Thứ Bảy, 23/11/2024, 04:25 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam
Thăng Long - Hà Nội đến nay đã tròn 1000 năm tuổi, kể từ khi Lý Công Uẩn ban Chiếu dời đô. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, Thăng Long - Hà Nội vẫn là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa lớn nhất cả nước, nơi hội tụ, lắng đọng hồn thiêng sông núi, trường tồn cùng lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Trong những ngày này, quân và dân Hà Nội cùng cả nước đang ngập tràn niềm vui trong khí thiêng của ngày Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nhìn lại lịch sử, chúng ta càng thêm tự hào về Thủ đô Anh hùng, về trí tuệ, khí phách và những quyết sách của ông cha. Sau khi dời đô, Lý Thái Tổ và triều đình Nhà Lý đã thực hiện chủ trương tập trung xây dựng Đại La trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước; trong đó, đặc biệt chú trọng kết hợp chặt chẽ xây dựng với bảo vệ, bảo đảm sự trường tồn của Kinh đô Thăng Long cho muôn đời sau. Đó cũng là quan điểm chủ đạo, xuyên suốt lịch sử nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Với vị trí đặc biệt quan trọng, lịch sử của Thăng Long - Hà Nội luôn gắn liền với lịch sử của dân tộc, được xây dựng và bảo vệ bằng mồ hôi, xương máu của toàn dân. Nghìn năm qua, Thăng Long - Hà Nội luôn là mục tiêu tiến công của giặc ngoại xâm và không ít lần bị chiếm đóng, tàn phá, nhưng Thăng Long - Hà Nội không chịu khuất phục, nhất tề “vùng đứng lên” chiến đấu và chiến thắng. Thăng Long- Hà Nội không chỉ có thế “rồng cuộn, hổ ngồi” mà còn là nơi hội tụ tinh hoa, phẩm chất cao đẹp của con người Việt Nam: cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, dũng cảm, kiên cường trong chiến đấu. Lịch sử 1000 năm đã xây dựng nên truyền thống của một Thăng Long - Hà Nội anh hùng với những chiến công oanh liệt: Đông Bộ Đầu, Chương Dương - Hàm Tử, Ngọc Hồi - Đống Đa, Điện Biên Phủ trên không... Đó là những bản hùng ca, hun đúc nên hào khí Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, để Thủ đô mãi trở thành biểu tượng của niềm tin, ý chí quyết chiến, quyết thắng của dân tộc.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, quân và dân Hà Nội đã phát huy truyền thống, tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước, Thủ đô Hà Nội tiếp tục phát triển mạnh mẽ và đạt nhiều thành tựu to lớn, trở thành một trung tâm kinh tế quan trọng hàng đầu của cả nước. Năm 2010, ước tính GDP của Hà Nội chiếm 12% tổng GDP của cả nước; so với năm 1991, tăng khoảng 7,5 lần (giai đoạn 2006 - 2010, bình quân tăng 10,4%/năm). Đầu tư xã hội trên địa bàn tăng bình quân 17,6%/ năm. Cơ cấu kinh tế chuyển mạnh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp-xây dựng (chiếm 41,4%), dịch vụ (52,5%); ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, các ngành sản xuất hướng xuất khẩu, các ngành ứng dụng công nghệ cao; phát triển mạnh các ngành dịch vụ, thương mại, du lịch, tài chính - ngân hàng, bưu chính - viễn thông, giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ; thu nhập bình quân đầu người ước đạt trên 1.964USD. Hà Nội là một trong ba địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI; kim ngạch xuất khẩu (2001 - 2005) bình quân tăng 18,3%/năm, đã xuất khẩu sang 165 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hoạt động du lịch trong nước và quốc tế tăng nhanh; năm 2009, thu hút trên 3 triệu khách du lịch, dự kiến năm 2010 lượng khách du lịch đến Thủ đô đạt 3,5 triệu lượt người; trong đó, khách quốc tế khoảng 1,5 triệu.
Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, quản lý đô thị được tăng cường. Hà Nội đã tập trung chỉ đạo công tác nghiên cứu, xây dựng các quy hoạch phát triển như: Chiến lược phát triển tổng thể Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tầm nhìn 2030; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành liên quan tiếp tục triển khai xây dựng Quy hoạch vùng Thủ đô và một số quy hoạch ngành... Các công trình giao thông trọng điểm được chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện; đến nay, đã cơ bản hoàn thành cầu Thanh Trì, Vĩnh Tuy...; đang tích cực triển khai các tuyến đường trọng điểm, như: đường số 5 kéo dài, đường Láng - Hòa Lạc,... Thành phố còn quan tâm triển khai một số công trình hạ tầng giao thông cấp thiết khác ở một số xã khó khăn thuộc các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức, Ba Vì ... Các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới, nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ được chú trọng và đạt kết quả bước đầu; diện tích nhà ở đô thị bình quân đầu người năm 2010 ước đạt trên 17 m2. Hệ thống các dịch vụ công cộng đô thị được duy trì, phát triển với chất lượng ngày càng cao; đã triển khai xây dựng nhiều công trình hạ tầng đô thị, công trình công cộng, trung tâm thương mại, khách sạn hiện đại..., góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân và tạo điều kiện thuận lợi trong hội nhập, giao lưu quốc tế.
Cùng với phát triển kinh tế, Hà Nội luôn quan tâm phát triển văn hóa-xã hội. Hệ thống các thiết chế văn hóa từ Thành phố tới cơ sở từng bước được hoàn thiện; chất lượng và hiệu quả hoạt động được nâng lên, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Công tác giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hoá Thăng Long - Hà Nội được quan tâm triển khai tích cực. Hoạt động văn học, nghệ thuật có tiến bộ đáng kể, nhiều tác phẩm có giá trị được công chúng ghi nhận. Mạng lưới thông tin, truyền thông, tuyên truyền từng bước được hiện đại hóa, hoạt động có hiệu quả; công tác quản lý hoạt động báo chí, xuất bản tiếp tục được duy trì, bảo đảm đúng định hướng của Đảng, Nhà nước và thực tiễn cuộc sống. Nhiều hoạt động giao lưu văn hóa lớn được tổ chức thành công, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Thủ đô ở trong nước và quốc tế.
Hoạt động đối ngoại, hợp tác phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế tiếp tục được mở rộng và phát huy hiệu quả. Thành phố đã thực hiện tốt Chương trình hành động thực thi các cam kết trong WTO. Các sở, ngành chức năng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch tại Hoa Kỳ, Anh, Thụy Điển và các tỉnh phía Tây Nam Trung Quốc; hợp tác, hỗ trợ nước bạn Lào; triển khai các dự án hợp tác với thành phố Seoul (Hàn Quốc) về phát triển công nghệ thông tin và quy hoạch phát triển hai bên bờ sông Hồng. Đồng thời, Thành phố đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương trong xây dựng, quy hoạch, phát triển Thủ đô; triển khai kế hoạch hợp tác với nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Cùng với phát triển kinh tế-xã hội, Thành ủy, Uỷ ban nhân dân Thành phố thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác quốc phòng-an ninh (QP-AN). Trên địa bàn Thành phố, nền quốc phòng toàn dân được củng cố, tăng cường, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Thực hiện Nghị quyết 28 - NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình 06 - CTr/TU của Thành ủy, Thành phố đã tăng cường chăm lo xây dựng khu vực phòng thủ vững mạnh toàn diện, cả tiềm lực chính trị - tinh thần, kinh tế, văn hóa, xã hội, QP-AN và đối ngoại. Công tác giáo dục QP-AN cho toàn dân được đẩy mạnh; trong 10 năm qua, cùng với việc cử cán bộ chủ chốt đối tượng 1, 2 tham gia bồi dưỡng kiến thức QP-AN theo quy định, các cấp trong Thành phố còn tổ chức bồi dưỡng được 14.124 cán bộ thuộc đối tượng 3; 35.946 cán bộ thuộc đối tượng 4 và 195.915 đảng viên; 2.678 vị chức sắc, chức việc các tôn giáo; trên 2 triệu học sinh các trường trung học phổ thông và trên 2,1 triệu sinh viên các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn. Công tác giáo dục QP-AN đã thực sự góp phần xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần, xây dựng“thế trận lòng dân” vững chắc, tạo nên sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Lực lượng vũ trang Thành phố được xây dựng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, có sức chiến đấu cao, sẵn sàng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; lực lượng quân đội và công an của Thành phố thực hiện tốt Quyết định số 107/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đã tăng cường đấu tranh trấn áp, ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động phá hoại, gây rối; bước đầu giải quyết tốt tình hình an ninh xã hội, nhất là an ninh trong tôn giáo, xử lý kịp thời nhiều vụ việc nổi cộm, bức xúc, tồn đọng kéo dài, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Để tiếp tục xây dựng và bảo vệ vững chắc Thủ đô Hà Nội, xứng tầm với lịch sử 1000 năm văn hiến, thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang Thành phố tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XV của Đảng bộ Thành phố; trong đó, chú trọng một số mục tiêu, nội dung cơ bản sau:
Hà Nội phấn đấu cơ bản hoàn thành nhiệm vụ công nghiệp hóa theo hướng hiện đại vào năm 2015; trở thành trung tâm, động lực phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, là một trong những trung tâm kinh tế, dịch vụ lớn của cả nước và khu vực. Theo đó, cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bền vững; phát triển mạnh các lĩnh vực dịch vụ có giá trị cao, tiềm năng lớn; phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, tiên tiến, có năng lực cạnh tranh cao; phát triển nông thôn và nông nghiệp sinh thái hiện đại, hiệu quả, bền vững. Tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là xây dựng hệ thống giao thông, cấp thoát nước và xử lý ô nhiễm môi trường.
Năm 2010 còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân Hà Nội, khi đại hội đảng bộ các cấp của Thành phố được tiến hành. Trong đó, đại hội cấp cơ sở và trên cơ sở vừa hoàn thành tốt đẹp, là sự chuẩn bị thiết thực nhất, góp phần vào thành công của Đại hội lần thứ XV của Đảng bộ Thành phố và Đại hội XI của Đảng. Trên cơ sở kết quả của Đại hội, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tập trung quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện nghiêm túc; trong đó, chú trọng những khâu “đột phá” đã được xác định. Thông qua đó và cùng với việc tổ chức Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, yêu Thủ đô, lòng tự hào dân tộc, niềm vinh dự, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân; duy trì và tiếp tục phát động các phong trào thi đua, gắn với đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; xây dựng chỉ tiêu, biện pháp cụ thể, sát với chức trách, nhiệm vụ được giao, hướng vào “làm theo” tấm gương đạo đức của Bác, làm cho Cuộc vận động đạt hiệu quả cao, thiết thực, trở thành nội dung sinh hoạt chính trị thường xuyên, tạo sự chuyển biến rõ rệt cả về nhận thức và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân Thành phố.
Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, tập trung phát triển toàn diện, hài hòa với phát triển kinh tế; chú trọng bảo tồn và phát huy tinh hoa văn hoá truyền thống của Thủ đô ngàn năm văn hiến; đẩy mạnh xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, tiêu biểu cho trí tuệ và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học - công nghệ của cả nước; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Củng cố, hoàn thiện hệ thống chính trị theo hướng đáp ứng ngày càng cao yêu cầu của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng chính quyềncác cấp trong sạch, vững mạnh, gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp; xác định đẩy mạnh cải cách hành chính là khâu đột phá, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm tính công khai, minh bạch, thuận lợi cho nhân dân. Đặc biệt là, đẩy mạnh cuộc đấu tranh với các hiện tượng tham nhũng, lãng phí, bằng những biện pháp cụ thể. Chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở, cần chú trọng phát huy Quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân; đồng thời, tăng cường kỷ cương xã hội.
Trên cơ sở đường lối đối ngoại của Đảng, Thành phố tiếp tục mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác, đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao vị thế của Thủ đô; đa dạng hoá, đa phương hóa, kết hợp linh hoạt các loại hình đối ngoại; thực hiện phương châm đối ngoại kinh tế là trọng tâm, đối ngoại nhà nước đóng vai trò chủ đạo, tăng cường, mở rộng đối ngoại nhân dân. Đồng thời, Thành phố tiếp tục mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế về giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ, văn hóa, thể dục, thể thao.
Trong công tác QP-AN, Thành phố tập trung phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tăng cường xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; xây dựng khu vực phòng thủ vững mạnh toàn diện. Công tác giáo dục QP-AN cần chú trọng triển khai toàn diện, cả bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ, đảng viên, giáo dục QP-AN cho học sinh, sinh viên và toàn dân. Xây dựng lực lượng vũ trang Thủ đô vững mạnh, có chất lượng chính trị và sức chiến đấu cao, thường xuyên phối hợp chặt chẽ giữa bộ đội, dân quân và công an trong việc thực hiện phương án, kế hoạch bảo vệ các mục tiêu trọng yếu về chính trị, quân sự và kinh tế, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Kết hợp chặt chẽ phát triển KT-XH với đảm bảo QP-AN; đồng thời, thường xuyên quan tâm thực hiện tốt các chế độ, chính sách về quốc phòng và hậu phương quân đội.
Tự hào với truyền thống 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, phát huy những giá trị tốt đẹp và thành quả đã đạt được, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Thủ đô trong thời kỳ mới, xứng đáng với vị trí "trái tim" của cả nước, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học và giao dịch quốc tế.
TS. NGUYỄN THẾ THẢO
Ủy viên BCHTƯ Đảng, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội
Nét đặc sắc của nghệ thuật vận dụng cách đánh trong Chiến dịch tiến công Tây Sơn Tịnh năm 1966 21/11/2024
Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào 29/10/2024
Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972 - nét đặc sắc về nghệ thuật sử dụng lực lượng 24/10/2024
Nghệ thuật đánh điểm, diệt viện trong Chiến dịch Bu Prăng - Đức Lập năm 1969 27/09/2024
Nghệ thuật chỉ đạo của Đảng về tạo và nắm thời cơ, giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 19/08/2024
Nghệ thuật đánh trận then chốt quyết định trong Chiến dịch Nông Sơn - Thượng Đức năm 1974 15/07/2024
Nhà Lý kết hợp tiến công quân sự với biện pháp ngoại giao để kết thúc chiến tranh, kiến tạo hòa bình 24/06/2024
Chiến dịch Long Khánh năm 1969 - nét đặc sắc của nghệ thuật tập kích 04/06/2024
Nghệ thuật đánh điểm, diệt viện trong Chiến dịch Trung - Hạ Lào năm 1954 22/04/2024
Nét nổi bật về nghệ thuật đánh trận mở đầu trong Chiến dịch Bắc Tây Nguyên năm 1954 15/02/2024
Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972 - nét đặc sắc về nghệ thuật sử dụng lực lượng
Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào
Nét đặc sắc của nghệ thuật vận dụng cách đánh trong Chiến dịch tiến công Tây Sơn Tịnh năm 1966