Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Năm, 22/06/2017, 08:36 (GMT+7)
Bàn về bảo vệ trận địa pháo binh trong tác chiến

Với vai trò là hỏa lực chủ yếu của lục quân trong tác chiến, pháo binh luôn là mục tiêu mà địch tập trung trinh sát, phát hiện, đánh phá. Vì vậy, nghiên cứu về tổ chức bảo vệ, duy trì khả năng chiến đấu của pháo binh là vấn đề quan trọng, thiết thực.

Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, các yếu tố đảm bảo cho hoạt động tác chiến của pháo binh đã được chuẩn bị trước một bước từ thời bình cả về lực lượng, phương tiện, thế trận, kế hoạch, phương án tác chiến và tiến hành trong thế trận khu vực phòng thủ địa phương. Đây là điều kiện thuận lợi cho tác chiến nói chung và bảo vệ pháo binh nói riêng. Tuy nhiên, trước đối tượng tác chiến có ưu thế về binh khí kỹ thuật, năng lực trinh sát và tác chiến điện tử hiện đại, khả năng cơ động cao, phản ứng nhanh, thủ đoạn linh hoạt,… đặt ra cho công tác bảo vệ pháo binh nhiều khó khăn, thách thức. Vấn đề này càng phức tạp hơn khi vũ khí, trang bị kỹ thuật của bộ đội pháo binh được đổi mới, hiện đại hóa chưa nhiều, chủ yếu thuộc thế hệ cũ, đã qua nhiều năm sử dụng, khả năng cơ động tác chiến còn hạn chế; mục tiêu pháo binh trong tác chiến lớn, có nhiều dấu hiệu lộ từ tiếng ồn của động cơ ô tô, tiếng nổ, ánh lửa, khói đầu nòng khi bắn; bức xạ phổ hồng ngoại cao từ sức nóng của động cơ và nòng pháo, v.v. Trước thực tế đó, để bảo vệ trận địa pháo binh trong tác chiến, đòi hỏi chúng ta cần thực hiện tổng hợp các biện pháp cả về kỹ thuật, chiến thuật, trên cơ sở kế thừa kinh nghiệm trong chiến tranh giải phóng, các cuộc chiến tranh cục bộ gần đây; đặc biệt, cần nghiên cứu các biện pháp bảo vệ hiện đại, kết hợp truyền thống với hiện đại, phù hợp với điều kiện chiến tranh công nghệ cao.

Do trận địa pháo binh thường bố trí xa tiền duyên nên việc đánh phá, uy hiếp của địch chủ yếu bằng các đòn tấn công hỏa lực của không quân, pháo binh, tên lửa. Các đòn đánh phá này được tiến hành dựa trên kết quả trinh sát, phát hiện bằng nhiều hình thức, nhất là phương tiện kỹ thuật công nghệ cao, như: quang học, la-de, hồng ngoại,… bố trí trên mặt đất, trên không, vũ trụ, kết hợp sử dụng lực lượng biệt kích, thám báo, phản động nội địa để quan sát, phát hiện. Vì vậy, vấn đề đặt ra là, để giữ bí mật, bảo đảm an toàn, trước hết phải làm tốt công tác ngụy trang, che giấu lực lượng, hạn chế các đặc trưng lộ của mục tiêu, làm cho trận địa pháo binh “tàng hình” dưới “con mắt” trinh sát của đối phương hoặc thực hiện tốt việc cơ động di chuyển, dịch chuyển pháo binh trong chiến đấu.

Các đơn vị pháo binh cần triệt để tận dụng điều kiện tự nhiên như đêm tối, sương mù, màn mưa để che giấu hình ảnh, âm thanh, ánh sáng, bức xạ nhiệt, bí mật triển khai đội hình chiến đấu. Đơn vị pháo binh cần tận dụng địa hình, địa vật có khả năng che đỡ, che khuất, như: công sự, trận địa làm sẵn của địa phương, hang động, rừng cây, vách núi,... để bố trí đội hình chiến đấu, đứng chân, thực hiện nghiêm các biện pháp giữ bí mật, nhất là bí mật thông tin liên lạc nhằm hạn chế địch trinh sát phát hiện và đánh phá.

Cùng với việc kế thừa, phát huy các biện pháp ngụy trang truyền thống, chúng ta cần đầu tư, mua sắm, nghiên cứu chế tạo các loại vật chất, khí tài ngụy trang để bảo vệ trận địa pháo binh, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ cao và các loại vật liệu mới. Phương pháp phổ biến là sử dụng vật chất, phương tiện làm thay đổi các đặc trưng vật lý, âm thanh, quang học, hồng ngoại để giảm khả năng trinh sát của địch đối với mục tiêu pháo binh cần bảo vệ, như: sử dụng các loại sơn màu ảo quang học, lưới ngụy trang chế sẵn, tấm phản xạ góc, v.v. Theo nghiên cứu cho thấy, chỉ riêng sử dụng sơn màu ảo quang học đã giảm xác suất phát hiện mục tiêu tối thiểu 30%, sử dụng khôn khéo và tổng hợp các phương tiện ngụy trang sẽ làm xác suất phát hiện và tiêu diệt các mục tiêu bảo vệ giảm từ 3 đến 4 lần. Ngoài ra, người chỉ huy, đơn vị pháo binh còn phải chú trọng sử dụng liều phóng thích hợp để giảm tiếng nổ đầu nòng; dùng liều giảm lửa để giảm ánh sáng đầu nòng; tạo gió cưỡng bức để làm tan ngay luồng khói tạo ra sau phát bắn,… góp phần hạn chế đáng kể các dấu hiệu lộ mục tiêu.

Trận địa pháo binh thường có diện tích lớn, triển khai trên diện rộng; vì vậy, một biện pháp ngụy trang hiệu quả có thể sử dụng là màn khói. Thực tế cho thấy, màn khói có thể làm giảm hoặc mất tác dụng của các khí tài trinh sát quang học, la-de; mất điều khiển của một số loại bom có đầu tự dẫn vô tuyến, tên lửa hành trình, v.v. Để đạt hiệu quả cao, việc tạo màn khói phải có đủ diện tích và phù hợp với trạng thái hoạt động của đơn vị pháo binh. Mỗi mục tiêu phải có nhiều phương án tạo khói phù hợp với thời tiết, hướng gió và cần kết hợp triển khai màn khói ngụy trang với màn khói nghi binh.

Cùng với ngụy trang, người chỉ huy, đơn vị pháo binh cần chú trọng tổ chức nghi trang, nghi binh, lừa dụ địch, làm sai lệch kết quả trinh sát và phân tán hỏa lực địch, nâng cao khả năng bảo vệ mình. Trong kháng chiến chống Mỹ, các đơn vị pháo binh đã sử dụng cót ép, tre, gỗ làm giả trận địa pháo binh, tên lửa; tạo giả hỏa lực pháo binh bằng bộc phá với bột gạch để thu hút hỏa lực địch, v.v. Kế thừa kinh nghiệm đó, người chỉ huy pháo binh cần tham mưu cho người chỉ huy binh chủng hợp thành cấp chiến dịch và phối hợp với các lực lượng để tạo giả các trận địa pháo binh, tên lửa, khu vực tập kết lực lượng, bằng việc sử dụng các mô hình trang bị tự tạo, tận dụng vũ khí, trang bị trong diện thải loại, kết hợp với các thiết bị tạo nhiệt, để thu hút các đòn tiến công bằng hỏa lực của địch. Trong điều kiện địch sử dụng tổng hợp các phương tiện trinh sát hiện đại, việc nghi trang, nghi binh đòi hỏi phải tiến hành hết sức công phu, phải “giả như thật” mới đạt được hiệu quả. Theo đó, cần nghiên cứu, sản xuất các mô hình pháo binh làm sẵn kiểu lắp ráp hoặc kiểu bơm hơi, các thiết bị bức xạ hồng ngoại và điện từ, để nhanh chóng xây dựng những kho - trạm giả, trận địa hỏa lực giả, công sự giả, v.v. Mặt khác, trong quá trình triển khai, người chỉ huy, đơn vị pháo binh cần chú trọng kết hợp nghi binh về binh lực với nghi binh về hoả lực và các nghi binh kỹ thuật khác.

Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, với việc địch sử dụng rộng rãi vũ khí công nghệ cao, thực hiện tác chiến liên hợp phi đối xứng, nhịp độ tác chiến sẽ diễn ra rất nhanh. Việc liên kết, đồng bộ hóa, tự động hóa hệ thống chỉ huy tác chiến làm cho địch phản ứng nhanh trước những diễn biến trên chiến trường. Thực tế đó đòi hỏi các lực lượng, trong đó có pháo binh phải linh hoạt cơ động, chuyển hóa thế trận mới đáp ứng yêu cầu tác chiến. Và đây cũng là biện pháp quan trọng, đảm bảo cho pháo binh tồn tại và duy trì được khả năng chiến đấu.

Đặc điểm nổi bật của vũ khí công nghệ cao là có độ chính xác cao, thường tiến công từ xa, có thời gian bay trên quỹ đạo khá dài. Đây là ưu thế, nhưng cũng là nhược điểm có thể khoét sâu để bảo toàn lực lượng pháo binh, nếu tổ chức cơ động di chuyển, dịch chuyển kịp thời. Trong chiến tranh Nam Tư (1999), quân đội Nam Tư đã bảo toàn được phần lớn lực lượng pháo binh, xe tăng, là do thực hiện tốt chiến thuật dịch chuyển, liên tục thay đổi vị trí bố trí ở cự ly gần. Vận dụng kinh nghiệm đó, các đơn vị pháo binh cần tích cực cơ động, di chuyển và dịch chuyển lực lượng với cự ly ngắn (khoảng 300m đến 500m). Việc cơ động di chuyển, dịch chuyển phải chủ động tiến hành theo kế hoạch thống nhất, đảm bảo đúng thời cơ; có thể sau mỗi nhiệm vụ bắn, đợt bắn. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, tại mỗi vị trí sau khi bắn khoảng 10 phút trở lại thì cần di chuyển ngay. Muốn vậy, cần phải tổ chức bảo đảm chu đáo (vũ khí, trang bị luôn sẵn sàng cơ động và chiến đấu tốt; đội ngũ lái xe tay nghề vững, có khả năng xử lý linh hoạt các tình huống khi cơ động và chiếm lĩnh; thông tin chỉ huy luôn thông suốt,…); kế hoạch cơ động sát thực tế (có nhiều phương án sơ tán đội hình, chuẩn bị nhiều trận địa, khu trú quân, đường cơ động) để dễ di chuyển, phân tán lực lượng, v.v. Mặt khác, cần tiếp tục trang bị thêm các khí tài trinh sát hiện đại (âm thanh, la-de, hồng ngoại), nghiên cứu cải tiến trang bị hiện tại đang sử dụng theo hướng đồng bộ hóa các hệ thống trinh sát, điều khiển hỏa lực và tổ hợp vũ khí để rút ngắn thời gian thực hiện phát bắn, nâng cao khả năng cơ động lực lượng pháo binh.

Cùng với các biện pháp trên, các đơn vị pháo binh cần phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trong khu vực tác chiến thực hiện các biện pháp bảo vệ chủ động khác, như: tổ chức các lực lượng pháo binh chuyên trách, pháo binh luồn sâu, đặc công,… đánh vào hệ thống chỉ huy, điều hành (trạm ra-đa, trung tâm tác chiến điện tử, trung tâm điều khiển và dẫn đường cho vũ khí,…), các thiết bị mang phóng, tổ hợp tên lửa, pháo binh, gây sự hỗn loạn và giảm khả năng trinh sát, đánh phá bằng vũ khí công nghệ cao của địch. Phối hợp với lực lượng phòng không ba thứ quân để chủ động đánh chặn tên lửa hành trình, tiêu diệt các thiết bị bay trinh sát không người lái, các thiết bị dẫn đường và chỉ thị mục tiêu cho không quân ném bom,… góp phần nâng cao khả năng bảo vệ lực lượng pháo binh.

Thực tiễn cho thấy, khả năng bảo vệ lực lượng pháo binh trong tác chiến chịu tác động rất lớn của nhiều yếu tố. Do vậy, cùng với triển khai đồng bộ các biện pháp kỹ thuật và chiến thuật, chúng ta cần từng bước phát triển, hiện đại hóa các phương tiện bảo vệ và vũ khí, trang bị kỹ thuật pháo binh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Các phương tiện bảo vệ truyền thống hiện nay, như: sơn cỏ úa, lá cây, lưới ngụy trang, thiết bị tạo công sự thủ công,… ngày càng tỏ ra kém hiệu quả trước kỹ thuật trinh sát và khả năng hỏa lực của đối phương. Điều đó đặt ra cho cơ quan đầu ngành về huấn luyện, tác chiến pháo binh cần đầu tư phát triển hệ thống trang bị, phương tiện bảo vệ, như: các loại sơn màu ảo quang học, sơn màu ảo nhiệt, sơn hấp thụ hồng ngoại,… để thay thế các loại sơn thông thường. Sử dụng các loại lưới ngụy trang đa phổ chống quan sát cả trong dải thị tần, hồng ngoại gần, ảnh nhiệt và ra-đa; cải tạo, lắp đặt các hệ thống tạo màn khói trên xe kéo pháo, trang bị các loại súng phóng đạn khói,… để tạo màn khói nhanh chóng, hiệu quả; trang bị thêm các máy móc giúp cấu trúc hầm hào, công sự đủ vững chắc để rút ngắn thời gian chuẩn bị chiến đấu. Đặc biệt, về lâu dài, chúng ta cần từng bước hiện đại hóa vũ khí, trang bị pháo binh theo hướng tự động hóa quá trình trinh sát, chuẩn bị phần tử bắn và điều khiển vũ khí; tự hành hóa các loại pháo cỡ lớn để tăng độ bí mật, chính xác, giảm thời gian triển khai chiến đấu, nâng cao năng lực cơ động. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu tăng tầm bắn cho các loại pháo, trong đó ưu tiên phát triển các loại pháo phản lực bắn loạt, các loại đạn thông minh, đa nhiệm vụ,... vừa nâng cao hiệu quả hỏa lực pháo binh, vừa là biện pháp góp phần bảo vệ trận địa pháo binh trong tác chiến.

Bảo vệ trận địa pháo binh trong tác chiến là nhiệm vụ quan trọng, liên quan trực tiếp tới hiệu quả chiến đấu của lực lượng pháo binh cũng như kết quả cả trận đánh, chiến dịch. Vì vậy, các đơn vị pháo binh cần tiếp tục nghiên cứu, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, không ngừng nâng cao năng lực bảo vệ trận địa pháo binh trong tác chiến.

Trung tá, ThS. NGUYỄN HỮU NGỌC

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.