chia cắt, vây hãm, cô lập, phát triển, suy yếu,… sẽ tạo thành thế mạnh và thế yếu, thế thắng và thế thua. Thế có mối quan hệ mật thiết với lực lượng, thời cơ và mưu lược. Có lực lượng mới hình thành thế, lực lượng mạnh có khả năng tạo ra thế mạnh, song điều quan trọng là lực lượng ấy được bố trí trên địa hình tác chiến như thế nào, hành động ra sao, kết hợp với các yếu tố khác và điều kiện khách quan, chủ quan của hai bên thì mới tạo ra thế. Khi thế đã hình thành, sức mạnh của lực lượng có sự chuyển hóa về chất, lực sẽ mạnh lên gấp nhiều lần, khi đó tạo thành sức mạnh tổng hợp để chiến thắng. Vì vậy, khi tác chiến cần phải coi trọng cả tạo thế, tạo lực, tạo thời cơ và vận dụng mưu lược sáng tạo.
Thế trận là hình thái bố trí, triển khai lực lượng và thiết bị chiến trường theo mưu kế, cách đánh đã chọn, tạo ra thế có lợi để phát huy cao nhất sức mạnh của các lực lượng tham chiến, giành thắng lợi quyết định. Trong tác chiến, thế trận cũng không đứng yên mà luôn vận động, phát triển theo điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của sự đối đầu giữa phương thức tác chiến (chiến lược), phương pháp tác chiến (chiến dịch), cách đánh (chiến thuật) của các bên tham chiến. Thế trận trong phạm vi chiến thuật là đội hình chiến đấu, phạm vi chiến dịch là bố trí chiến dịch, phạm vi cuộc chiến tranh là thế bố trí chiến lược.
Lập thế trận là nội dung đặc biệt quan trọng - một nghệ thuật, đòi hỏi người chỉ huy và cơ quan tác chiến phải có tư duy sáng tạo, biết vận dụng linh hoạt nghệ thuật quân sự vào từng trận đánh cụ thể. Đó không chỉ đơn giản là việc sắp xếp đội hình chiến đấu mà còn phải tìm ra được phương cách bố trí, sử dụng lực lượng, biện pháp tác chiến hợp lý, để với một lực lượng nhất định có thể tạo ra thế có lợi nhất và chuyển hóa được từ thế bất lợi sang thế có lợi. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, tác chiến chiến lược nói chung, tiến công chiến lược nói riêng (nếu xảy ra) sẽ diễn ra trên không gian rộng, thời gian dài, trong nhiều môi trường và địa hình khác nhau, với nhiều lực lượng tham gia, thực hiện nhiều nhiệm vụ trong cùng một thời gian,... nhằm đối phó với kẻ địch sử dụng phổ biến vũ khí công nghệ cao, trong cuộc chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc ở điều kiện mới, thì việc lập thế trận này lại càng có ý nghĩa quan trọng. Thực tiễn hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cho thấy, khi lập thế trận tiến công chiến lược, cơ quan tham mưu chiến lược đã căn cứ vào tình hình cụ thể để tính toán, cân nhắc nhiều mặt, như: nhiệm vụ tác chiến, lực lượng, thời cơ, sở trường, sở đoản của cả ta và địch, cũng như tình hình địa hình, thời tiết có liên quan,... từ đó lựa chọn phương thức tác chiến hợp lý nhất làm thay đổi cục diện chiến trường, bảo đảm cho ta càng đánh càng mạnh, địch ngày càng suy yếu, sa lầy và dẫn tới thất bại. Thực tiễn đó đòi hỏi việc lập thế trận cho tác chiến nói chung, tác chiến tiến công chiến lược nói riêng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra) phải coi trọng quá trình tạo thế, cài thế, phá thế để nắm quyền chủ động, bảo đảm đánh địch ở cả trước mặt, sau lưng, bên sườn; điều được địch đến nơi ta muốn, kìm giữ được địch ở nơi cần kìm giữ, đánh thắng địch trên hướng đã lựa chọn.
Hiện nay, trước yêu cầu cao của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, việc lập thế trận cho tác chiến tiến công chiến lược đòi hỏi phải nghiên cứu, tổ chức, bố trí, triển khai lực lượng, phương tiện, thiết bị chiến trường theo kế hoạch thống nhất ngay từ thời bình. Trên cơ sở đó, tiếp tục được điều chỉnh, bổ sung trong quá trình tác chiến phòng thủ, phòng ngự, phản công chiến lược khi chiến tranh xảy ra; hình thành thế trận tiến công liên hoàn, hiểm hóc, phù hợp quyết tâm tác chiến chiến lược và có thể chuyển hóa linh hoạt; phát huy cao nhất sở trường, sở đoản của lực lượng tham chiến; kết hợp với các hoạt động chính trị, kinh tế, ngoại giao,... tạo nên thế trận chiến lược có lợi; thực hiện các chiến dịch, chiến dịch - chiến lược tiến công, hoàn thành mục tiêu, yêu cầu đề ra. Để làm được điều đó, theo chúng tôi, người chỉ huy và cơ quan tác chiến cần nghiên cứu và thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau.
1. Lập thế trận phù hợp với kế hoạch, quyết tâm tác chiến chiến lược. Đây là nội dung, yêu cầu quan trọng hàng đầu nhằm tạo thế trận hoàn chỉnh, hiểm hóc, chặt chẽ, vững chắc, liên hoàn, hiện thực hóa ý định tác chiến chiến lược. Theo đó, người chỉ huy và cơ quan tác chiến phải bám sát quyết tâm của tư lệnh chiến trường; căn cứ vào đối tượng, địa bàn và yêu cầu nhiệm vụ để “tạo thế, bày trận” và chuyển hóa thế trận tiến công theo kế hoạch thống nhất. Khi lập thế trận, cần tập trung cho địa bàn chiến lược, phương án, hướng tiến công chủ yếu; đồng thời, cũng phải coi trọng những phương án khác, hướng khác để sẵn sàng điều chỉnh trong quá trình tác chiến. Lập thế trận tiến công chiến lược cần thực hiện bằng nhiều nội dung, biện pháp thích hợp, phải bảo đảm an toàn cho các lực lượng, bí mật, bất ngờ trong từng phương án. Trong đó, cần coi trọng việc lập thế trận của lực lượng tại chỗ (thế bố trí, triển khai các lực lượng trong khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố, các đơn vị của quân khu, các lực lượng chiến đấu, bảo đảm chiến đấu của Bộ đứng chân trên địa bàn); lực lượng cơ động (thế bố trí các quân đoàn chủ lực, sư đoàn chủ lực, các đơn vị của quân chủng, binh chủng chiến đấu), v.v. Cùng với đó, phải lựa chọn địa bàn thích hợp để lập thế trận nghi binh, lừa địch, nhằm hạn chế tổn thất do xung lực, hỏa lực địch gây ra trên các hướng, địa bàn chiến lược, chiến trường trọng điểm. Đồng thời, phát huy thế trận phòng thủ quân khu, khu vực phòng thủ địa phương, hình thành thế ngăn chặn, bao vây, đánh địch rộng khắp, đánh sâu, đánh hiểm, kìm chân, giữ vững những địa bàn có giá trị, v.v.
2. Lập thế trận vững chắc, hiểm hóc, bí mật, bất ngờ, có thế đánh thế giữ và chuyển hóa linh hoạt. Đây là yêu cầu quan trọng, yếu tố quyết định việc giành thắng lợi trên chiến trường; thực hiện tốt yêu cầu này sẽ khiến đối phương không nắm được phương án, kế hoạch, quyết tâm tác chiến và thế trận của ta, khi đó ta sẽ bảo toàn được lực lượng, phương tiện chiến đấu, nhất là trong điều kiện chiến tranh công nghệ cao, đối phương có phương tiện trinh sát hiện đại, vũ khí có độ chính xác cao, khả năng sát thương lớn.
Lập thế trận vững chắc là phải bố trí, triển khai lực lượng và thiết bị chiến trường có sự liên kết chặt chẽ giữa lực lượng phòng thủ, phòng ngự với lực lượng phản công, tiến công; bộ binh với các quân chủng, binh chủng; xung lực với hỏa lực; lực lượng đánh địch phía trước với đánh địch bên sườn, phía sau; lực lượng vũ trang địa phương với các quân đoàn chủ lực cơ động của Bộ; tác chiến trên chiến trường với các hoạt động đấu tranh khác. Đồng thời, phải tổ chức chỉ huy, hiệp đồng chặt chẽ, thống nhất từ cấp chiến lược đến cấp chiến thuật; bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật, hậu cần để có thể đánh địch được dài ngày, trong điều kiện khó khăn, ác liệt.
Bên cạnh đó, giữ bí mật là điều kiện tiên quyết, yếu tố mang tính chất “sống còn” của tiến công chiến lược. Vì vậy, khi xây dựng ý định tác chiến tiến công chiến lược, nhất là “lập thế, bày trận” phải bảo đảm yếu tố bí mật cả về không gian, thời gian, địa điểm, cũng như lực lượng, phương tiện và phải bảo đảm cả yếu tố bất ngờ, có thế đánh, thế giữ, v.v. Tiến công chiến lược diễn ra trên không gian rộng, ở nhiều môi trường tác chiến, nhiều lực lượng, phương tiện tham gia. Do đó, người chỉ huy, cơ quan tác chiến và các lực lượng tham gia phải tổ chức bố trí lực lượng, triển khai thiết bị chiến trường ở nơi địch không ngờ tới, ít đề phòng, để có thể đánh vào nơi sơ hở, mỏng yếu của địch; khi ta tiến công quân địch không kịp đối phó; làm cho lực lượng ta ít hóa nhiều, lực nhỏ hóa lớn, v.v. Đồng thời, phải đáp ứng yêu cầu của tác chiến chiến lược, phù hợp với hình thái địch, ta, có thể chuyển hóa thế trận từ tiến công sang vận động tiến công, phục kích, tập kích,… và xử trí các tình huống trong chiến đấu.
3. Lập thế trận của ta, phá thế trận của địch. Tiến công chiến lược trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc diễn ra trong các môi trường khác nhau (không, bộ, biển,…), trên các loại địa hình (đồng bằng, trung du, miền núi, sông nước). Vì vậy, khi bố trí lực lượng và thiết bị chiến trường phải cài xen với địch, hình thành thế trận hiểm hóc, có thể đánh địch ở mọi lúc, mọi nơi, cả ở phía trước, bên sườn, phía sau; có thể bao vây, chia cắt, cô lập mục tiêu tiến công chiến lược, từng bước đẩy địch vào thế bất lợi. Theo đó, khi lập thế trận tiến công, người chỉ huy và cơ quan tác chiến phải căn cứ vào địa hình và môi trường tác chiến, lực lượng tham gia, từ đó cố gắng tạo ra các điều kiện, hoàn cảnh thuận lợi để hoàn chỉnh thế trận ban đầu, chuẩn bị thế trận có lợi cho hoạt động tác chiến tiếp theo, như vậy mới có thể phá được thế trận của địch.
Cùng với đó, cần coi trọng lập thế trận trong quá trình tác chiến, bảo đảm linh hoạt, sáng tạo, dựa trên tình hình cụ thể để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp; phải phối hợp chặt chẽ giữa các chiến trường và các địa phương để tạo thế, tạo lực, qua đó thu hút, phân tán sự đối phó cũng như ngăn chặn ý định cơ động lực lượng của địch vào khu vực tác chiến chủ yếu; có thể sử dụng vũ khí, phương tiện chiến đấu tiến công vào các mục tiêu chiến lược quan trọng của địch, buộc chúng phải sớm bộc lộ ý định, lực lượng.
Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, đối tượng tác chiến sẽ sử dụng phương thức tác chiến mới, vũ khí công nghệ cao, phương tiện tác chiến hiện đại, có khả năng sát thương lớn; hoạt động tác chiến diễn ra trên không gian rộng, trong nhiều môi trường. Vì vậy, một số vấn đề về lập thế trận tiến công chiến lược nêu trên là cơ sở quan trọng để người chỉ huy và cơ quan tác chiến có thể nghiên cứu, vận dụng, phát triển trong điều kiện mới.
Đại tá, ThS. TRẦN VIỆT TUẤN, Học viện Quốc phòng
Tiến công chiến lược,tạo lập thế trận,nghiên cứu thấu đáo,bảo vệ Tổ quốc
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 18/11/2024
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 11/11/2024
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 30/10/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” 28/10/2024
Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 21/10/2024
Về nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập chiến thuật tác chiến không gian mạng trong tình hình mới 14/10/2024
Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ các nhà trường Quân đội hiện nay 23/09/2024
Một số vấn đề về mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu 16/09/2024
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh 09/09/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5 26/08/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc