Thứ Bảy, 23/11/2024, 11:57 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam
Chiến dịch tiến công Tây Bắc (năm 1952) của quân và dân ta đã tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, mở rộng địa bàn chiến lược, nối thông Tây Bắc với căn cứ địa Việt Bắc và Thượng Lào; đồng thời, làm thất bại âm mưu chiếm đóng và thành lập “xứ Thái tự trị” của thực dân Pháp. Thắng lợi của Chiến dịch khẳng định sự chỉ đạo chiến lược tài tình, sáng suốt của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sau thất bại ở Hòa Bình, thực dân Pháp đẩy mạnh các cuộc càn quét trên chiến trường chính Bắc Bộ, với binh lực lớn, nhằm cứu nguy cho các vùng đồng bằng đang bị ta uy hiếp; “cất vó các mục tiêu” của ta và đạt mục tiêu về chính trị, quân sự. Riêng khu vực Tây Bắc, ngoài việc thực hiện mưu đồ chiếm đóng và thành lập “xứ Thái tự trị”, thực dân Pháp còn muốn lấy đó làm điểm tựa để giành lại quyền chủ động trên chiến trường. Theo đó, chúng chia nơi này thành 04 phân khu: Lai Châu, Sông Đà, Nghĩa Lộ, Sơn La và 3 tiểu khu độc lập: Thuận Châu, Phù Yên, Tuần Giáo. Cùng với đó, chúng còn bố trí nhiều lực lượng, phương tiện1 ở khoảng 140 cứ điểm, trong đó có gần 40 cứ điểm, lực lượng khoảng 02 đại đội.
Về phía ta, trên cơ sở phân tích, đánh giá chính xác tình hình chiến trường Bắc Bộ, nhận thấy hướng tiến công chiến lược có lợi là địa bàn rừng núi, với chủ trương: tránh chỗ mạnh, đánh vào chỗ yếu, tìm nơi sơ hở của địch mà đánh, cuối năm 1952, ta quyết định mở chiến dịch tiến công địch ở Tây Bắc. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trực tiếp là Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh, quân và dân Tây Bắc đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Chiến dịch đề ra. Trải qua gần hai tháng chiến đấu ác liệt, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu nhiều tên địch, giải phóng một vùng rộng lớn ở địa bàn chiến lược quan trọng, nối liền Tây Bắc với căn cứ địa Việt Bắc và Thượng Lào, giữ vững thế chủ động tiến công, làm thất bại âm mưu mở rộng chiếm đóng và thành lập “xứ Thái tự trị” của thực dân Pháp. Thắng lợi của Chiến dịch được tạo nên bởi nhiều yếu tố; trong đó, sự chỉ đạo chiến lược của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhân tố quan trọng, quyết định, thể hiện trên một số nội dung:
Một là, xác định chính xác hướng mở chiến dịch. Chọn đúng hướng tiến công là vấn đề quan trọng hàng đầu trong nghệ thuật tác chiến, nghệ thuật quân sự Việt Nam, bởi chọn đúng hướng tiến công không chỉ phát huy được sở trường của ta, mà còn đánh đúng vào điểm yếu chí mạng của quân địch, thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến dịch đề ra và ngược lại, chọn không đúng hướng tiến công sẽ dẫn đến lực lượng bị tổn thất, nhiệm vụ chiến dịch không hoàn thành. Điều đó được minh chứng qua thắng lợi to lớn của Chiến dịch Biên Giới năm 1950 khi ta chọn hướng tiến công chủ yếu ở địa bàn rừng núi và những hạn chế khi ta tác chiến ở đồng bằng (chiến dịch Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám, Quang Trung).
Sau thắng lợi của Chiến dịch Hòa Bình, để chuẩn bị cho các đợt hoạt động mới, Trung ương chỉ đạo Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh khẩn trương xây dựng và hoàn chỉnh kế hoạch tác chiến Thu Đông năm 1952. Tại Hội nghị lần thứ 3 (tháng 4/1952), Trung ương Đảng đã nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và quán triệt sâu sắc đường lối trường kỳ kháng chiến, phương châm, nhiệm vụ chiến lược năm 1952. Sau Hội nghị, các đơn vị chủ lực trong toàn quân tiến hành chỉnh Đảng, chỉnh quân, nhằm nâng cao tinh thần giác ngộ cách mạng và quyết tâm chiến đấu cho bộ đội.
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến lược năm 1952, trên cơ sở phân tích, đánh giá chính xác tình hình chiến trường Bắc Bộ, Trung ương nhận thấy, Tây Bắc là chiến trường rộng lớn, địa hình rừng núi hiểm trở, đi lại khó khăn, dân cư thưa thớt, chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, cơ sở Đảng, cơ sở chính trị ở đây chưa phát triển, chính quyền kháng chiến còn yếu. Tuy nhiên, đây lại là nơi có vị trí chiến lược hiểm yếu, lực lượng địch bố trí phân tán trên địa bàn rộng, có nhiều sơ hở, khả năng hỗ trợ, chi viện cho nhau gặp khó khăn, khi bị ta tiến công, địch sẽ phải điều lực lượng từ nơi khác đến để đối phó. Đây chính là điều kiện thuận lợi để ta tiêu diệt lớn quân địch ngoài công sự, tranh thủ đồng bào và giải phóng đất đai. Theo đó, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị cho Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh mở chiến dịch tiến công địch ở Tây Bắc. Quyết định thể hiện sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thực tiễn Chiến dịch là minh chứng hùng hồn, bởi chỉ trong một thời gian ngắn, với 02 đợt tiến công (đợt 1 và đợt 2), quân và dân ta đã đập tan phòng tuyến của địch từ hữu ngạn sông Thao đến tả ngạn sông Đà, từ Vạn Yên đến Quỳnh Nhai, giải phóng phần lớn địa bàn chiến lược Tây Bắc (chỉ còn một phần tỉnh Lai Châu và tập đoàn cứ điểm Nà Sản). Đồng thời, đánh bại cuộc hành quân của địch lên Phú Thọ nhằm kéo lực lượng của ta ra khỏi Tây Bắc.
Hai là, xác định đúng mục đích chiến dịch. Đây là yếu tố cơ bản, quan trọng, quyết định mọi thắng lợi trong tác chiến chiến dịch. Mục đích tác chiến phù hợp, sát điều kiện thực tế sẽ mang lại hiệu quả to lớn; trái lại, mục đích không phù hợp (hoặc quá cao, hoặc quá thấp) sẽ làm cho kết quả chiến dịch bị hạn chế, thậm chí không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Thực tiễn cho thấy, ngay từ khi Chiến dịch Hòa Bình chưa kết thúc, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có ý định mở các đợt hoạt động tác chiến, tiến công địch ở địa bàn rừng núi Tây Bắc và Thượng Lào để “Tiêu diệt sinh lực địch, kể cả quân tăng viện từ đồng bằng lên, giải phóng một vùng rộng lớn ở Tây Bắc và Thượng Lào, tranh thủ nhân dân”2. Sau một thời gian chỉ đạo làm công tác chuẩn bị, trên cơ sở đánh giá chính xác tình hình địch, ta, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh mở chiến dịch tiến công địch ở Tây Bắc nhằm mục đích “Tiêu diệt sinh lực địch; tranh thủ nhân dân vùng Tây Bắc; giải phóng một bộ phận đất đai ở Tây Bắc”3, trong đó, tiêu diệt sinh lực địch (gồm cả lực lượng cơ động và chiếm đóng) là mục tiêu chủ yếu và quan trọng nhất. Ba mục tiêu trên có quan hệ mật thiết với nhau, nếu tiêu diệt được quân địch thì nhân dân sẽ không bị kìm kẹp, thực dân Pháp không hình thành được “xứ Thái tự trị”, tổ chức “Liên khu độc lập Tây Bắc” do chúng dựng sẽ không còn chỗ dựa và khi đó đất đai được giải phóng. Đối với nhiệm vụ tiêu diệt địch, thì tại chiến trường rừng núi Tây Bắc, ta có điều kiện thuận lợi để đánh tập trung và tiêu diệt nhiều quân địch hơn so với đồng bằng. Nhân dân trên địa bàn Tây Bắc bị quân địch kìm kẹp, nếu ta tranh thủ được nhân dân thì mưu đồ chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc cũng như âm mưu “dùng người Việt đánh người Việt” của chúng sẽ thất bại. Giải phóng đất đai, mở rộng vùng hậu phương chiến lược, bảo vệ và củng cố căn cứ địa kháng chiến Việt Bắc là nhiệm vụ chiến lược quan trọng. Thực hiện được mục tiêu này, ta có điều kiện lấy Tây Bắc làm căn cứ để tác chiến ở đồng bằng và cơ động lực lượng; mở thêm được đường liên lạc với quốc tế và tạo điều kiện giúp đỡ cách mạng Lào. Việc đề ra ba mục tiêu chủ yếu trong Chiến dịch Tây Bắc thể hiện tầm nhìn chiến lược, tư duy sáng tạo, sự chỉ đạo đúng đắn, sáng suốt của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ba là, chỉ đạo chuẩn bị chiến dịch khẩn trương, chu đáo về mọi mặt. Chiến dịch Tây Bắc có ý nghĩa quân sự, chính trị và tầm quan trọng đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nên ngay từ tháng 4/1952, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các lực lượng tiến hành các mặt bảo đảm cho Chiến dịch phải hết sức khẩn trương, chu đáo, nhất là xây dựng kế hoạch tác chiến và công tác hậu cần. Chấp hành chỉ thị của Trung ương, trên cơ sở mục đích chiến dịch và tình hình chiến trường, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh xác định phương châm chỉ đạo chiến dịch là: “đánh dài ngày liên tục; đánh chắc, tiến chắc nhưng sẵn sàng nắm thời cơ có lợi để phát triển nhanh chóng; vây điểm, diệt viện, phá điểm”4. Đồng thời, chỉ đạo Bộ Tổng Tham mưu nhanh chóng xây dựng kế hoạch tác chiến, phân công các đồng chí cán bộ cấp cao trong Quân đội tham gia Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Chiến dịch. Theo đó, Chiến dịch tiến công Tây Bắc được chia thành 3 đợt: “Đợt 1, tiêu diệt Phân khu Nghĩa Lộ và Tiểu khu Phù Yên, đồng thời cho một bộ phận chủ lực thâm nhập vùng Quỳnh Nhai phối hợp với bộ đội địa phương kiềm chế địch; Đợt 2, đánh Sơn La kết hợp với cắt Đường 41 và hoạt động ở vùng sau lưng địch để cô lập Sơn La; Đợt 3, tiến công Sơn La”5.
Bên cạnh sự chỉ đạo về xây dựng kế hoạch tác chiến, cơ sở quần chúng và chuẩn bị bộ đội,… Trung ương còn đề ra nhiều chủ trương, giải pháp nhằm bảo đảm hậu cần phục vụ chiến dịch, như: xây dựng kế hoạch hậu cần; chỉ đạo các địa phương ở Việt Bắc, Tây Bắc, Khu 3, Khu 4, các ban, ngành có liên quan khẩn trương sửa chữa cầu, đường, mở thêm các tuyến đường mới; chuẩn bị lương thực, thực phẩm, v.v. Đặc biệt, tại Hội nghị cung cấp toàn quân lần thứ nhất do Tổng Quân ủy tổ chức (tháng 6/1952), Chủ tịch Hồ Chí Minh còn trực tiếp đến dự và phát biểu chỉ đạo. Cùng với đó, Bộ Chính trị ra Nghị quyết về chính sách vận động đồng bào dân tộc thiểu số; Chính phủ ban hành “Điều lệ tạm thời về huy động và sử dụng nhân công”; Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp soạn thảo “Tám điều mệnh lệnh của Chính phủ Dân chủ cộng hòa Việt Nam”, v.v. Nhờ sự chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, thực hiện tốt mọi công tác bảo đảm, vì thế Chiến dịch giành thắng lợi vang dội, ngoài sự mong đợi.
Chiến dịch Tây Bắc năm 1952 giáng cho quân địch đòn thất bại nặng nề về quân sự, tạo bước ngoặt trên chiến trường chính Bắc Bộ theo hướng có lợi cho ta, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta phát triển lên một bước mới, mang tính quyết định. Thắng lợi của Chiến dịch để lại nhiều bài học quý, nhất là bài học sự chỉ đạo chiến lược của Đảng và Bác Hồ cần được nghiên cứu, vận dụng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Đại tá, ThS. PHẠM ĐỨC TRƯỜNG, Viện Lịch sử Quân sự, Bộ Quốc phòng ______________________
1 - Gồm: 03 tiểu đoàn Âu Phi, 05 tiểu đoàn và 43 đại đội ngụy, 04 trung đội pháo binh, v.v.
2 - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam – Tổng kết tác chiến chiến lược trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945 - 1975), Nxb QĐND, H. 2005, tr. 158.
3 - Bộ Tổng Tham mưu – Kế hoạch tác chiến và tổng kết kinh nghiệm trong các chiến dịch lớn, Tập II, Nxb QĐND, H. 1962, tr. 139.
4 - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam – Chiến dịch tiến công Tây Bắc (Thu Đông 1952), Nxb QĐND, H. 1992, tr. 58 - 59.
5 - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam – Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), Nxb QĐND, H. 2000, tr. 390.
Chiến dịch Tây Bắc năm 1952,sự chỉ đạo chiến lược,Đảng và Bác Hồ,nhân tố quyết định thắng lợi
Nét đặc sắc của nghệ thuật vận dụng cách đánh trong Chiến dịch tiến công Tây Sơn Tịnh năm 1966 21/11/2024
Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào 29/10/2024
Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972 - nét đặc sắc về nghệ thuật sử dụng lực lượng 24/10/2024
Nghệ thuật đánh điểm, diệt viện trong Chiến dịch Bu Prăng - Đức Lập năm 1969 27/09/2024
Nghệ thuật chỉ đạo của Đảng về tạo và nắm thời cơ, giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 19/08/2024
Nghệ thuật đánh trận then chốt quyết định trong Chiến dịch Nông Sơn - Thượng Đức năm 1974 15/07/2024
Nhà Lý kết hợp tiến công quân sự với biện pháp ngoại giao để kết thúc chiến tranh, kiến tạo hòa bình 24/06/2024
Chiến dịch Long Khánh năm 1969 - nét đặc sắc của nghệ thuật tập kích 04/06/2024
Nghệ thuật đánh điểm, diệt viện trong Chiến dịch Trung - Hạ Lào năm 1954 22/04/2024
Nét nổi bật về nghệ thuật đánh trận mở đầu trong Chiến dịch Bắc Tây Nguyên năm 1954 15/02/2024
Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972 - nét đặc sắc về nghệ thuật sử dụng lực lượng
Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào
Nét đặc sắc của nghệ thuật vận dụng cách đánh trong Chiến dịch tiến công Tây Sơn Tịnh năm 1966