Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Sáu, 27/12/2013, 10:01 (GMT+7)
Một số vấn đề về thiết quân luật

Thiết quân luật là thiết lập sự quản lý xã hội bằng quy chế đặc biệt do nhà nước ban hành trong tình trạng khẩn cấp. Từ năm 2010, ở nước ta, thiết quân luật được đưa vào thực hiện trong một số cuộc diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn chưa thống nhất, có địa phương còn lúng túng trong tổ chức thực hành,... Vì vậy, nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện lý luận về thiết quân luật có ý nghĩa thiết thực.          

Hòa bình và chiến tranh là hai trạng thái đối lập nhau trong xã hội. Giữa hai trạng thái này có một giai đoạn chuyển tiếp. Đó là chuyển đất nước hoặc vùng lãnh thổ vào trạng thái khẩn cấp (TTKC) về quốc phòng; trong đó, có tổ chức thi hành thiết quân luật (TQL). Khi thực hiện TQL, quyền hạn của các tổ chức quân sự được mở rộng sang một số lĩnh vực dân sự. Khi đó, cơ quan quân sự có quyền: thực hiện chức năng quản lý nhà nước về mặt quốc phòng để bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và an ninh quốc gia. Thực tiễn nhiều quốc gia trên thế giới đã tiến hành TQL để áp dụng những biện pháp đặc biệt, nhằm xử trí kịp thời các tình huống, giữ vững an ninh chính trị (ANCT), trật tự, an toàn xã hội (ATXH), ngăn ngừa nguy cơ dẫn đến nội chiến, chiến tranh. Trong trường hợp tình hình ANCT, trật tự, ATXH ở cơ sở, địa phương bị xâm hại nghiêm trọng, chính quyền dân sự không đủ hiệu lực quản lý địa bàn, thì việc thành lập Ủy ban quân sự và áp dụng các biện pháp đặc biệt để quản lý địa bàn, lập lại trật tự, kỷ cương ổn định tình hình là cần thiết.

Trong bối cảnh đất nước mới giành được độc lập, thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta một lần nữa, ngày 24-5-1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 77/SL về TQL. Tuy nhiên, chúng ta chưa tổ chức TQL, mà chỉ thực hiện chế độ quân quản trong những ngày đầu tiếp quản Thủ đô Hà Nội (10-1954). Theo chủ trương của Trung ương Đảng, thời gian đầu để tiếp quản Thành phố, cần xây dựng một cơ quan Chính quyền đặc biệt, thực hiện “Chế độ quản trị quân sự”, giao cho Quân đội đảm nhiệm thực hiện chế độ quân quản, sau đó sẽ tổ chức ra Ủy ban Quân chính (UBQC) gồm những cán bộ chỉ huy đơn vị quân đội vào Thành và Ủy ban Kháng chiến Hành chính. UBQC tập trung vào công tác tiếp quản Hà Nội, thực hiện trấn áp, loại bỏ các âm mưu chống phá của kẻ thù, bảo vệ an ninh, trật tự cho Thủ đô; đồng thời, giải quyết tất cả các công việc hành chính của chính quyền. Khi tình hình đi vào ổn định, UBQC cũng dần chuyển giao vai trò cho Ủy ban Hành chính (do Chính phủ thành lập) và chuyển dần thành cơ quan quân sự, làm chức năng như cơ quan quân sự địa phương, chuyên về lĩnh vực quân sự để bảo vệ chính quyền.

Sau khi Sài Gòn hoàn toàn giải phóng (4-1975), Ủy ban Quân quản (UBQQ) được thành lập, có nhiệm vụ chủ yếu là đảm bảo trật tự trị an và xây dựng chính quyền cơ sở mới; đồng thời, giải quyết nạn đói, tạo điều kiện cho những người dân ly tán trở về quê hương,... UBQQ đã triển khai hàng loạt nhiệm vụ cụ thể từ kê khai, giải giáp vũ khí, thực hiện chính sách đối với những người thuộc chế độ cũ; ban hành hàng loạt chính sách nhằm ổn định tiền tệ, mở lại hoạt động bưu chính, ngăn chặn các hành động đầu cơ tích trữ, chiếm đoạt tài sản,... Mặt khác, UBQQ đã đập tan nhiều âm mưu, hành động phá hoại, chống lại chính quyền mới của bọn phản động. Chỉ trong một thời gian ngắn (258 ngày hoạt động), trong bối cảnh đầy phức tạp, UBQQ đã thực hiện một khối lượng công việc rất lớn, giữ cho Sài Gòn - Gia Định ổn định, tạo cơ sở cho chính quyền các cấp của thành phố được thành lập và bước vào hoạt động.

Từ kinh nghiệm thực hiện chế độ quân quản trong những ngày đầu tiếp quản Thủ đô Hà Nội, Sài Gòn - Gia Định (5-1975) và nghiên cứu TQL của một số quốc gia trên thế giới, Nhà nước ta đã từng bước “luật hóa”, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện TQL trong tình trạng khẩn cấp. Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 1992 (sửa đổi bổ sung năm 2001) một số điều quy định: Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết, Chủ tịch nước ban bố “Tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp”. Năm 2009, Chính phủ ban hành Nghị định 32/2009/NP-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quốc phòng về TTKC về quốc phòng, TQL, giới nghiêm. Năm 2013, Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư 21/2013/TT-BQP hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 32/2009/NĐ-CP. Đây là những cơ sở pháp lý để chúng ta nghiên cứu, vận dụng vào quá trình huấn luyện, diễn tập về TQL.

Từ năm 2010, TQL được đưa vào thực hiện thí điểm trong một số cuộc diễn tập khu vực phòng thủ (KVPT) tỉnh, thành phố, như: Hải Phòng, Nam Định, Quảng Nam,... Trên cơ sở rút kinh nghiệm của các cuộc diễn tập trên, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo đưa TQL vào nội dung diễn tập KVPT tỉnh, thành phố. Mặc dù là nội dung mới, nhưng qua diễn tập, các địa phương đã đạt được những kết quả bước đầu, khẳng định chủ trương đưa nội dung TQL vào diễn tập là phù hợp với thực tiễn và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tuy nhiên, còn có những nhận thức khác nhau về thành phần, tổ chức lãnh đạo, hoạt động của Ủy ban Quân sự; một số địa phương đưa tình huống vào diễn tập còn giản đơn hoặc nặng về trình diễn, v.v.

Từ nghiên cứu tổ chức thi hành lệnh TQL ở một số nước trên thế giới, chế độ  quân quản sau giải phóng và diễn tập KVPT tỉnh, thành phố trong thời gian qua, có thể rút ra một số vấn đề sau:

Trường hợp TQL: Có thể được áp dụng trong thời chiến, ở vùng mới giải phóng hoặc khi một số địa phương có tình hình ANCT, trật tự, ATXH diễn biến phức tạp, như: biểu tình, bạo loạn,... Các địa phương này đã chuyển vào TTKC về quốc phòng, đã áp dụng nhiều biện pháp để giải tán biểu tình, trấn áp bạo loạn có vũ trang, nhưng chính quyền một số xã, thị trấn thuộc huyện; huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh không còn kiểm soát được tình hình.

Thẩm quyền ban bố, bãi bỏ lệnh TQL: Chủ tịch nước ra lệnh TQL theo đề nghị của Chính phủ sau khi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công an đề xuất với Chính phủ sự cần thiết phải áp dụng biện pháp TQL ở một số địa phương. Khi tình hình ANCT, trật tự, ATXH trong địa bàn TQL đã ổn định thì Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công an báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chủ tịch nước ra lệnh bãi bỏ TQL.

Lực lượng thi hành lệnh TQL: Là lực lượng tổng hợp, lấy lực lượng quân sự làm nòng cốt. Khi sử dụng quân đội thực hiện TQL, các đơn vị quân đội được trao những quyền hạn đặc biệt và được áp dụng các biện pháp cần thiết do pháp luật quy định để nhanh chóng ổn định tình hình. Quy mô sử dụng lực lượng có thể là: cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sử dụng đơn vị cấp sư đoàn hoặc tương đương (của quân khu hoặc Bộ). Cấp huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh sử dụng 01 trung đoàn hoặc tương đương. Cấp xã, phường, thị trấn sử dụng 01 tiểu đoàn hoặc tương đương. Căn cứ vào tính chất, diễn biến tình hình, đặc điểm của từng địa bàn có thể tổ chức thành lực lượng cơ động; lực lượng canh gác bảo vệ các mục tiêu quan trọng; lực lượng chốt chặn kiểm soát; lực lượng tuần tra; lực lượng tuyên truyền đặc biệt; lực lượng làm công tác vận động quần chúng, xây dựng cơ sở; lực lượng trinh sát quân báo, lực lượng bảo đảm, v.v.

Các đơn vị quân đội được giao nhiệm vụ TQL cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

1. Công tác chuẩn bị gồm: chuẩn bị lực lượng, phương tiện vật chất, con dấu của Ủy ban Quân sự, hệ thống văn bản, văn kiện thi hành lệnh TQL và bảo đảm ngân sách cho thi hành lệnh TQL.

2. Khi nhận bàn giao từ chính quyền dân sự, cần nắm tình hình quân sự, ANCT, trật tự, ATXH, tình hình về kinh tế và văn hóa - xã hội,... Tổ chức nhận bàn giao vào thời điểm sau khi Ủy ban Quân sự được thành lập, hành quân đến địa bàn thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch thời gian của trên quy định.

3. Sau khi nhận bàn giao, Ủy ban Quân sự phải đánh giá tình hình, xác định các biện pháp TQL, thông qua phiên họp (có thể mời một số cán bộ lãnh đạo đảng, chính quyền, ban, ngành cùng cấp tham gia; qua đó phát huy kinh nghiệm và sự am hiểu tình hình địa phương). Khi kết luận, phải căn cứ vào tình hình thực tế trên địa bàn; âm mưu thủ đoạn của lực lượng chống đối, tình hình tư tưởng của nhân dân, lực lượng vũ trang,... để kết luận tình hình chính xác, khách quan. Từ đó, dự kiến chính xác các tình huống có thể xảy ra và đề ra những chủ trương, biện pháp thi hành TQL đạt hiệu quả cao.

4. Tổ chức thi hành TQL phải bằng lực lượng tổng hợp, lấy lực lượng quân sự làm nòng cốt. Thực hiện đồng bộ các biện pháp, trong đó biện pháp quân sự - an ninh là quyết định, nhằm nhanh chóng đưa địa phương trở lại trạng thái bình thường. Vì vậy, người chỉ huy đơn vị quân đội được giao thi hành TQL phải khẩn trương tổ chức lại bộ máy chính quyền đến cấp xã, phường, thị trấn, các thôn, bản, khóm, ấp để duy trì ANCT, trật tự, ATXH, tiêu diệt và truy quét bọn phản động. Về kinh tế, tập trung vào việc chống các thủ đoạn phá hoại kinh tế của địch; đồng thời, chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất, lưu thông phân phối nhằm ổn định đời sống nhân dân. Về văn hóa - xã hội, cần tích cực đấu tranh vạch trần âm mưu thủ đoạn của kẻ thù trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng; tuyên truyền, vận động, thuyết phục quần chúng nhân dân không mắc mưu bọn phản động, không tham gia biểu tình, bạo loạn, tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, tích cực tham gia đấu tranh vạch mặt bọn cầm đầu; kiểm soát chặt chẽ các phương tiện thông tin đại chúng, cơ sở in ấn, photo copy, báo chí,... Quá trình TQL phải dùng biện pháp quân sự để làm cơ sở và áp lực cho hoạt động vận động thuyết phục; tiến hành biện pháp quân sự phải thận trọng mà khẩn trương, mềm dẻo mà kiên quyết; lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy TQL phải thống nhất. Tuy nhiên, để thực hiện được vai trò nòng cốt, lực lượng quân sự cần phải phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác, các ban, ngành đoàn thể và nhân dân địa phương để tạo sức mạnh tổng hợp trong thực hiện TQL.

5. Khi tình hình ANCT, trật tự, ATXH ổn định và có lệnh của cấp có thẩm quyền, Ủy ban Quân sự bàn giao lại cho chính quyền dân sự. Tuy nhiên, lực lượng quân sự phải tiếp tục phối hợp với công an duy trì các biện pháp cần thiết để giữ vững ANCT, trật tự, ATXH, bảo đảm cho chính quyền dân sự hoạt động có hiệu quả, ổn định tình hình nhân dân.

Đại tá, ThS. NGUYỄN THẾ MAU

Khoa QSĐP – Học viện Quốc phòng

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.