Thứ Năm, 01/05/2025, 12:20 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Trong những ngày qua, hàng loạt các tờ báo lớn trên thế giới đều trang trọng đăng tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã qua đời. Một điểm chung là các báo thống nhất nhận định: Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những vị tướng vĩ đại nhất, nhà chiến lược quân sự lỗi lạc nhất của thế kỷ XX.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Sở chỉ huy Quân chủng Phòng không - Không quân ngày 28-12-1972
Đúng như vậy, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp với vị trí là Tổng Tư lệnh của lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân đã trực tiếp tổ chức, chỉ đạo, chỉ huy các hoạt động của Quân đội nhân dân và dân quân tự vệ, cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đánh thắng hai đội quân xâm lược hùng mạnh nhất của thời đại là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Nét nổi bật trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo kháng chiến là tư duy về quân sự của Ông luôn gắn liền với tư duy về tổ chức chiến tranh nhân dân (CTND). Tư duy về CTND hình thành trong Ông từ rất sớm; bắt nguồn từ lý luận của Chủ nghĩa Mác – Lê-nin về vai trò của quần chúng nhân dân; từ sự kế thừa nghệ thuật quân sự trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta; và hơn nữa, là từ thực tiễn cách mạng Việt Nam và tư tưởng Hồ Chí Minh về tiến hành cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện. Khi nhận nhiệm vụ chỉ huy Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tư duy về một cuộc CTND đã hình thành trong Ông với mô hình tổ chức: “Xung quanh Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân có các đơn vị vũ trang ở các huyện, các đội dân quân tự vệ các xã làm chỗ dựa cho Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân thực thi nhiệm vụ của mình. Ba thứ quân đó gắn bó với nhau trong mọi hoạt động, khi tác chiến thì phối hợp chặt chẽ với nhau.”[1]. Tư duy về nghệ thuật CTND đó đã trở thành tư duy chủ đạo của Ông trong suốt quá trình chỉ đạo, chỉ huy kháng chiến chống kẻ thù xâm lược. Sau này, trong các bài giảng, bài nói chuyện với cán bộ quân sự cao cấp của Quân đội, Đại tướng luôn nhấn mạnh đến nghệ thuật CTND, mà ở đó: sự kết hợp giữa LLVT quần chúng rộng khắp được giác ngộ chính trị cao với quân đội thường trực sẽ trở thành lực lượng có sức mạnh vô địch; đó cũng là ưu thế tuyệt đối của chế độ XHCN.
Qua tổng kết 5 năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 – 1950), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Ở đây, tôi chỉ muốn nêu lên một thành tựu sáng tạo quan trọng vào bậc nhất là nhân dân và LLVT nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng ta đã từng bước xây dựng nên những nhân tố cơ bản cho một nghệ thuật chiến tranh giữ nước và giải phóng của dân tộc nhược tiểu, đất không rộng, người chưa nhiều, có thể gọi là nghệ thuật CTND Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh: nghệ thuật chiến tranh toàn dân”[2].
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, dưới sự lãnh đạo của ĐCSVN và Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có đóng góp quan trọng trong việc tham gia chỉ đạo, tổ chức tiến hành CTND bằng sức mạnh tổng hợp của đất nước: chiến tranh toàn dân, toàn diện. Bước vào mùa khô năm 1953-1954, so sánh về số lượng quân chủ lực của địch vượt khá xa lực lượng của ta. Tuy nhiên, bên cạnh bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương, trên cả nước ta đã có khoảng 02 triệu dân quân, du kích để tiến hành CTND. Lực lượng này đã làm cho địch phải phân tán đối phó trên khắp các chiến trường. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, cùng với bộ đội chủ lực, chúng ta còn huy động khoảng 20 vạn dân công tham gia Chiến dịch bằng gánh gồng, xe đạp thồ, kết hợp với cơ giới để đảm bảo hậu cần cho Chiến dịch. Các nhà quân sự Pháp không thể ngờ rằng, bằng đôi chân đi bộ, đôi vai và chiếc xe đạp thồ, nhân dân Việt Nam đã chuyên chở hàng chục ngàn tấn lương thực và phương tiện cần thiết, đáp ứng nhu cầu của Chiến dịch. Để có được chiến thắng ở Điện Biên Phủ, không ai có thể quên được “một quyết định có tính lịch sử” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Với tư duy của một nhà cầm quân lớn, mặc dù các đơn vị đều sẵn sàng tiến công, nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định hoãn trận đánh để thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” chuyển sang “đánh chắc, tiến chắc” bằng sức mạnh tổng hợp và cách đánh của CTND Việt Nam. Sau này, khi tổng kết về chiến thắng của “Việt Minh” tại Điện Biên Phủ, các tướng lĩnh và các nhà nghiên cứu nước ngoài đều thống nhất nhận định: nguyên nhân chính làm nên chiến thắng của “Việt Minh” là đã tiến hành cuộc CTND toàn dân, toàn diện. Năm 1954, sau khi thất bại trở về Pháp, tướng Đờ Cát-tơ-ri (De Castries) đã trả lời trước Ủy ban Điều tra của Bộ Quốc phòng rằng: người ta có thể đánh bại một quân đội, chứ không thể đánh bại được một dân tộc.
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cách mạng nước ta chuyển sang một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước tiến hành 2 nhiệm vụ chiến lược: cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Miền Nam và cách mạng XHCN ở Miền Bắc. Để đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tư duy chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về CTND đã có sự phát triển phù hợp: CTND bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) ở Miền Bắc và CTND giải phóng ở Miền Nam. Tư duy chiến lược đó của Ông đã góp phần giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa xây dựng lực lượng dân quân tự vệ và xây dựng các đơn vị chủ lực để đáp ứng yêu cầu tác chiến hiệp đồng quân binh chủng, thực hiện những trận đánh lớn cả ở Miền Nam và Miền Bắc. Những năm đầu thập kỷ 60, trước tình hình một số cán bộ quân sự nhận thức chưa đúng về mối quan hệ giữa chiến tranh du kích và chiến tranh chính quy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ rõ: “Đảng ta không bao giờ có một chiến lược quân sự thuần túy, và chưa bao giờ hạn chế chiến tranh ở mức độ chiến tranh du kích. Chiến lược chiến tranh cách mạng của Đảng là một chiến lược tổng hợp, kết hợp đấu tranh quân sự, đấu tranh chính trị, đấu tranh ngoại giao, kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy, kết hợp đánh nhỏ, đánh vừa, đánh lớn”[3]. Nét đặc sắc mà kẻ thù không thể ngờ được là CTND không chỉ diễn ra ở Miền Nam, mà còn được tổ chức hết sức sáng tạo ở Miền Bắc, góp phần quan trọng đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân của đế quốc Mỹ ra Miền Bắc. Một nhà báo nước ngoài đã nhận xét: cụm từ “phòng không nhân dân” chỉ thấy ở Việt Nam; “một lần nữa, Võ Nguyên Giáp là người đề xướng, người gây dựng tài ba của loại hình chiến tranh này”[4]. Vì thế, khi viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tướng Pi-tơ Mác Đô-nan, nhà nghiên cứu khoa học lịch sử quân sự người Anh đã đánh giá: “Khó có vị tướng nào có thể so sánh với Ông trong việc kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy. Sự kết hợp đó xưa nay chưa từng có”.
Là học trò xuất sắc, gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ông có hiểu biết sâu sắc về lý luận chiến tranh cách mạng và đã vận dụng sáng tạo vào thực tiễn chỉ đạo, chỉ huy trong xây dựng và hoạt động của LLVT nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; làm cho CTND phát triển lên tầm cao mới, trở thành một nét đặc sắc trong nghệ thuật quân sự Việt Nam. Đó là tư duy về việc tổ chức, xây dựng LLVT nhân dân 3 thứ quân do ĐCSVN lãnh đạo; với phương thức tiến hành CTND: kết hợp chặt chẽ giữa CTND địa phương với chiến tranh bằng các binh đoàn chủ lực ở các quy mô, hình thức phù hợp; sự kết hợp tác chiến của lực lượng tại chỗ với lực lượng cơ động; của tác chiến du kích với tác chiến chính quy; của cách đánh tiêu hao sinh lực địch rộng khắp với cách đánh tập trung tiêu diệt từng bộ phận địch; kết hợp chặt chẽ đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, kinh tế, văn hóa, ngoại giao…; lấy đấu tranh quân sự trên chiến trường là nhân tố quyết định đánh bại ý chí xâm lược của địch, chủ động kết thúc chiến tranh trong thế có lợi.
Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chỉ đạo việc tổng kết chiến tranh, Ông nói: Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi vẻ vang là kết quả của nhiều yếu tố; trong đó, có yếu tố quan trọng là trên cơ sở đường lối cách mạng của Đảng, chúng ta đã tiến hành cuộc CTND. CTND không thể có được bằng những công thức pha chế sẵn có, vay mượn của tổ tiên hay quân đội nước ngoài. Nó đòi hỏi phải có một trạng thái tinh thần và những điều kiện rõ ràng, chính xác đã được tái hiện ở mức độ khác nhau trong lịch sử Việt Nam.
Bước sang thời kỳ xây dựng và BVTQ, tư duy về CTND của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thể hiện sự phát triển mới. Đó là việc tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng LLVT nhân dân 3 thứ quân vững mạnh; “luôn luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, giữ vững độc lập, chủ quyền, coi trọng việc xây dựng sức mạnh tổng hợp của nền quốc phòng toàn dân”[5]. Theo Ông, tổ chức xây dựng nền quốc phòng toàn dân, toàn diện, độc lập tự chủ, tự lực tự cường, từng bước hiện đại là phương châm cơ bản của sự nghiệp BVTQ. Thực hiện tốt điều đó vừa đáp ứng yêu cầu đấu tranh trong thời bình, tạo sức mạnh ngăn chặn âm mưu gây chiến của kẻ thù, vừa đáp ứng yêu cầu chiến tranh nếu xảy ra.
Ngày 04-10-2013, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra đi vào cõi vĩnh hằng, nhưng tư duy chiến lược về CTND của Ông mãi mãi là một kinh nghiệm quý báu cho sự nghiệp BVTQ Việt Nam ./.
MẠNH DŨNG
__________
1- Nguyễn Văn Sự - Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Danh tướng thế kỷ XX qua tư liệu nước ngoài, Nxb QĐND, H. 2011, tr. 379
2- Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Tổng tập Hồi ký, Nxb QĐND, H. 2006, tr. 611-612.
3- Sđd, tr. 1353.
4 - Nguyễn Văn Sự - Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Danh tướng thế kỷ XX qua tư liệu nước ngoài, Nxb QĐND, H. 2011, tr. 528.
5 - Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Tổng tập Hồi ký, Nxb QĐND, H. 2006, tr. 1357.
Võ N guyên Giáp
Mấy vấn đề về xây dựng ý chí quyết tâm cho học viên các trường sĩ quan Quân đội hiện nay 24/04/2025
Bàn về sử dụng đặc công nước trong tác chiến bảo vệ biển, đảo 16/04/2025
Một số vấn đề về đổi mới phương pháp dạy, học của Trường Sĩ quan Lục quân 1 14/04/2025
Đánh địch chuyển hướng tiến công trong chiến dịch phòng ngự, bảo vệ Tổ quốc - mấy vấn đề cần quan tâm 26/03/2025
Bàn về tạo, lập thế trận quân sự trong tác chiến phòng thủ quân khu 20/03/2025
Về tổ chức, sử dụng lực lượng đánh trận then chốt, chiến dịch tiến công trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 17/03/2025
Mấy vấn đề về “xây dựng điểm” công tác kỹ thuật toàn quân 13/03/2025
Một số vấn đề về công tác tuyên truyền đặc biệt của Quân đội hiện nay 10/03/2025
Mấy vấn đề về nâng cao hiệu quả đấu tranh của lực lượng tác chiến thông tin, Bộ Tư lệnh 86 28/02/2025
Giải pháp nâng cao chất lượng phong trào thi đua thực hiện văn hóa công sở trong nhà trường Quân đội hiện nay 20/02/2025
Một số vấn đề về đổi mới phương pháp dạy, học của Trường Sĩ quan Lục quân 1
Bàn về sử dụng đặc công nước trong tác chiến bảo vệ biển, đảo
Mấy vấn đề về xây dựng ý chí quyết tâm cho học viên các trường sĩ quan Quân đội hiện nay