Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam

QPTD -Thứ Năm, 30/06/2016, 08:53 (GMT+7)
Xây dựng quân đội thường trực “Quân cốt tinh không cốt nhiều” trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của Tổ tiên ta

Từ khi giành được độc lập vào năm 938, Ngô Quyền và tiếp đó là các triều đại nhà nước phong kiến Đại Việt liên tục phải đương đầu với các cuộc chiến tranh xâm lược của ngoại bang có tiềm lực kinh tế - quân sự hơn hẳn. Vì thế, việc tổ chức, xây dựng quân đội mạnh phù hợp với điều kiện, khả năng của đất nước luôn được các vương triều quan tâm, coi trọng. Đây cũng là lẽ thường, thể hiện sự tỉnh táo của Tổ tiên ta. Bởi lẽ, tiềm lực kinh tế có hạn, không cho phép xây dựng và duy trì một đạo quân lớn; nhưng nếu đạo quân nhỏ thì lại không đủ sức chống giặc dữ. Cho nên để giải quyết mâu thuẫn giữa khả năng của đất nước với yêu cầu bảo vệ Tổ quốc, cha ông ta chủ trương xây dựng quân đội mạnh, theo hướng “Quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, tức là “quân cốt tinh, không cốt nhiều”, lấy chất lượng là chính. Đây là quan điểm nhất quán, xuyên suốt lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

Lễ hội thủy quân trên sông Lục Đầu, tái hiện cảnh Trần Hưng Đạo duyệt thủy quân năm 1285. (Ảnh: baohaiduong.vn)

Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nam Hán lần thứ Hai, trên cơ sở đạo quân bản bộ, Ngô Quyền đã tập trung xây dựng được đội quân chủ lực giỏi cả về đánh thủy và đánh bộ làm nòng cốt cho chiến tranh nhân dân, thực hiện toàn dân đánh giặc. Đến thời Đinh và Tiền Lê, quân đội được tổ chức thành “Thập đạo quân”; trong đó, mỗi đạo 10 quân, mỗi quân 10 lữ, mỗi lữ 10 tốt, mỗi tốt 10 ngũ, mỗi ngũ 10 người. Tuy nhiên, binh lính ở nhà sản xuất là chính, khi có việc luyện tập, canh phòng hoặc chiến đấu mới gọi ra lệ thuộc vào tướng; quân thường trực chỉ có ở thiên tử quân, cấm binh để canh phòng, bảo vệ nhà vua và triều đình. Thời nhà Lý, tư tưởng “Ngụ binh ư nông” trở thành quốc sách quan trọng của Nhà nước Đại Việt, nghĩa là gắn việc binh với việc nông, gắn kinh tế với quân sự, quốc phòng để giảm quân thường trực; trừ cấm quân, các lực lượng còn lại của quân đội đều áp dụng việc chia phiên vừa sản xuất, vừa thực hiện việc binh. Triều đại nhà Trần chú trọng thực hiện quan điểm của Trần Quốc Tuấn: “Quân quý ở tinh nhuệ, không quý ở số đông. Dẫu đến 100 vạn quân mà như Bồ Kiên thì cũng làm được gì?”1. Cuộc chiến chống quân Nguyên của nhà Trần đã chứng minh tư tưởng đó là hoàn toàn đúng đắn. Sau này, Nguyễn Huệ đã nâng tầm tư tưởng trên thành: xây dựng quân đội “cốt tinh không cốt đông”, có đầy đủ các thành phần lực lượng.

Như vậy, tư tưởng xây dựng quân đội thường trực “Quân cốt tinh không cốt nhiều” được hình thành rất sớm và ngày càng phát triển mạnh mẽ, nhất là ở thời kỳ nhà Trần đến Tây Sơn. Từ thực tiễn xây dựng quân đội qua các triều đại nhà nước phong kiến Đại Việt trên cho thấy, muốn thực hiện được tư tưởng đó cần phải làm tốt những nội dung sau:

1. Công tác tuyển mộ

Nhà Trần thực hiện chặt chẽ việc quản lý nhân đinh trong cả nước bằng cách làm sổ hộ theo phép cũ của nhà Lý, ba năm một lần. Sách Lịch triều hiến chương loại chí cho biết, mọi đinh nam khỏe mạnh đến tuổi trưởng thành được ghi vào sổ và đều có nghĩa vụ binh dịch, lúc cần, Nhà nước có thể “chiếu sổ gọi ra làm lính”. Theo sử gia Phan Huy Chú: “Đại ước, người trúng tuyển thì sung vào quân ngũ, người hạng kém thì biên tên vào sổ, có việc mới gọi ra, niên hạn lâu chóng có lẽ không nhất định”2; sách An Nam chí lược cũng ghi chép: “Việc lấy quân không có số nhất định; chỉ chọn dân đinh nào khỏe mạnh thì lấy”. Như vậy, trên cơ sở “Sổ quân”, hằng năm, các địa phương sẽ tuyển người khỏe mạnh sung vào quân ngũ, số chưa được tuyển thì ở nhà sản xuất và tham gia dân binh, sẵn sàng nhập ngũ khi có lệnh. Nhờ cách làm này, thời bình vẫn đủ lực lượng canh phòng, thời chiến huy động được lực lượng lớn cho quân đội và thực hiện chiến tranh nhân dân, như Phan Huy Chú cho biết: trong thời bình “Quân số chưa đầy 10 vạn”, nhưng trong kháng chiến chống Mông – Nguyên đã có lúc triều đình huy động được 20-30 vạn, v.v.

Triều đại Tây Sơn tuy chưa có điều kiện để quản lý chắc nhân đinh, nhưng khởi nguồn từ khởi nghĩa nông dân với khẩu hiệu “Lấy của nhà giàu chia cho người nghèo”, nên luôn luôn tập hợp được đông đảo tầng lớp dân nghèo tham gia. Những người đó chủ yếu là nông dân, khi tham gia nghĩa quân họ đều có thể tự lao động sản xuất và sẽ trở thành lính nếu tình nguyện. Nghĩa quân Tây Sơn còn vận động được cả đồng bào các dân tộc Xơ đăng, Ê đê, Gia rai,… tham gia. Trong suốt quá trình lãnh đạo Quân đội Tây Sơn, Nguyễn Huệ luôn giữ vững nguyên tắc mộ lính chứ không bắt lính, dù cho có những thời điểm yêu cầu về lực lượng đặt ra rất cấp bách. Chính nhờ sự tự nguyện tham gia chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn của Nghĩa quân, mà trước mỗi chiến dịch, Nguyễn Huệ mới tổ chức mộ thêm lính, nên lực lượng thường trực của Tây Sơn tuy không đông, nhưng bước vào chiến dịch vẫn đủ số lượng cần thiết. Điều này được minh chứng rõ nhất trong trận đại phá quân Thanh: từ lúc bắt đầu Bắc tiến, lực lượng mới chỉ khoảng hai, ba vạn; nhờ thực hiện chủ trương "tận suất vi binh", khi đến Tam Điệp - Biện Sơn, quân Tây Sơn đã lên đến hơn chục vạn người, hàng trăm thớt voi chiến và hàng trăm khẩu đại bác các cỡ

2. Tổ chức biên chế

Cách thức tổ chức và phiên chế các lực lượng có ý nghĩa quan trọng đối với sức mạnh của quân đội. Hiểu rõ điều đó, nhà Trần thường xuyên kiện toàn cơ cấu tổ chức quân đội, quan tâm xây dựng quân thường trực chính quy hợp lý, gọn nhẹ, có sức cơ động cao; theo đó, phân định rõ quân triều đình và quân các lộ, phủ (tức quân trung ương và quân địa phương). Ở trung ương có Cấm quân bảo vệ vua, triều đình và kinh đô; Sương quân canh giữ các cửa thành và là lực lượng cơ động. Ở địa phương có quân các lộ, phủ canh giữ và bảo vệ sự bình yên trên địa bàn. Bên cạnh đó, triều đình còn cho phép các vương hầu tự tổ chức quân đội riêng ở nơi mình trấn trị. Khi xảy ra chiến tranh, tất cả các lực lượng đều chịu sự điều động và chỉ huy thống nhất của triều đình. Qua sử sách, chúng ta dễ dàng nhận thấy, thời kỳ nhà Trần đã xuất hiện lục quân và thủy quân. Trong lục quân, có cả bộ binh, kỵ binh và tượng binh. Trong đó, bộ binh được coi là loại binh chủ yếu vì thích hợp với điều kiện tự nhiên của nước ta, phát huy được vai trò quan trọng trong giáp chiến, phục kích, tập kích và tạo thời, lập thế, phối thuộc chiến đấu hiệp đồng có hiệu quả với những đội kỵ binh và tượng binh. Voi chiến đã từng tham gia các trận Bình Lệ Nguyên, Nội Bàng, Vạn Kiếp,… làm cho quân Nguyên - Mông hoảng loạn mỗi khi giáp chiến. Lực lượng kỵ binh thường sử dụng trong chiến đấu hiệp đồng hoặc khi truy kích địch. Nhà trần vốn xuất thân từ vùng sông nước, lại chú trọng tuyển chọn những người dân chài lưới, giỏi bơi lặn vào thủy quân; đồng thời, cho đóng nhiều chiến thuyền hiện đại, như: thuyền Châu Kiều, thuyền Đinh Sắt hay Cổ lâu thuyền với hàng trăm tay chèo, có đầy đủ trang, thiết bị đủ khả năng vượt biển xa. Do vậy, thủy binh Đại Việt được xếp vào loại quân tinh nhuệ lúc bấy giờ.

Về cơ bản, Quân đội Tây Sơn kế thừa những ưu điểm của Quân đội nhà Trần, nhưng có nhiều cải tiến, ứng dụng tiến bộ của khoa học, kỹ thuật đương thời vào trong biên chế của lực lượng; đặc biệt, sử dụng đại bác thần cơ thực sự là một bước tiến dài so với quân đội của các triều đại trước. Cụ thể, về tổ chức, quân đội được phiên chế thành Đội, Cơ, Đạo và Doanh; gồm bộ binh, kỵ binh, tượng binh, đại bác thần cơ (pháo binh) và thủy binh. Trong một vài trường hợp, Nguyễn Huệ tổ chức ra đơn vị có quy mô lực lượng lớn gọi là Đại quân, gồm 2-3 Doanh, do một viên Đại Nguyên soái thống lĩnh. Bộ binh được trang bị thêm hỏa hổ, đại bác dã chiến và đưa thêm bộ phận tượng binh, kỵ binh vào biên chế, làm tăng khả năng đột kích. Tượng binh cũng được bố trí hỏa hổ, hoặc đại bác thần cơ, đặt trên lưng voi, tạo nên “phương tiện” đột kích đặc biệt hữu hiệu, có sức mạnh vượt trội trong tác chiến mà quân đội của đối phương không thể sánh được. Thủy binh Tây Sơn gồm các đội thuyền tác chiến trên sông, biển và các đội vận tải chuyên trách phục vụ cho tác chiến trên bộ và đại bác bờ biển. Trong đó, đội thuyền tác chiến trên biển là bộ phận chủ lực với số lượng lớn, sức tiến công không thua kém so với thuyền chiến của các quốc gia hùng mạnh trên thế giới.

3. Về tuyên truyền, giáo dục

Con người và vũ khí trang bị là hai yếu tố cơ bản quyết định thắng lợi trên chiến trường của mọi đội quân và là cơ sở của nghệ thuật quân sự “lấy yếu chống mạnh, lấy ít địch nhiều” trong phép dùng binh. Trong nhân tố con người thì tinh thần có tầm quan trọng đặc biệt, vì vậy, trong các triều đại có quân đội hùng mạnh, Tổ tiên ta luôn chú trọng đến việc giáo dục tướng sĩ và binh lính lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết chiến đấu, lòng tự hào dân tộc, không ngại hy sinh gian khổ. Tiêu biểu Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn ở thời Trần là lời kêu gọi mọi người đồng tâm nhất trí, trung quân ái quốc, khắc ghi hai chữ “Sát Thát”, quyết đánh tan quân giặc Mông - Nguyên. Thiên tài quân sự Nguyễn Huệ luôn luôn chủ trương "Quân lính cốt hòa thuận, không cốt đông", nên đã chú trọng xây dựng mối quan hệ bình đẳng giữa những người lính cũ và lính mới, tạo cho họ sự tin cậy lẫn nhau, hợp thành một khối vững chắc. Trong lời hiệu triệu ba quân ở Thanh Hóa trước khi ra Thăng Long đại phá quân Thanh, Ông đã khéo léo khơi dậy tinh thần yêu nước, chí căm thù giặc, chỉ rõ mục đích chiến đấu có sức thuyết phục, động viên mọi người hăng hái lập công. Chính vì thế, Quân Tây Sơn đã nhanh chóng đánh tan quân Thanh (sớm hơn dự kiến 02 ngày).

Người dân nô nức tham dự lễ hội gò Đống Đa 2016. (Ảnh: TTXVN)

Cùng với đó, kỷ luật nghiêm, thưởng, phạt công minh, cũng là một biện pháp bảo đảm “tinh” cho quân đội, được nhà Trần và Tây Sơn quan tâm thực hiện: người có công thì được ban thưởng, kẻ phản bội, hoặc trốn lính thì bị xử nghiêm. Vấn đề này được sách Đại Việt sử ký toàn thư đề cập trong phần viết về Phạm Ngũ Lão: “Ông huấn luyện quân đội rất có kỷ luật, đối đãi tướng hiệu tựa như người nhà, cùng đồng cam cộng khổ với binh sĩ, cho nên quân đi tới đâu, không ai dám chống; tất cả chiến lợi phẩm thu được đều sung vào kho quân, coi của cải như không, là danh tướng một thời vậy.”3, hoặc Phan Huy Chú ghi trong sách Lịch triều hiến chương loại chí: “pháp chế đời Trần, người trốn lính bị chặt ngón chân, rồi cho người đó làm gì thì làm, hoặc cho voi giày để giết”. Sau kháng chiến chống Nguyên Mông, vua Trần Nhân Tông xét công trạng, người trong hoàng tộc thì được tiến phong, người ngoài mà có công to được ban quốc tính (họ nhà vua), v.v. Phản ánh tính tổ chức kỷ luật của Quân đội Tây Sơn, sách Lê quý dật sử ghi: “Khi tiến ra Thăng Long quân lệnh của Tây Sơn nghiêm ngặt, không ai được tơ hào một tý gì của dân", đối với toàn gia tộc của chúa Trịnh thì “lấy hết của cải trong kho” chia cho dân nghèo. Do vậy, quân Tây Sơn được người dân Thăng Long đổ ra đường đón chào với khẩu hiệu: “Hậu lai kỳ tổ” - vua đến dân được sống lại!, v.v.

4. Về huấn luyện

Nhà Trần hết sức coi trọng việc rèn luyện tướng sĩ và quân lính; trong đó, Giảng võ đường được coi là trường học cao cấp về quân sự. Trần Quốc Tuấn đã dày công nghiên cứu, biên soạn cuốn “Binh thư yếu lược” và “Vạn kiếp tông bí truyền thư” để làm tài liệu giảng dạy. Tại đây, việc học tập là bắt buộc; vua và các vương hầu cùng võ tướng cao cấp được học binh thư, binh pháp, cách bày trận, phá trận. Trong quá trình huấn luyện, tùy theo các loại vũ khí sử dụng mà luyện tập, ví dụ: cung thì thi bắn trên ngựa và bắn bộ mỗi thứ một tao. Bắn trên ngựa thì dựng ba cái đích cách nhau 100 bước, phóng ngựa thật nhanh bắn 3 phát, trúng đích được 2 tên là hạng ưu, trúng được 1 tên cũng được. Bắn bộ thì dựng một cái đích cách 80 bước, bắn 5 phát tên, v.v. Với Tây Sơn - Nguyễn Huệ, cách huấn luyện binh sĩ mới nhập ngũ rất sáng tạo, đó là: phiên chế những người lính mới vào trung quân, dưới sự chỉ huy trực tiếp của người Anh hùng bách chiến, bách thắng sẽ làm cho tinh thần chiến đấu và kỹ, chiến thuật của họ được nhanh chóng nâng lên.

Cùng với huấn luyện thường xuyên, Tổ tiên ta còn chú trọng đến những cuộc tập trận lớn, thao diễn quân đội hằng năm do đích thân nhà vua hay thống soái quân đội chỉ huy, nhằm làm cho các tướng sĩ và binh lính quen với chiến trận, để vừa biết hiệp đồng chiến đấu, vừa nâng cao sĩ khí của quân đội cũng như tinh thần nhân dân cả nước. Thời Trần, trước khi bước vào cuộc kháng chiến chống quân Nguyên xâm lược, Trần Quốc Tuấn được lệnh điều quân thủy, bộ và quân của các vương hầu đến Đông Bộ Đầu tổ chức tổng duyệt binh, sau đó chia quân đi đóng giữ những nơi xung yếu của Tổ quốc. Nhà Tây Sơn, để chuẩn bị chống quân Thanh, ngay từ cuối năm Đinh Mùi (1787), Nguyễn Huệ triệu tập tất cả các binh sĩ về Phú Xuân và triển khai đợt huấn luyện quân sự rất ráo riết; hằng ngày có hơn 30.000 binh sĩ thường xuyên luyện tập. Hoặc trước khi kéo quân ra Thăng Long tiêu diệt quân Thanh, Quang Trung đã tổ chức một cuộc duyệt binh lớn tại Nghệ An, v.v.

“Sửa sang võ bị đề phòng việc bất ngờ” (bảo vệ Tổ quốc từ xa), trong đó chú trọng đến việc xây dựng, tổ chức quân đội “cốt tinh không cốt nhiều” của Tổ tiên ta là những bài học kinh nghiệm quý báu cho nhiệm vụ xây dựng quân đội “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay./.

Hà Thành

___________

1 - Viện KHXH Việt Nam - Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 2, Nxb KHXH, H. 1993, tr. 59.

2 - Phan Huy Chú - Lịch triều hiến chương loại chí, Tập 2, Nxb Giáo dục, H. 2007, tr.335.

3 - Viện KHXH Việt Nam - Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 2, Nxb KHXH, H. 1993, tr. 105.

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào
Ngày 30/10/1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định thành lập Quân tình nguyện tại Lào, đánh dấu sự phát triển mới của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào; đồng thời, khẳng định đường lối, quan điểm đúng đắn của Đảng ta trong thực hiện nghĩa vụ quốc tế.