Thứ Ba, 10/09/2024, 02:23 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết
Văn học, nghệ thuật là một lĩnh vực đặc biệt của đời sống tinh thần xã hội, góp phần hun đúc nên phẩm chất, nhân cách con người mới xã hội chủ nghĩa. Với Quân đội, văn học, nghệ thuật trực tiếp tạo dựng môi trường văn hóa quân sự và phẩm chất, nhân cách của người quân nhân cách mạng. Vì vậy, nó có vai trò to lớn trong xây dựng Quân đội về chính trị, cần tiếp tục phát huy trong điều kiện mới.
Thực tiễn hơn 70 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội ta đã chứng minh, văn học, nghệ thuật luôn bám sát thực tiễn, phản ánh trung thực, sinh động ý chí, nghị lực, sức sáng tạo, tinh thần quả cảm của bộ đội trong cuộc sống và mọi mặt hoạt động quân sự, đặc biệt là trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Thông qua những tác phẩm có tính tư tưởng, tính nghệ thuật cao, văn học, nghệ thuật đã tôn vinh giá trị chân - thiện - mỹ, đóng góp không nhỏ trong xây dựng, bồi đắp hình tượng người quân nhân cách mạng, góp phần xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, làm cơ sở, nền tảng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, chiến thắng của Quân đội ta.
Đoàn Văn công Quân khu 4 biểu diễn văn nghệ trong Chương trình giao lưu điển hình tiên tiến “Xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” do tỉnh Nghệ An tổ chức ngày 16-5-2017. (Ảnh: bienphong.com.vn)
Nhận thức rõ vị trí, tầm quan trọng của văn học, nghệ thuật, quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách và pháp luật Nhà nước về văn học, nghệ thuật, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức hoạt động văn học, nghệ thuật, bảo đảm phát triển đồng bộ, toàn diện, có chiều sâu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội và đời sống tinh thần của bộ đội trong từng giai đoạn. Cơ quan chức năng các cấp đã làm tốt chức năng tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chỉ huy những chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo phát triển văn học, nghệ thuật. Hệ thống thiết chế văn hóa trong toàn quân đã được xây dựng, củng cố, ngày càng hoàn thiện. Đội ngũ văn nghệ sĩ Quân đội, nhất là ở các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp được đào tạo cơ bản, toàn diện, chuyên sâu, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, ý thức phục vụ tốt, trình độ chuyên môn và tính chuyên nghiệp cao; phát huy tốt vai trò xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, tiếp tục kế thừa, phát huy những thành tựu văn học, nghệ thuật có giá trị, sáng tạo nên những tác phẩm thấm đẫm tính nhân văn, có chất lượng cao. Cấp ủy, chỉ huy các cấp thường xuyên quan tâm chăm lo, tạo điều kiện để hoạt động văn học, văn nghệ quần chúng ở đơn vị cơ sở ngày càng đi vào nền nếp, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của bộ đội. Hoạt động văn học, nghệ thuật của Quân đội đã góp phần tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực xây dựng môi trường văn hóa quân sự phong phú, lành mạnh, ngăn chặn, loại trừ các loại hình văn hóa xấu độc thẩm thấu vào đời sống của bộ đội. Đồng thời, tham gia đấu tranh làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa” Quân đội, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của các thế lực thù địch, góp phần tô thắm, phát huy hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, tăng cường mối đoàn kết quân - dân.
Tuy nhiên, so với yêu cầu, hoạt động văn học, nghệ thuật trong Quân đội còn bộc lộ một số hạn chế. Nhận thức của một số cấp ủy, chỉ huy về vị trí, vai trò của hoạt động văn học, nghệ thuật chưa ngang tầm; thậm chí có nơi còn xem nhẹ, thiếu quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư đúng mức. Một số đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp chưa có kế hoạch, quy hoạch phát triển bền vững, chậm đổi mới trong lĩnh vực chuyên môn, chưa thật chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, văn nghệ sĩ. Việc đầu tư sáng tác ở một số loại hình văn học, nghệ thuật còn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm, chưa có nhiều những tác phẩm văn học, nghệ thuật chất lượng cao, chưa đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa - tinh thần ngày càng cao của bộ đội. Một số văn nghệ sĩ chưa thực sự hòa nhập với thực tiễn hoạt động phong phú, sinh động của cán bộ, chiến sĩ ở cơ sở, nhất là trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, còn có biểu hiện chạy theo thị hiếu tầm thường. Tính chiến đấu, tính phê bình trong hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, đấu tranh, phòng, chống quan điểm, khuynh hướng sai lầm, lệch lạc, thù địch còn thiếu nhạy bén, hiệu quả chưa cao,v.v.
Hiện nay, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc đang đặt ra những yêu cầu mới rất cao và toàn diện. Quân đội không chỉ được trang bị vũ khí ngày càng hiện đại, luôn giác ngộ sâu sắc mục tiêu, lý tưởng của Đảng và có trình độ tác chiến cao, mà còn phải là lực lượng có sức mạnh từ trong sâu thẳm cội nguồn văn hóa dân tộc, biết sáng tạo và thưởng thức văn hóa, nghệ thuật một cách tinh tế, có đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh, v.v. Để làm được điều đó, hoạt động văn học, nghệ thuật trong Quân đội trong thời gian tới cần đổi mới hơn nữa, đặc biệt có sự quan tâm toàn diện của cấp ủy, chỉ huy các cấp.
Trước hết, tiếp tục tuyên truyền, quán triệt về vị trí, ý nghĩa của công tác văn học, nghệ thuật trong Quân đội. Mục đích xuyên suốt của việc làm này là nhằm thống nhất nhận thức và hành động đối với công tác văn học, nghệ thuật. Quá trình thực hiện, phải thường xuyên, liên tục với nhiều nội dung, giải pháp phù hợp, hiệu quả. Bên cạnh công tác giáo dục chính trị, các đơn vị cần tăng cường quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật Nhà nước về văn học, nghệ thuật cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là đối với cán bộ chủ trì, chủ chốt. Chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức tuyên truyền, giáo dục; trong đó, cần kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục thường xuyên với giáo dục theo chuyên đề, chủ đề, phù hợp với từng đối tượng; phát huy vai trò của các lực lượng, phương tiện thông tin truyền thông và thiết chế văn hóa. Việc tuyên truyền, giáo dục cần gắn với quán triệt Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Công tác tuyên truyền phải hướng tới làm cho các cơ quan, đơn vị trong Quân đội thấu triệt quan điểm: “Phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật, chăm lo bồi dưỡng và tạo mọi điều kiện cho sự tìm tòi, sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ. Đổi mới phương thức hoạt động của các hội văn học, nghệ thuật” của Đảng; thấy rõ văn học, nghệ thuật là một mặt không thể thiếu trong đời sống tinh thần của bộ đội. Đồng thời, nhận thức rõ việc chăm lo hoạt động văn học, nghệ thuật là trách nhiệm của mọi tổ chức, đoàn thể, trước hết là cấp ủy, chỉ huy, đội ngũ chính ủy, chính trị viên, cơ quan chính trị, cán bộ chính trị các cấp, những người trực tiếp hoạt động trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Trên cơ sở đó, nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, đảm bảo hoạt động văn học, nghệ thuật trong Quân đội phát triển đúng hướng, hiệu quả và khơi dậy tiềm năng sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ để có ngày càng nhiều tác phẩm hay, tính nghệ thuật cao, phản ánh, quảng bá, động viên, khích lệ kịp thời tinh thần của bộ đội trong huấn luyện, công tác, sẵn sàng chiến đấu. Đồng thời, góp phần đấu tranh với sự “xâm lăng văn hóa”, khuynh hướng lai căng, thương mại hóa,… trong hoạt động văn học, nghệ thuật của Quân đội.
Hai là, phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp đối với công tác văn học, nghệ thuật. Các cấp ủy cần xác định rõ công tác văn học, nghệ thuật là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên trong các hoạt động lãnh đạo của cấp mình. Chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy các cấp có trách nhiệm đưa nhiệm vụ này vào kế hoạch hoạt động chung của đơn vị và chịu trách nhiệm trước cấp ủy về mọi hoạt động thuộc lĩnh vực văn học, nghệ thuật của đơn vị. Cơ quan chính trị phát huy tốt vai trò tham mưu, giúp cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy tổ chức, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra,… đơn vị triển khai thực hiện tốt nội dung này. Trong lãnh đạo, tổ chức thực hiện, cần phân công cán bộ có trình độ, kinh nghiệm tổ chức hoạt động văn học, nghệ thuật giúp cấp ủy trực tiếp chỉ đạo sâu sát, có cách làm hay phù hợp với thực tiễn đơn vị. Các đơn vị hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp cần xây dựng và thực hiện tốt Quy chế hoạt động văn học, nghệ thuật; có cơ chế để các hoạt động lý luận, phê bình, tổng kết diễn ra đúng hướng, có hiệu quả. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình hoạt động chuyên môn của đơn vị để có biện pháp chỉ đạo rút kinh nghiệm kịp thời, sâu sắc, thiết thực nâng cao giá trị tư tưởng, nghệ thuật của các tác phẩm, phù hợp với trình độ thưởng thức của bộ đội.
Hiệu lực của sự lãnh đạo, chỉ huy các cấp đối với hoạt động văn học, nghệ thuật được thể hiện rõ ở chất lượng, hiệu quả của hoạt động này. Vì thế, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nhằm nâng cao tầm trí tuệ, tính triết lý, tính thực tiễn và tính giáo dục sâu sắc của các hoạt động văn học, nghệ thuật của đơn vị mình. Đặc biệt, các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp cần đầu tư thời gian, trí tuệ, công sức để mỗi tác phẩm nghệ thuật khi đã ra mắt độc giả, khán giả, đều đạt được sự thành công về nội dung và giá trị nghệ thuật, đi vào sâu thẳm tâm hồn của bộ đội và nhân dân.
Thứ ba, xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ đáp ứng yêu cầu hoạt động văn học, nghệ thuật trong Quân đội. Đội ngũ văn nghệ sĩ là những người trực tiếp sáng tạo, quyết định đến chất lượng, sức sống của tác phẩm văn học, nghệ thuật về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng. Trên thực tế, cũng không ít người quan niệm rằng, hoạt động trên lĩnh vực này là “nhàn nhã”. Đó là quan niệm không đúng! Trái lại, hoạt động văn học, nghệ thuật là một loại hình lao động đặc biệt, không kém phần vất vả, cực nhọc; không thể sử dụng những người không có năng khiếu, tố chất, sở trường và thiếu sự đào tạo bài bản, kỹ lưỡng về lĩnh vực chuyên môn. Do đó, việc phát hiện, quy hoạch, tạo nguồn nhân lực văn học, nghệ thuật, bảo đảm tuyển chọn đúng người vào các cơ quan, đơn vị, nhất là các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp có ý nghĩa đặc biệt. Vì vậy, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần chú trọng việc xây dựng nguồn nhân lực, phát hiện, đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý và các tài năng trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật một cách toàn diện cả về tri thức, kỹ năng chuyên môn, bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, v.v. Đồng thời, quan tâm nghiên cứu, xây dựng chế độ, chính sách thu hút tài năng; khuyến kích, động viên các văn nghệ sĩ gắn bó với nghề, sâu sát đời sống và hoạt động thực tiễn của bộ đội, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo; nêu cao tinh thần tự rèn luyện, tu dưỡng, sáng tạo ra những tác phẩm văn học, nghệ thuật có tính tư tưởng, nghệ thuật cao, phản ánh sâu sắc, sinh động về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng, tô thắm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” thông qua sự cảm nhận cuộc sống và năng lực đặc biệt của mình.
Thứ tư, quan tâm đầu tư nguồn lực cho hoạt động văn học, nghệ thuật trong Quân đội. Người xưa thường nói “Có thực mới vực được đạo”, “cái khó ló cái khôn”. Điều đó đúng với mọi ngành, lĩnh vực, đặc biệt đối với văn học, nghệ thuật là lĩnh vực hoạt động có tính đặc thù cao. Nếu văn học, nghệ thuật không được đầu tư đúng mức thì sẽ khó có thể phát triển, hoạt động không hiệu quả. Trên thực tế, hệ thống thiết chế văn hóa của Quân đội vẫn còn nhiều hạn chế, chưa theo kịp với sự phát triển của yêu cầu nhiệm vụ; không ít đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, cơ sở đào tạo thuộc lĩnh vực văn học, nghệ thuật có trang bị, phương tiện chưa tương xứng, làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động của lĩnh vực này. Vì vậy, đầu tư, quản lý, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, phương tiện cho hoạt động văn học, nghệ thuật một cách phù hợp, có chiều sâu và vững chắc là việc làm rất cần thiết hiện nay.
Văn học, nghệ thuật là một mặt trận, nếu được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả sẽ thiết thực nâng cao đời sống văn hóa - tinh thần của bộ đội, xây dựng Quân đội nhân dân vững mạnh về chính trị, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, sẵn sàng nhận và hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.
Thiếu tướng, TS. NGUYỄN HỌC TỪ
Căn học nghệ thuật,xây dựng quân đội,về chính trị
Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh quán triệt, thực hiện chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên 05/09/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới 26/08/2024
Vận dụng phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc* 22/08/2024
Xây dựng ngành Quân y mạnh về tổ chức, vững về chuyên môn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ 08/08/2024
Quán triệt Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW, Học viện Phòng không - Không quân đổi mới công tác giáo dục và đào tạo 15/07/2024
Cảnh sát biển Việt Nam nâng cao hiệu quả nghiên cứu, đánh giá tình hình, đáp ứng yêu cầu thực thi pháp luật trên biển 11/07/2024
Bộ đội Biên phòng Sơn La phát huy vai trò nòng cốt xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh 04/07/2024
Học viện Lục quân xây dựng nhà trường thông minh, hiện đại theo Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW 04/07/2024
Tư duy mới của Đảng về tăng cường mối quan hệ giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại trong Chiến lược bảo vệ Tổ quốc 24/06/2024
Quân khu 3 quán triệt, thực hiện Chỉ thị số 2423 của Quân ủy Trung ương 14/06/2024
Vận dụng phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc*
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới
Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh quán triệt, thực hiện chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên