Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Ba, 11/03/2014, 16:24 (GMT+7)
Giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng

Giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng là nhiệm vụ hàng đầu, vừa cấp bách, vừa lâu dài của công tác xây dựng Đảng, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng để Đảng ta thực sự trong sạch vững mạnh, lãnh đạo thành công sự nghiệp đổi mới, CNH,HĐH đất nước trong thời kỳ hội nhập, phát triển.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời của tinh thần đoàn kết trong Đảng. Người coi việc giữ gìn đoàn kết trong Đảng là yêu cầu hàng đầu; là nhân tố quan trọng nhất đảm bảo cho Đảng thực sự vững mạnh, đủ sức lãnh đạo thành công sự nghiệp cách mạng. Người dạy: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc cho nên từ ngày thành lập đến nay Đảng ta đã đoàn kết tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng ta. Các đồng chí từ Trung ương đến Chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”[1]. Thống nhất với tư tưởng của Người, từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta luôn coi trọng giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, lấy đó làm cơ sở của đoàn kết toàn dân tộc. Tại mỗi kỳ đại hội, vấn đề đoàn kết, thống nhất trong Đảng đều được xem xét, đánh giá nghiêm túc và sâu sắc.

Tuy nhiên, trong những năm qua, nhất là từ trước khi triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, ở một số nơi đã xuất hiện dấu hiệu, nội bộ tổ chức đảng mất đoàn kết kéo dài, có chỗ trở nên nghiêm trọng; chủ nghĩa cá nhân có chiều hướng gia tăng trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cấp cao. Không ít tổ chức đảng chưa tôn trọng và thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ; kỷ cương, kỷ luật ở nhiều cấp, nhiều lĩnh vực chưa nghiêm; sự đoàn kết nhất trí của một số cấp ủy còn yếu. Hiện tượng mất đoàn kết nội bộ chậm được khắc phục, thậm chí còn có xu hướng phát triển ở nơi này, nơi khác, không chỉ ở cơ sở. Phân tích hiện tượng mất đoàn kết ở một số tổ chức đảng, có 3 nguyên nhân chính là:

Thứ nhất, tư tưởng cơ hội chủ nghĩa chưa được ngăn chặn, đẩy lùi hiệu quả. Thực tiễn cho thấy, trong tiến trình đấu tranh cách mạng lâu dài, đầy cam go, phức tạp dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhất là ở những bước ngoặt của lịch sử thường xuất hiện tư tưởng cơ hội và dao động chính trị dưới nhiều màu sắc. Từ cơ hội về chính trị, nếu không kịp thời ngăn chặn, tất yếu đi tới hành động bè phái, chia rẽ về tư tưởng và tổ chức trong Đảng. Sự nghiệp đổi mới đất nước bên cạnh thuận lợi, thời cơ lớn, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Những phần tử cơ hội chủ nghĩa miệng hô hào đổi mới, nhưng thực chất lại xa rời nguyên tắc, từ bỏ định hướng XHCN, chỉ thấy lợi ích trước mắt, mà không kiên định mục tiêu lâu dài, phủ nhận vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, tuyệt đối hóa vai trò của cơ chế thị trường, cổ vũ cho tư nhân hóa kinh tế, tự do tư sản, tán dương xã hội dân chủ,... Một số ít phần tử cơ hội với những quan điểm, tư tưởng sai trái nói trên vẫn mang danh hiệu “đảng viên”, công khai quan điểm của mình trên mạng, blog hoặc trong các cuộc hội thảo, trả lời phỏng vấn đài, báo phương Tây. Tuy ít, nhưng tính chất của hành động đó rất nguy hiểm. Bởi lẽ, điều đó thể hiện sự biến chất về chính trị, tác động xấu tới xã hội, có hại đối với Đảng và dân tộc. Nếu các tổ chức đảng không quản lý chặt và không kiên quyết đấu tranh, thì từ những nhận thức lệch lạc sẽ chuyển thành quan điểm chính trị; từ chỗ chống Đảng về tư tưởng chuyển thành chống Đảng về tổ chức, dẫn tới phá vỡ đoàn kết trong Đảng. Đó sẽ là “thời cơ vàng” để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá.

Thứ hai, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống ở một bộ phận cán bộ, đảng viên đang là nhân tố hiện hữu tác động xấu đến sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Không ít người tuy là đảng viên (thực chất là mang danh), nhưng có tư tưởng thực dụng, toan tính cá nhân, tranh giành chức quyền, trốn tránh sự kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng. Họ sẵn sàng thỏa hiệp, trở cờ, lấy lòng người này, hạ bệ người khác, nhằm kiếm chác lá phiếu trong bầu cử, gây bè, kéo cánh, phá vỡ sự đoàn kết nhất trí trong Đảng. Suy cho cùng, đó là những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân vô nguyên tắc, làm suy yếu sức mạnh của Đảng từ bên trong; nếu không được ngăn chặn kịp thời thì hậu quả sẽ khó lường.

Thứ ba, sự chống phá của các thế lực thù địch bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình”. Mục tiêu duy nhất của “Diễn biến hòa bình”, là nhằm thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, phá vỡ khối đoàn kết toàn dân tộc, cuối cùng là làm tan rã Đảng và chế độ XHCN. Liên Xô và Đông Âu sụp đổ cuối những năm 80 của thế kỷ trước là một điển hình. Đối với Việt Nam, chúng lấy chống phá về tư tưởng, chính trị làm mũi đột phá; trọng tâm là xóa bỏ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, “mềm hóa”, hòng xóa bỏ Cương lĩnh của Đảng, xóa bỏ Điều 4, Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam hiến định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Cùng với chống phá nền tảng tư tưởng chính trị, chúng tập trung phá vỡ về tổ chức, coi đây là mũi tấn công trọng điểm. Biểu hiện rõ nhất là, chúng thúc đẩy hình thành xã hội “đa nguyên chính trị”, “đa đảng đối lập”, cổ vũ cho tư tưởng và lực lượng chống đối “từ bên trong và từ bên trên”. Bằng mọi thủ đoạn vừa tinh vi vừa trắng trợn theo kiểu “nội công, ngoại kích”, chúng tìm cách vô hiệu hóa nguyên tắc tập trung dân chủ - nguyên tắc tổ chức cao nhất, có ý nghĩa sống còn làm nên sức mạnh đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Chúng đòi bầu cử tự do theo chế độ đa nguyên chính trị, tài trợ, hậu thuẫn cho lực lượng chống đối, tạo dựng ngọn cờ để chuyển hóa Đảng, Nhà nước theo quỹ đạo của CNTB, thúc đẩy từ “ngả màu” đến “đổi màu” về tư tưởng chính trị và tổ chức. Thủ đoạn của chúng rất thâm độc, xảo quyệt. Một mặt, chúng ra sức cổ xúy những ý kiến bất đồng trong Đảng, tâng bốc những phần tử cơ hội, thoái hóa, biến chất; mặt khác, chúng bôi nhọ, lên án những đảng viên có quan điểm đúng đắn, nhằm phân tuyến lực lượng, làm cho Đảng phân liệt và tan rã.

Để giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, cần nhận thức và thực hiện tốt một số giải pháp cụ thể sau:

Một là, cần thấy rằng, sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng là đoàn kết, thống nhất có nguyên tắc, dựa trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, quan điểm, đường lối của Đảng, chứ không phải đoàn kết hình thức xuôi chiều, nể nang, “dĩ hòa vi quý”. Ở đây, cũng cần phân biệt rõ, việc có những ý kiến khác nhau trong khi thảo luận dân chủ, trách nhiệm của tổ chức đảng với tình trạng bè phái, cục bộ trong tổ chức đảng, thực chất là mầm mống của mất đoàn kết.

Hai là, nguyên tắc cơ bản để giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng là nắm chắc bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn với CNXH, đẩy mạnh CNH, HĐH; nhận thức sâu sắc hơn những nguyên tắc có tính phương pháp luận về CNXH và con đường đi lên CNXH mà các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã chỉ ra, làm cơ sở để Đảng ta vận dụng vào điều kiện đặc thù Việt Nam. Bởi lẽ, có nhận thức đúng về lý luận, mới có cơ sở để xây dựng khối đoàn kết, nhất trí trong Đảng, thực hiện thành công Cương lĩnh và Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Để làm được điều đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải ra sức học tập, không ngừng nâng cao trình độ hiểu biết về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; trau dồi, rèn luyện bản lĩnh chính trị, tích cực đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; ngăn chặn tình trạng tha hóa, biến chất trước mặt trái của kinh tế thị trường. Đặc biệt là, phải kiên quyết đấu tranh với mọi suy nghĩ và hành động nhằm xóa bỏ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đi ngược với Cương lĩnh của Đảng. Chỉ có như vậy, khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng mới trở nên vững chắc lâu dài.

Ba là, xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng trên cơ sở tôn trọng và giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ. Đảng có sức mạnh khi và chỉ khi mọi đảng viên và tổ chức đảng tuân thủ nghiêm túc những nguyên tắc sinh hoạt đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ. Muốn có đoàn kết trong Đảng, thì phải mở rộng dân chủ hơn nữa. Nhưng, dân chủ rộng rãi không thể tách rời tập trung nghiêm ngặt, gắn chế độ lãnh đạo tập thể với cá nhân phụ trách, chống tập trung quan liêu và chống dân chủ quá trớn, chống tình trạng chung sống với những tư tưởng và hành động cơ hội chủ nghĩa vô nguyên tắc. Dân chủ mà không tập trung thì hành động trong Đảng không thống nhất, sớm muộn Đảng cũng sẽ phân liệt.

Bốn là, thực hiện thường xuyên tự phê bình, phê bình, tích cực đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội và mọi hành động chia rẽ, bè phái trong Đảng. Đây là bài học lịch sử và cũng là giải pháp quan trọng, hiệu quả nhất để tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, làm cơ sở cho đoàn kết dân tộc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, bảo vệ, phát triển đất nước theo định hướng XHCN.

Năm là, chăm lo xây dựng tổ chức lãnh đạo (cấp ủy và thường vụ cấp ủy) ở mọi cấp bộ đảng từ cơ sở đến Trung ương thực sự tiêu biểu về ý thức giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng “như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Bộ phận lãnh đạo trong Đảng ở các cấp, các ngành phải là trung tâm đoàn kết ở cấp đó, ngành đó. Thực tiễn đã chỉ rõ, nơi nào cấp ủy, thường vụ cấp ủy mất đoàn kết, quay lưng lại với nhau, thậm chí bôi nhọ, dèm pha, ganh đua nhau,... thì tổ chức đảng ở nơi đó sẽ rời rã, chỉ tồn tại hình thức, mất uy tín trước nhân dân.

Sáu là, xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng về chính trị - tư tưởng phải gắn liền với xây dựng đoàn kết, thống nhất về tổ chức. Các tổ chức đảng phải củng cố khối đoàn kết, thống nhất trên cơ sở đường lối, quan điểm của Đảng; tích cực đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, gây “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của các thế lực thù địch. Đồng thời, chủ động đấu tranh với mọi quan điểm sai trái, những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng; kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên nói, viết và hành động trái với Cương lĩnh, Điều lệ Đảng; qua đó, tạo sự đồng thuận, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và trong xã hội./.

 

TỐNG THẾ GIA

 

________

[1] - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 12, Nxb CTQG, H. 2002, tr. 510.

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.