Thứ Tư, 30/04/2025, 12:28 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là một trong những yêu cầu cơ bản, nội dung trọng tâm của công tác xây dựng Đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Bài viết này, đề cập rõ thêm vấn đề trên ở Trường Sĩ quan Lục quân 2.
Nhận thức đúng vị trí, vai trò của chi bộ đối với việc lãnh đạo nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo trong các nhà trường Quân đội, những năm qua, Thường vụ Đảng ủy Trường Sĩ quan Lục quân 2 đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, nhất là sinh hoạt ra nghị quyết lãnh đạo, học tập, tự phê bình và phê bình. Qua đó, quán triệt, lãnh đạo tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, khoa giáo viên, đơn vị, cũng như trong giáo dục, rèn luyện đảng viên, xây dựng chi bộ, đảng bộ trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ sĩ quan chỉ huy, tham mưu lục quân và cán bộ quân sự cho Quân đội ta.
Có thể nhận thấy, thời gian qua, sinh hoạt chi bộ ở Trường Sĩ quan Lục quân 2 đã đi vào nền nếp, chất lượng được nâng lên. Các buổi sinh hoạt cơ bản thực hiện đúng mục đích, yêu cầu đề ra, quán triệt và cụ thể hóa được các nội dung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên; chấp hành nghiêm các nguyên tắc sinh hoạt đảng; quyết định các vấn đề sinh hoạt thuộc phạm vi, chức năng, quyền hạn của chi bộ khá sát, đúng, tạo được sự đồng thuận, thống nhất, góp phần tạo chuyển biến vững chắc trong xây dựng Nhà trường. Nhờ vậy, nền nếp, chế độ giáo dục - đào tạo, xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật khá, ý thức sẵn sàng chiến đấu được nâng lên; tỉ lệ vi phạm kỷ luật, quy chế đào tạo, mất an toàn giảm đáng kể; kết quả giáo dục - đào tạo không ngừng tiến bộ, tỉ lệ học viên tốt nghiệp khá, giỏi tăng hằng năm từ 0,3 đến 0,8%; 100% học viên tốt nghiệp ra trường được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam và sẵn sàng nhận nhiệm vụ; trên 85% chi bộ và 90% đảng viên được phân loại đạt mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.
Tuy vậy, “Năng lực lãnh đạo của một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa toàn diện, chất lượng sinh hoạt chưa cao, xây dựng nghị quyết lãnh đạo có nội dung không sát, chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ kết quả thấp. Một số bí thư cấp ủy cơ sở, chi bộ nắm nghiệp vụ công tác đảng chưa chắc nên điều hành còn lúng túng”1. Công tác chuẩn bị sinh hoạt có chi bộ chưa chu đáo; dự thảo nghị quyết còn chung chung, dàn trải, đánh giá thiếu sâu sát, chưa chỉ rõ nguyên nhân của những yếu kém, khuyết điểm; việc đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo có mặt thiếu tính khả thi; tổ chức thực hiện chưa đồng bộ, hiệu quả thấp. Một số bí thư, phó bí thư năng lực, kinh nghiệm còn hạn chế; chủ trì điều hành hội nghị chi bộ thiếu linh hoạt, sáng tạo; còn rập khuôn, máy móc; chưa kịp thời định hướng, phát huy trí tuệ tập thể, cá nhân. Có chi bộ xác định nội dung, hình thức, phương pháp sinh hoạt chưa phù hợp, còn lẫn lộn giữa sinh hoạt chi bộ với sinh hoạt đơn vị. Một số đảng viên chưa phát huy hết vai trò trong sinh hoạt chi bộ, v.v. Những hạn chế, khuyết điểm trên phần nào ảnh hưởng đến chất lượng sinh hoạt và kết quả lãnh đạo của các chi bộ thuộc Đảng bộ Nhà trường.
Qua nghiên cứu xin mạnh dạn đề xuất một số nội dung, biện pháp chủ yếu nhằm góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ ở Trường Sĩ quan Lục quân 2 nói riêng các nhà trường Quân đội nói chung như sau:
Một là, thường xuyên nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho chi ủy, bí thư và đảng viên về sinh hoạt chi bộ. Trước hết, làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức về vị trí, vai trò, ý nghĩa, sự cần thiết phải nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Trong đó, quan trọng là phải quán triệt, nắm vững các quy định, hướng dẫn của Đảng, của cấp ủy và cơ quan chức năng cấp trên về sinh hoạt đảng; tính chất, hình thức sinh hoạt chi bộ, v.v. Đồng thời, làm cho mọi đảng viên phân biệt rõ giữa tính chất, yêu cầu, nội dung sinh hoạt chi bộ với sinh hoạt đơn vị và sinh hoạt của các tổ chức quần chúng; khắc phục tính chủ quan, mệnh lệnh của bí thư, phó bí thư trên cương vị là cán bộ chỉ huy, quản lý đơn vị và tính thụ động, phụ thuộc, e ngại, không bày tỏ ý kiến trong sinh hoạt của đảng viên là cán bộ cấp dưới, trợ lý, nhân viên, học viên. Việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho đảng viên, chi ủy và bí thư phải được tiến hành đồng bộ, toàn diện và thường xuyên; coi đó là trách nhiệm của cấp ủy cấp trên, cơ quan chính trị mà trực tiếp là chi ủy, chi bộ. Hình thức, biện pháp thực hiện phải linh hoạt, vừa thông qua giáo dục của cấp trên vừa tự giáo dục trong chi ủy, chi bộ; tiến hành trong các buổi học tập, sinh hoạt đảng, bồi dưỡng chính trị tại chức cho các đối tượng; tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, thi bí thư, cấp ủy viên giỏi; lồng ghép vào nội dung giảng dạy công tác đảng, công tác chính trị cho các đối tượng, v.v.
Hai là, bồi dưỡng năng lực, phương pháp chuẩn bị và chủ trì sinh hoạt chi bộ cho chi ủy, bí thư. Chi ủy, bí thư là hạt nhân lãnh đạo, trực tiếp chuẩn bị dự thảo nội dung và chủ trì sinh hoạt chi bộ. Vì vậy, để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, cần bồi dưỡng nâng cao năng lực toàn diện cho bí thư và chi ủy viên; trong đó, tập trung bồi dưỡng năng lực công tác đảng, công tác chính trị, mà trực tiếp là năng lực chuẩn bị và chủ trì điều hành sinh hoạt chi bộ theo từng nội dung và hình thức sinh hoạt. Chú trọng bồi dưỡng phương pháp nghiên cứu, cụ thể hóa nghị quyết, chỉ thị, chỉ đạo của cấp trên; năng lực dự báo, đánh giá, nhận định, trao đổi thống nhất tình hình, nhiệm vụ và dự thảo các nội dung sinh hoạt của chi bộ; cách thức duy trì sinh hoạt, khả năng nắm bắt diễn biến tư tưởng, tâm lý đảng viên trong sinh hoạt và định hướng, điều hành buổi sinh hoạt đúng nguyên tắc, trình tự nội dung đã xác định. Thường xuyên bồi dưỡng, rèn luyện bí thư chi bộ tác phong làm việc dân chủ, bình đẳng, khách quan, lắng nghe, thấu hiểu, tôn trọng đảng viên, biết cách khơi gợi ý tưởng và hướng các ý kiến riêng lẻ của đảng viên vào nội dung cần bàn thảo, tạo sự đồng thuận trong sinh hoạt. Việc nâng cao năng lực, phương pháp chuẩn bị và chủ trì sinh hoạt chi bộ của cấp ủy, bí thư trước hết phải tiến hành từ chi ủy, chi bộ. Trong chi ủy, phải thường xuyên góp ý cho nhau với thái độ công tâm, trách nhiệm, xây dựng; đồng thời, phát huy và coi trọng ý kiến đóng góp của tập thể chi bộ, đảng viên về phẩm chất, năng lực, phương pháp, tác phong công tác của cấp ủy, bí thư để kịp thời khắc phục, điều chỉnh phù hợp. Đối với bí thư và chi ủy viên, phải tự mình học tập, rèn luyện, tu dưỡng hằng ngày; đặt mình vào các tình huống, điều kiện cụ thể, thường xuyên đúc rút kinh nghiệm thông qua quá trình chuẩn bị và duy trì sinh hoạt chi bộ; nghiêm túc tự phê bình và sửa chữa, khắc phục những hạn chế, yếu kém.
Đối với cấp ủy cấp trên, nhất là bí thư, phó bí thư đảng ủy cơ sở, phải thường xuyên bồi dưỡng năng lực và phương pháp cho chi ủy, bí thư chi bộ thông qua chỉ thị, hướng dẫn, tổ chức học tập, hội họp, trao đổi kinh nghiệm, kiểm tra, giám sát. Kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, khuyết điểm, bổ sung kiến thức và kinh nghiệm, rèn luyện phương pháp tác phong cho chi ủy viên, nhất là bí thư chi bộ. Coi trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo kiện toàn chi ủy đủ số lượng, chất lượng cao, cơ cấu hợp lý; làm tốt công tác lựa chọn, bồi dưỡng, bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ bảo đảm cho việc bố trí cơ cấu chi ủy, bí thư, phó bí thư đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.
Ba là, thực hiện nghiêm các nguyên tắc, chế độ, quy trình, gắn với đổi mới phương pháp chuẩn bị và sinh hoạt chi bộ. Chi ủy, chi bộ quán triệt, thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng; giữ vững và phát huy nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt. Thực hiện tốt các chỉ thị, quy định của Ban Bí thư, Quân ủy Trung ương, trực tiếp là Hướng dẫn 497/HD-CT, ngày 18-12-2012 của Tổng cục Chính trị về “Nội dung sinh hoạt chi bộ trong Đảng bộ Quân đội” và các hướng dẫn của Phòng Chính trị Nhà trường về sinh hoạt chi bộ, v.v. Qua đó, nắm chắc chế độ, quy trình, yêu cầu nội dung, thủ tục và phương pháp đối với từng nội dung, hình thức sinh hoạt; thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc của cấp ủy, chi bộ, phát huy vai trò, trách nhiệm của chi ủy, bí thư, phó bí thư trong chuẩn bị và chủ trì sinh hoạt chi bộ.
Để thực hiện tốt, quá trình chuẩn bị sinh hoạt, phải quán triệt và bám sát nghị quyết, sự chỉ đạo của cấp trên, tình hình, nhiệm vụ, thực tế của chi bộ, đơn vị; chủ động trao đổi thống nhất giữa bí thư, phó bí thư và bàn bạc trong cấp ủy; tích cực tranh thủ ý kiến của đảng viên và lực lượng có liên quan. Trong duy trì sinh hoạt, cần đề cao tính đảng, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của đảng viên, không ngừng củng cố đoàn kết, thống nhất trong chi bộ. Thực hiện tốt quy trình, tránh giản đơn, chủ quan, làm tắt, bỏ qua hoặc xem nhẹ các khâu, các bước trong chuẩn bị và điều hành sinh hoạt. Chi ủy, bí thư phải tích cực đổi mới phương pháp chuẩn bị và sinh hoạt chi bộ theo hướng toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, ngắn gọn, đi thẳng vào nội dung chính; duy trì sinh hoạt chi bộ vừa bảo đảm tính nghiêm túc nhưng cởi mở, chân thành, vừa tuân thủ nguyên tắc, thủ tục nhưng mềm dẻo, linh hoạt, tạo được không khí dân chủ, bình đẳng, thuận lợi cho việc khơi dậy và phát huy trí tuệ tập thể, động viên tính tích cực, tự giác của đội ngũ đảng viên.
Bốn là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của cấp ủy cấp trên và cơ quan chính trị. Cấp ủy cấp trên, trực tiếp là đảng ủy cơ sở thường xuyên đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trực thuộc; phân công đảng ủy viên phụ trách để dự, nắm chất lượng và trực tiếp chỉ đạo sinh hoạt chi bộ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhất là việc giám sát chi bộ thực hiện nguyên tắc, nền nếp chế độ, nội dung, quy trình sinh hoạt; kịp thời phát hiện những yếu kém, khuyết điểm để có biện pháp khắc phục; thường kỳ đánh giá kết quả lãnh đạo nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và xây dựng thành tiêu chí để đánh giá phân loại tổ chức đảng hằng năm. Phòng Chính trị nghiên cứu kỹ các quy định của cấp trên về công tác xây dựng Đảng nói chung, sinh hoạt chi bộ nói riêng, nhất là các quy định mới, cụ thể hóa thành các văn bản hướng dẫn thực hiện, phù hợp với thực tế của từng loại hình chi bộ trong Nhà trường. Thường xuyên cử cán bộ nắm chất lượng sinh hoạt chi bộ các đơn vị; kịp thời phát hiện, giải đáp và đề xuất giải quyết những bất cập và có kế hoạch bồi dưỡng năng lực, phương pháp chuẩn bị và chủ trì sinh hoạt cho bí thư chi bộ, góp phần không ngừng nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.
Trung tá HOÀNG VĂN DÂN, Trường Sĩ quan Lục quân 2.
____________
1 - Nghị quyết 02 - NQ/ĐULQ2, ngày 29-7-2015 của Đảng ủy Trường Sĩ quan Lục quân 2 lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ năm học 2015 - 2016, tr. 8.
Trường Lục quân 2,xây dựng đảng
Mấy vấn đề về xây dựng ý chí quyết tâm cho học viên các trường sĩ quan Quân đội hiện nay 24/04/2025
Bàn về sử dụng đặc công nước trong tác chiến bảo vệ biển, đảo 16/04/2025
Một số vấn đề về đổi mới phương pháp dạy, học của Trường Sĩ quan Lục quân 1 14/04/2025
Đánh địch chuyển hướng tiến công trong chiến dịch phòng ngự, bảo vệ Tổ quốc - mấy vấn đề cần quan tâm 26/03/2025
Bàn về tạo, lập thế trận quân sự trong tác chiến phòng thủ quân khu 20/03/2025
Về tổ chức, sử dụng lực lượng đánh trận then chốt, chiến dịch tiến công trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 17/03/2025
Mấy vấn đề về “xây dựng điểm” công tác kỹ thuật toàn quân 13/03/2025
Một số vấn đề về công tác tuyên truyền đặc biệt của Quân đội hiện nay 10/03/2025
Mấy vấn đề về nâng cao hiệu quả đấu tranh của lực lượng tác chiến thông tin, Bộ Tư lệnh 86 28/02/2025
Giải pháp nâng cao chất lượng phong trào thi đua thực hiện văn hóa công sở trong nhà trường Quân đội hiện nay 20/02/2025
Một số vấn đề về đổi mới phương pháp dạy, học của Trường Sĩ quan Lục quân 1
Bàn về sử dụng đặc công nước trong tác chiến bảo vệ biển, đảo
Mấy vấn đề về xây dựng ý chí quyết tâm cho học viên các trường sĩ quan Quân đội hiện nay