Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Hai, 24/04/2023, 07:31 (GMT+7)
Bàn thêm về đánh địch giữ vững khu vực phòng thủ chủ yếu trong tác chiến phòng thủ quân khu

Khu vực phòng thủ chủ yếu là thành phần chủ chốt, quan trọng, quyết định sự ổn định thế trận phòng thủ quân khu; giữ vững khu vực phòng thủ chủ yếu là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của lực lượng vũ trang và nhân dân trên địa bàn quân khu. Vì vậy, vấn đề này cần được nghiên cứu toàn diện, chuyên sâu và đề xuất những giải pháp khoa học, nhằm nâng cao hiệu quả đánh địch, giữ vững khu vực phòng thủ chủ yếu, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ tác chiến phòng thủ trên từng hướng, địa bàn chiến lược trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Tác chiến phòng thủ quân khu là loại hình tác chiến mới, được nghiên cứu, phát triển và vận dụng, đáp ứng sự phát triển của yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tuy nhiên, đây là loại hình tác chiến được cấu thành bởi nhiều thành phần, lực lượng, diễn ra trên một hướng chiến lược, địa bàn của một số tỉnh, thành phố, với không gian rộng, thời gian tương đối dài, diễn ra ngay từ đầu và trong suốt quá trình chiến tranh; trong đó, khu vực phòng thủ chủ yếu được xác định là thành phần chủ chốt, quan trọng, quyết định sự ổn định của thế trận phòng thủ - khu vực cần phải giữ bằng mọi giá trong tác chiến phòng thủ quân khu. Vì thế, khu vực phòng thủ chủ yếu sẽ là nơi đối tượng tác chiến tập trung lực lượng, phương tiện đánh phá ác liệt, nhất là vào các khu vực phòng thủ then chốt cấp tỉnh, mục tiêu trọng yếu, các trọng điểm phòng ngự; với nhiều biện pháp, thủ đoạn tác chiến để đánh chiếm, tạo bàn đạp phát triển tiến công các khu vực, mục tiêu chiến lược trọng yếu sâu bên trong đất nước, nên các hoạt động tác chiến giữa ta và địch diễn ra rất quyết liệt, phức tạp, tình huống luôn biến động.

Trong thực tiễn, đã có một số chuyên gia quân sự, nhà khoa học nghiên cứu về tác chiến phòng thủ quân khu nhưng chưa có nhiều lập luận đề cập đến đánh địch giữ vững khu vực phòng thủ chủ yếu. Do đó, nghiên cứu về vấn đề này là đòi hỏi khách quan, cần thiết trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Trên cơ sở nghiên cứu hệ thống, toàn diện, chuyên sâu về địch, ta, địa hình, khí hậu, thủy văn địa bàn tác chiến, chúng tôi đề xuất một số giải pháp khoa học bước đầu, nhằm nâng cao hiệu quả đánh địch giữ vững khu vực phòng thủ chủ yếu của quân khu.

Một là, tập trung nâng cao hiệu quả công tác trinh sát nắm địch. Nắm địch đầy đủ, chính xác, liên tục, kịp thời và bí mật là cơ sở quan trọng để quân khu hạ quyết tâm, xử trí các tình huống nhanh, kịp thời và giành quyền chủ động trong quá trình đánh địch giữ vững khu vực phòng thủ chủ yếu. Do đặc điểm địch tiến công có hỏa lực mạnh, sức cơ động cao, tác chiến không gian mạng và tác chiến điện tử rộng rãi; sử dụng nhiều biện pháp, thủ đoạn tác chiến, tiến công đồng thời trên nhiều hướng; kết hợp tiến công đường bộ với đổ bộ đường biển, đường không, vu hồi đường sông, tiến công vượt điểm,... vào khu vực phòng thủ chủ yếu nên quân khu phải tổ chức đầy đủ, chặt chẽ hệ thống trinh sát, quan sát nắm địch trên không, mặt đất, trên biển và không gian mạng. Tận dụng, phát huy hết khả năng, sở trường, kết quả trinh sát của các lực lượng: quân khu, cấp trên, cấp dưới, lực lượng vũ trang địa phương,… nhằm phát hiện chính xác, kịp thời ý định tiến công của địch. Nội dung nắm địch toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm ở hướng, khu vực tác chiến chủ yếu; tập trung phát hiện âm mưu, quy mô lực lượng, phương tiện, phiên hiệu đơn vị, đội hình và các biện pháp, thủ đoạn tiến công của địch. Vận dụng sáng tạo, hiệu quả các hình thức, biện pháp, phương tiện trinh sát, kết hợp các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ trinh sát với biện pháp quân báo nhân dân, khai thác tù binh, hàng binh; kết hợp phương tiện thô sơ với hiện đại, tổ chức nắm địch rộng khắp, từ xa đến gần; coi trọng các biện pháp thu thập, phân tích, xử lý thông tin; bảo đảm bí mật và cảnh giác với hoạt động nghi binh, đánh lừa của địch, làm cơ sở xác định quyết tâm xử lý tình huống nhanh chóng, chính xác, phù hợp.

Hai là, duy trì sức chiến đấu liên tục, dài ngày. Đánh địch giữ vững khu vực phòng thủ chủ yếu thường diễn ra gay go, quyết liệt, liên tục ngay từ đầu và suốt quá trình tác chiến, với mật độ sử dụng bom, đạn cao, tổn thất, thương vong lớn. Vì vậy, để duy trì, bảo đảm sức chiến đấu liên tục, dài ngày, hoàn thành nhiệm vụ tác chiến, sau mỗi đợt địch tiến công thất bại và sau mỗi ngày chiến đấu, quân khu tập trung chỉ đạo lực lượng phòng ngự, phòng thủ tích cực sửa chữa, khôi phục hệ thống công sự, vật cản, bổ sung kịp thời lực lượng, vũ khí, đạn dược, v.v. Lực lượng cơ động tiến công tập trung bảo đảm cơ sở vật chất, trang bị, đặc biệt là phương tiện, đường cơ động sẵn sàng đánh địch tiếp theo. Các bộ phận ở vị trí trú quân phải giữ bí mật, xây dựng công sự, trận địa bảo đảm an toàn cho người, vũ khí, trang bị, không để bị sát thương do địch tập kích hỏa lực. Đối với các đơn vị binh chủng, tổ chức sử dụng và bố trí lực lượng phù hợp với khả năng, sở trường của từng đơn vị, tính năng của từng loại vũ khí, phát huy sức mạnh hỏa lực đánh địch. Kết hợp chặt chẽ các biện pháp xây dựng hệ thống công sự (chính thức, dự bị) vững chắc, ngụy trang giữ bí mật, xây dựng nhiều trận địa giả để nghi binh, lừa địch với cơ động di chuyển, dịch chuyển linh hoạt, bảo toàn lực lượng đánh địch lâu dài. Tổ chức bố trí hệ thống sở chỉ huy các cấp hợp lý trên từng hướng, khu vực tác chiến, bảo đảm độ vững chắc và thuận tiện chỉ huy, chỉ đạo các đơn vị đánh địch trong mọi tình huống.

Cùng với đó, phải tổ chức xây dựng hệ thống công sự, hầm ngầm, địa đạo có khả năng chịu đựng sức công phá lớn của các loại hoả lực địch, bảo toàn lực lượng, phương tiện, đủ sức đánh địch liên tục, dài ngày; nâng cao hiệu quả hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong tác chiến. Kết hợp huấn luyện, xây dựng, phát triển lực lượng, nâng cao trình độ chỉ huy các cấp với đẩy mạnh các biện pháp nâng cao khả năng dự trữ, huy động nhân lực, vật lực, trí lực, tài lực cho chiến tranh, đáp ứng yêu cầu tác chiến lâu dài.

Ba là, tích cực, chủ động phòng, chống hiệu quả vũ khí công nghệ cao của địch, bảo toàn lực lượng. Quá trình tiến công, nhất là đối với khu vực phòng thủ chủ yếu của ta, địch sẽ sử dụng vũ khí công nghệ cao để làm “mềm” chiến trường. Vì vậy, để giữ vững khu vực này, quân khu phải căn cứ vào điều kiện cụ thể, nhiệm vụ, cách đánh và địa hình, thời tiết để tổ chức bố trí, sử dụng lực lượng vũ trang, phương tiện chiến đấu phù hợp, bảo đảm phát huy được sức mạnh của cả xung lực và hỏa lực đánh địch kịp thời, hiệu quả nhất; đồng thời, bảo toàn được lực lượng, phương tiện, trang bị trước sự tiến công bằng vũ khí công nghệ cao của địch. Để hạn chế khả năng trinh sát, phát hiện và đánh phá của địch, cần kết hợp chặt chẽ giữa các biện pháp xây dựng công sự, trận địa với ngụy trang, nghi binh lừa địch; chú trọng xây dựng công sự, hầm ngầm vững chắc cho các sở chỉ huy, lực lượng phòng ngự, phòng thủ, các trận địa hỏa lực, mục tiêu trọng yếu, trọng điểm phòng ngự. Đẩy mạnh các biện pháp cơ động lực lượng, di chuyển, dịch chuyển vũ khí, trang bị, phương tiện trong quá trình tác chiến để không chỉ tránh đòn tiến công bằng vũ khí công nghệ cao, bảo toàn lực lượng, mà còn tạo lập và chuyển hóa thế trận linh hoạt, bảo đảm yếu tố bí mật, bất ngờ, tạo ra ưu thế lực lượng, sức mạnh hỏa lực thực hiện thắng lợi các trận đánh, chiến dịch. Cùng với đó, cần trang bị cho cán bộ, chiến sĩ những kiến thức cơ bản, cần thiết về phòng, chống vũ khí công nghệ cao của địch; tích cực, nghiên cứu tìm hiểu, cập nhật những thông tin mới về các loại vũ khí địch đã và sẽ sử dụng trong chiến tranh; kinh nghiệm phòng, chống của các nước để vận dụng vào quá trình tác chiến. Kết hợp chặt chẽ giữa phòng tránh với đánh địch tiến công hỏa lực một cách có hiệu quả. Tuy nhiên, do điều kiện vũ khí, trang bị của ta có hạn, nên cần lấy biện pháp phòng tránh là chính; lựa chọn thời cơ đánh địch bằng lực lượng và vũ khí, trang bị hiện có đạt hiệu quả cao nhất. Vận dụng cách đánh sở trường, nhất là đánh gần, đánh cài xen kẽ không cho địch phân tuyến; kết hợp đánh lâu dài với đánh nhanh, tiêu diệt mục tiêu nhanh, cơ động nhanh để bảo toàn lực lượng.

Bốn là, tổ chức chỉ huy thống nhất, hiệp đồng chặt chẽ, thông tin liên lạc thông suốt và phòng, chống tác chiến điện tử. Để chỉ huy, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng trong suốt quá trình tác chiến, cần tổ chức hệ thống chỉ huy thống nhất từ cấp quân khu đến các đơn vị chủ lực và lực lượng phòng thủ tỉnh, thành phố, bảo đảm đủ thành phần, lực lượng, phương tiện; giữ bí mật thông tin chỉ huy và có phương án di chuyển sở chỉ huy khi cần thiết, bảo đảm cho tư lệnh quân khu chỉ huy, hiệp đồng các lực lượng tác chiến thông suốt, liên tục, kịp thời trong mọi tình huống. Tổ chức mạng thông tin liên lạc hoàn chỉnh, kết hợp sử dụng nhiều phương tiện (vô tuyến điện, hữu tuyến điện, tín hiệu, vận động), bằng nhiều kênh, nhiều đường thông tin (chính thức, dự bị, vu hồi); có kế hoạch, phương án bảo đảm cho chỉ huy, hiệp đồng và xử trí kịp thời các tình huống xảy ra. Kết hợp chặt chẽ giữa các thành phần, lực lượng thông tin liên lạc của quân khu, Bộ, các quân chủng, binh chủng trên từng hướng, từng khu vực, tạo thành hệ thống thông tin liên lạc vững chắc, thông suốt, chỉ huy được tất cả các lực lượng đánh địch trên các hướng, các khu vực, ưu tiên lực lượng phòng ngự, phòng thủ trên hướng chủ yếu và đơn vị thực hiện trận then chốt, quyết định chiến dịch. Thực hiện các biện pháp nâng cao trình độ, khả năng tác chiến điện tử cho đơn vị, chống địch gây nhiễu, chế áp điện tử; tăng cường nghi binh, lừa địch; tích cực, chủ động sử dụng lực lượng tinh nhuệ và hoả lực tập kích vào trung tâm chỉ huy, các đài gây nhiễu để hạn chế, phá huỷ các phương tiện điện tử của địch, bảo vệ hệ thống thông tin liên lạc chỉ huy, hiệp đồng của ta.

Năm là, bảo đảm tốt công tác hậu cần, kỹ thuật cho đánh địch giữ vững khu vực phòng thủ chủ yếu. Quân khu cần chỉ đạo cơ quan hậu cần, kỹ thuật hiệp đồng chặt chẽ với cấp trên bảo đảm đầy đủ, kịp thời số lượng, chất lượng quân nhu, quân y, xăng dầu; chủng loại vũ khí, trang bị, phương tiện với hệ số kỹ thuật cao nhất, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tác chiến. Tổ chức phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng các kế hoạch, phương án huy động, động viên nguồn lực vật chất hậu cần, kỹ thuật bảo đảm trong tác chiến. Tận dụng và phát huy vai trò của các căn cứ hậu phương, căn cứ, phân căn cứ hậu cần, kỹ thuật, kho, trạm, xưởng chiến lược, chiến dịch, bảo đảm đầy đủ, kịp thời cho các lực lượng đánh địch. Tổ chức lực lượng, phương tiện vận tải, vận chuyển, cứu kéo, bảo đảm đường cơ động, khắc phục hậu quả, nâng cao khả năng chiến đấu cho các lực lượng của quân khu; ưu tiên các đơn vị thực hiện nhiệm vụ chủ yếu, trên các hướng, khu vực trọng điểm. Bên cạnh đó, phải tiến hành các biện pháp phòng, chống địch tiến công hỏa lực trong quá trình vận chuyển, tiếp tế, bảo đảm cho các lực lượng của quân khu chiến đấu được liên tục, dài ngày và giành thắng lợi.

Đại tá, TS. TRẦN HÙNG CƯƠNG, Học viện Quốc phòng

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.