Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Năm, 26/10/2023, 10:51 (GMT+7)
Bàn về hoạt động công tác đảng, công tác chính trị của lực lượng Phòng không Lục quân trong tác chiến với máy bay không người lái

Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), để giành thắng lợi khi tác chiến với máy bay không người lái của địch, lực lượng Phòng không Lục quân phải thực hiện toàn diện các mặt công tác. Trong đó, hoạt động công tác đảng, công tác chính trị có vai trò quan trọng, góp phần xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh vững vàng, ý chí quyết tâm cao, tinh thần chiến đấu kiên cường, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. 

Trong tác chiến nói chung, tác chiến lục quân nói riêng, Phòng không Lục quân là lực lượng chủ yếu đánh địch trên không bảo vệ đội hình binh chủng hợp thành và các mục tiêu trọng yếu trong khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố. Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), đối tượng chiến đấu của lực lượng này là các loại phương tiện trên không hiện đại của địch, có sức cơ động nhanh, vũ khí công nghệ cao, hỏa lực mạnh, sức sát thương lớn, tác chiến điện tử, tác chiến không gian mạng rộng rãi; trong đó, máy bay không người lái ngày càng được sử dụng phổ biến và đã, đang là đối tượng tác chiến đặc biệt nguy hiểm trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, cùng với làm tốt công tác tổ chức, chuẩn bị và thực hành chiến đấu,… lực lượng Phòng không Lục quân phải tiến hành đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị, giữ vững và phát huy nhân tố chính trị tinh thần, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, tiêu diệt nhiều máy bay không người lái, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tác chiến. Qua nghiên cứu và từ kinh nghiệm thực tiễn trong các cuộc kháng chiến vừa qua của dân tộc, bài viết đề xuất một số nội dung, giải pháp công tác đảng, công tác chính trị chủ yếu sau.

Một là, xác định đúng, trúng chủ trương, biện pháp lãnh đạo, kế hoạch chiến đấu; xây dựng cho bộ đội quyết tâm dám đánh, biết đánh, quyết đánh và quyết thắng. Đặc điểm cơ bản của tác chiến đường không bằng máy bay không người lái của địch là diễn biến mau lẹ, khó lường, không giới tuyến, không bị hạn chế về không gian, thời gian, mức độ thiệt hại lớn nên ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng bộ đội. Vì vậy, cấp ủy đảng các đơn vị Phòng không Lục quân cần quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên về nhiệm vụ tác chiến; nhận định, đánh giá làm rõ tình hình có liên quan; xây dựng chủ trương, biện pháp lãnh đạo sát đúng trong tác chiến với máy bay không người lái. Đây là vấn đề rất quan trọng, làm cơ sở để chỉ huy các cấp xác định tư tưởng chỉ đạo, ý định chiến đấu, tổ chức, sử dụng và bố trí lực lượng phù hợp với khả năng, sở trường của từng đơn vị, lực lượng.

Cùng với đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần tập trung giáo dục cho bộ đội hiểu rõ đối tượng chiến đấu, âm mưu, thủ đoạn, đánh giá, dự báo đúng khả năng tác chiến đường không của địch, nhất là thế mạnh, điểm yếu của các loại máy bay không người lái để không bị động, bất ngờ. Chú trọng làm rõ những thuận lợi, khó khăn trong tác chiến để bộ đội không chủ quan, khinh địch; đồng thời, khắc phục tư tưởng tự ti, quá đề cao mức độ hiện đại của các loại máy bay không người lái của địch. Tích cực tuyên truyền, giáo dục hun đúc tinh thần yêu nước trong mỗi cán bộ, chiến sĩ để họ hiểu rõ truyền thống bất khuất của dân tộc ta, truyền thống anh hùng của Quân đội, bộ đội Phòng không Lục quân; gắn yêu nước với yêu chủ nghĩa xã hội; khơi dậy lòng căm thù giặc, sẵn sàng chấp nhận hy sinh, gian khổ, dám đối mặt với các loại vũ khí, phương tiện hiện đại, kiên quyết “nhằm thẳng quân thù mà bắn”, quyết tâm “vạch nhiễu tìm thù”, bình tĩnh tiêu diệt máy bay không người lái trong các trận chiến đấu. Bên cạnh đó, cần làm cho bộ đội hiểu đúng về mối quan hệ giữa yếu tố con người với vũ khí, trang bị, trong đó yếu tố con người giữ vai trò quyết định, vũ khí trang bị giữ vai trò quan trọng; máy bay không người lái dù có hiện đại đến đâu cũng vẫn có những hạn chế mà ta có thể khai thác, tiêu diệt được chúng, từ đó không ngừng củng cố niềm tin của cán bộ, chiến sĩ vào con người, vũ khí, trang bị hiện có và nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Hai là, chủ động kiện toàn tổ chức, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, phát huy vai trò của chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy trong tác chiến. Đây là giải pháp rất quan trọng, nguyên tắc chỉ đạo xuyên suốt, có tính quyết định tới thắng lợi trong đánh máy bay không người lái của địch. Vì vậy, cấp ủy, chỉ huy đơn vị Phòng không Lục quân cần kiện toàn tổ chức, biên chế, nhất là tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy; chú trọng lựa chọn cán bộ chủ trì có đủ năng lực, kinh nghiệm thực tiễn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chiến đấu; ưu tiên các đơn vị trinh sát, phát hiện và trực tiếp làm nhiệm vụ đánh máy bay không người lái. Muốn vậy, cơ quan chính trị thường xuyên nắm chắc nhiệm vụ, chất lượng đội ngũ cán bộ để sắp xếp phù hợp với cơ chế hoạt động của các tổ chức theo phương châm “tinh, gọn, hiệu lực”, giảm bớt các tầng, nấc trung gian, bảo đảm chỉ huy tập trung, thống nhất, nhanh chóng, chính xác, phát huy tính năng động sáng tạo của từng đơn vị, cá nhân. Đồng thời, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng trong xây dựng và thực hiện cách đánh máy bay không người lái của địch. Thực hiện phân cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo các lực lượng chiến đấu; phân công cấp ủy viên phụ trách từng hướng, khu vực, theo dõi, bám nắm bộ đội trong suốt quá trình chiến đấu. Thường xuyên rà soát lại số lượng, chất lượng đảng viên, chất lượng lãnh đạo,… kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho các tổ chức đảng, ưu tiên cho các đơn vị phía trước, đơn vị làm nhiệm vụ trên hướng chủ yếu, khu vực khó khăn, v.v.

Để giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phải thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, đi đôi với phân công cá nhân phụ trách. Trong các tình huống chiến đấu khẩn trương, không có điều kiện họp cấp ủy (thường vụ), người chỉ huy phải thống nhất trao đổi với chính ủy (chính trị viên) quyết định các vấn đề kịp thời chỉ huy đơn vị đánh địch; sau đó phải báo cáo với cấp ủy. Thường xuyên đổi mới phương pháp lãnh đạo theo hướng bám sát tình hình, nhiệm vụ, phù hợp thực tiễn chiến đấu, địa bàn để thực hiện thắng lợi cách đánh. Đặc biệt, trong những tình huống ác liệt, trực tiếp đương đầu với các loại máy bay không người lái của địch, cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì, chính ủy, chính trị viên các cấp cần phát huy vai trò tiền phong gương mẫu trong tác chiến, làm tấm gương sáng để bộ đội hăng hái chiến đấu, vượt qua mọi khó khăn thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Ba là, bám sát thực tiễn, xử lý kịp thời diễn biến tư tưởng, giữ vững quyết tâm chiến đấu cho bộ đội, kiên quyết bắn rơi nhiều máy bay không người lái, bảo vệ an toàn các mục tiêu được giao. Do tính chất của cuộc chiến tranh địch sử dụng vũ khí công nghệ cao sẽ gây tổn thất lớn về người, cơ sở vật chất và vũ khí trang bị của ta; quá trình tác chiến với máy bay không người lái của địch sẽ diễn ra nhiều tình huống cam go, phức tạp có thể gây đột biến trận chiến đấu. Vì vậy, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị Phòng không Lục quân phải thường xuyên bám sát đơn vị, tình hình, kết quả chiến đấu, nhất là nắm chắc tư tưởng bộ đội, kịp thời động viên, khích lệ tinh thần chiến đấu quả cảm của tập thể, cá nhân; đồng thời, kiên quyết phê bình, kiểm điểm những cá nhân, tập thể ngại khó khăn, gian khổ, hoàn thành nhiệm vụ hạn chế. Để thực hiện được điều đó, cấp ủy viên được phân công phụ trách các hướng thường xuyên báo cáo tình hình chiến đấu, nhất là diễn biến tư tưởng của bộ đội với cấp ủy, chính ủy, chính trị viên để điều chỉnh chủ trương, biện pháp lãnh đạo, thống nhất, điều chỉnh phương án đánh địch với người chỉ huy; kịp thời động viên bộ đội giữ vững quyết tâm đánh máy bay không người lái của địch. Cùng với đó, thường xuyên cập nhật mức độ thiệt hại mà các loại máy bay không người lái gây ra cho đồng bào ta trên các khu vực tác chiến; kịp thời đưa tin chiến thắng, những bài học kinh nghiệm trong tác chiến để xây dựng cho bộ đội động cơ tiếp tục chiến đấu. Bên cạnh đó, chủ động nắm địch, tập trung đấu tranh đánh bại mọi thủ đoạn chiến tranh tâm lý của địch, giữ vững tinh thần chiến đấu cho bộ đội. Đối với nội bộ đơn vị, phải kịp thời phát hiện những biểu hiện dao động tư tưởng, sợ gian khổ hy sinh; khắc phục những khuynh hướng giản đơn, nóng vội, lơ là, mất cảnh giác, bị động, dẫn đến các cú sốc tâm lý trước những tổn thất do địch gây ra. Kịp thời động viên, cổ vũ chiến thắng, phổ biến kinh nghiệm, khen thưởng tập thể, cá nhân chiến đấu hiệu quả; huy động cao nhất sức mạnh của đơn vị, tập trung tiêu diệt máy bay không người lái của địch, bảo vệ an toàn mục tiêu được giao, hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu.

Bốn là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác bảo vệ an ninh chính trị, công tác dân vận và chính sách hậu phương Quân đội. Trong quá trình tác chiến, địch tìm mọi cách để chống phá ta trên tất cả các mặt, nhằm chia rẽ nội bộ, từng bước làm suy yếu động cơ chiến đấu lực lượng Phòng không Lục quân. Chúng có thể cài cắm lực lượng nằm vùng để nắm, phá hoại từ bên trong; tổ chức trinh sát, phát hiện các mục tiêu đánh phá. Vì vậy, cấp ủy, chỉ huy các cấp phải làm tốt công tác bảo vệ an ninh, chính trị nội bộ, nhất là các vị trí trọng yếu, thực hiện các biện pháp chống chiến tranh tâm lý. Chủ động hiệp đồng với cấp ủy, chính quyền địa phương khu vực chiến đấu làm trong sạch địa bàn, kịp thời phát hiện lực lượng cài cắm, bọn chỉ điểm, gián điệp nằm vùng, ngụy trang các mục tiêu bảo vệ tránh địch trinh sát, phát hiện. Trong mỗi trận chiến đấu phòng không sẽ khó tránh khỏi những tổn thất về con người, vũ khí, trang bị; vì vậy, phải có kế hoạch dự kiến tổ chức khắc phục hậu quả do địch gây ra. Khi xây dựng kế hoạch phải quán triệt phương châm “kết hợp lực lượng tại chỗ và lực lượng cơ động, phân công trách nhiệm rõ ràng”. Chỉ đạo các đơn vị chiến đấu Phòng không Lục quân có kế hoạch hiệp đồng với khu vực phòng thủ thực hiện tốt chính sách thương binh, tử sĩ, nhất là trong chăm sóc, cứu chữa, thăm hỏi động viên thương binh, mai táng tử sĩ và tổ chức vận chuyển thương binh nặng về nơi quy định ở tuyến sau. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa chính trị, xã hội to lớn, tác động trực tiếp đến tinh thần, tư tưởng, sức chiến đấu của bộ đội, nhất là tình cảm gia đình, hậu phương của cán bộ, chiến sĩ cả trước mắt và lâu dài; đó còn là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi cán bộ, chiến sĩ Phòng không Lục quân đối với đồng đội, đồng bào bị địch sát hại trong tác chiến. Để phát huy sức mạnh tổng hợp trong tác chiến, lực lượng Phòng không Lục quân cần hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng trong khu vực phòng thủ; làm tốt công tác dân vận để huy động tối đa khả năng, nguồn lực tại chỗ trong bảo đảm, phục vụ tác chiến, như: vận tải đạn, cứu chữa thương binh, làm công tác tử sĩ, v.v.

Các nội dung, giải pháp trên mới là nghiên cứu bước đầu, cần tiếp tục được nghiên cứu làm sâu sắc thêm, sát với tình hình thực tiễn, vận dụng hiệu quả vào quá trình tiến hành công tác đảng, công tác chính trị của bộ đội Phòng không Lục quân trong tác chiến, tiêu diệt nhiều máy bay không người lái của đối phương.

Đại tá, TS. NGUYỄN CÔNG TUỆ, Chủ nhiệm Khoa Quân chủng, Học viện Chính trị

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.