Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Năm, 21/06/2012, 09:20 (GMT+7)
Bàn thêm về xây dựng thế trận tác chiến chiến lược trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc

Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong tương lai (nếu xảy ra), chúng ta sẽ phải đương đầu với đối tượng tác chiến có tiềm lực quân sự mạnh, lại sử dụng vũ khí công nghệ cao. Để đánh bại chiến tranh xâm lược của địch, chúng ta phải tích cực chuẩn bị chu đáo mọi mặt ngay từ thời bình; trong đó, xây dựng thế trận tác chiến chiến lược là nội dung quan trọng, cần tiếp tục được nghiên cứu, bổ sung, phát triển cả về lý luận và thực tiễn.


Thế trận tác chiến chiến lược (TCCL) là thế bố trí, triển khai lực lượng vũ trang (LLVT), phương tiện, thiết bị quân sự (cấp chiến lược) trên các chiến trường theo ý định, kế hoạch phòng thủ đất nước. Mục đích xây dựng thế trận TCCL là, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN. TCCL gồm các loại hình tác chiến: tiến công, phản công, phòng ngự ở cấp chiến dịch, chiến lược, trong đó, có chiến dịch quyết chiến chiến lược, đánh thắng quân địch tiến công từ ngoài vào và lực lượng bạo loạn bên trong, bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Thế trận TCCL được triển khai xây dựng một bước cơ bản ngay từ thời bình, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững trên các địa bàn chiến lược. Thế trận TCCL là cơ sở, nền tảng tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả nước; vì thế, nếu được chuẩn bị tốt thì mặc dù tiềm lực kinh tế, quân sự kém hơn, chúng ta vẫn có thể đánh thắng quân xâm lược. Xét về mối quan hệ giữa thế và lực: thế có lợi thì lực nhỏ cũng trở thành lớn, lực mạnh thì càng mạnh hơn, làm cho thế phát triển vững chắc và mạnh hơn. Để bảo đảm cho TCCL giành thắng lợi, một trong những vấn đề quan trọng là thế trận TCCL phải được xây dựng vững chắc ngay từ thời bình, phù hợp với khả năng, sự phát triển của đất nước và các phương thức tác chiến hiện đại; đồng thời, không ngừng được bổ sung, hoàn thiện. Theo đó, việc xây dựng thế trận TCCL trong tình hình mới cần tập trung vào một số vấn đề chủ yếu sau.

1. Về xây dựng thế trận đánh địch trên không. Nghiên cứu một số cuộc chiến tranh cục bộ xảy ra gần đây, nhất là chiến tranh vùng Vịnh Péc-xích (năm 1991), chiến tranh I-rắc lần thứ 2 (năm 2003), chiến tranh Li-bi (năm 2011) cho thấy, tiến công đường không là phương thức tác chiến chủ yếu của bên tiến hành chiến tranh xâm lược. Đối với Việt Nam, nếu chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) xảy ra, kẻ địch sẽ tiến hành các chiến dịch tiến công đường không quy mô lớn, đánh phá ta ngay từ đầu và trong suốt quá trình chiến tranh. Để ngăn chặn, đánh bại chiến dịch tiến công đường không của địch, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về lực lượng và thế trận, chúng ta phải dự kiến đánh giá chính xác được âm mưu, thủ đoạn, các hướng tiến công hỏa lực đường không của địch. Trên cơ sở đó, tập trung xây dựng thế trận đánh địch trên không vững chắc, cả thế trận phòng không (TTPK) và thế trận không quân, phù hợp với điều kiện, đặc thù của đất nước. Đối với TTPK, cần xây dựng theo hướng rộng khắp, vững chắc, song phải tập trung có trọng điểm. Trong đó, thế trận của lực lượng phòng không chủ lực phải được bố trí, triển khai kết hợp chặt chẽ với TTPK các địa phương, hình thành TTPK ba thứ quân, nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp đánh bại tác chiến hỏa lực đường không của địch ngay từ đầu và trong suốt quá trình chiến tranh. TTPK ba thứ quân phải được xây dựng theo hướng “liên hoàn, vững chắc, có chiều sâu”, bao gồm lực lượng vòng trong, vòng ngoài, phía trước, phía sau, trận địa chính, dự bị, tạo thành các cụm, tuyến phòng không, có thể chuyển hóa linh hoạt để đánh địch và phá thế tiến công của địch trên nhiều hướng, khu vực tác chiến, độ cao và mọi thời điểm.

Đối với thế trận không quân, đây thực chất là thế trận ở mặt đất và thế trận trên không. Thế trận ở mặt đất là thế bố trí, tổ chức lực lượng, phương tiện của không quân trên mặt đất cũng như biển, đảo một cách hợp lý, bảo đảm đánh địch có hiệu quả nhất. Để có thế trận mặt đất tốt, chúng ta cần phải dự kiến, đánh giá sát hướng và lực lượng tiến công đường không của địch; đồng thời, tập trung xây dựng, bố trí hệ thống sân bay, bãi cất, hạ cánh, sở chỉ huy, phương tiện thông tin, đài trạm ra - đa, vật tư, hậu cần, kỹ thuật hàng không…, bảo đảm đồng bộ, vững chắc, hiểm hóc tạo được tính bất ngờ, linh hoạt để đánh địch. Do nước ta có bờ biển dài, vùng biển rộng, nên khi bố trí hệ thống này, chúng ta cần phải tính toán kỹ, nhằm hình thành thế trận có chiều sâu, có tuyến bên trong đất liền, tuyến ven biển, tuyến ngoài đảo, phù hợp với các phương án tác chiến. Trong đó, chúng ta cần chú ý xây dựng thêm những sân bay, bãi cất cánh dã chiến, kết hợp với hệ thống ra - đa phòng không của các quân, binh chủng ở khu vực ven biển và trên các đảo, nhằm tạo ra một trường khép kín vừa đánh được địch, vừa bảo vệ được mục tiêu. Thế trận trên không bao gồm: thế tiến vào khu vực tác chiến, thế phát hiện mục tiêu địch, thế vào công kích mục tiêu và thế thoát ly khỏi khu vực tác chiến. Do thế trận trên không luôn biến động mau lẹ và xuất hiện nhiều tình huống bất ngờ, nên trong quá trình xây dựng, chúng ta phải chuẩn bị chu đáo, tỷ mỷ. Đặc biệt, ở khu vực tác chiến, các đơn vị không quân cần chuẩn bị cho phi công, tổ bay, đội bay nghiên cứu kỹ bản đồ, sa bàn để nắm chắc về đặc điểm khu vực, địa hình, khí tượng, thủy văn, tình hình địch, ta…; đồng thời, tổ chức luyện tập kỹ các tình huống giả định mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ.

2. Về xây dựng thế trận đánh địch trên biển. Nước ta có bờ biển dài 3.260 km, vùng biển rộng hơn 1 triệu km2, số lượng mục tiêu trên các vùng biển, đảo cần được bảo vệ nhiều. Vì vậy, để xây dựng được thế trận trên biển, đáp ứng yêu cầu chiến tranh BVTQ, chúng ta phải kết hợp xây dựng thế trận của nhiều lực lượng: hải quân, biên phòng, cảnh sát biển…; trong đó, thế trận của lực lượng hải quân giữ vai trò nòng cốt. Trong quá trình xây dựng thế trận của lực lượng hải quân, chúng ta cần chú trọng xây dựng vững chắc, toàn diện cả thế trận ở tuyến ven bờ, tuyến biển, đảo gần bờ và tuyến biển, đảo xa bờ. Đối với thế trận tuyến ven bờ và vùng biển, đảo gần bờ, cần đầu tư xây dựng cơ bản vững chắc, đồng bộ, từng bước hiện đại, bảo đảm tính cơ động cao, tạo thế trận tác chiến có chiều sâu; đồng thời, là điểm tựa vững chắc, sẵn sàng chi viện cho các lực lượng hoạt động ở tuyến biển xa. Chúng ta cần tập trung xây dựng những công trình quan trọng, phục vụ trực tiếp nhiệm vụ tác chiến, như: hệ thống bến cảng, sân bay, sở chỉ huy, các trận địa pháo binh, phòng không, tên lửa bờ, các căn cứ hải quân, các điểm trú đậu tàu, thuyền, khu sơ tán bí mật…, phù hợp với các phương án tác chiến. Đối với thế trận ở vùng biển, đảo xa bờ, cần phát huy khả năng độc lập tác chiến dài ngày, có khả năng cơ động, tác chiến hiệp đồng với các lực lượng khác. Trong đó, các thiết bị chiến trường phải được xây dựng theo phương án tác chiến của từng hướng chiến lược, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, có chính diện, chiều sâu phù hợp, có thể chuyển hóa linh hoạt, đáp ứng các tình huống tác chiến. Xây dựng thế trận đánh địch trên biển cần tận dụng triệt để thế thiên hiểm của địa hình, nhất là các hang động, các đảo xa bờ để làm nơi trú đậu, che dấu tàu, thuyền, bổ sung hậu cần, kỹ thuật, củng cố lực lượng, phương tiện cho các đơn vị giữa các giai đoạn tác chiến. Chúng ta cũng cần phải tiếp tục quán triệt tư tưởng “lấy nhỏ thắng lớn”, “lấy ít địch nhiều”, lấy vũ khí, trang bị thông thường kết hợp với vũ khí, trang bị hiện đại để thắng vũ khí công nghệ cao của địch; đồng thời, phải kết hợp chặt chẽ giữa thế trận hải quân với thế trận của các lực lượng, nhất là lực lượng phòng không - không quân trong quá trình tác chiến. Tuy nhiên, cần lưu ý là việc bố trí lực lượng ở đây không chỉ xuất phát từ tính đặc thù của hải quân, mà còn phải phù hợp với thế trận chung của chiến lược, nhất là thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân trên biển, đảo, nhằm gắn kết thế trận bờ, biển, đảo đạt được mục đích chiến lược đề ra.

3. Về xây dựng thế trận đánh địch trên đất liền. Đây là vấn đề quan trọng, bởi, xét cho cùng thế trận đánh địch trên đất liền là thế trận phòng thủ của các quân khu, bao gồm: thế trận của lực lượng bộ đội chủ lực cơ động của Bộ và thế trận của LLVT địa phương trong khu vực phòng thủ các tỉnh (thành phố), huyện (quận) trên phạm vi cả nước. Để xây dựng thế trận đánh địch trên đất liền đáp ứng yêu cầu chiến tranh BVTQ, trước hết, chúng ta phải dự kiến, đánh giá sát về tình hình địch, nhất là về âm mưu, thủ đoạn, hướng tiến công chủ yếu, thứ yếu, nơi địch đổ bộ đường biển, đổ bộ đường không và các yếu tố thiên hiểm của địa hình cũng như tình hình của ta, để tổ chức xây dựng và bố trí lực lượng cho phù hợp.

Trong quá trình xây dựng thế trận đánh địch trên đất liền, các cấp, các ngành, địa phương cần quán triệt yêu cầu cao nhất là bảo đảm được tính liên hoàn, vững chắc. Thế trận liên hoàn, vững chắc thực chất là thế trận có chính diện, chiều sâu, có thế đánh, thế giữ, tiện cơ động chi viện, chuyển hóa linh hoạt, phát huy sức mạnh tổng hợp của mọi lực lượng, phương tiện, đánh được địch tiến công từ bên ngoài và phòng, chống có hiệu quả lực lượng phản động gây bạo loạn chính trị từ bên trong; vừa tác chiến trên lĩnh vực quân sự, vừa thực hiện kết hợp các mặt đấu tranh khác… Mặt khác, xây dựng thế trận đánh địch trên đất liền cần bảo đảm tính rộng khắp, nhằm tạo ra thế xen kẽ, đánh địch ở mọi nơi (cả phía trước, bên sườn và phía sau lưng địch), ở mọi thời điểm, buộc địch phải phân tán đối phó ngay từ đầu, mà không thể chủ động tập trung binh lực để thực hiện kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, xây dựng thế trận đánh địch trên đất liền cần tập trung có trọng tâm, trọng điểm, nhất là ở các chiến trường (hướng) chiến lược, các khu vực, mục tiêu phòng thủ chủ yếu, nhằm tập trung được sức mạnh của các lực lượng, phương tiện đánh bại quân địch tiến công, giữ vững mục tiêu, địa bàn chiến lược.

Xây dựng thế trận đánh địch trên đất liền cần phải phối hợp, gắn kết chặt chẽ với thế trận trên biển và trên không, nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, nâng cao khả năng tác chiến hiệp đồng giữa các binh đoàn chủ lực với LLVT địa phương, bằng nhiều loại hình TCCL và giành thắng lợi ở cả phạm vi chiến lược, chiến dịch và chiến thuật, bảo vệ vững chắc Tổ quốc./.

Thiếu tướng, PGS, TS. BÙI THANH  SƠN

Học viện Quốc phòng

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.