Thứ Tư, 27/11/2024, 12:42 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Thực hiện chủ trương của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng về xây dựng Binh chủng Thông tin liên lạc tiến thẳng lên hiện đại, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh chủng đã đề ra “Chiến lược phát triển hệ thống thông tin quân sự giai đoạn 2011 - 2020”; trong đó, Lực lượng thông tin cơ động tinh nhuệ là một thành phần được nghiên cứu xây dựng, phát triển theo hướng hiện đại hóa.
Là bộ phận quan trọng của Binh chủng Thông tin liên lạc (TTLL), Lực lượng thông tin cơ động tinh nhuệ (TTCĐTN) có nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với các lực lượng thông tin tại chỗ (cố định) quân sự, dân sự,... bảo đảm TTLL kịp thời, vững chắc, an toàn cho lãnh đạo, chỉ huy, nhất là cấp chiến dịch, chiến lược xử trí kịp thời các tình huống khẩn cấp cả trong thời bình (phòng, chống thiên tai; tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn; chống bạo loạn lật đổ, khủng bố,…) và thời chiến. Đặc biệt trong điều kiện tác chiến hiện đại, trước sự chống phá quyết liệt của đối phương bằng các thủ đoạn cả chế áp cứng (hỏa lực) và chế áp mềm (tác chiến điện tử),… Lực lượng TTCĐTN vẫn phải hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm TTLL. Điều đó đòi hỏi Lực lượng này phải không ngừng phát triển, hoàn thiện cả về tổ chức biên chế, nguồn nhân lực chất lượng cao, trang bị khí tài,... để vận dụng linh hoạt, hiệu quả vào quá trình hiện đại hóa. Với sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật và công nghệ đã cho ra đời những phương tiện thông tin hiện đại. Điều đó, tác động sâu sắc đến lĩnh vực thông tin quân sự, tạo ra cơ hội để thông tin quân sự tiếp cận, phát triển. Vì vậy, hiện đại hóa Lực lượng TTCĐTN là yêu cầu cấp thiết nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của Quân đội ta, nhưng cũng đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức. Dưới đây, xin nêu một số ý kiến trao đổi về vấn đề này.
Trước hết, việc hiện đại hóa Lực lượng TTCĐTN phải trên nền tảng mô hình tổ chức, biên chế khoa học, hiện đại. Đây là vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng làm cơ sở để triển khai xây dựng các thành phần, yếu tố khác của Lực lượng TTCĐTN, như: con người, phương tiện, trang bị khí tài thông tin hiện đại,... Do ngân sách quốc phòng của nước ta còn hạn chế, không cho phép Lực lượng TTCĐTN xây dựng với cơ cấu lớn, dàn trải, mà cần xác định mô hình tổ chức lực lượng theo hướng “gọn, nhẹ, linh hoạt” để có điều kiện tập trung mọi nguồn lực vào đầu tư, phát triển Lực lượng này trở thành lực lượng thực sự “tinh nhuệ”. Tuy nhiên, cơ cấu tổ chức, biên chế nhỏ, gọn không đồng nghĩa với việc khả năng bảo đảm TTLL giảm đi, mà thực chất là nâng cao một bước năng lực của yếu tố con người và phương tiện, trang bị khí tài thông tin. Trên cơ sở nghiên cứu chức năng, nhiệm vụ, thực trạng công tác bảo đảm TTLL của Lực lượng thông tin cơ động và sự phát triển của hệ thống thông tin quân sự, dân sự hiện nay; đặc điểm biến đổi khí tượng thủy văn, quy luật thiên tai, lũ lụt; địa hình, dân cư của các vùng (miền); tình hình an ninh - chính trị, nhất là việc tổ chức, bố trí lực lượng vũ trang, thiết bị chiến trường theo các phương án tác chiến chiến lược, chiến dịch đã được xác định từ thời bình,… là căn cứ để chúng ta có thể tổ chức Lực lượng TTCĐTN theo ba mô hình cơ bản: tập trung, phân tán và kết hợp giữa tập trung với phân tán. Đối với Lực lượng TTCĐTN cấp chiến lược, nên tổ chức theo mô hình tập trung. Tức là, trên cơ sở Tiểu đoàn thông tin cơ động hỗn hợp tách ra thành các phân đội thông tin cơ động riêng theo quy mô cấp đại đội, có tổ chức, biên chế đầy đủ, trang bị khí tài thông tin đồng bộ, chính quy theo một mẫu biểu thống nhất ngay từ đầu. Các phân đội này sẽ được tổ chức huấn luyện, luyện tập, diễn tập theo kế hoạch để nâng cao năng lực toàn diện cho Lực lượng TTCĐTN trong khai thác phương tiện, trang bị thông tin phục vụ các nhiệm vụ. Do đặc điểm, yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm TTLL các khu vực (Bắc, Trung, Nam) của nước ta khác nhau nên các lữ đoàn thông tin cấp chiến lược có thể nghiên cứu tổ chức 01 đến 02 phân đội TTCĐTN với quy mô cấp đại đội theo mô hình tập trung để thuận tiện trong cơ động, triển khai lực lượng bảo đảm TTLL cho lãnh đạo, chỉ huy xử trí các tình huống. Đối với Lực lượng TTCĐTN cấp chiến dịch, trước mắt, có thể vận dụng tổ chức theo mô hình phân tán hoặc tập trung kết hợp với phân tán. Trong đó, mô hình phân tán có nghĩa là tổ chức Lực lượng TTCĐTN thành các bộ phận nhỏ, có trình độ chuyên môn cao nằm trong các phân đội thông tin cơ động, nhưng chỉ được tổ chức, biên chế lâm thời; có kế hoạch phân công nhiệm vụ cụ thể, hiệp đồng chặt chẽ và cũng được tổ chức huấn luyện, hợp luyện theo phương án bảo đảm TTLL cho các tình huống đột xuất. Khi có tình huống xảy ra, các bộ phận này sẽ được tổ chức lại thành phân đội thông tin cơ động hỗn hợp để thực hiện nhiệm vụ. Mô hình tập trung kết hợp với phân tán là mô hình tổ chức Lực lượng TTCĐTN thành một số phân đội thông tin cơ động cơ bản, còn một số bộ phận nhỏ có trình độ chuyên môn cao sẽ nằm trong đội hình Lực lượng TTCĐTN và được tổ chức huấn luyện, hợp luyện, diễn tập tập trung, thống nhất theo các phương án. Khi có tình huống xảy ra, các bộ phận nhỏ này sẽ được tập trung về phân đội thông tin cơ động để thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, về lâu dài, để nâng cao hiệu quả bảo đảm TTLL cho cấp chiến dịch, cần có kế hoạch tổ chức Lực lượng TTCĐTN theo mô hình tập trung với quy mô đại đội ở cấp quân khu, trung đội ở cấp quân đoàn, nhằm ổn định tổ chức, làm cơ sở để biên chế con người và trang bị khí tài thông tin.
Hai là, phát triển nguồn nhân lực TTCĐTN có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Con người và phương tiện, trang bị khí tài thông tin là hai yếu tố tạo nên sức mạnh của Lực lượng TTCĐTN; trong đó, con người là yếu tố trung tâm quyết định đến quá trình hiện đại hóa. Bởi lẽ, phương tiện, trang bị khí tài thông tin có hiện đại bao nhiêu cũng do con người làm chủ, nếu con người không có đủ trình độ, năng lực để khai thác, sử dụng thì hiệu quả của những phương tiện, trang bị đó sẽ bị hạn chế, thậm chí kết quả sai lệch. Do vậy, để bảo đảm cho Lực lượng TTCĐTN hoàn thành tốt nhiệm vụ, trước hết, chúng ta cần lựa chọn, giáo dục, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật,… có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành tuyệt đối với Đảng, Quân đội, Nhân dân; có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Việc bảo đảm TTLL cho lãnh đạo, chỉ huy là vô cùng quan trọng, không cho phép lộ, lọt thông tin hoặc gián đoạn chỉ huy, hiệp đồng nên chúng ta phải thường xuyên quán triệt, giáo dục cho Lực lượng TTCĐTN nâng cao ý thức, trách nhiệm trong giữ bí mật thông tin và tinh thần khắc phục khó khăn trong thời bình cũng như thời chiến để vươn lên hoàn thành nhiệm vụ. Hiện nay, TTLL là một trong những lực lượng được Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng xác định tiến thẳng lên hiện đại. Theo đó, Binh chủng đang tích cực ứng dụng những thành tựu của khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại vào lĩnh vực thông tin quân sự. Vì vậy, đòi hỏi Lực lượng TTCĐTN phải có trình độ kiến thức nhất định để chiếm lĩnh tri thức khoa học, sử dụng, khai thác hiệu quả các loại phương tiện, trang bị khí tài thông tin hiện đại trong quá trình bảo đảm TTLL cho các nhiệm vụ. Muốn làm được điều đó, trước hết, chúng ta cần đẩy mạnh công tác đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ các cấp; thường xuyên huấn luyện, bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt, nhất là cập nhật những kiến thức mới để họ thích ứng với sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật và công nghệ. Đối với đội ngũ cán bộ (sĩ quan), cần tập trung huấn luyện những kiến thức cơ bản chuyên ngành, phương pháp tư duy khoa học và phương pháp chỉ huy, điều hành các bộ phận thuộc quyền triển khai phối hợp, liên kết với các hệ thống thông tin khác để thiết lập mạng thông tin rộng khắp, đa dạng, vững chắc bảo đảm cho lãnh đạo, chỉ huy xử trí các tình huống. Đối với đội ngũ quân nhân chuyên nghiệp, cần huấn luyện cơ bản, chuyên sâu để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ theo hướng: chuyên nghiệp, chuyên biệt, giỏi tác chiến không chỉ bằng các phương tiện, trang bị khí tài thông tin hiện đại trên đất liền, trên biển, trên không mà bằng cả các loại vũ khí, trang bị đồng bộ khác được biên chế. Thành thạo các phương pháp tổ chức, bảo đảm TTLL bằng phương tiện thông tin trên xe trong các tình huống khẩn cấp, nhất là khả năng triển khai, khai thác, thu hồi, di chuyển, kết nối giữa các xe và giữa các loại phương tiện thông tin với nhau.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu xây dựng kế hoạch, tổ chức diễn tập chặt chẽ, an toàn và chú trọng rèn luyện nâng cao sức bền chịu đựng cho bộ đội TTCĐTN để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Ba là, tăng cường đầu tư hiện đại hóa phương tiện, trang bị khí tài TTLL. Đây là bước quan trọng không thể thiếu trong lộ trình hiện đại hóa Lực lượng TTCĐTN. Để thuận tiện cho cơ động bảo đảm TTLL kịp thời, hiệu quả, Lực lượng TTCĐTN cần được trang bị các loại xe và phương tiện, khí tài thông tin hiện đại tương ứng với sự phát triển của hệ thống viễn thông quốc gia và quốc tế. Về xe thông tin, cần đầu tư mua sắm trang bị theo hướng: giảm số lượng đầu xe, nâng cao khả năng tích hợp nhiều phương tiện thông tin hiện đại trên một xe tạo thành xe thông tin đa năng. Với loại xe này, Lực lượng TTCĐTN có thể thực hiện nhiều chức năng cùng một lúc và triển khai bảo đảm TTLL trong mọi điều kiện môi trường hoạt động, mọi địa hình, thời tiết. Tuy nhiên, muốn giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài; đồng thời, nâng cao khả năng tự bảo đảm các phương tiện TTLL, tự khắc phục các sự cố kỹ thuật, nhất là sự cố sa lầy,… Lực lượng TTCĐTN phải kết hợp chặt chẽ với các lực lượng: Viettel, Công binh,… để nghiên cứu, sản xuất từng bước thay thế các phương tiện thông tin trên xe cho phù hợp với điều kiện hoạt động và đặc điểm từng địa bàn. Về xe chuyên chở, phải thiết kế gọn, nhẹ, có tính cơ động cao và thích ứng với nhiều loại địa hình: rừng núi, đồng bằng, sông nước. Ngoài ra, trong những tình huống khẩn cấp, việc cơ động bằng đường bộ, đường thủy khó khăn, có thể nghiên cứu phương án vận chuyển người và các thiết bị thông tin bằng phương tiện đường không. Về phương tiện, trang bị khí tài thông tin trên xe, phải gọn, nhẹ, bền, chắc về cơ khí, đáp ứng yêu cầu: chịu được rung, xóc, giảm tối đa các tác động của môi trường bên ngoài và nâng cao khả năng phòng, chống tác chiến điện tử của đối phương. Phần cứng, cần được thiết kế theo kiểu mô-đun để có thể cơ động lắp ghép thêm hoặc tháo bớt một số bộ phận khi cần thiết. Về cấu trúc kỹ thuật, cần nhất thể hóa các trang bị thông tin để dễ sử dụng, sửa chữa, thay thế lẫn nhau và dễ tiếp hợp, đấu nối với các thiết bị khác nhằm thiết lập mạng TTLL nhanh chóng. Chú trọng đa dạng hóa các kênh thông tin để trong cùng một thời điểm có thể tác nghiệp được nhiều loại hình, như: thoại, báo, truyền số liệu, fax, truyền hình,... mà vẫn bảo đảm yêu cầu bí mật, độ tin cậy cao. Các phương tiện thông tin hiện đại trong tương lai, cần sử dụng vô tuyến số, vô tuyến thông minh, thiết bị tổng đài đa năng tích hợp cả tổng đài IP và tổng đài chuyển mạch kênh,... Ngoài những thiết bị được lắp cố định trên các xe, chúng ta cũng cần bố trí các thiết bị rời, như: VSAT1, vô tuyến điện mang xách,… để triển khai nhỏ, lẻ cơ động bảo đảm TTLL trong các tình huống mà xe thông tin không thể tiếp cận được.
Thực hiện tốt những vấn đề trên sẽ đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa Lực lượng TTCĐTN, tạo cơ sở vững chắc để lực lượng này bảo đảm TTLL thông suốt cho lãnh đạo, chỉ huy các cấp xử trí các tình huống khẩn cấp cả trong thời bình và thời chiến theo đúng phương châm “kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn”.
Đại tá, TS. NGUYỄN HOÀNG TUYẾN, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Thông tin ____________
1 - Thiết bị vệ tinh.
Thông tin tinh nhuệ
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 18/11/2024
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 11/11/2024
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 30/10/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” 28/10/2024
Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 21/10/2024
Về nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập chiến thuật tác chiến không gian mạng trong tình hình mới 14/10/2024
Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ các nhà trường Quân đội hiện nay 23/09/2024
Một số vấn đề về mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu 16/09/2024
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh 09/09/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5 26/08/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc