Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Hai, 19/08/2013, 16:23 (GMT+7)
Bàn về kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội trong đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật

Đảng ta xác định xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN là hai nhiệm vụ chiến lược gắn bó chặt chẽ với nhau. Việc kết hợp giữa kinh tế – xã hội với quốc phòng – an ninh, quốc phòng – an ninh với kinh tế – xã hội, trong đó có lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật là nhu cầu khách quan; nhất là trong điều kiện kinh tế đất nước còn khó khăn.

Việc kết hợp quốc phòng với kinh tế – xã hội (KT-XH) trong đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật (NNLKT) là một nội dung của việc kết hợp quốc phòng với KT-XH trên một lĩnh vực cụ thể. Hiện nay, để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh CNH,HĐH đất nước, chúng ta cần một số lượng rất lớn cán bộ, nhân viên kỹ thuật, đặc biệt là NNLKT chất lượng cao. Vì thế, kết hợp quốc phòng với KT-XH trong đào tạo NNLKT có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để việc kết hợp đúng hướng, chúng ta cần nhận thức rõ: NNLKT là một bộ phận của nguồn nhân lực xã hội hoạt động trong lĩnh vực kỹ thuật. Trong xu thế phát triển mạnh mẽ của khoa học – công nghệ (trong đó có khoa học – công nghệ quân sự), công tác đào tạo phải đáp ứng yêu cầu số lượng lớn, chất lượng cao, cân đối, đồng bộ về ngành nghề, trình độ học vấn; trước hết, cần tập trung giải quyết nhu cầu NNLKT cho các ngành trọng điểm, ngành đặc thù, các ngành mũi nhọn và công nghệ cao. Việc lập quy hoạch đào tạo NNLKT phải căn cứ vào nhu cầu sử dụng của xã hội và khả năng của từng cơ sở giáo dục – đào tạo (CSGD-ĐT); trên cơ sở đó, vừa tạo nguồn thu góp phần tái đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trang bị, thiết bị giảng dạy, vừa duy trì, nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên để nâng cao chất lượng dạy – học.

Trong thời gian qua, các CSGD-ĐT của Quân đội (học viện, trường đại học, cao đẳng, các trung tâm dạy nghề...) đã thực hiện nhiều nhiệm vụ liên quan đến kết hợp quốc phòng với KT-XH trong giáo dục – đào tạo NNLKT và đạt được hiệu quả cao. Là trường trọng điểm quốc gia và trung tâm nghiên cứu khoa học của Quân đội và Nhà nước, Học viện Kỹ thuật Quân sự đã bám sát các định hướng lớn của Nhà nước, Bộ Quốc phòng, nhu cầu của xã hội, mở rộng đối tượng đào tạo. Hiện nay, mỗi năm Học viện đào tạo cho xã hội hàng trăm kỹ sư dân sự, với 10 chuyên ngành đào tạo, như: công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, kỹ thuật ô tô, chế tạo máy, cầu đường... Học viện còn tăng cường liên kết, hợp tác về đào tạo và nghiên cứu khoa học với các trường đại học có uy tín ở trong nước, như: Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội; đồng thời, tích cực hợp tác với các trường đại học lớn của Nga, U-crai-na, Séc, Trung Quốc... Các trung tâm dạy nghề của Quân đội luôn bám sát nhu cầu của xã hội; từ năm 2001 đến nay, đã đào tạo trên 1,2 triệu lượt người với 09 nghề có trình độ cao đẳng, 26 nghề có trình độ trung cấp, 37 nghề có trình độ sơ cấp. Hiện nay, các cơ sở này đang tích cực đổi mới mục tiêu, chương trình, nội dung và phương pháp, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo. Mặt khác, các nhà trường, viện nghiên cứu dân sự cũng tham gia đào tạo, cung cấp cho Quân đội nguồn nhân lực trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực kỹ thuật.

Tuy nhiên, nhận thức về vấn đề này của nhiều người còn chưa đầy đủ, việc tổ chức kết hợp chưa được lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất ở tầm vĩ mô; việc xác định nội dung, biện pháp kết hợp chưa chặt chẽ, cụ thể; sự kết hợp giữa  quốc phòng với KT-XH, KT-XH với quốc phòng ở một số CSGD-ĐT chưa tương xứng với tiềm năng... Từ thực tế đó cho thấy, cần nghiên cứu và xây dựng quy hoạch, kế hoạch thống nhất về vấn đề này.

Trên cơ sở quán triệt các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về kết hợp KT-XH với quốc phòng, quốc phòng với KT-XH và xuất phát từ thực tế yêu cầu về NNLKT cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trước hết cần đẩy mạnh kết hợp quốc phòng với KT-XH trong quy hoạch các CSGD-ĐT, tăng cường liên kết đào tạo giữa các CSGD-ĐT quân sự và dân sự. Hiện nay, hệ thống CSGD-ĐT của Quân đội đã trở thành một bộ phận trong hệ thống giáo dục quốc gia. Tuy nhiên, để kết hợp trong liên kết đào tạo giữa các cơ sở quân sự và dân sự, cần phối hợp chặt chẽ trong phân công đào tạo, đảm bảo cơ cấu ngành nghề và tổ chức đào tạo hợp lý, tạo điều kiện để chuyển đổi cán bộ trong và ngoài Quân đội. Việc phối hợp cần toàn diện; trong đó, chú trọng phối hợp lực lượng giáo viên và cơ sở vật chất kỹ thuật trong quá trình đào tạo, tạo điều kiện cho hai hệ thống xâm nhập lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau thu thập thông tin, nghiên cứu khoa học kỹ thuật và trao đổi những kinh nghiệm về giáo dục – đào tạo; phối hợp lực lượng để giải quyết những vấn đề lớn cùng quan tâm, nhất là khoa học mũi nhọn.

Về quy hoạch các CSGD-ĐT quân sự, từ yêu cầu về tổ chức biên chế phù hợp với phương hướng xây dựng Quân đội nhân dân trong thời bình, nên quy hoạch lại hệ thống các CSGD-ĐT của Quân đội sao cho vừa bảo đảm được yêu cầu đào tạo NNLKT quân sự, vừa tiết kiệm ngân sách cho Nhà nước. Theo đó, Bộ Quốc phòng chỉ nên giữ lại các trường đào tạo những ngành nghề đặc thù quân sự; các trường ít mang tính đặc thù quân sự nên chuyển thành trường dân sự, nhưng vẫn dành một phần làm nhiệm vụ đào tạo cho Quân đội; đồng thời, có cơ chế, chính sách đối với các trường đại học dân sự có tiềm lực để đào tạo cho Quân đội. Như vậy, một mặt phát huy được năng lực của các trường quân sự trong các nhiệm vụ dân sự và mở rộng hợp tác quốc tế; mặt khác, huy động được tiềm lực của nhiều trường đại học, viện nghiên cứu dân sự phục vụ cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.

Về liên kết đào tạo giữa các CSGD-ĐT trong và ngoài Quân đội, đối với đào tạo trong Quân đội, tập trung vào những ngành đặc thù quân sự, như: công nghệ chế tạo đạn, công nghệ chế tạo vũ khí, tên lửa, ra-đa, điều khiển thiết bị bay, cơ khí động lực (bao gồm: tăng thiết giáp, máy tàu, xe máy công binh), hoá quân sự, công trình ngầm, sona – thủy âm...). Đối với các CSGD-ĐT dân sự, cần tận dụng khả năng, thế mạnh của một số CSGD-ĐT cán bộ kỹ thuật, như: Đại học Bách khoa Hà nội, Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ quốc gia, Đại học Quốc gia các khu vực... Tập trung chủ yếu vào những chuyên ngành, như: vật lý kỹ thuật, kim loại học và công nghệ vật liệu, công nghệ gia công cơ khí, công nghệ vật liệu mới, công nghệ thông tin và viễn thông, điều khiển tự động, tự động hoá, v.v.

Về tổ chức, có thể kết hợp theo 02 cách: một là, giai đoạn I (2 năm), sinh viên đào tạo ở các trường dân sự có ngành nghề phù hợp, giai đoạn II mới đào tạo ở các trường quân sự; hai là, các trường quân sự có thể tuyển sinh ngay từ đầu và gửi học ở các trường dân sự trong giai đoạn I, hoặc chỉ tuyển sinh giai đoạn II. Sinh viên được đào tạo giai đoạn I ở các trường dân sự theo một cơ chế có sàng lọc thường xuyên sẽ bảo đảm cho các trường quân sự tuyển được những người có đủ năng lực hoạt động trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự. Cách kết hợp trong tổ chức đào tạo như vậy sẽ tiết kiệm rất nhiều về kinh phí cho các trường trong Quân đội; đồng thời, tạo khả năng tuyển chọn rộng rãi hơn. Tuy nhiên, để thực hiện được sự kết hợp trên, cần một giải pháp đồng bộ ở phạm vi rộng, như: hệ thống chính sách của Nhà nước, chế độ đãi ngộ thích đáng (có khả năng thu hút cao) của Quân đội, việc tổ chức giáo dục truyền thống yêu nước, v.v.

Về nội dung kết hợp, các trường có thể kết hợp trong việc nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ nghiên cứu khoa học, nhất là trong đào tạo sau đại học. Việc đổi mới nội dung, chương trình đào tạo các ngành học phải phù hợp với thực tiễn phát triển KT-XH của đất nước, đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế, thuận lợi trong học liên thông và chuyển đổi nghề nghiệp; phát triển các chương trình đào tạo chất lượng cao, đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội, thực hiện hiệu quả các thoả thuận hợp tác đào tạo với các tổ chức, doanh nghiệp... Với đặc thù của công tác đào tạo các chuyên ngành kỹ thuật, việc đổi mới phương pháp giảng dạy phải hướng vào nâng cao năng lực nghiên cứu, thực hành của sinh viên. Trên cơ sở nâng cao chất lượng, khả năng của các cơ sở nghiên cứu, thực hành cần tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và trang bị, thiết bị phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học. Các trường tăng cường thống nhất giáo trình, xây dựng nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy, tổ chức hội thảo chuyên đề, trao đổi các chuyên gia giỏi, hợp tác trong đào tạo sau đại học; liên kết sử dụng các phòng thí nghiệm, cơ sở vật chất, thông tin tư liệu… Sự phối hợp đó theo cơ chế chung, bảo đảm đúng pháp luật và hai bên cùng có lợi.

Về mặt quản lý nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục – đào tạo cần tăng cường chỉ đạo, duyệt và giao chỉ tiêu cụ thể, phù hợp với năng lực của mỗi CSGD-ĐT và nhu cầu của xã hội cũng như của Quân đội; giải quyết tốt mối tương quan giữa lợi ích kinh tế và mục tiêu về quân sự, quốc phòng; ngăn ngừa việc lợi dụng hoạt động kinh doanh làm ảnh hưởng đến mục tiêu, nhiệm vụ chính trị trung tâm của CSGD-ĐT. Cùng với đó, từng CSGD-ĐT phải đổi mới công tác quản lý và quy trình đào tạo; trong đó, chú trọng rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định về quản lý đào tạo, quản lý sinh viên theo h­ướng chuẩn hoá và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, đào tạo. Từng khoa, bộ môn phải nâng cao khả năng quản lý giảng dạy, quản lý nội dung, chương trình đào tạo và chất lượng đào tạo; quản lý việc học tập và rèn luyện của sinh viên. Mặt khác, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy chế đào tạo, nhằm thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý đào tạo, ngăn chặn các hiện tượng gian lận, tiêu cực trong giảng dạy, học tập, thi cử.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh liên kết về tổ chức quản lý và triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học; trước hết là liên kết trong công tác biên soạn giáo trình, tài liệu tham khảo các môn học phù hợp với mục tiêu, chương trình đào tạo, đảm bảo đúng định hướng nghiên cứu, phù hợp với các chuyên ngành đào tạo. Mặt khác, cần tăng cường hợp tác nghiên cứu với các cơ quan, doanh nghiệp để tăng tính ứng dụng của đề tài nghiên cứu khoa học. Nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế, tập trung đẩy mạnh liên kết đào tạo nhân lực kỹ thuật với nước ngoài; trong đó, cần tiếp tục khai thác có hiệu quả các dự án quốc tế, tận dụng các dự án để chọn, cử cán bộ đi đào tạo dài hạn, ngắn hạn ở nước ngoài; đồng thời, tăng cường tìm kiếm các nguồn tài trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cho công tác đào tạo NNLKT chất lượng cao, v.v.

Để kết hợp quốc phòng với KT-XH đạt hiệu quả cao trong đào tạo NNLKT cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các cấp cần quán triệt, nắm vững quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, các nghị định của Chính phủ về vấn đề này; đặc biệt là, cần tiếp tục nghiên cứu, tổng kết và nâng cao hiệu lực quản lý của các bộ, ngành, sự chủ động của các CSGD-ĐT đối với công tác đào tạo NNLKT.

Đại tá, PGS,TS. NGUYỄN TRỌNG DÂN
Học viện Kỹ thuật Quân sự

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.