Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Tư, 13/01/2016, 16:06 (GMT+7)
Mấy giải pháp tiến hành công tác dân vận của các đơn vị Quân đội đối với đồng bào theo đạo ở miền Đông Nam Bộ

Tiến hành công tác dân vận đối với đồng bào theo đạo là nhiệm vụ chính trị của các đơn vị quân đội trên địa bàn miền Đông Nam Bộ. Qua thực tiễn cho thấy, nhiệm vụ này đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững ổn định địa bàn. Trong phạm vi bài viết này, tác giả trao đổi về một số giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả đối với mặt công tác quan trọng này.

Miền Đông Nam Bộ1 có vị trí chiến lược quan trọng về mọi mặt đối với đất nước và khu vực. Nơi đây có nhiều tôn giáo và đồng bào theo đạo cùng hoạt động, sinh sống2, với tinh thần “tốt đời, đẹp đạo”, “kính Chúa, yêu nước”, chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; đoàn kết, tích cực lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống mới. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, nên tình hình địa bàn có diễn biễn phực tạp về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; đời sống của nhân dân còn khó khăn. Lợi dụng đặc điểm đó, các thế lực thù địch đẩy mạnh hoạt động chống phá, kích động, lôi kéo đồng bào thực hiện mưu đồ của chúng, càng gây phức tạp tình hình trên địa bàn, v.v. Vì thế, vận động đồng bào theo đạo chấp hành đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước và các quy định của địa phương là nhiệm vụ chính trị, mệnh lệnh từ trái tim của “Bộ đội Cụ Hồ” trên địa bàn miền Đông Nam Bộ.

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”3 và các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của trên về công tác dân vận, các đơn vị quân đội trên địa bàn đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp vận động đồng bào theo đạo; sâu sát, nắm vững tình hình, “nói cho dân hiểu, làm cho dân tin”, tích cực đổi mới nội dung, hình thức dân vận. Đồng thời, phối hợp với cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương và lực lượng trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giúp đồng bào xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội; phòng, chống, khắc phục thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, góp phần xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh; đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh trên địa bàn4. Tuy nhiên, trong công tác này vẫn còn có mặt chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Nguyên nhân chủ yếu là do một số cấp ủy, chỉ huy chưa thực sự coi trọng công tác dân vận; năng lực tổ chức thực hiện còn hạn chế; sự phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương có lúc, có việc còn thiếu chủ động, có mặt còn mang tính hình thức; nội dung, biện pháp còn nghèo nàn, chưa huy động được sự vào cuộc của các tổ chức, lực lượng trên địa bàn cùng tham gia.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác dân vận đối với đồng bào theo đạo ở địa bàn miền Đông Nam Bộ, xin trao đổi thêm một số giải pháp cơ bản sau:

Trước hết, ng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ về công tác dân vận với đồng bào theo đạo trên địa bàn. Nội dung giáo dục tập trung làm cho bộ đội nắm vững các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước và Quân đội về công tác dân vận và công tác tôn giáo, trước hết là: Nghị quyết 25-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) về  “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; Pháp lệnh về tín ngưỡng, tôn giáo; Nghị quyết 152-NQ/ĐUQSTW của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), Nghị quyết 49-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong tình hình mới”; Hướng dẫn 842-HD/CT của Tổng cục Chính trị về công tác dân vận, v.v. Trong đó, chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức cho bộ đội về vai trò của quần chúng tín đồ tôn giáo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tình đoàn kết giữa người theo đạo và không theo đạo; các quy định của pháp luật về thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; chính sách, pháp luật về đất đai,… của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương. Đồng thời, làm cho bộ đội nhận thức rõ về nhiệm vụ của Quân đội, đơn vị; tình hình, đặc điểm, tập quán sinh hoạt của các tôn giáo trên địa bàn; âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo để chống phá cách mạng nước ta, nhất là với lực lượng trực tiếp làm công tác dân vận. Quá trình thực hiện, cần kết hợp giữa giáo dục thường xuyên với đột xuất, giáo dục theo chủ đề, chuyên đề; phát huy công năng của các thiết chế văn hóa ở cơ sở, các phương tiện thông tin, các tổ chức, lực lượng trong đơn vị và trên địa bàn, đảm bảo bộ đội thấy rõ mục tiêu, yêu cầu, nội dung, hình thức công tác dân vận cùng những thuận lợi, khó khăn, chủ động nắm vững địa bàn, nêu cao trách nhiệm thực hiện tốt công tác vận động đồng bào theo đạo.

Hai là, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, tích cực đổi mới nội dung, biện pháp dân vận; thường xuyên bồi dưỡng năng lực công tác dân vận cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là lực lượng chuyên trách. Hằng năm, trên cơ sở quán triệt quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước và thực tiễn địa phương, các đơn vị cần chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch tiến hành công tác dân vận phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. Trong đó, thể hiện rõ mục đích, yêu cầu, thời gian, lực lượng, phương tiện, nội dung, hình thức công tác dân vận ứng với từng giai đoạn, nhiệm vụ. Cùng với đó, cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy các cấp cần quan tâm bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là lực lượng chuyên trách về phương pháp, tác phong công tác gần dân, trọng dân, yêu thương dân, bảo vệ dân. Chủ động biên soạn chương trình, tài liệu, tổ chức bồi dưỡng phương pháp tiến hành tuyên truyền, vận động đồng bào, nhất là kỹ năng, kỹ xảo, kinh nghiệm tiếp cận, thuyết phục, cảm hóa các chức sắc, chức việc và tín đồ tôn giáo; phương pháp, cách thức xử lý các vấn đề nảy sinh, v.v. Đặc biệt, cần bồi dưỡng cho bộ đội những phẩm chất căn bản của người làm công tác dân vận, như: “Toàn tâm, toàn ý, hết lòng phục vụ nhân dân”; “Sâu sát quần chúng, nói đi đôi với làm”; ý thức kỷ luật dân vận. Để thực hiện có hiệu quả những vấn đề nêu trên, lãnh đạo, chỉ huy cần đẩy mạnh công tác tập huấn, bồi dưỡng, truyền thụ kinh nghiệm dân vận; làm tốt công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, nhân rộng điển hình tiên tiến, phổ biến những cách làm hay trong vận động đồng bào theo đạo, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Ba là, tích cực tham gia xây dựng cơ sở địa phương vững mạnh; phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng - an ninh. Thực tiễn cho thấy, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước có đến và trở thành hiện thực sinh động trong cuộc sống hay không, phụ thuộc phần lớn vào năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền và hiệu quả hoạt động các đoàn thể ở địa phương. Do đó, tham gia xây dựng cơ sở chính trị ở cơ sở vững mạnh, trọng tâm là tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, chính quyền vững mạnh toàn diện là nhiệm vụ trung tâm của các đơn vị trong quá trình thực hiện công tác dân vận ở vùng đồng bào theo đạo. Để làm được điều đó, một mặt, các đơn vị cần tiến hành khảo sát, nắm vững tình hình, chủ động tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương về chủ trương, biện pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở. Mặt khác, tích cực trao đổi kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý, rèn luyện, phát triển đội ngũ cán bộ, đảng viên, hội viên và tạo nguồn đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ cơ sở. Các đơn vị cần làm tốt việc lựa chọn những cán bộ có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực tốt, hiểu biết về phong tục, tập quán địa phương, sinh hoạt tôn giáo của các tín đồ để tham gia vào các chức danh của chính quyền cơ sở, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng khó khăn. Thực tế cho thấy, do miền Đông Nam Bộ có số lượng và tỷ lệ đồng bào có đạo cao (có xã, huyện chiếm tới 70%-80%), cho nên, các đơn vị quân đội cần phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội làm tốt công tác phát triển đảng viên, đoàn viên, hội viên. Đồng thời, chú trọng công tác bồi dưỡng, kết nạp đảng viên, đoàn viên cho quân nhân gốc đạo đang thực hiện nghĩa vụ quân sự, để sau khi hoàn thành nhiệm vụ, trở về địa phương, họ tiếp tục được bồi dưỡng thành lực lượng nòng cốt trong các chi bộ và các tổ chức quần chúng. Cùng với đó, các đơn vị cần tham mưu, giúp địa phương xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng - an ninh; làm tốt công tác quản lý và hướng dẫn các tổ chức tôn giáo và các tín đồ thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật và giải quyết có hiệu quả các hiện tượng truyền đạo, xây dựng cơ sở thờ tự trái pháp luật, mâu thuẫn giữa các tôn giáo và trong nhân dân ngay từ cơ sở. Phối hợp, giúp Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị ở cơ sở tập hợp, động viên tín đồ theo đạo làm tốt nghĩa vụ công dân, tích cực tham gia vào hoạt động của chính quyền và các đoàn thể. Chú trọng xây dựng các nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến, lấy đó làm chỗ dựa và là lực lượng nòng cốt của công tác vận động đồng bào tôn giáo; đẩy mạnh việc hiệp thương, vận động, thuyết phục các chức sắc tôn giáo tham gia vào các cơ quan dân cử. Với các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, Bộ đội Biên phòng và các bệnh viện, nhà trường quân đội, thông qua các đợt hành quân dã ngoại và các hoạt động phối hợp khác để giúp đỡ nhân dân làm đường giao thông nông thôn, sửa chữa hệ thống kênh mương, xây dựng trạm y tế, trường học và các công trình phúc lợi xã hội; xây dựng “Nhà Tình thương”, “Nhà Tình nghĩa”; khám - chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho hộ nghèo, gia đình chính sách, đẩy mạnh công tác xóa mù chữ, động viên con em đồng bào dân tộc theo đạo Công giáo, Tin lành ở vùng sâu đến trường, v.v. Đối với các doanh nghiệp, đoàn kinh tế - quốc phòng, thông qua việc liên doanh, liên kết với địa phương, cần coi trọng hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, nuôi trồng, hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào về vốn, cây giống, vật nuôi, bao tiêu sản phẩm; thu hút nguồn nhân lực tại chỗ, tạo việc làm cho đồng bào theo đạo, v.v. Các đơn vị cần phối hợp với địa phương tích cực tuyên truyền rộng rãi Luật Dân quân tự vệ, Pháp lệnh về Lực lượng dự bị động viên, Luật Quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự; giúp cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp, lực lượng dự bị động viên hùng hậu; tham gia có hiệu quả việc bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho đội ngũ chức sắc, chức việc tôn giáo. Đồng thời, tham mưu, giúp cấp uỷ, chính quyền địa phương xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ vững chắc, nhất là “thế trận lòng dân”, tăng cường lòng tin của đồng bào theo đạo đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Bốn là, tranh thủ vai trò của chức sắc tôn giáo trong vận động đồng bào theo đạo. Chức sắc tôn giáo là cánh tay nối dài, là lực lượng tiên tiến, tích cực của hệ thống chính trị ở cơ sở vùng tôn giáo. Tiếng nói, hành động, việc làm của họ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả vận động, thuyết phục quần chúng tín đồ. Vì thế, cần tạo điều kiện thuân lợi để đội ngũ chức sắc tôn giáo hành đạo, kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền giáo luật, giáo lý với vận động các tín đồ thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nêu cao tinh thần sống đạo pháp, thực hành nhân đức, xây dựng tình đoàn kết trong cộng đồng; sống bác ái, tránh xa tội lỗi, đảm bảo cuộc sống tín hữu trong địa phận luôn an bình để phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội. Để làm được điều đó, các đơn vị cần tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương có chính sách tạo điều kiện cho các chức sắc tôn giáo thực sự là “cộng tác viên” tích cực, là tấm gương sáng không chỉ trong hoạt động tôn giáo mà cả trong đời sống. Đồng thời, chủ động gặp gỡ, trao đổi, vận động, tranh thủ vai trò, uy tín của chức sắc tôn giáo trong động viên tín đồ tôn giáo sống “tốt đời, đẹp đạo”. Đặc biệt, cần coi trọng, tranh thủ vai trò của các chức sắc tôn giáo trong đấu tranh, làm thất bại các âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề “tôn giáo”, “dân tộc” để kích động, chống phá của các thế lực thù địch.

Vận dụng đúng đắn, sáng tạo những giải pháp cơ bản trên sẽ góp phần đảm bảo cho công tác dân vận của các đơn vị đóng quân trên địa bàn miền Đông Nam Bộ mang lại hiệu quả thiết thực, xây dựng “thế trận lòng dân”, khối đại đoàn kết toàn dân vững chắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trước yêu cầu mới.

Thượng tá, TS. ĐỒNG NGỌC CHÂU, Trường Sĩ quan Lục quân 2
_______________________

1 - Gồm thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, với diện tích gần 26.000 km2, dân số gần 15 triệu người.

2 - Gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Hồi giáo, Cao Đài, Hòa Hảo, Bửu Sơn Kỳ Hương, Tịnh độ Cư sĩ, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Nam tông Minh Sư đạo, Minh lý đạo - Tam Tông miếu, Hồng môn Minh đạo, Thiên khai Huỳnh đạo, Việt Võ đạo, Ba hai,... với gần 5 triệu tín đồ, hơn 20 ngàn chức sắc, chức việc; đồng bào các tôn giáo chiếm hơn 30% số dân trên địa bàn.

3 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 6, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 234.

4 - Từ năm 2010 đến nay, các đơn vị đã cử hàng ngàn lượt tổ, đội công tác về gần 8.000 lượt xã, phường, thị trấn vận động các tín đồ sống “tốt đời, đẹp đạo”, “kính Chúa, yêu nước”; đổi mới phương pháp, hình thức sản xuất, vật nuôi, cây trồng, phát triển kinh tế hộ gia đình, xóa đói, giảm nghèo; tham gia củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của gần 800 cấp ủy, chi bộ, trên 1.000 lượt tổ chức chính quyền xã, thôn, ấp, 1.500 lượt tổ chức chính trị - xã hội; mở hơn 300 lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho trên 38.000 lượt chức sắc, chức việc tôn giáo, v.v.

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.