Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Hai, 15/10/2012, 02:48 (GMT+7)
Bàn về giải pháp chống các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo ở vùng Tây Bắc

Lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá cách mạng nước ta là thủ đoạn hết sức thâm độc trong chiến lược Diễn biến hoà bình của các thế lực thù địch; đặc biệt là ở vùng Tây Bắc. Do đó, nghiên cứu giải pháp đấu tranh chống lại thủ đoạn này có ý nghĩa quan trọng, thiết thực.


Hội nghị công tác tôn giáo vùng Tây Bắc (Nguồn: chinhphu.vn)

Tây Bắc là địa bàn chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các dân tộc trên địa bàn có truyền thống đoàn kết, gắn bó lâu đời. Mỗi dân tộc đều có ngôn ngữ và bản sắc văn hóa riêng, tạo nên nền văn hóa vùng Tây Bắc đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc. Vùng Tây Bắc có 34 dân tộc với 3 tôn giáo chính đang hoạt động là: Phật giáo, Công giáo và đạo Tin lành. Bên cạnh đó, còn xuất hiện nhiều loại tà đạo, như: Thanh hải vô thượng sư, Long hoa di lặc, Tiên rồng... Đạo Phật có khoảng 125.000 phật tử; Công giáo có gần 300.000 tín đồ và Tin lành khoảng 138.000 người theo. Đồng bào Công giáo có mặt ở Tây Bắc rất sớm. Trong hơn hai thập kỷ trở lại đây, số lượng đồng bào Công giáo và Tin lành tăng nhanh. Đạo Tin lành xuất hiện thông qua hệ thống truyền bá từ nước ngoài vào và từ miền xuôi lên; trong đó, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Sơn La là những tỉnh có đông đồng bào theo đạo này. Theo Ban Chỉ đạo Tây Bắc, hiện có 805 thôn (bản), 242 xã, 42 huyện có đồng bào theo đạo Tin lành; trong đó, người Mông chiếm khoảng 96%.

Nhìn chung, các tôn giáo hoạt động đúng pháp luật, thực hiện phương châm “tốt đời, đẹp đạo”, “kính chúa, yêu nước”, hướng thiện... Tín đồ và chức sắc các tôn giáo chấp hành nghiêm pháp luật, đóng góp tích cực vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Tuy nhiên, lợi dụng chính sách dân tộc, tự do tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta, các thế lực thù địch trong và ngoài nước đẩy mạnh tuyên truyền, kích động gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc hòng tập hợp lực lượng phá hoại cuộc sống bình yên của nhân dân.

Âm mưu của các thế lực thù địch là chia rẽ, lôi kéo các tôn giáo vào hoạt động gây mất ổn định chính trị, từng bước xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền, tiến tới chuyển hoá chế độ. Thủ đoạn hoạt động của chúng là lợi dụng địa hình vùng sâu, vùng xa, đời sống kinh tế của đồng bào còn khó khăn, trình độ dân trí thấp để truyền đạo trái pháp luật; tung tin thất thiệt, xuyên tạc chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta; vu cáo chính quyền các cấp phân biệt đối xử với đồng bào dân tộc thiểu số... Mặt khác, chúng lợi dụng sự thoái hoá, biến chất của một số cán bộ, đảng viên, những hạn chế trong hệ thống chính trị ở một số cơ sở để kích động, chia rẽ, làm cho nhân dân mất niềm tin vào Đảng và Nhà nước.

Thực tế cho thấy, nhận thức của đồng bào các dân tộc ở Tây Bắc về âm mưu, thủ đoạn trong chiến lược “Diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch còn chưa đầy đủ; trong đó, có cả một số cán bộ, đảng viên. Vì thế, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để đồng bào các dân tộc (ở vùng Tây Bắc) hiểu biết rõ về âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch là vấn đề quan trọng hiện nay. Bên cạnh đó, cấp uỷ, chính quyền các cấp cần tiếp tục quán triệt Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 12-3-2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Về công tác tôn giáo”, Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo và Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Về một số công tác đối với đạo Tin lành” cho cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trên địa bàn. Qua đó, làm cho mỗi người thấy rõ quan điểm nhất quán của Đảng ta là các dân tộc trên đất nước Việt Nam bình đẳng, cùng phát triển toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội...; trong đó, ưu tiên đầu tư phát triển đối với các địa phương ở miền núi. Nhà nước ta bảo hộ các tổ chức tôn giáo hoạt động đúng pháp luật, phù hợp với đạo đức, văn hoá và thuần phong mỹ tục của dân tộc. Đồng thời, Nhà nước ta khẳng định các tôn giáo (dù nội sinh hay ngoại nhập) đều phải chịu sự quản lý của chính quyền các cấp; mọi hoạt động lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo đi ngược lại lợi ích của đất nước, gây phương hại đến quốc phòng - an ninh (QP-AN) đều bị lên án, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh theo pháp luật.

Những năm gần đây, bọn phản động ở nước ngoài đã tăng cường hoạt động móc nối với những phần tử xấu trên địa bàn để xây dựng cơ sở, tập hợp lực lượng chống phá. Trong vụ tụ tập đông người tại bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé (Điện Biên), chúng sử dụng chiêu bài “người Mông” và đội lốt các hoạt động tôn giáo, dân tộc để kích động, lôi kéo người Mông từ các tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Thanh Hoá, Đắc Nông, Đắc Lắk... về thành lập cái gọi là “Nhà nước Mông”, "Vương quốc Mông tự trị". Thủ đoạn hoạt động của chúng rất tinh vi, xảo quyệt, như: kích động tư tưởng ly khai, tự trị, hướng tư tưởng của đồng bào Mông đi tìm Tổ quốc riêng cho mình; chỉ đạo một số đối tượng trong đạo Tin lành ở các địa bàn tuyển chọn thanh niên người Mông gửi ra nước ngoài huấn luyện quân sự, xây dựng nguồn cán bộ lâu dài cho “Nhà nước Mông”...

Đáng chú ý là, một số phần tử xấu lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để quan hệ với các cá nhân, tổ chức tôn giáo ở nước ngoài; một số cơ quan thông tấn, báo chí nước ngoài đã đưa tin, phản ánh sai lệch, không đúng với thực tế tình hình tôn giáo ở Tây Bắc. Chúng gắn vấn đề dân chủ, nhân quyền với cái gọi là “tự do tôn giáo” để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xúi giục các phần tử xấu trong các tôn giáo kích động gây rối... Trong khi đó, một số người nhẹ dạ cả tin bị kẻ xấu lôi kéo, kích động, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Thực tế đó cho thấy, để đấu tranh chống các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo ở vùng Tây Bắc đạt hiệu quả cao, hệ thống chính trị các cấp và lực lượng vũ trang (LLVT) phải chủ động phát hiện sớm và kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại của chúng. Trước hết, LLVT và hệ thống chính trị cơ sở cần nắm chắc tình hình, nhạy bén trước âm mưu, thủ đoạn của bọn phản động qua những động thái, như: tụ tập đông người, lén lút truyền đạo, kích động, gây rối để kịp thời tổ chức đấu tranh bằng các biện pháp phù hợp; trong đó, cần phân hoá rõ kẻ chủ mưu và bộ phận nhân dân bị lôi kéo. Đối với bọn phản động, chủ mưu cố tình chống phá cách mạng, phải cô lập, kiên quyết tiến công, xử lý thích đáng. Đối với đồng bào bị lôi kéo, kích động, cần lấy tuyên truyền, thuyết phục là chính, vừa kiên quyết, vừa mềm dẻo, khôn khéo, linh hoạt để đồng bào nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, chức sắc, chức việc các tổ chức tôn giáo, tạo thành sức mạnh tổng hợp để đấu tranh, cảm hoá, tránh chủ quan, áp đặt khi chưa có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Trong quá trình xử lý các tình huống, cần kết hợp vừa đấu tranh, vừa hướng dẫn hoạt động của các tôn giáo tuân thủ đúng pháp luật. Phương pháp tuyên truyền, giáo dục phải thiết thực, cụ thể, kiên trì và phù hợp với trình độ dân trí của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Bắc.

Khi có tình huống về an ninh, trật tự, cấp uỷ, chính quyền địa phương thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức lực lượng điều hành hoạt động theo cơ chế “Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành, các cơ quan ban, ngành làm tham mư­u theo chức năng...”. Các lực lượng: Quân đội, Công an, Bộ đội Biên phòng, dân quân, tự vệ phối hợp chặt chẽ theo tinh thần Nghị định số 77/2010/NĐ-CP của Chính phủ để phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý nhanh, gọn, kịp thời các tình huống xảy ra trên địa bàn. Chủ động thực hiện từ việc nắm tình hình (trong nước và ngoài nước) đến xử lý tình hình cụ thể; trong đó, chú trọng công tác đối ngoại biên phòng, xây dựng mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết với chính quyền địa phương và nhân dân bên kia biên giới để cùng nhau phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vấn đề nảy sinh. Kết hợp đấu tranh chống các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo với giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia. Khi tình huống xảy ra, phải chủ động xác định các điểm chốt chặn, đường cơ động, điều động lực lượng đối phó; coi trọng biện pháp phối hợp với đồng bào các dân tộc, tôn giáo để giải quyết ngay từ cơ sở, không để lan rộng, kéo dài, mắc mưu tạo cớ của các thế lực thù địch. Mặt khác, LLVT phải xây dựng và thường xuyên luyện tập các phương án, kế hoạch bảo vệ mục tiêu trọng yếu về chính trị, kinh tế và quân sự; tham gia giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội theo chức năng, nhiệm vụ đã xác định.

Để thực hiện tốt các nội dung trên, vấn đề quan trọng là phải tập trung xây dựng và phát huy vai trò của hệ thống chính trị cơ sở. Trước hết là, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ cơ sở; nhất là, đối với cán bộ là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Tổ chức đảng các cấp cần phát huy vai trò lãnh đạo công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho các tầng lớp nhân dân, đồng bào có đạo; tăng cường phát triển đảng viên là người có đạo; xoá tình trạng thôn (bản) “trắng” đảng viên. Chính quyền các cấp cần xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể về công tác tôn giáo; quản lý các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, phát hiện, ngăn chặn hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN. Cùng với đó, các địa phương cần đẩy mạnh công tác giáo dục QP-AN; trong đó, chú trọng bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho đối tượng là cán bộ, đảng viên ở cơ sở, chức sắc, chức việc các tôn giáo, già làng, trưởng bản và tuyên truyền, giáo dục QP-AN cho nhân dân bằng các hình thức, phương pháp phù hợp. Các tổ chức quần chúng, như: Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh tập trung xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tuyên truyền, vận động nhân dân các dân tộc tích cực tham gia các phong trào thi đua lao động sản xuất và xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Trong điều kiện đời sống của đồng bào các dân tộc ở vùng Tây Bắc còn nhiều khó khăn1, cần ưu tiên thực hiện mục tiêu quốc gia về “xoá đói giảm nghèo”; thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ “Về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo của cả nước”; tiếp tục đầu tư, thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, như: 134, 135, 327, phong trào xây dựng nông thôn mới... Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khai thác tối đa lợi thế của từng địa phương để tạo bước đột phá về kinh tế, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, sớm đưa Tây Bắc thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu. Công tác xây dựng đời sống văn hoá cần chú trọng bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hoá của các dân tộc trong quá trình phát triển; tăng cường giáo dục truyền thống yêu nước; đồng thời, tích cực đấu tranh chống sự xâm nhập của văn hoá độc hại, từng bước xoá bỏ hủ tục. Trong công tác tôn giáo, cần phát huy những giá trị đạo đức, văn hoá tốt đẹp của các tôn giáo, quan tâm nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần của đồng bào có đạo; hướng các hoạt động tôn giáo trở thành sinh hoạt văn hoá cộng đồng lành mạnh, giúp bà con tín đồ hiểu biết đúng về chính sách tôn giáo của Nhà nước ta; đồng thời, nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; qua đó, sẵn sàng tham gia đấu tranh vạch trần bộ mặt thật của bọn phản động đội lốt tôn giáo để phá hoại công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta.

MẠNH DŨNG

                  

1 - Hiện nay, vùng Tây Bắc có 43 huyện nghèo; thu nhập bình quân đầu người trong vùng bằng 1/2 thu nhập bình quân đầu người của cả nước.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.