Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam

QPTD -Thứ Hai, 13/07/2015, 15:56 (GMT+7)
Ra quân đánh thắng trận đầu - nét đặc sắc về vận dụng nghệ thuật chiến tranh nhân dân của Bộ đội Tên lửa Phòng không

Đánh thắng trận đầu (ngày 24-7-1965) của Bộ đội Tên lửa Phòng không là nét đặc sắc về vận dụng nghệ thuật chiến tranh nhân dân trên mặt trận đối không. Chiến thắng này có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt, nhất là về nghệ thuật quân sự, cần được tiếp tục nghiên cứu, phát triển trong điều kiện mới.

Bộ đội tên lửa thường xuyên sẵn sàng chiến đấu (Ảnh tư liệu)

Sau thất bại liên tiếp trên chiến trường miền Nam, tháng 6-1965, đế quốc Mỹ thực hiện bước leo thang đánh phá miền Bắc bằng không quân, hòng làm suy yếu và hạn chế sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc đối với tiền tuyến lớn miền Nam. Để đối phó bước leo thang chiến tranh nguy hiểm của địch, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh quyết định đưa Bộ đội Tên lửa ra quân chiến đấu. Thực hiện chủ trương đó, Quân chủng Phòng không - Không quân đã tập trung nghiên cứu, đánh giá kỹ tình hình địch, ta, địa hình, thời tiết, nhất là âm mưu, thủ đoạn hoạt động của không quân Mỹ để xây dựng phương án tác chiến cho Bộ đội Tên lửa phòng không. Đồng thời, gấp rút chuẩn bị mọi mặt, từ xây dựng lực lượng, thế trận, xác định ý chí quyết tâm, đến huấn luyện và chuẩn bị khí tài,… bảo đảm cho Bộ đội Tên lửa đánh thắng ngay từ trận đầu. Theo kế hoạch tác chiến, ngày 20-7-1965, Trung đoàn Tên lửa 236 được lệnh hành quân chiếm lĩnh trận địa tại Chùa Ghề và Vô Khuy (khu vực Suối Hai - Trung Hà - Sơn Tây), hoàn thành mọi công tác chuẩn bị, kiên trì chờ đợi, sẵn sàng đánh địch. Đúng như dự đoán của ta, khoảng 15 giờ, ngày 24-7-1965, từ hướng Tây Hà Nội xuất hiện nhiều tốp máy bay địch trong đội hình bay đường dài (do chưa có sự đề phòng hỏa lực tên lửa) bay vào khu vực ta bố trí trận địa. Sở Chỉ huy tiền phương Quân chủng kịp thời ra lệnh cho các đơn vị bắt, bám và nắm chắc thời cơ. Khi địch bay vào phạm vi hỏa lực, Trung đoàn 236 đã chỉ huy hai tiểu đoàn Tên lửa 63 và 64 bất ngờ khai hỏa. Mỗi tiểu đoàn phóng hai tên lửa, nhằm mục tiêu tốp máy bay F-4C ở độ cao trên 7000 mét. Kết quả ta đã tiêu diệt cả tốp, trong đó có 01 chiếc rơi tại chỗ, bắt sống 01 phi công Mỹ. Quá bất ngờ vì máy bay bị tiêu diệt ở độ cao lớn, ngày 26-7-1965, địch liên tiếp cho máy bay không người lái tầng cao BQM-34A và RF-101 vào do thám. Song cả hai máy bay này đều bị tên lửa của Tiểu đoàn 64 (sau khi đã di chuyển vị trí sang trận địa mới) bắn rơi ở vùng núi, rừng Thanh Sơn. Như vậy, ngay trong trận đầu ra quân, Bộ đội Tên lửa đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; đồng thời giữ gìn, bảo toàn lực lượng. Đây là chiến thắng có ý nghĩa to lớn, cổ vũ mạnh mẽ Bộ đội Tên lửa tiếp tục nâng cao quyết tâm nắm vững khoa học kỹ thuật, làm chủ vũ khí, khí tài hiện đại, cùng với quân và dân miền Bắc quyết đánh bại không quân Mỹ. Đồng thời, đó còn là biểu hiện nét nghệ thuật đặc sắc về sự vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân trên mặt trận đối không của Bộ đội Tên lửa phòng không.

Việc đưa Bộ đội Tên lửa ra quân chiến đấu, nhằm tiếp thêm sức mạnh cho các lực lượng phòng không để đánh bại bước leo thang của đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc là một quyết định đúng đắn, đúng thời điểm của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng. Vấn đề đặt ra đối với Quân chủng là làm thế nào để “đánh thắng và thắng ngay trận đầu”1. Trên thực tế, khí tài tên lửa là loại vũ khí to, cồng kềnh, lại thường triển khai chiến đấu cố định ở các trận địa có hệ thống công sự kiên cố, vững chắc. Nếu tác chiến theo đúng tính năng và quy trình của nó thì rất dễ để lộ mục tiêu, địch sẽ phát hiện và tập trung đánh phá. Mặt khác, Bộ đội Tên lửa còn non trẻ, đang trong thời kỳ “thai nghén”2, lực lượng mỏng, trình độ, khả năng thao tác, kinh nghiệm chiến đấu với các loại máy bay hiện đại còn chưa có, v.v. Vì thế, nếu không xác định được phương án tác chiến sát với thực tiễn chiến trường Việt Nam, thì không những không phát huy được hiệu quả của vũ khí, khí tài, mà khả năng bị tiêu diệt sẽ rất cao. Trên cơ sở nghiên cứu đánh giá tình hình các mặt và sự vận dụng, phát triển sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân Việt Nam, Quân chủng đã đề ra cách đánh cho Bộ đội Tên lửa trong giai đoạn này là: đánh “du kích”, nghĩa là bí mật cơ động, phục kích đón lõng đánh địch ngay trên đường bay của chúng; đánh xong nhanh chóng cơ động khí tài rời khỏi trận địa, bảo toàn lực lượng. Đây là cách đánh đúng đắn, khoa học, vừa phù hợp với điều kiện số lượng khí tài tên lửa được trang bị còn ít, vừa tạo ra yếu tố bí mật, bất ngờ, linh hoạt đánh địch hiệu quả và giữ gìn, bảo toàn được lực lượng. Thực tiễn cho thấy, để giành thắng lợi ngay trận đầu ra quân, ta đã không bố trí tên lửa đánh máy bay địch ở địa bàn Hà Nội, mà tổ chức hành quân cơ động khí tài tên lửa từ Ba La Bông Đỏ (Hà Tây) và Lai Xá (Hà Nội) lên khu vực Suối Hai để triển khai đón lõng đánh máy bay địch ngay trên đường bay; đánh xong một trận, khẩn trương thu hồi khí tài, rút ra khỏi trận địa, nhường chỗ cho những bộ khí tài tên lửa giả làm bằng tre, cót. Nhờ vậy, ta đã không chỉ tạo ra yếu tố bí mật, bất ngờ bắn rơi 03 máy bay địch, bảo toàn lực lượng; mà còn nghi binh, nghi trang để “nhử địch” sa vào thế trận phục kích của súng, pháo phòng không ba thứ quân, tạo thời cơ thuận lợi để ta tiếp tục tiêu diệt thêm một số máy bay địch khi chúng cố gắng lao vào “đánh hủy diệt” hai trận địa tên lửa giả. Điều đó càng làm cho ý nghĩa chiến thắng trận đầu của Bộ đội Tên lửa tăng lên gấp bội.

Cùng với đó, để phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, nhất là lực lượng trong khu vực tác chiến, Đảng ta đã phát động phong trào “Tất cả cho Bộ đội Tên lửa ra quân đánh thắng trận đầu”. Thực hiện phong trào này, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương nơi đơn vị đóng quân và hành quân qua đều chủ động, tích cực đóng góp sức người, sức của giúp đỡ Bộ đội Tên lửa. Chỉ tính riêng lực lượng phục vụ, ngoài lực lượng nòng cốt là Bộ đội Công binh, Thông tin và học viên Trường Sĩ quan Lục quân, Trường Sĩ quan Phòng không (Trường 300), ta còn huy động hàng chục máy kéo, máy xúc, máy ủi, cùng hàng trăm công nhân của Nông trường Ba Vì, lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương tham gia. Lực lượng này đã đào hàng nghìn khối đất, đá đắp công sự trận địa cho tên lửa, ra-đa, pháo cao xạ, súng máy phòng không và sở chỉ huy các cấp. Bộ Nội vụ triển khai lực lượng bảo vệ an toàn dọc tuyến đường cơ động khí tài đến khu vực trận địa Suối Hai. Cơ quan Quân sự tỉnh Hà Tây phối hợp với lực lượng Công an, dân quân, tự vệ triển khai lực lượng giữ gìn trật tự, trị an và sẵn sàng cơ động vây bắt giặc lái. Các ngành, như: lương thực, thực phẩm, y tế, phối hợp với các đoàn thể của Tỉnh đảm nhiệm một phần cung cấp hậu cần và cứu chữa thương binh, giải quyết tử sĩ tại chỗ. Đồng thời, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tây còn tổ chức Sở Chỉ huy tiền phương bên cạnh Sở Chỉ huy tiền phương của Quân chủng để kịp thời điều hành mọi công tác phục vụ và hiệp đồng chiến đấu. Nhờ vậy, chỉ trong thời gian ngắn, mặc dù thời tiết của vùng đồi, núi Sơn Tây khắc nghiệt, nhưng với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa” của các lực lượng, hệ thống công sự, trận địa cho tên lửa, ra-đa, pháo cao xạ, súng máy phòng không, sở chỉ huy các cấp, đường cơ động,… nhanh chóng được hoàn tất, góp phần quan trọng để Bộ đội Tên lửa chỉ sau 36 giờ đã hoàn thành nhiệm vụ hành quân, cơ động khối lượng lớn khí tài lên trận địa mới và triển khai chiến đấu đúng thời gian quy định, bảo đảm bí mật, an toàn.

Để bảo vệ và hiệp đồng chiến đấu tiêu diệt máy bay địch, Quân chủng đã tổ chức bố trí đội hình chiến đấu phòng không thành 03 cụm: Cụm A (cụm phía Bắc), gồm: Tiểu đoàn tên lửa 63, Trung đoàn pháo cao xạ 234 và 02 đại đội súng máy tự hành của Quân chủng. Cụm B (cụm phía Nam), gồm: Tiểu đoàn tên lửa 64, Trung đoàn pháo cao xạ 250 cùng một số đơn vị súng máy tự hành của cấp trên. Cụm C (cụm Trung tâm chỉ huy), gồm: 02 Sở Chỉ huy tiền phương (Quân chủng và tỉnh Hà Tây), Sở Chỉ huy Trung đoàn Tên lửa 236 và lực lượng bảo vệ (05 đại đội pháo 100 mm, 10 khẩu 14,5 mm loại 4 nòng). Ngoài ra, ta còn bố trí 01 trung đội súng máy phòng không 14,5 mm trên điểm cao 600 (núi Ba Vì) để đón đánh máy bay địch bay thấp, đánh lén vào khu Trung tâm. Lực lượng trinh sát (ra-đa) được bố trí có trọng tâm, trọng điểm bảo đảm phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị ra-đa của Sư đoàn 361 đang quản lý vùng trời phía Tây Hà Nội nhằm phát hiện máy bay địch từ xa, kịp thời báo cáo Sở Chỉ huy Quân chủng và thông báo, báo động cho các đơn vị chiến đấu. Các trận địa súng máy phòng không của bộ đội địa phương, dân quân, tự vệ các huyện Bất Bạt, Quảng Oai, Tùng Thiện,… cũng được tổ chức triển khai trên tất cả các hướng để tham gia bảo vệ tên lửa, hiệp đồng chiến đấu và vây bắt giặc lái. Như vậy, tại khu vực Suối Hai, ta đã xây dựng được thế trận phòng không nhân dân ba thứ quân rộng khắp, bố trí chặt chẽ, hiểm hóc, với hỏa lực tập trung nhiều tầng, nhiều lớp, tạo thành “thế trận thiên la địa võng” đón lõng không quân địch. Đây thực sự là một biểu hiện sinh động về sự vận dụng sáng tạo nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam trên mặt trận đất đối không, tạo sức mạnh tổng hợp để Bộ đội Tên lửa giành thắng lợi ngay từ trận đầu, dù không quân Mỹ có trình độ cao về công nghệ, khoa học, kỹ thuật và được trải nghiệm.

Ngày nay, trước sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, các loại khí tài tên lửa cũng vì thế được nghiên cứu, chế tạo với nhiều chủng loại đa dạng, hiện đại và là một loại vũ khí chiến lược của nhiều nước. Hiện nay, trong tiến trình xây dựng Quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, Bộ đội Tên lửa nói chung, Bộ đội Tên lửa phòng không nói riêng đang được Đảng, Nhà nước, Quân đội đầu tư “tiến thẳng lên hiện đại” đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Do đó, cùng với các loại vũ khí, khí tài hiện đại được trang bị, đòi hỏi Bộ đội Tên lửa cần tiếp tục kế thừa truyền thống anh hùng, phát huy sáng tạo và vận dụng hiệu quả các bài học kinh nghiệm quý báu về xây dựng, tổ chức lực lượng; huấn luyện để nhanh chóng làm chủ, khai thác hiệu quả tính năng kỹ, chiến thuật của khí tài mới hiện đại. Đồng thời, phát triển nghệ thuật, cách đánh sáng tạo, độc đáo trong chiến tranh giải phóng dân tộc nói chung, chiến thắng trận đầu ra quân của Bộ đội Tên lửa nói riêng, cùng với các lực lượng sẵn sàng chiến đấu, đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn xâm phạm lãnh thổ vùng trời, biển đảo, biên giới quốc gia, bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Thượng tá, ThS. PHẠM VĂN HƯNG, Học viện Phòng không - Không quân
_____________________

1 - Lịch sử Quân chủng Phòng không - Tập II, Nxb QĐND, H. 1993, tr. 41.

2 - 01 trung đoàn tên lửa (Trung đoàn 236) mới được thành lập, ngày 07-01-1965, với 04 tiểu đoàn hỏa lực, 01 tiểu đoàn kỹ thuật và cơ quan Trung đoàn.

Ý kiến bạn đọc (0)

"Sự kiện Vịnh Bắc Bộ" năm 1964 và bài học Chiến thắng trận đầu của quân, dân miền Bắc
Ngày 05-8-1964, với việc dựng lên “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, đế quốc Mỹ đã phát động cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân, hòng đè bẹp ý chí chiến đấu của nhân dân Việt Nam. Song, chúng đã bị quân và dân miền Bắc giáng trả những đòn thích đáng, với những nét nghệ thuật đặc sắc.