Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam

QPTD -Thứ Hai, 25/04/2016, 08:40 (GMT+7)
Nhân tố quyết định thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã lùi xa hơn 40 năm, nhưng ý nghĩa, bài học kinh nghiệm và những nhân tố quyết định thắng lợi vĩ đại đó vẫn còn nguyên giá trị. Vì thế, khắc họa các nhân tố này, nhằm tiếp tục phát huy vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới là hết sức cần thiết.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là sự kiện vĩ đại nhất trong lịch sử chống giặc ngoại xâm, giành lại độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XX. Đây là cuộc đụng đầu lịch sử giữa Việt Nam - một nước nhỏ, đất không rộng, người không đông, kinh tế nghèo nàn lạc hậu với Mỹ - một đế quốc có tiềm lực kinh tế, quân sự đứng hàng đầu thế giới tư bản. Trải qua 21 năm (1954-1975) kháng chiến đầy gian khổ, hy sinh, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, giành thắng lợi từng bước, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn vào mùa Xuân 1975 lịch sử. Từ thực tế lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cho thấy, thành quả cách mạng ấy là tổng hợp của một loạt nhân tố; trong đó, nổi lên một số nhân tố cơ bản sau:

Trước hết, đường lối chính trị, quân sự và phương hướng tiến hành chiến tranh cách mạng đúng đắn, sáng tạo của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình các mặt, nhất là tình hình trong nước và bối cảnh quốc tế, Đảng ta đã vạch ra đường lối tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng: cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc; giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đảng cũng sớm khẳng định: vì giải phóng miền Nam, phải bảo vệ và xây dựng miền Bắc, và để bảo vệ, xây dựng miền Bắc, phải đánh thắng giặc Mỹ ở miền Nam; hai nhiệm vụ đó kết hợp chặt chẽ với nhau trên phạm vi chiến lược, nhằm một mục tiêu chung là hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, thực hiện thống nhất nước nhà. Đây là đặc điểm lớn nhất và cũng là nét độc đáo của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước. Theo đó, cùng với xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa vững mạnh, giữ vai trò là hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn, Đảng ta hết sức coi trọng việc xây dựng, phát triển lực lượng và trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh cách mạng miền Nam.

Với đường lối chiến lược đúng đắn, sáng tạo đó và trên cơ sở thực tiễn của cách mạng miền Nam, Đảng ta đã kịp thời định ra đường lối lãnh đạo phù hợp với từng giai đoạn cách mạng, đảm bảo cho cuộc chiến đấu của toàn quân và toàn dân ta trên khắp hai miền giành thắng lợi ngày càng to lớn và toàn diện. Đó chính là việc thực hiện Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 15 (khóa II) và Nghị quyết Đại hội lần thứ III (năm 1960) của Đảng, cách mạng miền Nam chuyển từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công. Kết quả là ta đã làm thất bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ. Nghị quyết Trung ương lần thứ 14 (khóa III) đã chỉ đạo thành công cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, làm phá sản chiến lược "Chiến tranh cục bộ" của chúng. Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng năm 1973 đã chỉ đạo cuộc phản công chiến lược giành thắng lợi. Đặc biệt, Hội nghị Bộ Chính trị, tháng 10-1974 và đầu năm 1975 đã kịp thời đánh giá đúng so sánh lực lượng giữa địch và ta, vạch rõ sự xuất hiện của thời cơ lịch sử, thông qua kế hoạch và hạ quyết tâm chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam. Thực hiện quyết tâm đó, quân và dân ta đã thực hành Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 toàn thắng.

Như vậy, sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng, đã tạo nên sức mạnh tổng hợp cực kỳ to lớn để nhân dân ta đánh thắng đế quốc Mỹ và đồng minh của chúng với lực lượng lớn, được trang bị vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại.

Hai là, tiến hành chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, tạo sức mạnh tổng hợp giành thắng lợi. Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trước một đối tượng có sức mạnh và tiềm lực kinh tế, quân sự hơn ta đến nhiều lần, Đảng ta xác định rõ đường lối tiến hành chiến tranh nhân dân, đồng thời vạch ra phương châm, phương thức tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân, đảm bảo cho quân và dân ta càng đánh càng mạnh, lực lượng ngày càng phát triển, tạo và giữ vững thế chủ động chiến lược, thúc đẩy cuộc kháng chiến tiến lên những bước vững chắc và đi tới thắng lợi hoàn toàn.

Thực tiễn đấu tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam từ phong trào Đồng Khởi (1959 - 1960) và qua giai đoạn đấu tranh với các chiến lược chiến tranh của Mỹ đã khẳng định tính đúng đắn của phương thức kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang; thực hiện phương châm “hai chân, ba mũi, ba vùng”; kết hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa đấu tranh chính trị, đấu tranh quân sự, binh vận và đấu tranh ngoại giao. Sự kết hợp và thống nhất giữa các mặt đấu tranh đã nhân sức mạnh của dân tộc ta lên gấp bội, tạo ra thế chủ động chiến lược để triển khai thế trận “thiên la địa võng” của chiến tranh nhân dân, làm cho Mỹ và đồng minh của chúng luôn ở trong vòng vây của cách mạng, bị chia rẽ, cô lập, bị tiến công ở mọi nơi, bất cứ lúc nào, dẫn đến mất lòng tin vào mục tiêu của cuộc chiến tranh, đi dần tới thất bại.

Nét độc đáo trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng còn được thể hiện ở chỗ, cùng với tiến hành cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, buộc địch phải căng kéo, đối phó, Đảng ta coi trọng tập trung sức mạnh ở những trọng điểm bằng các đòn tiến công quân sự để đánh bại kẻ thù. Thực tiễn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã minh chứng: phải có tiến công quân sự và chỉ có thắng lợi quân sự mới tiêu diệt và làm tan rã được quân đội - “xương sống” của chiến tranh xâm lược, đánh bại được ý chí xâm lược của Mỹ, thúc đẩy làn sóng phản đối cuộc chiến tranh xâm lược, đòi rút quân Mỹ và chấm dứt cuộc chiến tranh phi nghĩa chống lại nhân dân Việt Nam của nhân dân Mỹ và thế giới lên cao.

Chính nhờ đòn tiến công quân sự của lực lượng vũ trang đã bẻ gãy các cuộc tiến công, phản công, đánh bại các chiến lược chiến tranh mà Mỹ tiến hành ở Việt Nam; đồng thời, thúc đẩy đấu tranh chính trị, tạo thế cho đấu tranh ngoại giao, tạo đà cho mặt trận thống nhất chống Mỹ. Do vậy, chiến tranh nhân dân được thể hiện bằng sự kết hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các mặt đấu tranh, trong đó đấu tranh quân sự giữ vai trò then chốt, tạo ra sức mạnh tổng hợp để giành chiến thắng trong cuộc đụng đầu với đế quốc Mỹ.

Cùng với chiến tranh nhân dân Việt Nam, liên minh chiến đấu ba nước Đông Dương (Việt Nam – Lào – Cam-pu-chia) cũng góp phần tạo ra sức mạnh tổng hợp làm nên thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Ba là, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa hậu phương chiến lược với hậu phương tại chỗ, giữa hậu phương trong nước với hậu phương quốc tế.

Thanh niên Hà Nội hăng hái ghi tên tham gia phong trào "Ba sẵn sàng". (Ảnh: tư liệu)

Tiến hành cuộc kháng chiến trong điều kiện lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều, đòi hỏi quân và dân ta phải biết đánh bại từng bộ phận, giành thắng lợi từng bước, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Trong quá trình ấy, Đảng ta đặc biệt coi trọng vai trò của hậu phương, bao gồm: hậu phương chiến lược miền Bắc và hậu phương trực tiếp ở miền Nam; trong đó, hậu phương chiến lược miền Bắc giữ vai trò quyết định. Trong suốt 16 năm (1959 - 1975), miền Bắc cùng một lúc phải thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược. Đặc biệt, từ năm 1965, khi Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khẳng định: chống Mỹ, cứu nước là nhiệm vụ hàng đầu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, thì miền Bắc đã phát huy tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, tạo nên sức mạnh to lớn, bảo đảm cho hậu phương lớn vừa xây dựng, vừa chiến đấu để tự bảo vệ một cách vững chắc, đồng thời động viên ngày càng nhiều sức người, sức của, chi viện cho miền Nam đánh Mỹ.

Cùng với đó là sự hình thành và phát triển của hậu phương tại chỗ luôn gắn bó chặt chẽ với sự lớn mạnh của cách mạng miền Nam. Sức sống của hậu phương lớn đó còn được nhân lên gấp bội khi được kết hợp với hậu phương chiến lược miền Bắc. Do đó, lực lượng quân sự, chính trị, các cơ sở cách mạng bí mật, khu du kích, làng chiến đấu,… được xây dựng và không ngừng mở rộng trên khắp ba vùng chiến lược. Đây chính là điều kiện để triển khai thế trận chiến tranh nhân dân, thực hành chiến lược tiến công rộng khắp, giữ vững quyền chủ động, thu hẹp hậu phương của chúng, tạo thế cài răng lược giữa ta và địch. Nhờ gắn kết và giải quyết đúng đắn, hài hòa mối quan hệ giữa hậu phương chiến lược của cả nước với hậu phương tại chỗ; duy trì, giữ vững mạch máu vận chuyển, đặc biệt là sự lớn mạnh không ngừng của miền Bắc đã tác động, thúc đẩy cách mạng miền Nam phát triển, tiến lên từng bước vững chắc. Ngược lại, mỗi thắng lợi của cách mạng miền Nam góp phần bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, tăng thêm niềm tin tưởng, động viên quân và dân miền Bắc vượt qua gian khổ, hy sinh, nỗ lực vượt bậc, “mỗi người làm việc bằng hai”, vì miền Nam ruột thịt, vì sự nghiệp thống nhất nước nhà.

Bên cạnh hậu phương trong nước, nhân dân ta còn có hậu phương là Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa, giúp đỡ cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta. Với tinh thần quốc tế vô sản, Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa, cùng với phong trào nhân dân tiến bộ trên thế giới đã dành cho sự nghiệp kháng chiến của nhân dân Việt Nam sự giúp đỡ toàn diện, to lớn và quý báu, chí nghĩa, chí tình về tinh thần và vật chất với hàng triệu tấn hàng hóa, hàng trăm nghìn tấn vũ khí, trang bị - kỹ thuật quân sự. Sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn, hiệu quả đó đã tạo ra sức mạnh của thời đại, cùng với sức mạnh của dân tộc, tạo thành sức mạnh tổng hợp to lớn, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đến thắng lợi hoàn toàn.

Hơn 40 năm đã trôi qua, nhưng những nhân tố quyết định thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vẫn không hề cũ. Đây là kinh nghiệm quý báu, cần tiếp tục được nghiên cứu, tổng kết để vận dụng vào thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đại tá, TS. NGUYỄN CÔNG THỤC, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào
Ngày 30/10/1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định thành lập Quân tình nguyện tại Lào, đánh dấu sự phát triển mới của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào; đồng thời, khẳng định đường lối, quan điểm đúng đắn của Đảng ta trong thực hiện nghĩa vụ quốc tế.