Thứ Sáu, 22/11/2024, 17:42 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, các thế lực hiếu chiến bên ngoài đã nhiều lần tiến công xâm lược nước ta từ hướng biển, điển hình ở thế kỷ XX có hai cuộc chiến tranh do Pháp và Mỹ tiến hành đều xuất phát từ hướng này. Vì thế, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), hướng biển dự kiến vẫn là một trong các hướng tiến công quan trọng, thậm chí là hướng tiến công chủ yếu của địch. Trên cơ sở đó, nghiên cứu đánh địch đổ bộ đường biển dưới bất kỳ hình thức nào cũng đều có giá trị rất quan trọng, nhất là giá trị thực tiễn. Bài viết này xin trao đổi một vài yếu tố cơ bản hình thành chiến dịch đánh địch đổ bộ đường biển - loại hình chiến dịch mới.
1. Đối tượng tác chiến
Là lực lượng tiến công từ biển lên bờ, đánh chiếm khu vực địa bàn ven biển để triển khai lực lượng, làm bàn đạp tiến công các mục tiêu nằm sâu trong nội địa. Lực lượng đổ bộ chủ yếu là liên binh đoàn tác chiến liên hợp, gồm: các lữ đoàn thuộc sư đoàn hải quân đánh bộ; bộ binh, bộ binh cơ giới; lực lượng đổ bộ đường không; các phương tiện cơ động và đổ bộ; lực lượng chi viện hỏa lực và lực lượng bảo đảm, v.v. Các lực lượng này khi tiến công thường tổ chức quy mô chiến dịch đổ bộ đường biển. Hoạt động đổ bộ chủ yếu là cơ động lực lượng trên biển đến khu đổi tàu, sau đó đưa lực lượng xuống các phương tiện đổ bộ. Cùng với đó, tổ chức hỏa lực đánh dọn bãi, chi viện mạnh cho các phương tiện đổ bộ tiến vào bờ, tùy theo địa hình khu vực đổ bộ, địch có thể kết hợp đồng thời cả bộ binh, xe tăng lên bờ với đổ bộ đường không đánh chiếm khu vực đổ bộ và phát triển tiến công. Trong điều kiện hiện nay, khi các phương tiện đổ bộ phát triển mạnh, nhất là sử dụng tàu đệm khí, xuồng cao tốc và các phương tiện đa năng vừa có thể hoạt động dưới nước, vừa có thể hoạt động trên bờ thì khu vực đổi tàu sẽ xa hơn, tốc độ cơ động cao hơn, linh hoạt hơn, quân đổ bộ được các phương tiện này đưa thẳng lên bờ, tạo bất ngờ lớn cho đối phương. Như vậy, xét về đối tượng tác chiến đánh địch đổ bộ đường biển có đặc điểm riêng, do đó có thể lựa chọn lực lượng đổ bộ đường biển của địch ở các trọng điểm làm đối tượng tác chiến chiến dịch.
2. Mục đích, nhiệm vụ và địa bàn tác chiến
Đánh địch đổ bộ đường biển nhằm ngăn chặn, sát thương, tiêu hao lớn lực lượng, phương tiện, đồng thời tiêu diệt một bộ phận quan trọng của chúng, như: lực lượng đang cơ động trên biển, lực lượng đổ bộ bám bờ, lực lượng đổ bộ lên bờ và lực lượng đổ bộ đường không. Trong khi đó, nhiệm vụ chính của ta cần phải tập trung tiêu diệt địch ở các trọng điểm, tiến tới đánh bại cuộc đổ bộ đường biển của địch. Xét về mục đích, nhiệm vụ tác chiến thì đây là mục đích, nhiệm vụ chính, phù hợp với tiến hành chiến dịch, nhất là ở các trọng điểm hơn là chỉ tiến hành các trận đánh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ chiến dịch, yêu cầu đặt ra là phải lựa chọn đúng địa bàn tác chiến mà địch có thể đổ bộ, triển khai lực lượng để tiến công đánh chiếm các mục tiêu nằm sâu trong nội địa. Đó phải là địa bàn ven biển, vùng biển phụ cận, khu vực chủ yếu từ vị trí đổi tàu của địch trở vào đến tuyến xuất phát, với đặc điểm là địa hình ven biển thường thấp, khá bằng phẳng, có nơi núi nhô ra sát mép biển. Trên biển, môi trường tác chiến đặc biệt, môi trường nước, tác chiến phụ thuộc lớn vào điều kiện khí hậu, thời tiết, hải văn, nhưng có thể tận dụng được lợi thế của địa hình để tiến hành tác chiến. Nhìn chung đây là địa bàn có tính đặc thù và là địa bàn có thể tiến hành tác chiến được ở quy mô chiến dịch.
3. Quy mô lực lượng và thế trận
Đánh địch đổ bộ đường biển, lực lượng của ta, gồm: binh chủng hợp thành của quân khu, Bộ; lực lượng vũ trang địa phương trong khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố ven biển, đảo; lực lượng hải quân, không quân; các binh chủng chiến đấu và bảo đảm chiến đấu; lực lượng trong thế trận chiến tranh nhân dân bờ - biển - đảo. Xét về lực lượng, có đủ điều kiện để tiến hành chiến dịch đánh địch đổ bộ đường biển ở các quy mô, trong đó quy mô nhỏ và vừa là chủ yếu. Quy mô nhỏ thường do các quân khu có biển tổ chức trong tác chiến phòng thủ quân khu, quy mô vừa do Bộ (chiến trường) tổ chức, trên hướng trọng điểm trong tác chiến phòng thủ chiến lược. Ở mỗi quy mô, lực lượng cần phải có thế trận tương ứng bảo đảm cho các lực lượng hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao. Theo đó, khi xây dựng thế trận tác chiến, cần phải dựa vào thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc, trực tiếp là thế trận tác chiến chiến lược, nhất là thế trận tác chiến phòng thủ chiến lược đã được chuẩn bị từ thời bình và được bổ sung, hoàn thiện khi có chiến tranh. Thế trận tác chiến của tác chiến phòng thủ quân khu (có biển), thế trận của các khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố ven biển. Thế trận tác chiến trên biển của Hải quân và của các lực lượng khác trên biển: Cảnh sát biển, Kiểm ngư, dân quân tự vệ biển, các ngành kinh tế biển, thế trận tác chiến phòng thủ các đảo, cụm đảo gần bờ. Các thành phần thế trận trên hình thành thế trận bờ - biển - đảo trong đánh địch đổ bộ đường biển và chuyển hóa linh hoạt để thực hiện các nhiệm vụ. Xét về yếu tố thế trận tác chiến đánh địch đổ bộ đường biển, tổng quát có đủ điều kiện để hình thành thế trận tác chiến chiến dịch.
4. Thời gian và không gian tác chiến
Trong chiến dịch đánh địch đổ bộ đường biển, thời gian tác chiến cơ bản phụ thuộc vào thời gian đổ bộ của địch. Về lý luận, thời gian đổ bộ đường biển của địch thường diễn ra rất nhanh, nhưng thời gian thực lại phụ thuộc rất lớn vào hiệu quả tác chiến của cả hai bên; nếu ta đánh tốt, buộc địch phải kéo dài thời gian đổ bộ, hoặc tổ chức lại, thậm chí phải bỏ cuộc. Vì vậy, thời gian đánh địch đổ bộ đường biển dự kiến có thể từ 07 đến 10 ngày hoặc dài hơn, như vậy đủ điều kiện để ta tiến hành chiến dịch. Còn về không gian tác chiến, có thể diễn ra trên nhiều khu vực ven biển vì nước ta có bờ biển rất dài từ Bắc vào Nam kéo dài sang cả phía Tây Nam, nhưng chiến dịch thì chỉ có thể mở ra trên một số khu vực trọng điểm, nơi địch tập trung lực lượng đổ bộ đường biển với quy mô chiến dịch, trên hướng, khu vực chủ yếu, quan trọng về chiến dịch, chiến lược. Đó cũng chính là nơi ta có đủ điều kiện triển khai lực lượng tác chiến quy mô chiến dịch. Như vậy, chiến dịch đánh địch đổ bộ đường biển có thể mở ra ở khu vực ven biển và vùng biển phụ cận thuộc địa bàn vài tỉnh ven biển, địa hình ven biển và vùng biển của Việt Nam. Dự kiến, chúng ta có thể mở được chiến dịch đánh địch đổ bộ đường biển trên hướng biển thuộc một số quân khu có biển.
5. Tư tưởng chỉ đạo và phương pháp tác chiến
Tư tưởng chỉ đạo và phương pháp tác chiến là nội dung cơ bản nhất, quyết định có hình thành chiến dịch hay không và là loại hình chiến dịch gì. Tư tưởng chỉ đạo tác chiến đánh địch đổ bộ đường biển tuân thủ tư tưởng chỉ đạo tác chiến chung, nhưng cần thể hiện rõ tính chất đặc thù và có thể khái quát như sau: “Chủ động đánh địch trên biển, tập trung sát thương, tiêu hao, tiêu diệt bộ phận quân địch ở tuyến mép nước, kiên quyết tiêu diệt lớn quân địch khi chúng đổ quân lên bờ”. Trên cơ sở đó, có thể khái quát phương pháp tác chiến chiến dịch đánh địch đổ bộ đường biển: Dựa vào thế trận tác chiến bờ - biển - đảo, nhất là thế trận tác chiến phòng thủ chiến lược, phòng thủ quân khu, tác chiến của khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố ven biển và Hải quân trên biển, kết hợp tổ chức, sử dụng, bố trí lực lượng hợp lý, tập trung cho hướng, khu vực tác chiến chủ yếu, thời cơ quyết định, hình thành thế trận tác chiến có lợi cho đánh địch. Chủ động đánh địch trên biển bằng nhiều hình thức và biện pháp thích hợp, tập trung lực lượng, phương tiện, hỏa lực sát thương, tiêu hao lớn, tiêu diệt bộ phận quân địch ở tuyến mép nước, nhất là khi địch vừa bám bờ; kiên quyết cơ động tiến công tiêu diệt lớn quân địch đổ bộ đường biển, đổ bộ đường không khi chúng đổ quân lên bờ; kết hợp tiêu diệt quân địch đổ bộ đường biển với tiêu diệt lực lượng bạo loạn vũ trang từ bên trong. Tiến hành thắng lợi các trận đánh then chốt, then chốt quyết định trong các giai đoạn tác chiến của chiến dịch, kết hợp chặt chẽ với các hình thức đấu tranh chính trị, kinh tế, ngoại giao, làm thất bại cuộc đổ bộ của địch hoặc kết thúc chiến dịch trong các điều kiện có lợi, tạo điều kiện cho các hoạt động tác chiến tiếp theo.
Chiến dịch đánh địch đổ bộ đường biển cần xác định trận then chốt, mỗi giai đoạn tác chiến có thể có từ 1 đến 2 trận then chốt, toàn chiến dịch có thể có từ 3 đến 5 trận then chốt. Trận then chốt có thể là trận đột kích trên biển, trận tiêu diệt địch ở tuyến mép nước, nhất là khi địch vừa bám bờ; trận tiêu diệt địch đổ quân lên bờ và đổ bộ đường không, trong đó có trận then chốt quyết định. Về hình thức, biện pháp tác chiến, nếu đánh địch trên biển, có thể tiến hành các đòn đột kích đồng thời hoặc lần lượt trên biển của tàu mặt nước, tàu ngầm, tên lửa bờ, không quân kết hợp tác chiến của các lực lượng. Đánh địch ở tuyến mép nước là các trận đánh phòng ngự, phòng thủ của lực lượng binh chủng hợp thành và các lực lượng trong khu vực phòng thủ. Khi địch đã đổ quân lên bờ, các lực lượng nhanh chóng tiến hành các trận tiến công không cho địch mở rộng khu vực đổ bộ kết hợp tiêu diệt lực lượng bạo loạn vũ trang. Trong tác chiến, coi trọng các biện pháp tạo thế, nghi binh, đánh rộng khắp, đánh sâu, đánh hiểm của các lực lượng, kết hợp các hình thức đấu tranh khác.
6. Lãnh đạo, chỉ huy chiến dịch
Chiến dịch đánh địch đổ bộ đường biển nếu được tổ chức thì lãnh đạo, chỉ huy chiến dịch cũng được tổ chức như các loại hình chiến dịch khác. Nếu chiến dịch do quân khu mở, đảng ủy, bộ tư lệnh và cơ quan chiến dịch có thể gồm: cán bộ trong đảng ủy, bộ tư lệnh cùng một bộ phận cơ quan quân khu; lãnh đạo, chỉ huy cơ quan, đơn vị tiến hành chiến dịch và lãnh đạo địa phương. Chiến dịch do Bộ (chiến trường) tổ chức, đảng ủy, bộ tư lệnh và cơ quan chiến dịch có thể gồm: lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, lãnh đạo, chỉ huy thuộc đảng ủy, bộ tư lệnh chiến trường, một bộ phận cơ quan của Bộ; đại diện Bộ Tư lệnh và cơ quan Quân chủng Hải quân, Phòng không - Không quân; lãnh đạo, chỉ huy và cơ quan các đơn vị tham gia chiến dịch; lãnh đạo địa phương nơi tiến hành chiến dịch.
Trong thực tiễn, các hoạt động tác chiến có thể được tiến hành bằng rất nhiều trận đánh, nhưng vẫn không tạo ra đột biến chiến dịch, trong khi chỉ cần tổ chức một chiến dịch, bằng nghệ thuật tác chiến chiến dịch, đánh thắng một số trận then chốt, then chốt quyết định của chiến dịch sẽ tạo đột biến về chiến dịch và đôi khi từ đột biến về chiến dịch dẫn tới đột biến về chiến lược. Trong đánh địch đổ bộ đường biển cũng vậy, xét về các yếu tố hình thành chiến dịch, thay vì tiến hành các trận đánh, ở các trọng điểm tác chiến có đủ điều kiện để tổ chức chiến dịch đánh địch đổ bộ đường biển, để tạo ra đột biến về chiến dịch trong đánh địch đổ bộ đường biển ngay trong thời kỳ đầu chiến tranh, tổ chức chiến dịch để đánh bại chiến dịch đổ bộ đường biển của địch. Vậy, nếu tổ chức chiến dịch đánh địch đổ bộ đường biển thì nó là loại hình chiến dịch gì? Xem xét một cách kỹ càng và dựa trên cơ sở khoa học về các yếu tố hình thành chiến dịch cho thấy, đây là loại hình chiến dịch có đối tượng tác chiến riêng, có địa bàn tác chiến đặc thù, có thời gian, không gian và đặc biệt là phương pháp tác chiến của nó, do đó nó là loại hình chiến dịch khác các loại hình chiến dịch hiện có, loại hình chiến dịch Đánh địch đổ bộ đường biển. Trong phạm vi, tính chất của vấn đề, bài này không thể nêu đầy đủ và có vấn đề không thể nêu cụ thể, rất mong được cùng nghiên cứu, trao đổi.
Trung tướng, PGS, TS. TRẦN THÁI BÌNH
bàn về,chiến dịch đánh địch,đổ bộ đường biển
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 18/11/2024
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 11/11/2024
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 30/10/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” 28/10/2024
Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 21/10/2024
Về nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập chiến thuật tác chiến không gian mạng trong tình hình mới 14/10/2024
Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ các nhà trường Quân đội hiện nay 23/09/2024
Một số vấn đề về mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu 16/09/2024
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh 09/09/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5 26/08/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc