Thứ Bảy, 23/11/2024, 12:16 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý; trong đó, bài học về “sự chỉ đạo chiến lược sắc sảo, biện chứng của Đảng” có ý nghĩa sâu sắc. Bước vào Chiến cuộc Đông - Xuân 1953 - 1954, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng ta đã tích lũy được một số kinh nghiệm về chỉ đạo chiến lược thông qua việc tiến hành những chiến dịch tiến công của gần 9 năm trước đó. Cũng vì thế, chúng ta đã tạo được chuyển biến có lợi trên chiến trường ba nước Đông Dương. Tháng 5-1953, Hăng-ri Na-va (sang thay Ra-un Xa-lăng làm Tổng Chỉ huy Quân đội Pháp ở Đông Dương) cho quân nhảy dù xuống Lạng Sơn; mở các đợt càn quét lớn ở Bình Trị Thiên, Đồng Tháp Mười,… nhằm thực hiện chủ trương: Bình định Nam Việt Nam, tránh giao chiến với lực lượng chủ lực của ta trên chiến trường Bắc Bộ. Cùng với đó, Na-va đã tìm mọi cách mở chiến dịch càn quét, đánh sâu vào vùng tự do, hòng tiêu hao, cầm chân lực lượng chủ lực và phá vỡ kế hoạch tiến công của ta trên chiến trường chính. Đồng thời, chú trọng xây dựng lực lượng cơ động mạnh để thực hiện ý đồ chiến lược “Đè bẹp các đại đoàn chủ lực” của ta bằng một trận “quyết định” vào mùa khô năm sau.
Tuy nhiên, ý đồ chiến lược đó của Na-va đã bị thất bại khi phải đối đầu với quyết tâm chiến lược sáng suốt của Đảng và sự kiên cường trong suốt cuộc chiến của quân và dân ta. Từ tháng 3-1954, khi địch đang tập trung đánh phá khốc liệt đồng bằng Bắc Bộ, Đảng ta đã xác định quyết tâm chiến lược là: không phân tán chủ lực xuống đồng bằng và sử dụng chủ lực tập trung, lựa chọn những nơi địch yếu, nhưng không bỏ được để tổ chức những đòn tiến công mãnh liệt. Bằng việc kết hợp khéo léo giữa những đòn tiến công địch trên từng hướng chiến lược khác nhau với chiến tranh du kích ở vùng sau lưng địch với hình thức rất phong phú, đa dạng, ta đã tiêu diệt nhiều sinh lực địch, làm tê liệt việc tiếp tế và giam chân địch, giải phóng nhiều vùng rộng lớn, buộc chúng phải phân tán khối quân cơ động ở đồng bằng Bắc Bộ thành nhiều điểm đóng quân trên các chiến trường. Nhờ vậy, kế hoạch Na-va đã bị thất bại về cơ bản, tạo thời cơ thuận lợi để ta mở trận quyết chiến chiến lược ở Điện Biên Phủ.
Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam nghiên cứu kế hoạch tác chiến trong Chiến dịch Điện Biên Phủ (Ảnh tư liệu)
Công tác chuẩn bị tiến công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã được Bộ Chính trị, Trung ương Đảng ta chỉ đạo tiến hành khẩn trương và Kế hoạch: “Đánh nhanh, giải quyết nhanh” được thảo luận, quyết định: Nổ súng vào 17 giờ ngày 25-01-1954, kết thúc thắng lợi trong hai đêm ba ngày. Quán triệt kế hoạch đó, tinh thần quyết chiến, quyết thắng của bộ đội đã được đẩy lên rất cao. Công tác bảo đảm chiến dịch, nhất là về hậu cần, kỹ thuật, đường cơ động trên các hướng; việc tập kết các đại đoàn: 308, 312, 351 và các trung đoàn, lực lượng vũ trang địa phương ở khu vực Tây Bắc sẵn sàng vào chiếm lĩnh trận địa, bố trí các cụm pháo… nhanh chóng được triển khai theo đúng ý định.
Ngày 05-01-1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên đường ra mặt trận trực tiếp chỉ huy chiến dịch với lời căn dặn của Bác: “Tổng Tư lệnh ra mặt trận. “Tướng quân tại ngoại”. Trao cho chú quyền quyết định. Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng! Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh”[1]. Lời căn dặn của Bác không chỉ là niềm vinh dự lớn, trách nhiệm cao cả, mà còn là động lực mạnh mẽ thôi thúc Đại tướng suy nghĩ, hành động sáng suốt khi trực tiếp quan sát, theo dõi tình hình mặt trận. Sau khi khảo sát chiến trường, Đại tướng nhận thấy tình hình có nhiều thay đổi, như: địch tiếp tục tăng cường binh lực, xây dựng và củng cố vững chắc hệ thống phòng ngự. Cụ thể là: điểm cao Độc lập ở phía Bắc tập đoàn cứ điểm lúc đầu chỉ là một vị trí tiền tiêu, nay đã trở thành một cứ điểm mạnh, do một tiểu đoàn Âu Phi chiếm giữ; điểm cao Him Lam phía Đông Bắc (án ngữ đường Tuần Giáo - Điện Biên Phủ) được tăng cường củng cố thành một trung tâm phòng ngự mạnh vào bậc nhất của tập đoàn cứ điểm. Ở phía Nam Hồng Cúm, lúc đầu chỉ là một cứ điểm, đã phát triển thành một cụm cứ điểm, có sân bay và trận địa pháo, có khả năng chi viện hỏa lực mạnh cho phân khu Mường Thanh…
Về phía ta, có nhiều khó khăn trong việc tập trung lực lượng, chiếm lĩnh trận địa… Dù đã điều chỉnh lại thời gian đưa pháo vào trận địa, nhưng chưa thể hoàn thành theo kế hoạch. Về cách đánh của cả bộ binh, pháo binh còn nhiều vấn đề khiến cán bộ trung đoàn, đại đoàn chưa thật yên tâm: đánh liên tục ngày đêm trên cánh đồng bằng phẳng với trang bị hiện có, biện pháp hạn chế hỏa lực, phi pháo và cơ giới của địch như thế nào cho có hiệu quả? Trong khi đó, bộ đội ta còn ít kinh nghiệm tác chiến hiệp đồng giữa bộ binh với pháo binh trong đánh cụm cứ điểm, nhất là chi viện của pháo binh trong chiến đấu tung thâm và đánh địch phản kích… Vấn đề tiếp tế cho bộ đội, nhất là Đại đoàn 312 trên hướng Bắc (quá xa) như thế nào?...
Theo kế hoạch, ngày 25-01 là thời điểm nổ súng mở màn Chiến dịch, tuy các đơn vị của ta đã sẵn sàng bước vào chiến đấu, nhưng công tác chiến trường lúc này vẫn chưa được hoàn chỉnh… Thực tế đó như một lần nữa nhắc nhở Đại tướng lời Bác dặn trước lúc lên đường và một quyết định sáng suốt, phù hợp với tình hình thực tiễn đã được người Bí thư Đảng ủy, kiêm Chỉ huy trưởng mặt trận Võ Nguyên Giáp đưa ra: phải dừng ngay giờ nổ súng và thay đổi phương án tác chiến; chuyển từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Theo đó, Đảng ủy mặt trận đã tiến hành hội ý chớp nhoáng, có tham khảo ý kiến của các cố vấn quân sự Trung Quốc. Được sự nhất trí cao của Đảng ủy và sự đồng tình của các cố vấn quân sự về vấn đề này, Đại tướng đã quyết định cho dừng ngày mở màn chiến dịch, thay đổi phương châm tác chiến. Ngay lập tức, bức văn thư tối mật của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp được cấp tốc chuyển lên Bác Hồ và Bộ Chính trị (ở Thái Nguyên). Sau hai ngày một đêm, Đại tướng nhận được công văn phản hồi của Bộ Chính trị, nhất trí với phương châm tác chiến mới của Đảng ủy, Bộ Chỉ huy mặt trận.
Một kế hoạch tác chiến mới được thiết kế công phu, tỷ mỉ, toàn diện cả về công tác tư tưởng, tổ chức, thiết bị chiến trường, mục tiêu, nhiệm vụ các bước, bảo đảm hậu cần - quân y trên các hướng... Ngày 26-01-1954, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308 nhận lệnh của Chỉ huy trưởng mặt trận: Phải nhanh chóng đưa ngay quân sang phối hợp với bạn Lào và Quân tình nguyện Việt Nam, tranh thủ địch mới nhảy dù xuống tăng cường cho phòng tuyến sông Nậm Hu (Mường Khoa), Mường Ngòi, Luông Pra-băng; thu hút lực lượng bộ binh và không quân địch về phía đó càng nhiều càng tốt nhằm nghi binh đánh lạc hướng địch, tạo điều kiện cho việc chuẩn bị của ta ở Điện Biên Phủ; Đại đoàn phải tự khắc phục về mặt hậu cần và phải chấp hành với tinh thần “quân lệnh như sơn”. Chấp hành nghiêm túc mệnh lệnh, Đại đoàn đã khẩn trương cơ động tới vị trí tập kết, kịp thời giao nhiệm vụ, tổ chức hiệp đồng các đơn vị và tiến công tiêu diệt địch, buộc chúng phải rút khỏi Mường Khoa, Mường Ngòi; đồng thời, bao vây uy hiếp chúng ở Mường Sài. Trước tình thế đó, địch đã phải đưa một lực lượng cơ động từ đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam lên tăng viện. Ngày 12-02-1954, sau khi Trung đoàn 36 diệt xong đồn Bản Na (cách Luông Pra-băng 10 ki-lô-mét), Đại đoàn hoàn thành nhiệm vụ, bí mật quay về nước củng cố, chuẩn bị tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Còn lại lực lượng Quân Giải phóng Pa-thét Lào cùng Quân tình nguyện Việt Nam tiếp tục mở các hoạt động tác chiến nhằm căng kéo, phân tán địch.
Có thể nói rằng, việc thay đổi phương châm tác chiến và thời điểm nổ súng tiến công (giờ G) là một quyết định sáng suốt, kịp thời, sát với tình hình thực tiễn. Nhờ đó, chỉ 56 ngày đêm chiến đấu cực kỳ anh dũng, Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Chiến thắng Điện Biên phủ “được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ XX, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”[2].
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến chiến thắng vĩ đại đó. Trong đó, nguyên nhân quan trọng có tính bao trùm là sự chỉ đạo chiến lược sắc sảo, biện chứng của Đảng ta. Nó được thể hiện tập trung ở những nội dung chủ yếu sau:
Một là, luôn giành thế chủ động cả trước và trong suốt quá trình chiến dịch, buộc địch lâm vào bị động, bất ngờ, phải điều động binh lực và tiến hành tác chiến theo ý định của ta. Hai là, phối hợp chặt chẽ giữa các chiến trường, thực hiện vận dụng linh hoạt các thủ đoạn nghi binh, lừa địch. Ba là, công tác chuẩn bị lực lượng, bảo đảm chiến dịch chu đáo, kịp thời. Bốn là, luôn bám sát tình hình thực tiễn, nhạy bén trước những nhân tố mới nảy sinh để kịp thời chuyển phương châm tác chiến phù hợp, hạ quyết tâm chính xác. Năm là, vận dụng cách đánh chiến dịch thích hợp, bằng các hình thức chiến thuật linh hoạt, phối hợp hiệp đồng chặt chẽ giữa các mũi, hướng; giữa bộ binh và pháo binh, lần lượt tiến công vây hãm tiêu diệt từng cứ điểm, từng bộ phận địch, tiến tới đập tan tập đoàn cứ điểm và toàn bộ quân địch bằng sức mạnh áp đảo.
Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ cho thấy, nếu chỉ kiên định với tư tưởng chiến lược thì chưa đủ, mà vấn đề quan trọng hơn là cần phải có sự xem xét một cách biện chứng, khách quan trong chỉ đạo chiến lược và sẵn sàng thay đổi kế hoạch tác chiến một cách phù hợp. Bài học vô giá về “biện chứng chỉ đạo chiến lược” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đến nay còn nguyên giá trị, là cơ sở quan trọng để chúng ta vận dụng vào thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới./.
HÀ THÀNH
_____________
1- Tạp chí Lịch sử quân sự - Mùa xuân Điện Biên Phủ, số 1-1994, tr. 3.
2 - Lê Duẩn - Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập tự do, vì CNXH tiến lên giành thắng lợi mới, Nxb CTQG, H. 1970, tr. 90.
Điện Biên Phủ
Nét đặc sắc của nghệ thuật vận dụng cách đánh trong Chiến dịch tiến công Tây Sơn Tịnh năm 1966 21/11/2024
Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào 29/10/2024
Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972 - nét đặc sắc về nghệ thuật sử dụng lực lượng 24/10/2024
Nghệ thuật đánh điểm, diệt viện trong Chiến dịch Bu Prăng - Đức Lập năm 1969 27/09/2024
Nghệ thuật chỉ đạo của Đảng về tạo và nắm thời cơ, giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 19/08/2024
Nghệ thuật đánh trận then chốt quyết định trong Chiến dịch Nông Sơn - Thượng Đức năm 1974 15/07/2024
Nhà Lý kết hợp tiến công quân sự với biện pháp ngoại giao để kết thúc chiến tranh, kiến tạo hòa bình 24/06/2024
Chiến dịch Long Khánh năm 1969 - nét đặc sắc của nghệ thuật tập kích 04/06/2024
Nghệ thuật đánh điểm, diệt viện trong Chiến dịch Trung - Hạ Lào năm 1954 22/04/2024
Nét nổi bật về nghệ thuật đánh trận mở đầu trong Chiến dịch Bắc Tây Nguyên năm 1954 15/02/2024
Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972 - nét đặc sắc về nghệ thuật sử dụng lực lượng
Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào
Nét đặc sắc của nghệ thuật vận dụng cách đánh trong Chiến dịch tiến công Tây Sơn Tịnh năm 1966