Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Hai, 26/08/2019, 14:53 (GMT+7)
Bàn thêm về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với tăng cường quốc phòng – an ninh ở nước ta hiện nay

Nông nghiệp, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là cơ sở quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng. Nhận thức rõ vấn đề đó, trong quá trình lãnh đạo đất nước, nhất là từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đến nay, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn1, gắn kết chặt chẽ với tăng cường quốc phòng - an ninh.

Nhờ vậy, quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn đã có nhiều chuyển biến mang tính đột phá; nông nghiệp phát triển toàn diện hơn theo hướng khai thác những lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới. Từ một nước thường xuyên phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới. Mặc dù thường xuyên phải chịu thiên tai, dịch bệnh, nhưng nông nghiệp nước ta vẫn duy trì được tốc độ phát triển tích cực; giá trị và sản lượng trong các ngành trồng trọt, chăn nuôi năm sau luôn cao hơn năm trước (Năm 2018, sản lượng lúa đạt 43,98 triệu tấn, tăng 1,24 triệu tấn; sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 4,2 triệu tấn, tăng 6,7% so với năm 2017)2, kim ngạch xuất khẩu gạo cùng nhiều nông sản khác liên tục tăng cao. Trong những năm gần đây, nông sản Việt Nam đã có mặt tại nhiều thị trường khó tính, như: Mỹ, Nhật Bản, EU, Ô-xtrây-li-a, v.v. Cùng với đó, Đảng và Chính phủ còn có nhiều chính sách, chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới mang ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc, đã làm thay đổi diện mạo nông thôn, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân ngày càng được nâng cao. Qua đó, góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng, tạo cơ sở vật chất cho khu vực phòng thủ, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc ở từng địa phương.

Tuy nhiên, quá trình đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với củng cố quốc phòng - an ninh còn nhiều bất cập, như: quá trình xây dựng quy hoạch, chiến lược tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội có khi chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương dẫn đến còn chồng chéo, ảnh hưởng đến việc củng cố quốc phòng - an ninh và thế trận phòng thủ của địa phương cũng như khu vực; việc kết hợp giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh trên một số địa bàn có lúc, có nơi chưa hiệu quả. Nông nghiệp phát triển còn kém bền vững, nhất là đảm bảo an ninh lương thực; hạ tầng nông thôn chưa đáp ứng với yêu cầu thực tiễn. Việc phân bố dân cư, lao động không phù hợp, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị ngày càng lớn; tỷ lệ lao động thất nghiệp ở nông thôn còn cao; đời sống của một bộ phận nhân dân vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn; môi trường ngày càng ô nhiễm; phát sinh nhiều vấn đề xã hội bức xúc, v.v.

Thực tế trên đã làm chậm quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn; đồng thời, tác động không nhỏ đến yêu cầu củng cố, tăng cường quốc phòng - an ninh ở địa phương, cơ sở. Vì vậy, để phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với tăng cường quốc phòng, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp; trong đó, tập trung mấy nội dung cơ bản, sau:

Trước hết, phải bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Đây là vấn đề quan trọng, không chỉ tác động đến đời sống của nhân dân, mà còn ảnh hưởng lớn đến quốc phòng - an ninh của đất nước. Mặc dù những năm gần đây, chúng ta xuất khẩu bình quân từ 5,0 đến 5,5 triệu tấn gạo/năm, song hiện tại diện tích đất trồng lúa liên tục giảm (05 năm gần đây, giảm 220.000 ha); trong khi đó, Việt Nam là quốc gia thường xuyên bị thiên tai nên tiềm ẩn nguy cơ mất mùa là rất lớn. Nếu xảy ra tình trạng này, ngay trong điều kiện thời bình, đất nước cũng gặp rất nhiều khó khăn; nếu chiến tranh xảy ra, thì khó khăn sẽ tăng lên gấp bội. Vì vậy, việc bảo đảm an ninh lương thực quốc gia là vấn đề chiến lược, đòi hỏi phải chủ động dự liệu, bằng nhiều giải pháp thích hợp; trong đó, Nhà nước cần có quy hoạch tổng thể, bảo vệ và sử dụng linh hoạt, hiệu quả đất trồng lúa; hạn chế tối đa việc chuyển đất trồng lúa nước có hiệu quả cao tại các khu vực trọng điểm sang mục đích khác (như xây dựng khu đô thị mới, khu công nghiệp, khu nuôi, trồng các sản phẩm nông nghiệp khác ngoài lúa,...). Rà soát đất đai của các nông, lâm trường, các tổ chức sử dụng đất, kiên quyết thu hồi đất sử dụng không hiệu quả bàn giao cho địa phương để phát triển kinh tế - xã hội và quản lý theo luật định; nghiên cứu, chuyển giao khoa học - công nghệ mới cho nông nghiệp; tổ chức lại mạng lưới khuyến nông, khuyến lâm một cách hiệu quả để phục vụ cho việc sản xuất lúa. Bên cạnh việc tập trung quy hoạch đất trồng lúa chủ yếu ở đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng, cần quy hoạch cục bộ ở các vùng, các địa phương khác (trên thực tế, diện tích có khả năng tận dụng để trồng lúa ở nhiều địa phương, kể cả các địa phương thuộc vùng núi cao là rất lớn). Cùng với đó, các ban, ngành, trực tiếp là ngành nông nghiệp ở từng địa phương cần nghiên cứu, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền ban hành các chính sách có tính khả thi để hỗ trợ cho nông dân cả về vốn, giống, kỹ thuật, thủy lợi, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Riêng đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cần đẩy mạnh tuyên truyền để nông dân thay đổi tập quán canh tác; khai thác triệt để diện tích phù hợp để trồng lúa nước, nhằm nâng cao khả năng tự bảo đảm về lương thực của các địa phương; đồng thời, hạn chế tình trạng du canh, du cư, di dịch cư tự do, nhất là ở địa bàn trọng yếu.

Hai là, tích cực xây dựng và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội là điều kiện để phát triển, là tiêu chí để đánh giá mức độ phát triển nông nghiệp và chất lượng đời sống của cư dân nông thôn. Đây cũng là tiền đề vật chất của nền quốc phòng toàn dân. Để kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vừa đủ sức phục vụ yêu cầu sản xuất và nhu cầu dân sinh nông thôn, vừa đáp ứng yêu cầu quốc phòng - an ninh, phải có sự kết hợp chặt chẽ trong từng khâu, từng bước, nhất là khâu quy hoạch. Vì vậy, tiếp tục quy hoạch hạ tầng nông nghiệp, nông thôn phải mang tính tổng thể và đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với quốc phòng - an ninh. Trong quy hoạch, cần nghiên cứu, xác định cả quy hoạch “cứng” và quy hoạch “mềm”. Quy hoạch “cứng” phải có tính chất ràng buộc, ổn định, lâu dài, cùng với kết cấu hạ tầng của các ngành kinh tế, các khu vực, từng bước hướng đến xây dựng một nền kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh hiện đại, phù hợp với tiến trình phát triển và yêu cầu sẵn sàng đối phó với các tình huống chiến tranh (nếu xảy ra). Để thực hiện mục tiêu đó, những khu vực đã được xác định, dù chưa có điều kiện xây dựng, nhưng vẫn phải giữ địa bàn để khi cần có thể làm được ngay. Quy hoạch “mềm” là phần quy hoạch có tính tạm thời, phục vụ nhu cầu trước mắt là chủ yếu; tuy nhiên, vẫn phải bảo đảm tính lưỡng dụng (phục vụ dân sinh trong thời bình và quốc phòng - an ninh trong thời chiến). Khi xây dựng, mỗi công trình đều phải tính toán đến khả năng tự bảo vệ và được bảo vệ, khả năng di chuyển; tránh quy hoạch, xây dựng các công trình làm ảnh hưởng tiêu cực đến thế trận quốc phòng - an ninh.

Những vấn đề nêu trên liên quan rất lớn đến vốn đầu tư, nhưng hiện nay việc đầu tư cho sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn nói chung, phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn nói riêng còn nhiều hạn chế. Vì vậy, phải nghiên cứu, ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước, tín dụng ưu đãi và huy động các nguồn lực ngoài nhà nước để đầu tư xây dựng hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Các bộ, ngành Trung ương và địa phương cần định hướng đầu tư vào đúng quy hoạch đã được xác định, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân yên tâm đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn.

Ba là, thường xuyên chăm lo giải quyết tốt việc làm cho lao động nông thôn, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Hiện nay, lao động ở khu vực nông thôn bỏ sản xuất nông nghiệp, chuyển sang làm các ngành nghề khác diễn ra khá phổ biến. Qua khảo sát, có địa phương chỉ còn khoảng 20% - 30% lao động làm nông nghiệp, khi không phải mùa vụ, nhiều vùng nông thôn chỉ còn người già, phụ nữ và trẻ em. Điều đó cho thấy, số dân thực sinh sống ở nông thôn so với thống kê, đăng ký nhân khẩu có sự chênh lệnh rất lớn, làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội ở nông thôn cũng như ở các khu vực đô thị, nhất là ở các thành phố lớn, do số dân tăng nhanh về mặt cơ học. Dưới góc độ quốc phòng - an ninh, ở cả hai khu vực đều gặp khó khăn trong quản lý nhân khẩu, duy trì an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; đặc biệt, đối với khu vực nông thôn, do nảy sinh nhiều vấn đề về quản lý lực lượng dự bị động viên, tuyển chọn thanh niên nhập ngũ cũng như xây dựng, huấn luyện lực lượng dân quân, tự vệ,… càng gặp khó khăn. Thực hiện tốt giải pháp này là vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường quốc phòng - an ninh.

Trước tình trạng trên, để khai thác có hiệu quả tiềm năng lao động, đất đai, giải quyết việc làm ở từng địa phương, cơ sở, nhằm thực hiện mục tiêu trước mắt cũng như lâu dài (giải quyết việc làm, giải phóng sức lao động của nông dân, thu hút lao động vào khu vực nông thôn), Đảng và Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu, xác định các chủ trương, chính sách, quan tâm sắp xếp, di chuyển dân cư, hình thành các điểm dân cư mới; quy hoạch lại các điểm dân cư phân tán tại địa bàn miền núi, đồng bào dân tộc. Các cấp, các ngành ở Trung ương và địa phương, cơ sở cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, phối kết hợp thống nhất và chặt chẽ, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu, phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội một cách bền vững, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại các địa bàn trọng yếu, nhất là miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. Cùng với việc mở rộng và tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, các địa phương cần tạo nhiều việc làm mới cho người lao động trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ ở khu vực nông thôn, bảo đảm cho người dân “ly nông nhưng không ly hương”; thực hiện “công nhân hóa nông dân”. Tiếp tục triển khai có hiệu quả chủ trương ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực ở khu vực nông thôn từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và vốn ODA. Tuy vậy, do nhu cầu quá lớn nên các địa phương và từng nông dân cũng phải chủ động trong vấn đề này.

Giải quyết tốt những vấn đề nêu trên, góp phần vừa phát triển nông nghiệp, nông thôn, vừa củng cố, tăng cường quốc phòng - an ninh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thượng tá, ThS. NGUYỄN MẠNH HỔ, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
____
_____________

1 - Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn thời kỳ 2001 -2010; Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Chương trình xây dựng nông thôn mới đang tiến hành. v.v.

2 - Trung tâm tư liệu và Dịch vụ - Thống kê, Tổng quan kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2018.

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.