Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam

QPTD -Chủ Nhật, 20/04/2014, 20:52 (GMT+7)
Vấn đề tìm cách đánh Mỹ và mười bài học kinh nghiệm của quân và dân huyện Củ Chi
Đường hầm trong lòng Địa đạo Củ Chi
(Ảnh in-tơ-nét)

1. Đến giữa năm 1965, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã phát triển lên một bước mới. Quân và dân ta đã tiến công địch bằng cả “hai chân”, “ba mũi” trên cả ba vùng chiến lược và giành thắng lợi lớn. Đặc biệt, với các chiến thắng liên tiếp ở Bình Giã, Ba Gia, Đồng Xoài tiêu diệt gọn nhiều tiểu đoàn, từng chiến đoàn, trung đoàn quân chủ lực ngụy đã đẩy Chiến lược “chiến tranh đặc biệt” bên bờ phá sản. Để cứu nguy cho ngụy quyền, ngụy quân không bị sụp đổ, nhanh chóng đảo lộn thế cờ và giành một thắng lợi quyết định, Mỹ đã thay đổi chiến lược chiến tranh, đưa quân viễn chinh Mỹ vào trực tiếp tham chiến ở miền Nam, thực hiện Chiến lược “chiến tranh cục bộ”. Đây là bước leo thang mới, bước ngoặt lớn trong chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở Việt Nam. Việc Mỹ đưa quân ồ ạt vào miền Nam1 và tăng cường ném bom miền Bắc, khiến cả thế giới lo ngại chiến tranh Việt Nam sẽ phát triển phức tạp. Vì vậy, có người khuyên ta không nên đối đầu với Mỹ. Trong nội bộ ta, một bộ phận cán bộ và nhân dân cũng xuất hiện tư tưởng ngại ác liệt, do dự, băn khoăn “liệu có đánh được Mỹ không”? Trong khi đó, “điểm mặt” các sư đoàn Mỹ vào tham chiến ở Việt Nam đều là những đơn vị thiện chiến, có nhiều thành tích trên các chiến trường Tây Âu, Bắc Phi, Triều Tiên…, khiến việc đánh Mỹ nhanh chóng trở thành vấn đề lớn, đòi hỏi phải giải quyết cả về nhận thức và tư tưởng. Trước tình hình đó, Đảng ta đã phân tích, đánh giá tình hình mọi mặt và khẳng định: mặc dù Mỹ đưa quân cùng nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại vào miền Nam, nhưng so sánh thế và lực, nhất là về thế trận giữa ta và địch không có sự thay đổi căn bản. Với lực lượng và thế trận hiện có, chúng ta có cơ sở vững chắc để giữ vững và tiếp tục phát triển chiến lược tiến công. Đây là đánh giá đúng đắn, khách quan, khoa học, là cơ sở quan trọng để Đảng ta hạ quyết tâm “quyết đánh và quyết thắng giặc Mỹ xâm lược” trong chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Theo đó, ta chủ trương tiếp tục đẩy mạnh chiến tranh du kích rộng khắp làm cơ sở để phát triển chiến tranh chính quy; đồng thời, tích cực, kiên quyết phản công các cuộc tiến công “tìm diệt”, kết hợp khôn khéo vận dụng các phương thức, hình thức tác chiến để đánh Mỹ và thắng Mỹ.

Thực hiện chủ trương trên và với phương châm “cứ đánh Mỹ rồi sẽ tìm ra cách đánh”, quân và dân miền Nam đã chủ động, tích cực ra sức thi đua đánh Mỹ. Những thắng lợi ở Núi Thành (5-1965), Vạn Tường (8-1965), An Điền (10-1965), Đất Cuốc, Bầu Bàng (11-1965),… và chiến thắng vang dội ở thung lũng Ia-đrăng (Gia Lai) đã không chỉ giải đáp những băn khoăn, trăn trở về cách đánh Mỹ trên chiến trường của quân và dân ta, mà còn khẳng định chủ trương, quyết sách của Đảng là hoàn toàn đúng đắn. Trong các chiến thắng này, vai trò của lực lượng vũ trang (LLVT) tại chỗ và thế trận chiến tranh nhân dân (CTND) đã làm Mỹ bất ngờ, choáng váng. Thực tiễn cho thấy, từ khi quân Mỹ vào miền Nam, LLVT tại chỗ là lực lượng đầu tiên đánh Mỹ một cách linh hoạt, sáng tạo, đạt hiệu suất chiến đấu rất cao. Tuy nhiên, đó mới chỉ là “hiệp đầu” thắng Mỹ, bởi ta chưa đánh bại địch trong các chiến dịch, chiến lược. Hơn nữa, Mỹ chưa dễ gì chấp nhận thất bại mà đổ lỗi cho khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, chưa quen chiến trường,… Từ đó, có người hoài nghi cho rằng, phải chăng đây chỉ là sự “ăn may” hoặc “liều lĩnh” của Việt Cộng.

2. Điều này đã được làm sáng tỏ khi Mỹ mở cuộc phản công chiến lược lần thứ nhất (mùa khô năm 1965 - 1966); trong đó, chúng sử dụng 02 sư đoàn bộ binh cùng pháo binh, không quân yểm trợ, bất ngờ mở cuộc hành quân “Cái bẫy” đánh vào địa bàn Củ Chi - một huyện nằm sát ngay cửa ngõ Sài Gòn. Đối phó với cuộc tiến công của địch, ta chỉ có bộ đội địa phương Huyện và du kích các xã, ấp, nhưng với hệ thống hầm, hào, địa đạo, ụ chiến đấu, bãi tử địa,… nhất là, tinh thần quyết chiến cao và thế trận CTND vững chắc, quân, dân Củ Chi đã tạo ra sức mạnh tổng hợp trên địa bàn để đánh Mỹ. Tuy quân số ít, vũ khí thô sơ, nhưng các lực lượng tại chỗ đã sử dụng tất cả các loại vũ khí hiện có, kết hợp với lựu đạn tự tạo, bẫy chông, mìn,… kiên quyết bám trụ đánh Mỹ. Du kích và bộ đội địa phương của Huyện thoắt ẩn, thoắt hiện, bền bỉ trụ bám, vận dụng sáng tạo, linh hoạt các thủ đoạn, hình thức chiến đấu, như: chốt giữ, phục kích, tập kích, đánh quần lộn, thực hiện phương thức tác chiến độc đáo “địa đạo chiến” đã liên tiếp bẻ gãy các mũi tiến công của quân Mỹ, đánh bại cuộc hành quân “Cái bẫy” ngay cạnh sào huyệt của kẻ thù. Trong 12 ngày, đêm chiến đấu, quân và dân huyện Củ Chi đã tiêu diệt loại khỏi vòng chiến đấu hơn 1.000 lính Mỹ, phá 100 xe quân sự, bắn rơi 50 máy bay các loại…, gây bất ngờ lớn cho quân viễn chinh Mỹ và làm ngạc nhiên đến khó tin đối với thế giới.

Nét đặc sắc trong nghệ thuật tác chiến của quân và dân Củ Chi được thể hiện rõ khi vận dụng sáng tạo quan điểm, đường lối CTND của Đảng để đối phó với kẻ địch mạnh hơn ta gấp nhiều lần một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với đặc điểm, điều kiện cụ thể của địa bàn vùng ven Sài Gòn. Tại đây, chúng ta đã đánh giá rất đúng quân Mỹ cả điểm mạnh (quân đông, sức cơ động nhanh, vũ khí, trang bị hiện đại) và điểm yếu, nhất là những điểm yếu chí mạng của chúng (tác chiến phải dựa vào hỏa lực, phân tuyến, sợ đánh gần, đánh đêm,…). Trên cơ sở đó, ta đã thiết lập thế trận CTND cài xen kẽ, hiểm hóc, vững chắc, liên hoàn (giữa các xóm, ấp, xã với trận địa phòng thủ; giữa thế trận trên mặt đất và hệ thống địa đạo bí mật…), sử dụng LLVT tại chỗ linh hoạt, sáng tạo nên đã giành thắng lợi lớn. Đây là lý do giải thích tại sao với lực lượng nhỏ (không có bộ đội chủ lực) nhưng quân và dân Củ Chi đã liên tục chiến đấu suốt 12 ngày đêm đánh bại 02 sư đoàn quân Mỹ với vũ khí, trang bị hiện đại và buộc chúng phải chấp nhận thất bại ngay tại cửa ngõ Sài Gòn. Sự kiện quân và dân Củ Chi đánh thắng cuộc hành quân “Cái bẫy”, đã tạo ra một điển hình về nghệ thuật CTND trong đánh Mỹ, góp phần giải đáp một câu hỏi lớn trên toàn miền Nam: CTND có thể đánh thắng chiến tranh hiện đại của Mỹ và với thế trận tốt có thể đánh Mỹ, thắng Mỹ bằng mọi lực lượng, mọi thứ vũ khí. Cũng từ đây, đã hình thành một vành đai diệt Mỹ vững chắc và lớn nhất miền Nam lúc bấy giờ - vành đai diệt Mỹ Đồng Dù, một kiểu bám thắt lưng Mỹ mà đánh của CTND.

Để kịp thời nhân rộng và đưa điển hình này trở thành “sinh hoạt thường xuyên” của quân và dân miền Nam, biến kẻ “tìm diệt” trở thành đối tượng bị “tìm diệt” của phong trào cách mạng, tạo tiền đề vững chắc cho việc đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, ngày 07-02-1966, Bộ Tư lệnh quân khu Sài Gòn - Gia Định đã tổ chức tổng kết CTND trên địa bàn Củ Chi và rút ra 10 bài học đánh Mỹ. Đó là: ai cũng đánh được Mỹ; vũ khí gì cũng đánh được Mỹ; nhiều đánh được, ít cũng đánh được, một người, một tổ đều đánh được; ở đâu cũng đánh được Mỹ, chỉ cần tích cực bám địch, tìm được là đánh được; ngày đánh được, đêm cũng đánh được; địch phản công là cơ hội để diệt chúng; đánh ở phía trước, đánh trong hậu cứ địch, đánh đều khắp; đánh địch trong và ngoài xã, ấp chiến đấu; có thể đánh thắng tất cả mọi binh chủng của Mỹ; đánh bằng vũ trang, chính trị và binh vận. Đây không chỉ là nét đặc sắc trong quán triệt và vận dụng sáng tạo quan điểm CTND của Đảng, phù hợp với thực tiễn chiến trường đánh Mỹ, mà còn là một phương thức đánh địch độc đáo, thể hiện tư duy khoa học được đúc kết từ thực tiễn hoạt động tác chiến của bộ đội và quần chúng khái quát thành những kinh nghiệm cô đúc, dễ hiểu, dễ nhớ nhằm quán triệt, phổ biến sâu, rộng cho quân và dân miền Nam về cách đánh Mỹ và thắng Mỹ. Với giá trị thực tiễn đó, 10 bài học đánh Mỹ trên đã nhanh chóng được lan truyền rộng khắp, tạo thành một làn sóng đánh Mỹ, diệt ngụy trên toàn chiến trường miền Nam. Cũng từ đây, vấn đề đánh Mỹ chẳng những đã được hoàn toàn thông suốt cả về nhận thức và tư tưởng mà việc thi đua giành danh hiệu “dũng sĩ diệt Mỹ” và “đơn vị anh hùng diệt Mỹ” đã trở thành một chỉ tiêu phấn đấu của mỗi đơn vị và cá nhân trên chiến trường.

Học tập và thi đua với Củ Chi, các địa phương, đơn vị trên toàn chiến trường miền Nam đẩy mạnh chiến tranh du kích rộng khắp, thực hành bám trụ đánh tiêu hao, tiêu diệt quân Mỹ ở mọi lúc, mọi nơi, trên mọi quy mô ở khắp miền Nam, buộc chúng phải kéo căng lực lượng đối phó, tinh thần hoang mang, lo sợ, tạo điều kiện và thời cơ có lợi để bộ đội chủ lực mở các chiến dịch tiến công tập trung, đánh thắng địch trên chiến trường lựa chọn. Trong đó, tiêu biểu là thắng lợi to lớn của quân và dân miền Nam đánh bại 02 cuộc phản công chiến lược (vào hai mùa khô năm 1965 - 1966 và năm 1966 - 1967) của Mỹ - ngụy2, lần lượt đập tan chiến lược “tìm và diệt” và “hai gọng kìm” (“tìm diệt và bình định”) của địch. Cũng trên nền tảng CTND đó, quân và dân ta đã giành thắng lợi trong nhiều chiến dịch quan trọng, như: chiến dịch Tây Sơn Tịnh (năm 1966), chiến dịch Sa Thầy (năm 1966), chiến dịch phản công đánh bại cuộc hành quân Gian-xơn Xi-ti (năm 1967), chiến dịch Đắc Tô (năm 1967). Riêng chiến dịch Tây Sơn Tịnh, ta đã đánh thiệt hại nặng 02 tiểu đoàn và 04 đại đội thủy quân lục chiến Mỹ, loại khỏi vòng chiến đấu trên 2.000 tên,… Như vậy, với sự ra đời của 10 bài học đánh Mỹ của quân và dân Củ Chi cùng sự vận dụng sáng tạo trong từng điều kiện hoàn cảnh, địa bàn tác chiến, sát với từng trận đánh, quân và dân miền Nam đã loại bỏ khoảng 20% tổng số quân Mỹ và chư hầu ở Nam Việt Nam, tạo cơ sở quan trọng để Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương hạ quyết tâm chiến lược tiến hành Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (năm 1968). Đây là đòn quyết định đánh thắng Chiến lược “chiến tranh cục bộ” - cố gắng quân sự lớn nhất của Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược ở Việt Nam, buộc đế quốc Mỹ phải đơn phương ngừng đánh phá miền Bắc và chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Pa-ri,... Có thể nói, để đánh thắng đội quân xâm lược nhà nghề Mỹ cả về chiến lược, chiến dịch và chiến thuật, dân tộc ta phải trải qua nhiều khó khăn, thử thách, nhất là trong giai đoạn đọ sức, đấu trí gay go quyết liệt với quân Mỹ. “10 bài học đánh Mỹ” được rút ra từ thực tiễn của quân và dân một huyện ven đô Sài Gòn là những kinh nghiệm có tính chiến thuật, nhưng khi cấp chiến lược biết khai thác, nhân rộng và thực hiện triệt để, đã trở thành phong trào cách mạng trên phạm vi rộng lớn, góp phần thực hiện thắng lợi ở từng trận, từng giai đoạn và tiến tới đánh bại hoàn toàn quân địch.

Trong tương lai, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), chúng ta phải đương đầu với kẻ địch có ưu thế về vũ khí, trang bị và tiềm lực quân sự. Vì thế, việc nghiên cứu 10 bài học đánh Mỹ của quân và dân Củ Chi nói riêng, nghệ thuật CTND và thế trận CTND trong chiến tranh giải phóng nói chung để vận dụng một cách sáng tạo vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay là hết sức cần thiết, quan trọng.

Thiếu tướng, GS. BÙI PHAN KỲ
_____________

1 - Đến cuối năm 1965, tổng số quân Mỹ và chư hầu vào miền Nam, Việt Nam đã lên đến gần 200.000 tên.

2 - Trong cuộc phản công chiến lược lần thứ nhất (mùa khô năm 1965 - 1966), địch đã tiến hành 450 cuộc hành quân càn quét (trong đó có 20 cuộc hành quân lớn) của 20 vạn quân Mỹ, chư hầu và 50 vạn quân Sài gòn. Kết quả, bị ta loại khỏi vòng chiến đấu gần 07 vạn tên địch (có 03 vạn quân Mỹ), đánh thiệt hại 15 tiểu đoàn (có 09 tiểu đoàn Mỹ), bắn rơi phá hủy 940 máy bay, bắn cháy và phá hủy 6.000 xe quân sự (có 300 xe tăng và xe bọc thép). Cuộc phản công chiến lược lần thứ hai (mùa khô năm 1966 - 1967), địch đã huy động hơn 01 triệu quân địch (có hơn 40 vạn quân Mỹ và chư hầu), tiến hành 895 cuộc hành quân lớn nhỏ; trong đó, có 03 cuộc hành quân lớn (At-tơn-bo-rơ, Gian-xơn Xi-ti và Xê-đa-phôn). Kết quả, bị ta loại khỏi vòng chiến đấu 175.000 tên địch (có 70.000 Mỹ, 15.000 chư hầu), tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 08 tiểu đoàn bộ binh, 15 chi đoàn xe bọc thép, 5 tiểu đoàn pháo binh Mỹ, 1.800 máy bay các loại, 1.786 xe quân sự, 340 khẩu pháo, bắn chìm và bắn cháy 100 tàu xuồng trên sông.

Ý kiến bạn đọc (0)

"Sự kiện Vịnh Bắc Bộ" năm 1964 và bài học Chiến thắng trận đầu của quân, dân miền Bắc
Ngày 05-8-1964, với việc dựng lên “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, đế quốc Mỹ đã phát động cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân, hòng đè bẹp ý chí chiến đấu của nhân dân Việt Nam. Song, chúng đã bị quân và dân miền Bắc giáng trả những đòn thích đáng, với những nét nghệ thuật đặc sắc.