Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam

QPTD -Thứ Năm, 25/02/2021, 08:48 (GMT+7)
Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam - 60 năm nhìn lại

Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thể hiện tư duy sáng tạo của Đảng trong xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam không ngừng lớn mạnh, cùng quân và dân cả nước đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Nhìn lại quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, có thể rút ra một số vấn đề sau:

1. Thành lập Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam là một tất yếu lịch sử, chủ trương đúng đắn, sáng tạo của Đảng

Hai năm sau ngày ký Hiệp định Genève, cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam diễn ra ngày càng quyết liệt do địch quyết tâm phá hoại Hiệp định. Chúng sử dụng lực lượng vũ trang phản cách mạng đàn áp, khủng bố phong trào đấu tranh của nhân dân. Trước tình hình đó, Đảng ta chủ trương chuyển hướng chiến lược cách mạng từ đấu tranh chính trị sang kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang.

Tháng 6/1956, Bộ Chính trị ra Nghị quyết về tình hình, nhiệm vụ và công tác miền Nam, chủ trương: “Duy trì và phát triển các lực lượng vũ trang đó đến một mức độ nhất định, nhưng nó phải do Đảng lãnh đạo thì mới có thể duy trì và phát triển được”1. Muốn vậy, “cần củng cố các lực lượng vũ trang và bán vũ trang hiện có, xây dựng căn cứ làm chỗ dựa, đồng thời xây dựng cơ sở quần chúng vững mạnh làm điều kiện căn bản để duy trì và phát triển lực lượng vũ trang”2. Tháng 12/1956, Xứ ủy Nam Bộ ra Nghị quyết về tổ chức và phương thức hoạt động của lực lượng vũ trang tự vệ, đây là chủ trương đúng đắn, có ý nghĩa quyết định đối với việc duy trì và phát triển lực lượng vũ trang tự vệ ở miền Nam. Để đưa cách mạng miền Nam tiến lên, tháng 01/1959, Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) quyết định: “Giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến”3. Đây là tiền đề căn bản, định hướng để đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang miền Nam, làm nòng cốt cho nhân dân đấu tranh cách mạng.

Trong Phong trào Đồng khởi (1960), đã xuất hiện hình thức tổ chức ba thứ quân: các đơn vị bộ đội tập trung ở các khu; các đội vũ trang ở tỉnh, huyện và các đội tự vệ, du kích ở xã, nhưng hình thức tổ chức và tên gọi ở các địa phương chưa thống nhất, hệ thống chỉ đạo, chỉ huy chưa chặt chẽ. Vấn đề tổ chức lực lượng vũ trang và cơ quan chỉ huy quân sự toàn miền Nam để thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lực lượng, chiến đấu và công tác trở thành yêu cầu khách quan, cấp bách. Theo đó, Bộ Chính trị chủ trương: các lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam sẽ mang tên “Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam”. Thực hiện chủ trương này, tháng 01/1961, Tổng Quân ủy ra Chỉ thị thành lập Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Chỉ thị nêu rõ: “Quân Giải phóng miền Nam là một bộ phận của Quân đội nhân dân Việt Nam do Đảng sáng lập và xây dựng, giáo dục và lãnh đạo…”4, được xây dựng theo hình thức ba thứ quân: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích. Với phương châm “Khẩn trương nhưng phải phù hợp với tình hình và khả năng thực tế và có đủ điều kiện để đối phó với những tình huống đột biến, lấy việc xây dựng các đơn vị tập trung làm chủ yếu, đồng thời, hết sức coi trọng việc xây dựng bộ đội địa phương và dân quân, du kích”5.

Ngày 15/02/1961, tại Chiến khu Đ, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập trên cơ sở thống nhất các lực lượng vũ trang cách mạng, trực tiếp hoạt động trên chiến trường miền Nam; đặt dưới sự lãnh đạo về mọi mặt của Trung ương Đảng, trực tiếp là Trung ương Cục miền Nam và sự chỉ đạo, chỉ huy thống nhất của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, mà thường xuyên là Ban Quân sự thuộc Trung ương Cục (từ tháng 10/1963 là Quân ủy Miền và Bộ Tư lệnh Miền). Lực lượng này có nhiệm vụ chủ yếu là làm nòng cốt cho toàn dân đấu tranh vũ trang, kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Một đơn vị Quân giải phóng Miền Nam. Ảnh: baotanglichsu.vn

2. Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam - bước phát triển về tổ chức và khả năng tác chiến

Ngay sau khi ra đời, Quân Giải phóng miền Nam tập trung xây dựng lực lượng chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích, chú trọng phát triển bộ đội chủ lực cơ động. Sau một năm thành lập, Quân Giải phóng miền Nam xây dựng được 05 trung đoàn ở Đông Nam Bộ và Khu 5 - đơn vị bộ đội chủ lực đầu tiên đặt nền móng cho Quân Giải phóng miền Nam phát triển lớn mạnh. Các đơn vị vừa xây dựng, vừa đẩy mạnh tác chiến với nhiều trận đánh quy mô nhỏ và vừa, tiêu biểu là trận Ấp Bắc (01/1963) giành thắng lợi lớn, qua đó mở ra phong trào “Thi đua Ấp Bắc giết giặc lập công” trên chiến trường miền Nam.

Đến năm 1964, Quân Giải phóng miền Nam xây dựng thêm 01 đoàn pháo binh (tương đương trung đoàn) chủ lực Miền; 02 trung đoàn bộ binh và Trung đoàn Pháo binh 4 chủ lực Quân khu 9. Cùng với việc được tăng cường 02 trung đoàn từ miền Bắc vào Tây Nguyên và sự lớn mạnh của bộ đội địa phương, dân quân du kích, khả năng chiến đấu của Quân Giải phóng miền Nam được tăng lên trên cả 3 vùng chiến lược. Từ đánh tập trung cấp đại đội, tiểu đoàn đã phát triển lên tác chiến cấp trung đoàn, điển hình, như: Chiến dịch Bình Giã (lần đầu tiên ta sử dụng 02 trung đoàn đánh bại chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” của địch), Chiến dịch Đồng Xoài, Chiến dịch Ba Gia, đánh dấu bước phát triển về tổ chức, chỉ huy và trình độ tác chiến tập trung, qua đó góp phần đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ.

Nhằm cứu vãn thất bại trên chiến trường, đế quốc Mỹ gấp rút đưa thêm quân và Đồng minh vào miền Nam Việt Nam. Trước tình hình đó, từ năm 1965 đến 1966, Quân Giải phóng miền Nam chủ động phát triển nhanh lực lượng từ 09 trung đoàn lên 06 sư đoàn và bố trí thành ba khối chủ lực cơ động hợp lý trên các chiến trường. Quán triệt tư tưởng cách mạng tiến công, Quân Giải phóng miền Nam đẩy mạnh tác chiến tập trung của bộ đội chủ lực, kết hợp với hoạt động rộng khắp của dân quân du kích, giành thắng lợi từng bước, tiến lên giành thắng lợi quan trọng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, giáng đòn quyết định, làm thất bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, buộc Mỹ phải chấp nhận đàm phán với ta tại Paris. Có thể nói, đây là giai đoạn Quân Giải phóng miền Nam phát triển phương pháp tác chiến phong phú, đa dạng và sáng tạo.

Năm 1969, đế quốc Mỹ thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” với mục đích là quân Mỹ từng bước rút khỏi miền Nam Việt Nam, quân đội Sài Gòn đảm nhiệm vai trò chủ yếu trên chiến trường. Lúc này, Quân Giải phóng miền Nam gặp nhiều khó khăn về lực lượng, bảo đảm vật chất, tiếp tế hậu cần. Để duy trì lực lượng, tiếp tục chiến đấu, Quân Giải phóng miền Nam đã tổ chức thành nhiều bộ phận tại các vùng lõm, căn cứ đồng bằng, miền núi và vùng giáp ranh. Trước tình hình đó, Hồ Chủ tịch đã gửi Thư kêu gọi quân và dân cả nước quyết tâm chiến đấu “Vì độc lập, vì tự do, đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”6. Tháng 4/1969, Bộ Chính trị ra Nghị quyết về tình hình và nhiệm vụ mới, động viên quân và dân hai miền Nam - Bắc tiến lên giành thắng lợi quyết định. Trên cơ sở nghị quyết của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh quyết định gấp rút xây dựng lực lượng vũ trang; tập trung xây dựng các đơn vị chủ lực Quân Giải phóng miền Nam và điều động nhiều đơn vị chủ lực từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Từ năm 1969 - 1971, ngoài việc xây dựng, phát triển lực lượng, Quân Giải phóng miền Nam còn tích cực phối hợp tác chiến với quân và dân hai nước Lào, Campuchia, liên tiếp giành thắng lợi, qua đó làm thay đổi cục diện chiến trường ở ba nước Đông Dương.

Thực hiện nghị quyết của Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương, năm 1972, Quân Giải phóng miền Nam mở cuộc Tiến công chiến lược trên ba hướng Trị Thiên, miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và giành thắng lợi to lớn, buộc chính quyền Mỹ phải ký Hiệp định Paris (01/1973), cam kết tôn trọng độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, đồng thời rút hết quân và lực lượng Đồng minh khỏi miền Nam Việt Nam. Sau Hiệp định Paris, cục diện chiến trường miền Nam chuyển biến mau lẹ. Trước tình hình đó, tháng 10/1973, Bộ Chính trị quyết định phát triển lực lượng chủ lực lên cấp quân đoàn để chuẩn bị cho Quân Giải phóng miền Nam mở các chiến dịch tiến công quy mô lớn trên chiến trường miền Nam. Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình, Bộ Chính trị hạ quyết tâm chiến lược, mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Thực hiện quyết tâm đó, Quân Giải phóng miền Nam cùng với quân và dân cả nước tích cực tạo lực, tạo thế, tiến hành các chiến dịch Tây Nguyên, Trị Thiên, Huế - Đà Nẵng, Xuân Lộc, nhất là Chiến dịch Hồ Chí Minh giành thắng lợi, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là minh chứng khẳng định sự lớn mạnh của Quân Giải phóng miền Nam về trình độ tổ chức, chỉ huy, hiệp đồng tác chiến quân, binh chủng, kết hợp chặt chẽ giữa tiến công quân sự và nổi dậy của quần chúng, thực hiện thắng lợi trận quyết chiến chiến lược, kết thúc chiến tranh.

Trải qua 15 năm xây dựng và chiến đấu (1961 - 1976), Quân Giải phóng miền Nam đã cùng quân và dân cả nước mưu trí, sáng tạo, không ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng chiến đấu hy sinh đánh bại đế quốc Mỹ và lực lượng tay sai, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; hoàn thành vẻ vang sứ mệnh lịch sử mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, góp phần tô thắm truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Thiếu tướng, TS. NGUYỄN HOÀNG NHIÊN, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
_________________

1 - ĐCSVN – Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 17, Nxb CTQG, H. 2002, tr. 225.

2 - Sđd, tr. 228.

3 - Sđd, tr. 81.

4 - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam – Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954 - 1975, Tập III, Nxb CTQG, H. 2015, tr. 36.

5 - Sđd, tr. 37.

6 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 15, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 532.

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào
Ngày 30/10/1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định thành lập Quân tình nguyện tại Lào, đánh dấu sự phát triển mới của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào; đồng thời, khẳng định đường lối, quan điểm đúng đắn của Đảng ta trong thực hiện nghĩa vụ quốc tế.