Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Ba, 27/11/2018, 15:45 (GMT+7)
Bàn giải pháp xây dựng đội ngũ chính trị viên ở sư đoàn bộ binh hiện nay

Các sư đoàn bộ binh là lực lượng chủ lực của Quân đội ta, lực lượng nòng cốt tạo nên sức mạnh trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, đội ngũ chính trị viên có vai trò đặc biệt quan trọng, nhân tố chủ yếu tạo nên sức mạnh chính trị, tinh thần ở đơn vị. Vì vậy, xây dựng đội ngũ chính trị viên ở các sư đoàn bộ binh “vừa hồng, vừa chuyên”, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ là một đòi hỏi khách quan từ thực tiễn.

Đội ngũ chính trị viên ở các sư đoàn bộ binh trong Quân đội ta là những người chủ trì về chính trị, trực tiếp chỉ đạo và tiến hành các hoạt động công tác đảng, công tác chính trị ở các đại đội, tiểu đoàn và tương đương; cùng người chỉ huy trực tiếp quản lý, giáo dục, rèn luyện cán bộ, chiến sĩ, xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện. Vì vậy, xây dựng đội ngũ chính trị viên vững mạnh có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng xây dựng chính trị, tư tưởng và tổ chức, phát huy nhân tố con người trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ ở phân đội của các sư đoàn bộ binh.

Thực tiễn thời gian qua cho thấy, bên cạnh những ưu điểm là cơ bản, thì chất lượng của một số chính trị viên không cao. Biểu hiện cụ thể là: tri thức, năng lực, phương pháp, tác phong công tác của người chủ trì về chính trị có mặt còn hạn chế; năng lực tiến hành công tác đảng, công tác chính trị còn nhiều bất cập;  giải quyết các mối quan hệ giữa lãnh đạo, chỉ huy và quản lý đơn vị đôi lúc còn lúng túng, v.v. Trong khi đó, yêu cầu xây dựng Quân đội về chính trị hiện nay đặt ra rất cao, nhiệm vụ đặt ra rất nặng nề. Vì vậy, để xây dựng đội ngũ chính trị viên “vừa hồng, vừa chuyên”, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của các sư đoàn bộ binh trong tình hình mới, cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp sau:

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng đối với công tác xây dựng đội ngũ chính trị viên. Đây là giải pháp cơ bản, quan trọng hàng đầu trong xây dựng đội ngũ chính trị viên ở các sư đoàn bộ binh. Bởi, xây dựng đội ngũ chính trị viên ở các sư đoàn bộ binh chỉ đạt được kết quả khi các tổ chức, lực lượng (cả chủ thể và đối tượng) có nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của chính trị viên và tầm quan trọng của việc xây dựng đội ngũ cán bộ này. Nhận thức lệch lạc, thiếu khoa học sẽ dẫn đến hành động thụ động, thiếu kế hoạch và tất yếu hiệu quả sẽ không như mong muốn. Do đó, để đạt được mục đích, yêu cầu đề ra, đòi hỏi các tổ chức, lực lượng, các cấp, các ngành phải đề cao trách nhiệm, thống nhất về nhận thức và hành động trong xây dựng đội ngũ chính trị viên; bản thân đội ngũ chính trị viên cũng phải có nhận thức đúng và tích cực tu dưỡng, rèn luyện bản thân đáp ứng chức trách, nhiệm vụ được giao. Để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong xây dựng đội ngũ chính trị viên ở các sư đoàn bộ binh hiện nay, cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì và cơ quan chức năng các cấp cần đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức của các tổ chức, lực lượng đối với nhiệm vụ xây dựng đội ngũ chính trị viên bằng các việc làm thiết thực, cụ thể, như: thông qua các hình thức sinh hoạt của tổ chức đảng, tổ chức quần chúng các cấp; thông qua thực tiễn thực hiện nhiệm vụ; tổ chức tốt các cuộc thi bí thư chi bộ (đảng bộ) giỏi; thi chính trị viên giỏi; kết hợp giữa trang bị kiến thức trong nhà trường với huấn luyện, bồi dưỡng thực tiễn tiến hành công tác đảng, công tác chính trị để nâng cao trình độ, năng lực, phương pháp, tác phong công tác cho đội ngũ chính trị viên. Qua đó, bảo đảm cho các tổ chức, lực lượng có nhận thức đúng, đề cao trách nhiệm; phát huy tính tích cực, tinh thần chủ động, sáng tạo trong xây dựng đội ngũ chính trị viên ở các sư đoàn bộ binh trong toàn quân hiện nay.

Hai là, thực hiện tốt công tác quy hoạch, tạo nguồn, tuyển chọn, sắp xếp, sử dụng đội ngũ chính trị viên ở các sư đoàn bộ binh. Quy hoạch là khâu trung tâm của toàn bộ công tác xây dựng đội ngũ chính trị viên ở các sư đoàn bộ binh. Thực hiện tốt công tác này, sẽ góp phần quan trọng vào việc định hướng đúng mục tiêu xây dựng đội ngũ chính trị viên. Đây cũng là cơ sở cho việc lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ chính trị viên theo từng bước, từng thời gian. Quá trình thực hiện phải căn cứ vào nhiệm vụ chính trị của đơn vị, quy mô tổ chức biên chế, cơ cấu, tiêu chuẩn và thực trạng đội ngũ chính trị viên; đồng thời, phải tuân thủ những quan điểm, nguyên tắc về quy hoạch đội ngũ cán bộ chủ trì. Mục đích và yêu cầu quy hoạch đội ngũ chính trị viên ở các sư đoàn bộ binh phải nhằm góp phần xây dựng được đội ngũ cán bộ lãnh đạo có phẩm chất, năng lực theo điều kiện và tiêu chuẩn của người chủ trì về chính trị, chủ trì công tác đảng, công tác chính trị cấp phân đội. Công tác tạo nguồn đào tạo chính trị viên phải nằm trong tổng thể công tác tạo nguồn cán bộ chính trị, tuyển chọn chính ủy, chính trị viên của Quân đội; trong đó, cần chú trọng các đối tượng là cán bộ, chiến sĩ ưu tú, có tài năng và tâm huyết trong các đơn vị để tuyển chọn chính trị viên một cách chặt chẽ, v.v.

Trên cơ sở quy hoạch, tạo nguồn, việc sắp xếp, sử dụng đội ngũ chính trị viên phải trên cơ sở phẩm chất, năng lực và uy tín;  phải từ việc mà đặt người chứ không phải vì người mà đặt việc. Sắp xếp, sử dụng đội ngũ chính trị viên còn phải căn cứ vào tiêu chuẩn cán bộ, lấy tiêu chuẩn cụ thể của chính trị viên để sắp xếp cho đúng, cho chính xác. Cấp ủy, tổ chức đảng, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên các cấp căn cứ vào cấp học, bậc học và kết quả học tập, rèn luyện của cán bộ để sắp xếp, sử dụng đội ngũ chính trị viên theo quy hoạch hoặc theo hướng sử dụng cán bộ. Trước khi quyết định sắp xếp, sử dụng vào các vị trí phải được bàn kỹ, thảo luận thống nhất trong cấp ủy, thường vụ theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tránh biểu hiện tiêu cực, chủ quan, cảm tính. Đồng thời, từng đơn vị phải thường xuyên làm tốt công tác sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm cả trong xây dựng, tạo nguồn cán bộ chính trị, tuyển chọn và sắp xếp sử dụng đội ngũ chính trị viên. 

Ba là, nâng cao chất lượng đào tạo chính trị viên. Đây là một khâu trong quy trình xây dựng đội ngũ cán bộ chính trị, có liên quan chặt chẽ đến công tác quy hoạch, tạo nguồn, tuyển chọn quản lý, đánh giá, sử dụng và thực hiện các chế độ, chính sách. Mỗi khâu, mỗi bước đều góp phần tạo nên chất lượng đội ngũ, song đào tạo cán bộ là khâu quan trọng nhất, trực tiếp hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực của chính trị viên. Thời gian qua, công tác đào tạo cán bộ chính trị đã có nhiều đổi mới, chất lượng đào tạo từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, tình hình và nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới, cùng hiện thực cuộc sống sinh động, không ngừng phát triển, đòi hỏi công tác đào tạo cần được đổi mới một cách toàn diện và cơ bản, nhằm góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chủ trì về chính trị cấp phân đội ở các sư đoàn bộ binh.

Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo chính trị viên cần tập trung  hoàn thiện mô hình, mục tiêu đào tạo chính trị viên trong các nhà trường Quân đội; trong đó, tập trung xây dựng, hoàn thiện chương trình, nội dung và thực hiện tốt kế hoạch đào tạo chính trị viên, đảm bảo tính khoa học, sát thực tiễn. Thường xuyên đổi mới các hình thức, phương pháp đào tạo theo hướng đề cao tính độc lập, sáng tạo của học viên đào tạo chính trị viên; kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo tại các nhà trường Quân đội với bồi dưỡng thực tiễn ở đơn vị, v.v.

Bốn là, phát huy tính tích cực, chủ động, tự giác trong tự học tập, rèn luyện của đội ngũ chính trị viên. Phẩm chất, năng lực của đội ngũ chính trị viên là kết quả tác động tổng hợp của hoạt động đào tạo, bồi dưỡng ở các nhà trường, tổ chức bồi dưỡng, rèn luyện ở đơn vị và việc tự học tập, rèn luyện, phấn đấu của mỗi chính trị viên. Trong đó, tự học tập, rèn luyện, phấn đấu có vai trò đặc biệt quan trọng. Tự học tập, rèn luyện, phấn đấu là phương thức chủ yếu, công việc suốt đời của mỗi người cán bộ, giúp họ không ngừng tiến bộ, trưởng thành về mọi mặt; đồng thời, giúp họ khắc phục được những hạn chế, nhược điểm của chính bản thân mình, bù đắp những khoảng trống trong công tác bồi dưỡng của tổ chức để đáp ứng với đòi hỏi của tình hình, nhiệm vụ.

Việc bồi dưỡng, hướng dẫn chính trị viên xây dựng kế hoạch học tập rèn luyện, phấn đấu là trách nhiệm của cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp. Do vậy, kế hoạch tự học tập, rèn luyện, phấn đấu của chính trị viên cần phải được xây dựng thật sự khoa học, theo một quy cách thống nhất, được phê chuẩn theo phân cấp. Trong quá trình thực hiện, các đơn vị cần tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức, bồi dưỡng động cơ, xây dựng tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác và phát huy tính tích cực, chủ động của chính trị viên trong tự học tập, rèn luyện, phấn đấu. Cùng với đó, cần thường xuyên quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đội ngũ chính trị viên hoạt động. Cấp ủy, chỉ huy các cấp luôn theo sát để hướng dẫn, giúp đỡ chính trị viên thuộc quyền tiến hành tốt các hình thức, phương pháp tự học tập, tự rèn luyện. Đồng thời, thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, đánh giá kết quả tự học tập, rèn luyện, phấn đấu của đội ngũ chính trị viên, lấy đó là một tiêu chí để nhận xét, đánh giá cán bộ hằng năm.

Các giải pháp trên gắn bó chặt chẽ, thống nhất với nhau. Vì vậy, trong quá trình vận dụng, triển khai thực hiện không được xem nhẹ hoặc tuyệt đối hóa giải pháp nào. Trong triển khai thực hiện, các đơn vị phải nắm vững quan điểm của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội trong thời kỳ mới; đồng thời, quán triệt quan điểm khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể và phát triển trong xây dựng đội ngũ chính trị viên, góp phần xây dựng đội ngũ chính trị viên ở các sư đoàn bộ binh “vừa hồng, vừa chuyên”, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Thượng tá, TS. HOÀNG MẠNH HƯNG, Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.