Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam

QPTD -Thứ Năm, 27/07/2017, 07:54 (GMT+7)
Sự phối hợp tác chiến của Liên quân Việt - Lào trong Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972

Trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972, trên chiến trường Lào, Ta và Bạn đã phối hợp mở nhiều chiến dịch quan trọng và giành thắng lợi lớn. Trong đó, phối hợp tác chiến của Liên quân Việt - Lào trong Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng là nghệ thuật đặc sắc.

Cánh Đồng Chum là một cao nguyên rộng lớn thuộc tỉnh Xiêng Khoảng, có địa hình phức tạp: rừng rậm, núi cao hiểm trở xen kẽ những thung lũng rộng, bằng phẳng. Đây là địa bàn có giá trị chiến lược cả về quân sự, chính trị và kinh tế của nước bạn Lào. Về quân sự, khu vực này vừa có thế tiến công, phòng thủ vững chắc, vừa đảm bảo cho cách mạng Lào phát triển; đồng thời, giữ vững tuyến vận tải chiến lược từ miền Bắc Việt Nam vào chiến trường ba nước Đông Dương. Vì thế, ngay sau khi Ta và Bạn tổ chức chiến dịch tiến công và làm chủ toàn bộ khu vực này, địch đã tăng cường lực lượng, do Mỹ trực tiếp chỉ huy và chi viện không quân, hòng bao vây, đánh chiếm lại địa bàn đã mất. Trước tình hình đó, với tầm nhìn chiến lược, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã bàn và thống nhất với Bạn quyết định mở Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng. Tham gia Chiến dịch, về phía Việt Nam, gồm: 05 trung đoàn bộ binh, 02 tiểu đoàn đặc công, 01 tiểu đoàn pháo binh, 04 tiểu đoàn pháo cao xạ và súng máy phòng không, 01 tiểu đoàn xe tăng và 02 tiểu đoàn công binh. Quân đội Pa-thét Lào gồm: 07 tiểu đoàn chủ lực, 01 đại đội xe tăng, 02 đại đội pháo binh, 02 đại đội súng máy phòng không, 01 đại đội công binh và 04 đại đội bộ đội địa phương.

Đây là chiến dịch phòng ngự có quy mô tương đối lớn, được tổ chức ngay sau khi chiến dịch tiến công Cánh Đồng Chum - Loong Chẹng, nhằm giữ vững thế chiến lược ở Bắc Lào, bảo vệ sườn Tây cho các chiến dịch chủ yếu của cuộc tiến công chiến lược năm 1972, nên có ý nghĩa rất quan trọng. Vì thế, Ta và Bạn gấp rút tổ chức, xây dựng trận địa phòng ngự trong phạm vi tứ giác: Mường Sủi - Noọng Pẹt - thị xã Xiêng Khoảng - Thẩm Lửng (chính diện 50 km, chiều sâu 60 km); hình thành thế trận phòng ngự liên hoàn, vững chắc, có chiều sâu, đảm bảo tác chiến dài ngày, kể cả trong điều kiện phức tạp. Nhờ đó, sau hơn 5 tháng chiến đấu liên tục, Liên quân Việt - Lào thực hiện đánh 244 trận; trong đó, có nhiều trận phản đột kích quan trọng; loại khỏi vòng chiến đấu hơn 5.750 tên địch, đánh thiệt hại nặng các binh đoàn cơ động chiến lược của chúng, giữ vững địa bàn chiến lược Cánh Đồng Chum và sự liên kết giữa các vùng căn cứ của bạn Lào; đồng thời, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược năm 1972 của quân và dân ta. Hơn nữa, Chiến dịch còn chia lửa với các chiến trường khác, góp phần quan trọng đưa cuộc kháng chiến của mỗi nước đến thắng lợi và đã để lại nhiều bài học quý, nhất là nghệ thuật phối hợp, hiệp đồng tác chiến binh chủng quy mô lớn giữa Ta và Bạn.

1. Phát huy khả năng, sở trường của Ta và Bạn, vận dụng phương thức phòng ngự linh hoạt, tạo sức mạnh đánh bại các đợt tiến công quy mô lớn của địch. Xuất phát từ thực tế tình hình địch, địa hình khu vực tổ chức phòng ngự và lực lượng ta, Bộ Tư lệnh Chiến dịch nhận thấy, phạm vi không gian chiến dịch phòng ngự rất rộng, địa hình tương đối phức tạp, xen kẽ có các điểm cao khống chế,... nên khá thuận lợi trong tổ chức thế trận phòng ngự. Tuy nhiên, với quân số đông, có nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại, địch có thể tổ chức tiến công từ nhiều hướng, cả chính diện, bên sườn, phía sau và đổ bộ đường không, tạo sự uy hiếp trực tiếp đến sự ổn định của toàn khu vực. Trên cơ sở nghiên cứu kỹ tình hình, Bộ Tư lệnh Chiến dịch chủ trương vận dụng phương thức phòng ngự khu vực và toàn bộ lực lượng tham gia chiến dịch được tổ chức thành 02 bộ phận: lực lượng phòng ngự tại chỗ và lực lượng cơ động. Theo đó, Ta và Bạn đã thống nhất thiết lập 05 khu vực phòng ngự: trung tâm Cánh Đồng Chum (khu vực phòng ngự chủ yếu), khu trung gian Hin Tặng, khu vực phòng ngự thứ yếu Noọng Pẹt và hai khu vực phối hợp tác chiến từ xa, khu vực Mường Sủi và thị xã Xiêng Khoảng. Cùng với tổ chức phân công lực lượng chốt giữ trên từng khu vực, Ta và Bạn cũng thống nhất xác định khu vực tiếp giáp giữa hai bên để làm cơ sở xây dựng kế hoạch hiệp đồng. Đây là một trong những nét sáng tạo nổi bật trong chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng. Với cách tổ chức này, các lực lượng chiến dịch vừa có thể chủ động đánh địch trên các hướng, vừa có thể chi viện, hỗ trợ lẫn nhau trong suốt quá trình tác chiến; đồng thời, thuận tiện cho việc chỉ huy, phát huy sở trường của từng lực lượng mỗi bên. Diễn biến Chiến dịch cho thấy, trong cả 04 đợt tác chiến, Ta và Bạn đã phát huy được thế mạnh của mỗi bên, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ trong từng trận đánh, tiêu diệt lớn sinh lực địch, giữ vững trận địa phòng ngự được giao. Đặc biệt, trong 02 ngày: 21 và 22-8-1972, trong khi các hướng đang triển khai đánh địch tiến công từ ngoài vào, chúng đã bất ngờ sử dụng máy bay trực thăng đổ 02 binh đoàn cơ động GM21 và GM26 xuống khu vực Đông Bắc Phu Keng, định đánh bất ngờ vào trung tâm Cánh Đồng Chum. Song, nhờ vận dụng phương thức phòng ngự linh hoạt, Trung đoàn 355 Quân đội nhân dân Việt Nam đã phối hợp với 01 tiểu đoàn (có xe tăng đi cùng) của Quân đội cách mạng Lào tổ chức trận phản đột kích, tiêu diệt hơn 650 tên địch, bẻ gẫy hoàn toàn mũi tiến công bằng đổ bộ đường không của địch vào khu vực phòng ngự.

2. Phối hợp xây dựng hệ thống công sự, trận địa và thiết bị chiến dịch liên hoàn, vững chắc, bảo đảm đánh địch liên tục, dài ngày. Do thời điểm chuẩn bị Chiến dịch đúng vào mùa mưa (tháng 5) nên đã ảnh hưởng trực tiếp đến xây dựng trận địa và vận chuyển vật chất hậu cần, kỹ thuật. Hơn nữa, với việc phải tổ chức nhiều khu vực phòng ngự, nên khối lượng đào đắp công sự, hầm hào, đường cơ động,... tăng cao. Để giải quyết bài toán này, Quân tình nguyện Việt Nam đã chủ động phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với Bạn, tích cực xây dựng hệ thống trận địa phòng ngự và vận chuyển vật chất hậu cần, kỹ thuật phục vụ cho Chiến dịch. Mặc dù trong địa bàn tác chiến, lực lượng vũ trang địa phương của Bạn ít, do đa phần nhân dân đã di chuyển ra các khu vực khác, nhưng Bạn đã nỗ lực huy động nhân lực, vật lực để xây dựng công sự, trận địa, làm đường cơ động, vận chuyển vật chất hậu cần, kỹ thuật. Chỉ trong thời gian ngắn, Chiến dịch đã củng cố, làm mới được khoảng 300 km đường, bảo đảm vận chuyển và cơ động lực lượng chiến đấu được thông suốt. Riêng Trung đoàn 148 làm mới 02 tuyến đường dài 40 km với 80 chiếc cầu nhỏ. Trung đoàn 866 làm được nhiều đường cơ động và bắc cầu dây cáp qua suối Nậm Khô. Lực lượng công binh đã giải quyết xong đường cơ động cho xe tăng, pháo binh, thậm chí còn làm ngầm qua suối, phòng khi mưa lũ. Trước khi Chiến dịch chuyển vào phòng ngự, một lượng lớn vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm và các loại nhu yếu phẩm cần thiết đã được đưa vào địa bàn Chiến dịch, bảo đảm đủ đánh địch từ 03 đến 04 tháng. Hệ thống công sự, trận địa Chiến dịch được xây dựng vững chắc, nhiều tầng, nhiều lớp, giao thông hào nối liền giữa các cứ điểm, tạo thế liên hoàn, vững chắc, hiểm hóc. Đặc biệt, trong các cứ điểm quan trọng, lực lượng Chiến dịch xây dựng được hệ thống hầm ngầm vững chắc, bảo đảm vừa hạn chế sát thương, vừa cơ động chiến đấu kịp thời, v.v. Nhờ đó, khi địch tổ chức tiến công vào bất kỳ nơi nào trên địa bàn Chiến dịch, lực lượng Ta và Bạn đều cơ động, triển khai đón đánh kịp thời, hiệu quả.

3. Hiệp đồng chặt chẽ với Bạn đánh địch rộng khắp và thực hiện thắng lợi các trận then chốt, tiêu diệt lớn sinh lực địch, giữ vững địa bàn chiến lược. Để thực hiện ý định đó, Bộ Tư lệnh Chiến dịch sử dụng lực lượng thông thuộc địa bàn, nhất là lực lượng vũ trang tại chỗ của Bạn để tổ chức luồn sâu nắm tình hình ngay từ khi chúng chuẩn bị tiến công; từ đó, tổ chức lực lượng cơ động đánh địch trên các hướng, phá vỡ thế tiến công, làm giảm áp lực tiến công của chúng vào các trận địa phía trước. Do các khu vực phòng ngự của Ta và Bạn tương đối độc lập, nhưng dưới sự chỉ huy, điều hành thống nhất của Bộ Tư lệnh Chiến dịch, các đơn vị bộ đội Việt Nam và Lào đều chủ động đánh địch theo phạm vi đảm nhiệm, kiên quyết đẩy lùi mọi đợt tiến công, tạo thế trận đánh địch rộng khắp, nhất là trên hướng phòng ngự chủ yếu của Chiến dịch. Đồng thời, tạo thời cơ để Chiến dịch tập trung cả binh lực và hỏa lực đánh trận then chốt, then chốt quyết định tiêu diệt lớn sinh lực địch. Khi đánh địch ở khu vực tiếp giáp giữa Ta và Bạn, hai bên đã hiệp đồng chặt chẽ trong từng tình huống tác chiến, bảo đảm bọc lót, chi viện cho nhau trong suốt quá trình chiến đấu, tạo hiệu ứng lớn về tiêu diệt địch, giữ vững trận địa.

Thực tế đã chứng minh, trong suốt quá trình Chiến dịch, địch liên tục tổ chức đánh chiếm trận địa phòng ngự của cả Ta và Bạn; thậm chí có đợt, chúng huy động đến 60 tiểu đoàn tiến công, nhằm đánh chiếm Cánh Đồng Chum, nhưng do phối hợp chặt chẽ, Ta và Bạn đã đẩy lùi mọi đợt tiến công, thực hiện càng đánh càng mạnh. Trong đó, Bạn tập trung lực lượng đánh địch tiến công, bảo vệ phía bên phải và phía bên trái của khu vực Chiến dịch, còn Ta đánh địch phía chính diện, bảo vệ phía sau, đồng thời chi viện cho Bạn đánh địch ở khu vực tiếp giáp. Chính vì thế, đã liên tiếp đánh bại 04 đợt tiến công của địch, thực hiện thắng lợi ba trận then chốt trong các đợt: 2, 3 và 4. Đặc biệt, trong trận phản đột kích thứ 3, địch sử dụng các binh đoàn cơ động: GM23, GM30, GM31,... đồng loạt mở cuộc tiến công từ hướng Nam lên Phu Huột, Bản Xưa, điểm cao 1.172 (phía bên trái đội hình) và vào Cha Ho, Phu Tây (phía bên phải đội hình), hòng đánh vào trung tâm phòng ngự của ta. Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã kịp thời điều chỉnh kế hoạch tác chiến, tổ chức sử dụng lực lượng một cách linh hoạt, đón đánh địch trên các hướng. Trong đó, việc phối hợp của Liên quân Việt - Lào, nhất là sự phối hợp nhịp nhàng, ăn khớp giữa lực lượng tại chỗ và lực lượng cơ động đã tạo sức mạnh tổng hợp, đánh thiệt hại nặng lực lượng chủ yếu của địch (GM23) tại khu vực trung gian phía Nam Cánh Đồng Chum, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 1.000 tên địch, góp phần quan trọng vào thắng lợi trận then chốt quyết định và của cả Chiến dịch.

Sau hơn 5 tháng chiến đấu, Ta và Bạn đã phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ từ chủ trương đến công tác chuẩn bị và thực hành Chiến dịch nên đã giành thắng lợi lớn. Thắng lợi đó càng củng cố mối quan hệ đặc biệt, gắn bó keo sơn giữa Đảng, Nhà nước, nhân dân và quân đội hai nước.

Đại tá, TS. TẠ DUY CHÍNH, Học viện Quốc phòng

Ý kiến bạn đọc (0)

"Sự kiện Vịnh Bắc Bộ" năm 1964 và bài học Chiến thắng trận đầu của quân, dân miền Bắc
Ngày 05-8-1964, với việc dựng lên “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, đế quốc Mỹ đã phát động cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân, hòng đè bẹp ý chí chiến đấu của nhân dân Việt Nam. Song, chúng đã bị quân và dân miền Bắc giáng trả những đòn thích đáng, với những nét nghệ thuật đặc sắc.