Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam

QPTD -Chủ Nhật, 25/08/2019, 08:46 (GMT+7)
Quân đội nhân dân Việt Nam với công cuộc hồi sinh đất nước Cam-pu-chia (1979 - 1989)

Cách đây 40 năm, Quân tình nguyện Việt Nam đã cùng quân và dân Cam-pu-chia đập tan tập đoàn phản động Pôn Pốt – Iêng-xa-ry, giải phóng đất nước Chùa Tháp khỏi thảm họa diệt chủng. Chiến thắng ngày 07-01-1979, thể hiện tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng, thủy chung, chí nghĩa, chí tình giữa hai dân tộc. Sự kề vai, sát cánh, đồng cam, cộng khổ giữa Quân tình nguyện, chuyên gia quân sự Việt Nam với quân và dân Cam-pu-chia trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như quá trình xây dựng, phát triển đất nước Chùa Tháp đã trở thành biểu tượng cao đẹp, góp phần tô thắm thêm trang sử vàng trong quan hệ truyền thống giữa hai nước.

Nhân dân Phnôm Pênh tiễn quân tình nguyện Việt Nam về nước
ngày 25-9-1989. Ảnh: TTXVN

Sau chiến thắng năm 1979, đất nước Cam-pu-chia đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách. Tàn quân Cam-pu-chia dân chủ tiếp tục nhận được sự nuôi dưỡng, hỗ trợ của các thế lực bên ngoài, gây nhiều tội ác với nhân dân trong nước cũng như các nước láng giềng. Sau hơn một năm rút lực lượng còn lại lên biên giới giáp Thái Lan, Pôn Pốt tiến hành bổ sung quân số, vũ khí, trang bị cho các sư đoàn chủ lực và sử dụng khoảng 1/3 lực lượng vào các địa bàn xung yếu của 07 tỉnh biên giới phía Tây, nhằm xây dựng các “căn cứ lõm” và đẩy mạnh hoạt động du kích ở 12 tỉnh nội địa, gây khó khăn cho công cuộc tái thiết đất nước. Ở nước ngoài, các thế lực thù địch tiếp tục lợi dụng vấn đề Quân tình nguyện Việt Nam để vu cáo, gây sức ép và can thiệp vào công việc nội bộ của Cam-pu-chia.

Trước tình hình đó, ngày 18-02-1979, Chính phủ Việt Nam và Cam-pu-chia ký Hiệp ước hòa bình, hữu nghị và hợp tác. Theo đó, một bộ phận Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tiếp tục sát cánh cùng quân và dân Cam-pu-chia trong công cuộc hồi sinh đất nước.

1. Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam cùng lực lượng vũ trang cách mạng Cam-pu-chia tiến hành truy quét tàn quân Pôn Pốt. Thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, trong giai đoạn 1979 - 1982, Quân tình nguyện Việt Nam đã cùng lực lượng vũ trang cách mạng Cam-pu-chia liên tiếp mở các cuộc tiến công truy quét tàn quân Pôn Pốt ở khu vực biên giới phía Tây, Tây Nam và trong nội địa. Mùa mưa năm 1980, trên biên giới phía Tây và Tây Bắc, ta và Bạn đánh thiệt hại nặng 07 sư đoàn, buộc 05 sư đoàn khác phải tháo chạy ra ngoài biên giới, trốn vào vùng rừng núi phía Bắc và Tây Bắc. Mùa khô 1981 - 1982, ta cùng Bạn tiếp tục tiến công vào nhiều vị trí then chốt, trong đó có Văn phòng Trung ương Pôn Pốt ở Ô Đa, các căn cứ ở Cao Mê Lai, Đầm Rông, Tróc Xây, tiêu diệt một phần sinh lực, phá hủy nhiều phương tiện chiến đấu, kho tàng; đồng thời, mở rộng các đợt hoạt động tác chiến, đẩy quân địch trên các mặt trận vào thế lúng túng, bị động đối phó. Trên các mặt trận 479, 579, 779, 979, ta và Bạn cơ bản xóa xong các ổ phản động ở địa bàn trọng điểm, đưa phong trào cách mạng Cam-pu-chia phát triển mạnh mẽ lên nấc thang mới. Đến những năm 1983 - 1985, nhờ sự giúp đỡ đắc lực của ta, Bạn đã tự bảo vệ, quản lý được Thủ đô Phnôm Pênh, cảng Kông-pông Xom, 04 tỉnh (Svây-riêng, Prây-veng, Kông-pông Chàm, Kan-đan), một số khu vực trọng điểm và cơ bản đã kiểm soát được tuyến biên giới phía Tây.

Sau khi đánh đuổi được tàn quân Pôn Pốt, theo đề nghị của Bạn, Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam đã phối hợp với quân và dân Cam-pu-chia triển khai xây dựng tuyến phòng thủ dài hơn 600 km giáp với biên giới Thái Lan. Cuối năm 1987, tuyến phòng thủ do các mặt trận 479, 579, 979 đảm nhiệm xây dựng cơ bản hoàn thành; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, đẩy lùi các cuộc tiến công của tàn quân Pôn Pốt. Ngoài ra, còn tổ chức nhiều đợt đánh địch trên tuyến hành lang và các “căn cứ lõm” ở khu vực phía Bắc và Đông Nam thị xã Kra-chi-ê. Tháng 4-1988, căn cứ vào tình hình thực tế trong nước, khu vực và nội bộ nước Bạn, Bộ Chính trị Việt Nam quyết định bàn giao các công việc và đẩy nhanh tiến độ rút Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự ở Cam-pu-chia về nước. Theo đó, từ ngày 21 đến 26-9-1989, toàn bộ Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam đã về nước, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ quốc tế giúp cách mạng Cam-pu-chia.

2. Giúp Cam-pu-chia xây dựng lực lượng vũ trang, củng cố chính quyền cách mạng, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống, phát triển đất nước. Bên cạnh nhiệm vụ giúp Cam-pu-chia truy quét tàn quân Pôn Pốt, Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam còn giúp Cam-pu-chia xây dựng, củng cố lực lượng vũ trang, chính quyền cách mạng, giúp đỡ nhân dân khôi phục sản xuất, ổn định đời sống và phát triển đất nước. Trong xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, ta đã giúp Bạn xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, gồm: các sư đoàn, lữ đoàn, trung đoàn chủ lực, các đơn vị binh chủng và nhiều đơn vị bộ đội địa phương, dân quân, tự vệ, lực lượng công an1,… làm nòng cốt trong công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước, bảo vệ chính quyền cách mạng. Đồng thời, giúp Bạn xây dựng hệ thống các cơ quan lãnh đạo, chính quyền từ Trung ương đến cơ sở với tổng quân số khoảng 130 nghìn người (năm 1989); tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các cấp; xây dựng các tổ chức: công đoàn, phụ nữ, đoàn thanh niên,… nhằm củng cố, xây dựng chính quyền cách mạng, lãnh đạo, tổ chức, động viên nhân dân tham gia đấu tranh giải phóng dân tộc, lao động sản xuất, kiến thiết đất nước.

Với tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, đội ngũ cán bộ, chuyên gia, Quân tình nguyện Việt Nam đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, giúp Bạn bằng trách nhiệm cao nhất, trên tất cả lĩnh vực, các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương. Trong đó, tham gia vận chuyển, cung cấp lương thực cứu trợ, cứu đói cho hơn 04 triệu người, viện trợ thuốc, thóc giống, hàng tiêu dùng thiết yếu, nông cụ cho nhân dân; chăm sóc sức khỏe, ngăn chặn dịch bệnh; sử dụng xe quân sự đưa hàng chục vạn người dân trở về quê cũ làm ăn, sinh sống; giúp đỡ chính quyền vận động nhân dân khắc phục khó khăn, đẩy mạnh trồng cây lương thực, cây ăn quả để giải quyết nạn đói. Nhờ sự giúp đỡ vô tư, chí tình, trong sáng của các chuyên gia, Quân tình nguyện Việt Nam, nhân dân Cam-pu-chia cơ bản vượt qua nạn đói; trong đó, Bạn đã tổ chức được 107.606 tổ sản xuất, gieo trồng được 137.000ha lúa, năng suất bình quân đạt 15 tạ/ha. Riêng năm 1981, sản xuất nông nghiệp tăng 09% so với năm 1979, sản lượng lương thực đạt 02 triệu tấn năm 1987. Cùng với đó, hơn 1.000 tổ, đội, hợp tác xã ngư nghiệp được phục hồi, hằng năm đánh bắt hơn 06 vạn tấn cá. Ngành công nghiệp đã sản xuất được khối lượng lớn hàng hóa, máy móc và một phần cho xuất khẩu, khôi phục được 54 trong tổng số 65 xí nghiệp thủ công. Công nghiệp khai thác, chế biến gỗ đạt 50.000m3/năm. Y tế, giáo dục có bước tiến rõ rệt, hơn 80% số xã có trạm xá, hàng trăm nghìn trường học được khôi phục, nâng cấp và xây dựng mới. Các thiết chế văn hóa, như: báo chí, phát thanh, truyền hình, thư viện, bảo tàng,… được củng cố, bổ sung và phát triển. Hệ thống giao thông được sửa chữa với 652km đường sắt, hàng nghìn ki-lô-mét đường bộ, giúp nhân dân đi lại thuận tiện.

3. Đánh giá về sự giúp đỡ của Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam trong công cuộc hồi sinh đất nước Cam-pu-chia. Trong suốt hành trình vì sự hồi sinh của đất nước Cam-pu-chia, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam không tiếc máu xương, anh dũng hy sinh, nhiều liệt sĩ hiện vẫn còn nằm lại ở những cánh rừng trên khắp đất nước Chùa Tháp. Đánh giá về sự giúp đỡ to lớn, vô tư, trong sáng đó, Thủ tướng Hun Sen khẳng định: “Quân dân Cam-pu-chia nếu không có sự giúp đỡ của Quân tình nguyện Việt Nam thì không thể giải phóng nhanh đến thế. Không có sự giúp đỡ của Việt Nam, chúng tôi sẽ chết. Sự giúp đỡ bằng xương máu của Quân tình nguyện Việt Nam là sự giúp đỡ nhân đạo và đúng đắn nhất. Sự hỗ trợ này lẽ ra phải là nghĩa vụ chính yếu của cộng đồng quốc tế trong việc cứu giúp một dân tộc đang trong hoạn nạn bởi chính sách diệt chủng có tổ chức chính quy từ trên xuống dưới của chế độ Pôn Pốt”2. Chủ tịch Quốc hội Cam-pu-chia, ngài Sam-đec Heng Sam-rin cũng nhấn mạnh: “Nhân dân Cam-pu-chia chúng tôi mãi mãi tri ân công lao đó và xin khắc ghi trong lịch sử của mình để nhắc nhở cho con cháu muôn đời sau. Bởi nếu không có sự cứu giúp của Đảng Cộng sản Việt Nam thì nhân dân Cam-pu-chia chúng tôi chắc chắn sẽ không còn tên tuổi của mình trên thế giới này,…”3.

Để tỏ lòng tri ân đối với Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân Việt Nam, lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ Vương quốc Cam-pu-chia khẳng định: “Trong khi nhân dân Cam-pu-chia đang phải hứng chịu bao đau khổ thì có nhiều nước trên thế giới tự cho mình là người bảo vệ công lý, tôn trọng nhân quyền và quyền tự do bày tỏ chính kiến nhưng họ đã không đoái hoài,... chỉ có đất nước Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã tự nguyện đưa con cháu và những người thân yêu của mình đến giúp giải phóng và cứu tính mạng của người dân Cam-pu-chia trong lúc vô cùng nguy nan,...”4; “Không có sự giúp đỡ của Việt Nam thì Cam-pu-chia không có ngày nay, dứt khoát là thế”5, v.v.

Không chỉ lãnh đạo, người dân Cam-pu-chia ca ngợi, tôn vinh sự hy sinh to lớn, sự giúp đỡ chí nghĩa, chí tình của Việt Nam, mà nhiều nhà nghiên cứu, chính trị gia trên thế giới cũng ca ngợi sự đóng góp to lớn của Việt Nam đối với Cam-pu-chia. Tờ Thời báo Can-bê-ra (Ô-xtrây-li-a) nhận định: “Ai cũng phải thừa nhận là việc Việt Nam vào Cam-pu-chia đã đem lại kết quả rõ ràng,… hành động đó được nhân dân Cam-pu-chia ở khắp nơi chào đón như là sự giải phóng cho họ. Và ai cũng thấy rõ ràng là sở dĩ từ trước đến nay Khơ-me Đỏ không thể trở lại được Phnôm Pênh chủ yếu là vì sự có mặt của Việt Nam”.

Có thể khẳng định, hoạt động của Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Cam-pu-chia lật đổ chế độ Pôn Pốt – Iêng-xa-ry, xây dựng và phát triển đất nước trong lịch sử là chủ trương đúng đắn, phù hợp với truyền thống, đạo lý, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái của dân tộc Việt Nam - sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó chính là điều kiện tiên quyết để hồi sinh đất nước Cam-pu-chia, bệ phóng vững chắc cho Cam-pu-chia vững bước tiến vào tương lai.

Thiếu tướng NGUYỄN HOÀNG NHIÊN, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam
_______________

1 - Cuối năm 1982, Bạn đã xây dựng được 02 binh đoàn, 02 sư đoàn, 12 tiểu đoàn binh chủng, 33 tiểu đoàn bộ đội tỉnh, 135 đại đội bộ đội huyện, 03 tiểu đoàn biên phòng, 13 trường đào tạo cán bộ sơ cấp và trung cấp với quân số 52.214 người (trong đó có 6.000 cán bộ), 128.000 dân quân, tự vệ xã, ấp, v.v.

2 - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam - 40 năm Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên gới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Cam-pu-chia đánh đổ chế độ diệt chủng (07-01-1979 – 07-01-2019), Nxb QĐND, H. 2018, tr. 50.

3 - Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 35 năm Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cùng quân dân Cam-pu-chia chiến thắng chế độ diệt chủng, ngày 05-01-2014.

4 - Phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Cam-pu-chia tại Lễ kỷ niệm 35 năm Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cùng quân dân Cam-pu-chia chiến thắng chế độ diệt chủng, ngày 05-01-2014.

5 - Phát biểu của Thủ tướng Hun Sen, ngày 21-6-2017, tại Bình Dương, nhân kỷ niệm 40 năm ngày Thủ tướng Hun Sen và đồng đội bắt đầu con đường cách mạng cứu đất nước Cam-pu-chia khỏi chế độ diệt chủng Pôn Pốt.

Ý kiến bạn đọc (0)

"Sự kiện Vịnh Bắc Bộ" năm 1964 và bài học Chiến thắng trận đầu của quân, dân miền Bắc
Ngày 05-8-1964, với việc dựng lên “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, đế quốc Mỹ đã phát động cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân, hòng đè bẹp ý chí chiến đấu của nhân dân Việt Nam. Song, chúng đã bị quân và dân miền Bắc giáng trả những đòn thích đáng, với những nét nghệ thuật đặc sắc.