Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam

QPTD -Thứ Năm, 09/10/2014, 19:00 (GMT+7)
Xây dựng và bảo vệ Thủ đô sau ngày giải phóng

Bảo vệ thành quả cách mạng, xây dựng Thủ đô sau ngày giải phóng (10-10-1954) là nhiệm vụ trọng yếu được quân và dân Thủ đô Hà Nội tích cực thực hiện và đạt kết quả cao.

Bộ đội Việt Minh tiếp quản Thủ đô ngày 10-10-1954. (Ảnh tư liệu)

Trước ngày giải phóng, Hà Nội là trung tâm chỉ huy bộ máy chiến tranh của thực dân Pháp ở khu vực Bắc Đông Dương. Đây cũng là “thành phố tiêu thụ” hậu phương phục vụ các nhu cầu của đội quân Viễn chinh Pháp ở miền Bắc Việt Nam. Vì vậy, sau khi tiếp quản Thủ đô, quân và dân Hà Nội phải trực tiếp đối phó với hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh xâm lược và sự phá hoại của kẻ thù. Các cơ sở sản xuất què quặt, nhỏ lẻ, đại bộ phận là sản xuất thủ công. Đời sống nhân dân hết sức khó khăn, với hơn 70.000 người không có việc làm, nạn thiếu đói vẫn diễn ra; trật tự xã hội rối ren do tàn dư của xã hội cũ để lại, v.v.

Thực dân Pháp rút đi, chính quyền tay sai đã tan rã, nhưng vẫn tồn tại nhiều cơ sở phản cách mạng do địch cài cắm lại để phá hoại sự nghiệp xây dựng CNXH ở miền Bắc nói chung và công cuộc kiến thiết Thủ đô nói riêng. Một mặt, chúng câu kết chặt chẽ với các đảng phái phản động, đội lốt tôn giáo đẩy mạnh chiến tranh tâm lý, nhằm làm giảm niềm tin của quần chúng đối với chính quyền cách mạng. Mặt khác, chúng tăng cường hoạt động gián điệp, bí mật điều tra để nắm thực lực về tổ chức biên chế, vũ khí, trang bị, địa điểm đóng quân và tìm cách đánh cắp tài liệu bí mật quân sự, quốc phòng của ta. Tình hình đó, đặt ra yêu cầu cấp bách đối với Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang Thành phố là phải giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn và nhanh chóng phục hồi đời sống sinh hoạt của nhân dân.

Kết thúc thắng lợi Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Hà Nội trở thành Thủ đô - Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước. Trung ương Đảng và Chính phủ ta từ căn cứ kháng chiến Việt Bắc trở về Hà Nội lãnh đạo, điều hành đất nước. Để bảo vệ Thủ đô, bảo vệ Trung ương Đảng và thành quả cách mạng, Tổng Quân ủy đã giao nhiệm vụ cho Đại đoàn 350, cùng với lực lượng vũ trang Hà Nội đảm bảo an ninh chính trị ở Thủ đô, chống mọi âm mưu phá hoại của địch. Thực hiện nhiệm vụ đó, từ ngày 25 đến 28-10-1954, các trung đoàn: 600, 254 và 53 thuộc Đại đoàn 350, được sự giúp đỡ của nhân dân Thủ đô đã tiếp nhận xong nhiệm vụ bảo vệ toàn bộ Thành phố, thay Đại đoàn 308 (đi nhận nhiệm vụ khác). Hai trung đoàn pháo cao xạ (681 và 685) thuộc Đại đoàn 367 được giao nhiệm vụ bảo vệ bầu trời Hà Nội. Tất cả các cơ quan, xí nghiệp, công trình công cộng, nhất là các mục tiêu quan trọng trên địa bàn đều được các lực lượng quân đội, công an phối hợp với lực lượng tự vệ và công nhân tổ chức canh gác chặt chẽ; bảo đảm an toàn về tính mạng và tài sản của nhân dân (cả ngoại kiều).

Để giải quyết những tệ nạn xã hội, Chính quyền Thành phố đã chủ trương tập trung cải tạo, giáo dục và giác ngộ các đối tượng từng có thời gian hoạt động cho địch; có chính sách khoan hồng cho các đối tượng giác ngộ, đồng thời trừng trị thích đáng những thành phần cố tình chống phá cách mạng. Thực hiện chủ trương này, Thành phố đã vận động được hơn 12.000 sĩ quan, binh sĩ bỏ hàng ngũ địch tự giác ra trình diện chính quyền và đều hưởng sự khoan hồng. Có trên 3.000 viên chức của chế độ cũ được sử dụng làm việc và giữ nguyên lương. Một số lượng lớn vũ khí, đạn dược của địch để lại khi rút chạy được thu hồi… Lực lượng vũ trang Thành phố đã phối hợp chặt chẽ với nhân dân địa phương tăng cường đấu tranh chống địch phá hoại Hiệp định Đình chiến, phá hoại Thủ đô và chống địch dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào di cư. Đồng thời, chủ động tuyên truyền vạch trần âm mưu thâm độc, xảo quyệt của địch; kiên trì vận động, thuyết phục nhân dân tích cực tham gia các phong trào hành động cách mạng, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố.

Thực hiện chủ trương phục hồi đời sống sinh hoạt của nhân dân Thủ đô, Chính quyền Thành phố đã triển khai thực hiện đồng bộ một số biện pháp quan trọng, như: kiện toàn bộ máy chính quyền các cấp từ Thành phố xuống cơ sở; điều chỉnh biên chế, tổ chức lực lượng quân sự, công an, các tổ chức xã hội nghề nghiệp phù hợp với tình hình; kịp thời bãi bỏ các loại thuế không phù hợp, phục hồi công thương nghiệp, khuyến khích các lĩnh vực phát triển sản xuất… Do có sự chuẩn bị chu đáo từ trước và nhận được sự hỗ trợ tích cực của các địa phương trên miền Bắc, nên mậu dịch quốc doanh đã kịp thời cung cấp lương thực, thực phẩm, chất đốt và hàng tiêu dùng cho nhân dân Thủ đô. Cùng với đó, nhiều công trường sản xuất mới được đầu tư phát triển, thu hút hàng vạn lượt người tham gia, góp phần giải quyết có hiệu quả tình trạng thất nghiệp sau chiến tranh. Sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế có sự phát triển vượt bậc, bảo đảm cho đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân Thủ đô ngày càng được nâng cao; nạn mù chữ được xóa bỏ hoàn toàn.

 Nhìn lại thời gian đầu sau ngày giải phóng, trong muôn vàn khó khăn của nhiệm vụ bảo vệ, xây dựng Thủ đô, quân và dân Hà Nội đã đạt được những thành quả vượt bậc. Thủ đô hôm nay đã và đang thật sự trở thành thành phố văn minh, hiện đại theo hướng CNH,HĐH. Công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị, phát triển hạ tầng kỹ thuật, xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và đô thị được thu hẹp. Văn hóa - xã hội, giáo dục tiếp tục phát triển, bảo đảm an sinh xã hội. Hệ thống y tế được tăng cường đầu tư cả về nhân lực và vật lực, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân... Những thành tựu đó đã tiếp thêm động lực, sức mạnh cho trong công cuộc đổi mới, xây dựng Thủ đô văn minh, giàu đẹp.

Bước vào thời kỳ mới, Đảng, Nhà nước ta cũng đã có nhiều quyết định mang ý nghĩa lịch sử, nhất là sự kiện điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính Thủ đô theo tinh thần Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội khóa XII. Trong sáu năm triển khai thực hiện Nghị quyết, quân và dân Hà Nội luôn ý thức đầy đủ trách nhiệm của mình, vì sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô. Dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, sự chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân Thành phố, quân và dân Hà Nội đã khẩn trương triển khai giải quyết có hiệu quả một khối lượng lớn công việc, đảm bảo cho mọi hoạt động sản xuất, đời sống nhân dân luôn ổn định; an ninh chính trị, quốc phòng, quân sự được tăng cường; đấu tranh có hiệu quả với các luận điệu tuyên truyền phản động, âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch; bảo vệ các mục tiêu trọng yếu về chính trị, quân sự và kinh tế, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Những năm tiếp theo là chặng đường phát triển quan trọng và đầy ý nghĩa đối với quân và dân Thủ đô Hà Nội. Với truyền thống đoàn kết nhất trí cao, tinh thần chủ động, sáng tạo, quân và dân Hà Nội sẽ tiếp tục phát huy hào khí của những chiến công năm xưa, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, đáp ứng với niềm tin yêu của đồng bào cả nước; xứng đáng tầm vóc, vị thế Thủ đô nghìn năm Văn hiến và Anh hùng.

Đại tá NGUYỄN THẾ VỴ

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào
Ngày 30/10/1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định thành lập Quân tình nguyện tại Lào, đánh dấu sự phát triển mới của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào; đồng thời, khẳng định đường lối, quan điểm đúng đắn của Đảng ta trong thực hiện nghĩa vụ quốc tế.