Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam

QPTD -Thứ Năm, 15/08/2013, 15:46 (GMT+7)
Phát triển chiến tranh du kích trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược

Thất bại thảm hại ở Việt Bắc năm 1947, chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp bị phá sản, mất quyền chủ động trên chiến trường, chúng buộc phải chuyển sang đánh kéo dài, thực hiện cuộc chiến tranh tổng lực trên các lĩnh vực chính trị, quân sự và kinh tế. Thực hiện kế hoạch này, Bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương chủ trương: “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt”. Về quân sự, chúng sử dụng chiến thuật “Siết chặt”, “vết dầu loang”1 mở rộng phạm vi kiểm soát và thực hiện công thức: “cứ điểm nhỏ với đội ứng chiến nhỏ”2 bảo vệ các địa bàn, đường giao thông quan trọng, hình thành thế bao vây, chia cắt, ngăn chặn hoạt động của ta. Đồng thời, chúng ra sức càn quét các vùng tạm chiếm hòng phá hoại tổ chức chính trị, vũ trang của ta, vơ vét của cải, bắt lính, triệt tiêu nguồn cung cấp nhân lực, vật lực, làm cho ta suy yếu, tiến tới đánh đòn quyết định. Trước tình thế đó, Hội nghị Trung ương Đảng mở rộng họp từ ngày 15 đến ngày 17-01-1948 xác định phương châm kháng chiến: kiên quyết giành quyền chủ động chiến thuật, chiến dịch, tiến tới chủ động về chiến lược; các mặt trận, chiến trường phối hợp hoạt động thống nhất, chặt chẽ trên tất cả các lĩnh vực, lấy “du kích chiến tranh là căn bản, vận động chiến là phụ trợ” nhằm tiêu hao, tiêu diệt sinh lực, phá bỏ đồn, bốt, thu hẹp phạm vi chiếm đóng của địch. Đây là nét nổi bật về nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng trong thời kỳ này của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Phát động chiến tranh du kích là chủ trương đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chiến tranh du kích được nhiều nước phương Tây gọi là ghê-ri-la (đánh nhỏ). Theo cách gọi này, du kích được hiểu là những hoạt động quấy rối, phục kích, tập kích của nghĩa quân, kể cả của bộ đội chủ lực. Theo các nhà lý luận quân sự thế giới: Cờ-lau-dơ-vít, Mao Trạch Đông, Chu Đức..., chiến tranh du kích chỉ có thể tiến hành và giành thắng lợi ở những nước có không gian rộng, còn ở các nước có diện tích nhỏ, ít dân thì sẽ rất khó. Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, chiến tranh du kích là: “Dùng phương pháp đánh úp, hoặc đánh chớp nhoáng thiệt mau, làm cho quân địch hoảng khiếp, dao động, làm cho quân ta chiến thắng quân địch một cách dễ dàng”3. Người phân tích: mặc dù, quân xâm lược có quân đội chính quy được trang bị vũ khí hiện đại, nhưng vẫn có thể bị đánh bại. Vì, quân du kích được dân chúng ủng hộ, thông thuộc địa hình, khéo lợi dụng khí hậu, thời tiết để xây dựng kế hoạch, chủ động tiến công tiêu diệt địch. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện chiến tranh du kích của các nước: Liên Xô, Trung Quốc, Nam Tư... và chắt lọc lấy tinh hoa của họ, vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của Việt Nam; mặt khác, đi sâu nghiên cứu tư tưởng, quan điểm giữ nước của dân tộc, ông cha ta luôn phải “lấy đoản binh chế trường trận”, “nhỏ thắng lớn, ít địch nhiều”. Trên cơ sở đó, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng tạo ra “cách đánh du kích Việt Nam” hết sức độc đáo. Thực hiện chủ trương trên, Đảng ta đã phát động toàn dân, không phân biệt tầng lớp, giai cấp, già, trẻ, trai, gái, người không có súng và có súng, người không am hiểu quân sự cũng như am hiểu quân sự, chỉ cần có lòng yêu nước và không chịu sống cuộc đời nô lệ, đều có thể tham gia. Vì thế, chiến tranh du kích đã được phát triển rộng khắp, mạnh mẽ ở từng địa phương và trên phạm vi cả nước; tạo điều kiện, thời cơ cho các lực lượng chủ động tiến công tiêu hao, tiêu diệt địch ngay ở vùng tạm bị chiếm, thậm chí cả những nơi không có quân đội; tạo ra thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, liên hoàn, đánh địch ở khắp các chiến trường, ngay trong lòng địch. Đây thực sự là tấm lưới vô hình, giăng khắp mọi nơi, níu chặt lấy quân địch và làm cho một bộ phận lớn của chúng bị tiêu hao.

Từ kinh nghiệm chiến đấu của các địa phương trong những năm đầu kháng chiến, nhất là trong Chiến dịch Việt Bắc Thu Đông 1947, Trung ương Đảng đã kịp thời chỉ đạo bộ đội chủ lực phân tán thành các đại đội độc lập về các địa phương làm cơ sở cho việc xây dựng các tổ, đội du kích và dìu dắt lực lượng này chiến đấu... Bộ Tổng tư lệnh đề ra biện pháp chiến lược: phân tán khoảng một phần ba số đơn vị bộ đội chủ lực trong toàn quốc thành các đại đội độc lập, đội vũ trang tuyên truyền và tuyên truyền xung phong, tiến sâu vào vùng địch tạm chiếm để phát động và làm nòng cốt chiến tranh du kích ở các địa phương, nhằm tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, làm thất bại chiến lược bình định của chúng. Cuối năm 1948, từ Khu 4 trở ra đã có 103/299 đơn vị với đội ngũ cán bộ có nhiều kinh nghiệm, dày dạn trong phong trào quần chúng được điều về các địa phương làm nòng cốt xây dựng cơ sở chính trị, tổ chức các đội quân du kích chiến đấu. Các đại đội độc lập xác định rõ nhiệm vụ: đi cơ sở xây dựng, củng cố tổ chức và phát triển chiến tranh du kích, nên cán bộ, chiến sĩ đã không quản khó khăn, gian khổ, bí mật đi vào từng làng, xóm, phố, phường và thôn, bản; từng nhà dân, cả những gia đình có con em đang làm binh lính, tay sai cho địch để tuyên truyền đường lối kháng chiến, xây dựng niềm tin vào thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Nhờ đó, phong trào nổi dậy diệt tề, trừ gian, nhổ đồn bốt địch ở vùng tạm chiếm phát triển mạnh mẽ. Nhiều địa phương đã quét được bọn xâm lược, không còn tề ngụy, Việt gian, giành quyền làm chủ. Phong trào chiến tranh du kích phát triển ở khắp nơi, nhiều khu du kích, căn cứ du kích xuất hiện ngay trong lòng địch, tạo ra thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc, sẵn sàng làm chỗ đứng cho các tiểu đoàn tập trung không chỉ ở vùng giáp ranh mà ngay cả trong vùng địch kiểm soát.

Do thực dân Pháp đẩy mạnh càn quét, đánh chiếm, cô lập các vùng tự do, chia cắt chiến trường, mở rộng phạm vi chiếm đóng, nên nhiều địa phương chưa xác định được hình thức, biện pháp, thủ đoạn đấu tranh phù hợp, không ít cơ sở cách mạng, cán bộ nòng cốt của Đảng bị bắt, tàn sát phải tạm thời giải tán, rút vào hoạt động bí mật. Trong bối cảnh đó, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp các địa phương trên cả nước chủ động, tích cực đề ra nhiều hình thức, biện pháp nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, phát triển chiến tranh du kích, đánh địch bằng mọi thứ vũ khí, trong mọi lúc, mọi nơi, ngay ở địa phương mình. Thấu suốt đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện của Đảng, cấp ủy, chính quyền các cấp ở địa phương kiên quyết bám dân, bám đất, “một tấc không đi, một ly không rời”, tích cực xây dựng lực lượng, trang bị vũ khí, rèn luyện quần chúng, đánh địch tại chỗ để bảo vệ cơ sở chính trị, bảo vệ sản xuất; đồng thời, tích cực cung cấp nhân lực, vật lực cho cánh mạng. Tại khu vực Trị - Thiên, Phân khu ủy đã chỉ đạo các đại đội về đồng bằng bám dân, bám đất, động viên nhân dân tích cực tham gia các tổ chức Thanh niên, Phụ nữ, Thiếu niên,... rào làng chiến đấu. Một số đơn vị chủ lực của Khu ủy đã phối hợp với nhân dân và lực lượng vũ trang địa phương tiến hành xây dựng cơ sở, phát triển chiến tranh du kích và trực tiếp tham gia đánh địch, chống càn, bảo vệ nhân dân. Được sự chỉ đạo trực tiếp của Khu ủy, Trung đoàn 95 đã nhanh chóng thành lập một số đại đội đủ quân điều về các huyện Triệu Phong, Hải Lăng, Gio Linh, Vĩnh Linh. Riêng Tiểu đoàn 130 đứng chân ở Cam Lộ, có nhiệm vụ xây dựng lực lượng, phát động chiến tranh du kích dọc Đường số 9. Chỉ trong vòng 10 tháng, cán bộ, chiến sĩ các đại đội cùng cấp ủy, chính quyền địa phương đã khôi phục được nhiều cơ sở chính trị, xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang ở hầu hết các địa phương trên địa bàn, thậm chí còn thiết lập được nhiều “chiến khu” ngay trong căn cứ Hòa Mỹ, Quảng Trị và Quảng Bình; đồng thời, đẩy mạnh hoạt động, buộc địch phải thu hẹp phạm vi kiểm soát. Tại khu 3, Liên khu ủy 3 đã đề ra nhiệm vụ bám địa phương, xây dựng cơ sở chính trị và vũ trang từ thấp lên cao, phối hợp nhiều hình thức, kết hợp nhiều lực lượng (Vệ quốc đoàn, du kích tập trung, biệt động) để đánh địch. Đặc biệt, trên dọc Đường số 5, con đường huyết mạch, cung cấp vật chất, hậu cần, vũ khí đạn dược từ “Mẫu Quốc” cho quân viễn chinh, cấp ủy, chính quyền các địa phương đều chú trọng xây dựng các tiểu, tổ, đội du kích bám đất, bám làng, bám đường, vì thế không còn “làng trắng” du kích. Với nhiều biện pháp tích cực, chiến tranh du kích dọc đường 5 đã hoạt động trở lại. Nhiều trận đánh phá giao thông ở Đường số 5 lại liên tiếp diễn ra. Điển hình là du kích An Dương (Hải Phòng), Kim Thành, Cẩm Giàng (Hải Dương), Văn Lâm (Hưng Yên), Gia Lâm (Hà Nội)... Tại Hải Phòng, Hội nghị liên tỉnh ủy Hải Phòng - Kiến An họp cuối tháng 02-1948 đã ra Nghị quyết về Xây dựng căn cứ hậu phương và phát triển cơ sở ngay trong vùng địch kiểm soát. Ban cán sự nội thành được thành lập để thống nhất chỉ đạo phong trào kháng chiến ngay trong lòng địch, theo phương châm “phục hồi và phát triển cơ sở đi đôi với diệt tề, trừ gian”; các tổ, đội công tác hướng vào các xí nghiệp, các xóm lao động để gây dựng và phát triển phong trào cách mạng. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhiều vùng tự do ven thành phố Hải Phòng, nhất là ở Tiên Lãng, phong trào xây dựng làng, xã chiến đấu, chống địch càn quét diễn ra ngày càng sôi động, hiệu quả.

Tại vùng châu thổ Sông Hồng (địa bàn đông dân, nơi sản xuất ra nhiều lúa, gạo, nguồn cung cấp nhân lực, vật lực dồi dào), thực dân Pháp đã tập trung lực lượng lớn để càn quét, giành giật với ta. Cấp ủy và chính quyền các địa phương đã cùng với cán bộ, chiến sĩ các đại đội độc lập phát động nhân dân xây dựng làng, xã chiến đấu, tạo thế cài răng lược, đánh bại nhiều cuộc càn quét của địch. Phong trào chống càn đã diễn ra quyết liệt giữa ta và địch để giành, giữ dân, giữ đất. Mô hình làng bảo vệ làng, xã bảo vệ xã và cụm làng xã chiến đấu tiêu biểu, như: Vật Lại (Sơn Tây), Đình Bảng (Bắc Ninh), Hùng Thắng (Kiến An), làng Nguyễn (Thái Bình) được nhân rộng, góp phần thiết thực phá âm mưu càn quét, bình định của địch, biến hậu phương địch thành tiền phương ta. Đặc biệt, ngay trong lòng Hà Nội, thủ phủ của quân viễn chinh Pháp, Ban Thường vụ Thành ủy cũng đã chỉ đạo xây dựng Ban chỉ huy mặt trận, các đơn vị biệt động, dân quân du kích, đại đội địa phương, Ban địch vận các cấp... Các tổ chức trên đã thu hút gần 30.000 người thuộc các tầng lớp: công nhân, dân nghèo, học sinh, sinh viên, tiểu thương, tiểu chủ và nhân sĩ, trí thức yêu nước... tham gia. Nhiều cán bộ từ ngoài vùng tự do được điều về làm cán bộ nòng cốt bám đường, bám phố, bám dân. Theo đó, Thủ đô Hà Nội đã nhanh chóng trở thành chiến trường có lợi, giúp ta chủ động tiến công tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, đánh phá cơ sở kinh tế, chính trị, quân sự, làm cho địch bị động, lúng túng đối phó, nhiều ngụy quân bỏ hàng ngũ về với cách mạng.

Tuy ở cách xa Trung ương, nhưng Nam Bộ vẫn được sự chỉ đạo kịp thời của Đảng và Bộ Tổng chỉ huy. Quân dân Nam Bộ đã giải quyết được nhiều vấn đề mấu chốt: xây dựng được một số “đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”. Nơi đây không còn là hậu phương an toàn của quân viễn chinh Pháp. Chiến công trên đã được Bộ Tổng chỉ huy khái quát “từ không có rừng núi hiểm trở mà tạo nên rừng người, núi người, xây dựng căn cứ chiến đấu lâu dài”4.

Đến năm 1949, sau một năm thực hiện chủ trương của Đảng về phát động chiến tranh du kích, biến hậu phương địch thành tiền phương ta đã làm thay đổi cục diện chiến trường, tạo ra thế cài răng lược giữa ta và địch. Nhiều nơi trước đây vắng tiếng súng, như vùng hẻo lánh ở Tây Bắc, Đông Bắc, nay đã không còn là phía sau an toàn của địch. Đánh giá thắng lợi to lớn này, Báo cáo quân sự tại Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ sáu (tháng 01-1949) khẳng định: “Trong năm 1948, mặc dù địch đã chuyển hướng chiến lược, chúng đã thất bại khá nặng trong việc thực hiện chiến lược mới”5; “Biến hậu phương của địch thành tiền phương của ta, đó là thành công lớn nhất của ta trong năm 1948”6. Bài học về phát triển Chiến tranh du kích trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (nhất là trong năm 1948) cần tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng vào chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc trong tương lai.

Đại tá PHẠM HỮU THẮNG
_____________

1, 2 - Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1945 – 1954, Tập III, Nxb QĐND, H. 1989, tr. 23.

3 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 3, Nxb CTQG, H. 1995, tr. 249.

4 - Huấn lệnh của Bộ Tổng chỉ huy đối với Nam Bộ - Lịch sử chiến thuật phục kích (1945-1975), Nxb QĐND, H. 1997, tr. 38.

5, 6 - Báo cáo quân sự tại Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ sáu (01-1949).

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào
Ngày 30/10/1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định thành lập Quân tình nguyện tại Lào, đánh dấu sự phát triển mới của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào; đồng thời, khẳng định đường lối, quan điểm đúng đắn của Đảng ta trong thực hiện nghĩa vụ quốc tế.