Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam

QPTD -Thứ Năm, 05/05/2011, 03:21 (GMT+7)
Sử dụng lực lượng pháo binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ


Kéo pháo vào trận địa (Ảnh tư liệu)
   Chiến thắng Điện Biên Phủ, mốc son chói lọi bằng vàng trong lịch sử chống ngoại xâm hàng nghìn năm của dân tộc, đánh dấu bước phát triển mới về nghệ thuật sử dụng lực lượng, nhất là pháo binh, góp phần kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

 

Trong cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược, mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ (diễn ra từ ngày 13-3 đến ngày 07-5-1954), lực lượng pháo binh ta được huy động với mức cao nhất, gồm: Trung đoàn 45 lựu pháo 105mm, Trung đoàn 675 sơn pháo 75 (thuộc Đại đoàn công pháo 351), các tiểu đoàn pháo biên chế trong các đại đoàn (308, 312, 316) và Trung đoàn 57 (Đại đoàn 304) chủ lực. Lực lượng pháo binh được tổ chức ở cả cấp chiến dịch và chiến thuật, hình thành một hệ thống hoả lực mặt đất mạnh, bao trùm toàn bộ Tập đoàn cứ điểm. Nhiệm vụ của pháo binh là tập trung hỏa lực bắn phá công sự, sân bay, triệt đường tiếp tế, chế áp tối đa hỏa lực pháo binh địch, chi viện cho bộ binh thắt chặt vòng vây tiêu diệt từng cứ điểm, cụm cứ điểm, tiến tới tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm phòng ngự mạnh nhất của quân Pháp trên chiến trường Đông Dương lúc bấy giờ.

 Nhằm giữ yếu tố bí mật, bất ngờ và bảo đảm tác chiến cho lực lượng pháo binh, ta đã chủ động thực hiện tốt công tác chuẩn bị: làm đường, đào, đắp công sự, trận địa trên sườn và các đỉnh núi để bố trí pháo. Trong đó, do đặc điểm địa hình phức tạp, khó khăn nên việc kéo pháo vào trận địa được chuẩn bị rất chu đáo. Đặc biệt, do ta chủ trương thay đổi phương châm tác chiến, từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” nên việc cơ động pháo càng phức tạp hơn, phải thực hiện: “kéo pháo vào”, “kéo pháo ra”, rồi lại “kéo pháo vào”… Song, do nhận thức đúng tầm quan trọng của lực lượng pháo binh đối với Chiến dịch nên bộ đội ta đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, vượt qua bom đạn địch, đưa pháo vào chiếm lĩnh trận địa đúng thời gian quy định. Pháo của ta được bố trí: một tiểu đoàn lựu pháo ở ngay trên đỉnh Tà Lùng phía Đông Điện Biên Phủ; một đại đội bố trí ở phía bắc trên cánh đồng Bản Tấu; một tiểu đoàn trong khu Nà Lời cạnh đường Tuần Giáo - Điện Biên, áp sát căn cứ Him Lam của địch; một đại đội bố trí ở phía Nam khống chế cụm pháo địch và sân bay Hồng Cúm. Như vậy, pháo binh chiến dịch, chiến thuật của ta đã tạo thế trận rộng khắp, hiểm hóc, bao trùm toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

 Cùng với đó, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Đại đoàn 351 xây dựng Kế hoạch sử dụng lực lượng pháo binh cho từng đợt Chiến dịch hết sức hoàn chỉnh, được Bộ Chỉ huy Chiến dịch phê chuẩn. Theo đó, đợt 1 Chiến dịch, ta sử dụng 234 khẩu pháo, cối các loại. Trung đoàn 45 gồm 6 đại đội pháo, tổ chức thành cụm pháo chiến dịch, bố trí từ Hồng Cúm đến Bản Kéo, tạo thành một vòng cung hơn 30 km; có nhiệm vụ tập trung hỏa lực bắn phá sân bay, sở chỉ huy, trận địa pháo trong Trung tâm Tập đoàn cứ điểm. Trung đoàn 675 sơn pháo, gồm 2 đại đội cùng với 4 đại đội cối (82mm và 120mm), phối hợp với các đại đội pháo của các đại đoàn 308 và 312, tổ chức thành các cụm pháo đại đoàn, bố trí ở hướng Đông và Đông Bắc Điện Biên Phủ, có nhiệm vụ trực tiếp chi viện cho bộ binh tiến công đột phá khu Trung tâm.

 Đúng theo kế hoạch, sáng ngày 13-3, pháo binh của ta được lệnh nổ súng mở màn chiến dịch với một số lượng đạn rất hạn chế (20 quả lựu pháo) bắn vào các căn cứ của địch ở Him Lam và Mường Thanh, phá hủy 7 ụ súng, đẩy lui 1 đại đội bộ binh và 2 xe tăng địch ra đánh phá trận địa xuất phát tấn công của quân ta ở Him Lam... Địch hoàn toàn bị bất ngờ và vô cùng hoảng hốt trước sức mạnh của pháo binh ta; viên đại tá Pi-rốt, phó chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, kiêm tư lệnh pháo binh quá uất ức, phải tự tử, vì không khống chế được sức mạnh của pháo ta. Đến 17 giờ cùng ngày, toàn bộ Trung đoàn lựu pháo 105mm, 5 đại đội sơn pháo 75 và cối 120mm tập kích dồn dập vào khu trung tâm sân bay Mường Thanh, Hồng Cúm và cứ điểm Him Lam, mỗi cụm cứ điểm, ta tập trung pháo bắn phá trong một đêm, thời gian còn lại tập trung hỏa lực chi viện cho bộ binh thực hiện đánh chiếm các mục tiêu. Nhờ đó, chỉ trong thời gian ngắn, ta phá hủy 5 máy bay, 12 khẩu đại bác và cối các loại; thiêu rụi nhiều kho hàng, có cả một kho xăng; tiêu diệt và làm bị thương hàng trăm sĩ quan, lính địch. Pháo binh ta đã chế áp hầu hết các trận địa pháo binh, súng cối địch và tạo điều kiện thuận lợi cho bộ binh ta tiến công. Thắng lợi của pháo binh đã tạo thời cơ thuận lợi cho bộ binh ta tổ chức tiến công tiêu diệt các cứ điểm Him Lam, Độc Lập, bức hàng địch ở Bản Kéo, đập vỡ tuyến phòng thủ phía Bắc, đặt Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ trong thế bị bao vây cả bốn mặt. Mặc dù, so sánh lực lượng pháo binh trong Chiến dịch ta, địch xấp xỉ nhau, nhưng trong đợt tác chiến này, ta đã vận dụng linh hoạt nghệ thuật sử dụng pháo binh “hỏa khí phân tán, hỏa lực tập trung”, lại tuyệt đối giữ bí mật về thời gian, không gian và cả loại pháo được sử dụng. Nhờ đó, vào những thời điểm quan trọng nhất của trận đánh, pháo binh ta đã tạo ưu thế về lực lượng gấp 10 lần pháo binh địch, thậm chí cả trong nhiệm vụ chế áp ta cũng hơn 2,6 lần. Kết thúc đợt 1 Chiến dịch, pháo binh vinh dự được nhận cờ “Quyết chiến, quyết thắng” của Hồ Chủ tịch. Có thể nói, đây là bước phát triển vượt bậc trong việc sử dụng lực lượng pháo binh của ta.

Bước vào đợt 2 Chiến dịch (từ ngày 30-3 đến ngày 30-4-1954), nhiệm vụ của pháo binh hết sức nặng nề: chi viện cho bộ binh tiến công các cứ điểm thuộc Phân khu Trung tâm (A1, C1, C2, D1, D2, E), thực hiện chia cắt từng khu vực, thắt chặt vòng vây, khống chế sân bay; đồng thời, tập trung hỏa lực với mức cao nhất vào sở chỉ huy, trận địa pháo của địch ở Mường Thanh, Hồng Cúm và sẵn sàng chi viện cho bộ binh thực hiện phản kích. Bộ chỉ huy Chiến dịch quyết định sử dụng pháo tập trung nhưng hỏa lực phân tán, dẫn đến pháo binh của ta tuy hơn địch 8,4 lần nhưng vẫn không hoàn thành nhiệm vụ đợt 2 đặt ra (nguyên nhân là do các khẩu đội pháo, cối phải chi viện đồng thời một lúc cho nhiều trận đánh chiếm các điểm cao; chế áp sân bay, sở chỉ huy, nhất là trận địa pháo binh địch - một lực lượng có nhiều kinh nghiệm; không bảo đảm đủ đạn; trong khi đó, lại duy trì hơn 30 khẩu đội pháo làm nhiệm vụ trực chiến, sẵn sàng chi viện cho bộ binh trên hướng Đông). Đây là biểu hiện của sự nóng vội, không quán triệt đầy đủ phương châm “đánh chắc, tiến chắc”.

Đứng trước tình thế đó, Bộ Tư lệnh Chiến dịch quyết định tạm dừng đợt 2, chỉ đạo các hoạt động bổ sung và tăng cường chuẩn bị (suốt 3 tuần cuối tháng 4). Đây là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với thực tế, thể hiện đúng phương châm “đánh chắc, tiến chắc”. Nhờ vậy mà các đơn vị có điều kiện củng cố và phát huy kết quả (tuy còn hạn chế) của đợt 2, tạo được thế mới, lực mới để bước vào đợt chiến đấu có tính quyết định thắng lợi cuối cùng của Chiến dịch.

Bước vào đợt 3 (kết thúc) Chiến dịch (từ ngày 01 đến ngày 07-5-1954). Theo yêu cầu, nhiệm vụ mới, lực lượng pháo binh nhanh chóng điều chỉnh đội hình chiến đấu, tăng cường một tiểu đoàn ĐKZ 75mm, một tiểu đoàn hỏa tiễn 75mm sáu nòng ra mặt trận. Thực hiện Kế hoạch Tổng công kích, tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ, ta tập trung tới 261 khẩu pháo, cối các loại, mỗi đại đội bộ binh đã có tới 70-80 khẩu pháo, cối. Ngoài các cụm pháo binh chiến dịch có nhiệm vụ chi viện chung và kiềm chế pháo binh địch, những đơn vị pháo còn lại đều tăng cường cho các đại đoàn, chi viện cho bộ binh tiêu diệt các cứ điểm C1,C2, A1, A2, 505, 506 phía Đông và các cứ điểm 311A, 311B phía Tây sân bay. Đêm 1-5-1954, đúng thời gian quy định, pháo binh thực hiện bắn chuẩn bị vào toàn bộ đội hình quân địch ở Mường Thanh, Hồng Cúm. 20 giờ 30 phút, ngày 6-5, toàn bộ pháo binh mặt trận và một đại đội hỏa tiễn 75mm được tăng cường, bắn phá dồn dập vào Tập đoàn cứ điểm. Ngày 7-5, pháo binh ta tiếp tục tập kích hỏa lực mãnh liệt vào sở chỉ huy của tướng Đờ Cát và các điểm cao, hỗ trợ bộ binh tiến công tiêu diệt các mục tiêu còn lại, giành thắng lợi trọn vẹn trên toàn mặt trận.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, lực lượng pháo binh của ta đã không ngừng lớn mạnh, có bước phát triển vượt bậc từ chỗ sử dụng các khẩu đội, trung đội pháo mang vác, đánh độc lập chi viện cho các trận chiến đấu nhỏ, lẻ, tiến lên sử dụng tập trung nhiều trung đoàn, tiểu đoàn pháo xe kéo cỡ lớn, đánh hiệp đồng với quy mô đại đoàn bộ binh tiêu diệt lớn quân địch; thật xứng đáng với tám chữ vàng mà Bác Hồ trao tặng “Chân đồng, vai sắt, đánh giỏi, bắn trúng” và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Trong sự nghiệp đẩy mạnh xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, Binh chủng Pháo binh cần được tiếp tục phát triển toàn diện cả về vũ khí trang bị, tổ chức, biên chế và nghệ thuật tác chiến pháo binh... Trong đó, chú trọng nghiên cứu, vận dụng những bài học kinh nghiệm quý báu về sử dụng lực lượng pháo binh trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ trước đây phù hợp vào điều kiện mới của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc là vấn đề hết sức cần thiết.

Đại tá NGUYỄN THẾ VỴ

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào
Ngày 30/10/1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định thành lập Quân tình nguyện tại Lào, đánh dấu sự phát triển mới của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào; đồng thời, khẳng định đường lối, quan điểm đúng đắn của Đảng ta trong thực hiện nghĩa vụ quốc tế.