Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam

QPTD -Thứ Hai, 20/11/2017, 08:31 (GMT+7)
Phát huy sức mạnh tổng hợp để giành thắng lợi trong trận tiến công giải phóng quận lỵ Long Thành (4-1975)

Trận tiến công giải phóng quận lỵ Long Thành (4-1975) do Sư đoàn 325 tiến hành trong Chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra hết sức ác liệt, do địch co cụm phòng ngự với quân số đông, hỏa lực mạnh. Tuy nhiên, nhờ phát huy được sức mạnh tổng hợp của các yếu tố, các lực lượng, nên Sư đoàn 325 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, phá vỡ khu vực trọng yếu trên tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch, đưa lực lượng vào tiến công giải phóng Sài Gòn.

Sau khi thất bại ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên, quân ngụy co về lập tuyến phòng thủ bảo vệ Sài Gòn, trong đó có tuyến Long Thành, Nhơn Trạch, Long Bình, nhằm ngăn chặn quân ta tiến công từ hướng Đông Nam và Đông Bắc vào thủ phủ Sài Gòn. Lực lượng địch ở Long Thành gồm: Liên đoàn bảo an 933, Lữ đoàn 468 thủy quân lục chiến, Tiểu đoàn pháo binh 105 ly,… quá trình phòng ngự được không quân, pháo binh chi viện hỏa lực.

Về ta, Sư đoàn 325 nằm trong đội hình của Quân đoàn 2, sau khi cùng đơn vị bạn và lực lượng vũ trang địa phương giải phóng Huế, Đà Nẵng, Phan Rang, Phan Thiết,… đến ngày 20-4-1975 có mặt tập kết tại khu vực Đồn điền Ông Quế (tỉnh Đồng Nai). Ngày 23-4-1975, Sư đoàn được Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 giao đảm nhiệm tiến công trên hướng cánh trái (hướng vu hồi) của Quân đoàn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Nhiệm vụ trước mắt: tiến công tiêu diệt địch trên khu vực tả ngạn sông Đồng Nai, giải phóng Bình Sơn, quận lỵ Long Thành, chi khu quân sự Nhơn Trạch, Thành Tuy Hạ, đưa trận địa pháo binh của Quân đoàn vào Nhơn Trạch để khống chế sân bay Tân Sơn Nhất. Nhiệm vụ tiếp theo: vượt sông Đồng Nai đánh chiếm căn cứ Hải quân Cát Lái, phát triển tiến công vu hồi chiến dịch trên hướng Đông vào Quận 9, Quận 4, hợp điểm tại Dinh Độc Lập. Trong đó, Trung đoàn 101 đảm nhiệm hướng tiến công chủ yếu vào khu vực quận lỵ Long Thành.

Trận tiến công giải phóng quận lỵ Long Thành diễn ra từ ngày 26 đến ngày 28-4-1975. Do quân địch đông, từ các nơi khác dồn về co cụm trong công sự, trận địa chuẩn bị trước, được không quân, pháo binh chi viện đắc lực nên trận đánh diễn ra hết sức ác liệt. Đặc biệt là, chúng liên tục tổ chức phản kích, gây nhiều khó khăn, tổn thất cho ta. Trong điều kiện đó, lãnh đạo, chỉ huy Sư đoàn đã phát huy cao độ các yếu tố, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, tạo thành sức mạnh tổng hợp tiến công địch. Kết quả, ta tiêu diệt 450 tên địch, bắt sống gần 500 tên, có gần 1.000 tên tự tan rã, phá hủy 02 trận địa pháo, thu 10 khẩu pháo 105 ly và nhiều vũ khí, trang bị quân dụng. Trận đánh đã phá vỡ khu vực trọng yếu trên tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch, mở đường đưa lực lượng của Sư đoàn vượt sông đánh sang căn cứ Hải quân Cát Lái, tiến về Sài Gòn; đồng thời, bảo vệ hành lang cánh trái, tạo điều kiện cho Sư đoàn 304 và các đơn vị tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh đẩy nhanh tốc độ tiến công địch.

Quang cảnh buổi Hội thảo khoa học “Trận tiến công giải phóng quận lỵ
Long Thành năm 1975 - Giá trị lịch sử”
. (Ảnh: qdnd.vn)

Để có được kết quả đó là do nhiều yếu tố; trong đó, yếu tố quyết định là sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh, mà trực tiếp là Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2, trong thế trận tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam. Nét đặc sắc là, Sư đoàn đã phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của các yếu tố, các lực lượng tham gia trận đánh, tạo sức mạnh hơn hẳn địch để giành thắng lợi; được thể hiện ở một số yếu tố cơ bản sau:

1. Phát huy sức mạnh chính trị - tinh thần, ý chí chiến đấu dũng cảm, kiên cường, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn. Trong giai đoạn chuẩn bị chiến đấu, Đảng ủy, Chỉ huy Sư đoàn đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp quán triệt tình hình, nhiệm vụ để bộ đội thấy rõ khí thế tiến công như vũ bão của quân và dân ta; địch đang ở vào thế lâm nguy, không thể tránh khỏi thất bại hoàn toàn. Qua đó, giáo dục, động viên bộ đội nêu cao tinh thần, ý chí quyết tâm chiến đấu, kiên quyết, liên tục tiến công để giành thắng lợi. Mặc dù địch ở vào thế bị động, nguy cơ thất bại hoàn toàn, nhưng dựa vào quân số đông, hệ thống công sự, trận địa chuẩn bị trước và hỏa lực không quân, pháo binh chi viện nên chúng ngoan cố chống trả, gây nhiều khó khăn cho ta, trận đánh trở nên vô cùng ác liệt. Trước tình hình đó, đội ngũ cán bộ, đảng viên đã phát huy tốt vai trò, động viên bộ đội chiến đấu và thực sự là những tấm gương tiêu biểu, xông pha vào nơi ác liệt, nguy hiểm nhất. Trong trận đánh, 195 đồng chí đã hy sinh anh dũng; trong đó, có nhiều cán bộ, như: Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Ánh Dương, Chính trị viên tiểu đoàn Nguyễn Văn Đà, v.v. Những tấm gương đó đã trực tiếp động viên tinh thần, quyết tâm chiến đấu của bộ đội.

Sức mạnh chính trị tinh thần, ý chí quyết tâm đó là kết tinh của truyền thống anh hùng trong lịch sử hàng nghìn năm chống ngoại xâm của dân tộc; kết tinh từ đường lối chính trị, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và khát vọng cháy bỏng của mỗi cán bộ, chiến sĩ về thực hiện mục tiêu giải phóng dân tộc, hòa bình, thống nhất đất nước. Những yếu tố đó được Sư đoàn phát huy cao độ, tạo thành sức mạnh tổng hợp để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

2. Phát huy sức mạnh hiệp đồng binh chủng trong suốt quá trình chiến đấu. Trận tiến công giải phóng quận lỵ Long Thành là trận chiến đấu hiệp đồng binh chủng với sự tham gia của các trung đoàn bộ binh: 101, 18, 46, Trung đoàn pháo binh 84 và các đơn vị trực thuộc; được Quân đoàn tăng cường 01 tiểu đoàn pháo binh, 01 tiểu đoàn pháo phòng không, 01 đại đội xe tăng, v.v. Vì thế, Sư đoàn đặc biệt quan tâm tổ chức hiệp đồng tác chiến, bảo đảm phát huy được sức mạnh của các lực lượng tham gia trận đánh. Mặt khác, nằm trong đội hình chiến đấu của Quân đoàn 2 và Chiến dịch Hồ Chí Minh nên kế hoạch hiệp đồng của Sư đoàn còn phải phù hợp với kế hoạch chung của các hướng khác trong Quân đoàn và trong Chiến dịch, bảo đảm không để ảnh hưởng đến tiến độ chung.

Chiến dịch Hồ Chí Minh chính thức mở màn vào lúc 17 giờ ngày 26-4-1975, bằng hỏa lực chuẩn bị của hàng trăm khẩu pháo bắn vào các mục tiêu đã xác định. Cùng với các cánh quân khác, theo kế hoạch hiệp đồng, pháo 130, 122, 105, hỏa tiễn, pháo cối,… của Quân đoàn 2 và Sư đoàn 325 cũng đồng thời tiến hành hỏa lực chuẩn bị dồn dập vào các mục tiêu ở quận lỵ Long Thành, chi khu Nhơn Trạch, Bình Sơn, v.v. Sau hỏa lực chuẩn bị, lực lượng xe tăng và bộ binh trên các hướng đồng loạt tiến công tiêu diệt địch. Trận đánh quận lỵ Long Thành diễn ra căng thẳng, ác liệt, do địch cố thủ trong công sự, trận địa chuẩn bị trước. Sư đoàn đã điều chỉnh lực lượng, sử dụng Trung đoàn 18 và Trung đoàn 46 tiến công mạnh vào các mục tiêu bên sườn hướng chủ yếu; đồng thời, điều xe tăng từ hướng Phú Mỹ cơ động theo trục đường 15 về tăng cường sức tiến công và hiệp đồng với pháo binh để tiến công lần lượt từng mục tiêu, hạn chế thương vong cho bộ đội ta, v.v. Do tổ chức hiệp đồng binh chủng chặt chẽ, nên Sư đoàn đã phát huy được sức mạnh chiến đấu của các lực lượng tham gia để giành thắng lợi.

3. Phát huy sức mạnh của sự phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị bộ đội chủ lực với lực lượng vũ trang địa phương và nhân dân huyện Long Thành. Trong quá trình trận đánh, cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện Long Thành đã ủng hộ các đơn vị của Sư đoàn 128 tấn gạo và nhiều loại thuốc men y tế. Các đơn vị du kích và hơn 100 dân công đã chung sức cùng bộ đội Sư đoàn sửa chữa đường số 10 và 15B, đào hầm hào, xây dựng trận địa pháo binh, dẫn đường cho trinh sát của Sư đoàn điều tra, nghiên cứu từng vị trí đóng quân của địch, v.v. Trong chiến đấu, khi Trung đoàn 101 nổ súng tiến công địch ở khu vực quận lỵ Long Thành thì Đại đội bộ đội Cao su, Đại đội bộ đội huyện Long Thành, du kích các xã Phước Nguyên, An Lợi, Tam An,… cũng phối hợp tiến công địch, bao vây trụ sở tề, truy lùng ác ôn, kêu gọi binh lính địch đầu hàng. Trên hướng đường số 25, du kích xã Phước Thiền nổ súng tiến công đồn Bến Cam; Tiểu đoàn 240 địa phương Biên Hòa phối hợp với Trung đoàn 46 tiến công chi khu Nhơn Trạch, v.v. Đặc biệt, sau khi giải phóng Long Thành, cấp ủy, chính quyền địa phương đã huy động nhân dân dùng hàng trăm tàu, thuyền chở bộ đội vượt sông Đồng Nai để đánh chiếm căn cứ Hải quân Cát Lái. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị của Sư đoàn 325 với lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương đã làm cho quân địch trong vòng vây của ta, bị chia rẽ, cô lập, bị tiến công ở mọi nơi, mọi thời điểm, dẫn tới thất bại hoàn toàn.

Trận tiến công giải phóng quận lỵ Long Thành trong Chiến dịch Hồ Chí Minh đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý, trong đó có bài học sâu sắc về tạo sức mạnh tổng hợp để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao. Đó là sức mạnh về chính trị - tinh thần, ý chí quyết tâm, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 325; sức mạnh của hiệp đồng binh chủng và sức mạnh của chiến tranh nhân dân.

Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc của quân và dân ta hiện nay có sự phát triển, song bài học về phát huy sức mạnh tổng hợp của trận tiến công giải phóng quận lỵ Long Thành trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 vẫn còn nguyên giá trị. Noi gương cha anh, thế hệ cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn cần tiếp tục xây dựng bản lĩnh chính trị, ý chí chiến đấu, huấn luyện, rèn luyện nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật, làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Đại tá ĐINH DUY NGUYÊN, Nguyên Bí thư Đảng ủy Sư đoàn 325

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào
Ngày 30/10/1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định thành lập Quân tình nguyện tại Lào, đánh dấu sự phát triển mới của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào; đồng thời, khẳng định đường lối, quan điểm đúng đắn của Đảng ta trong thực hiện nghĩa vụ quốc tế.