Thứ Bảy, 23/11/2024, 16:10 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam
Cách đây 65 năm, với mục đích nghi binh, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ chuyển hóa thế trận, ta đã mở Chiến dịch Thượng Lào (từ 29-01 đến 13-02-1954) và giành thắng lợi to lớn. Chiến dịch thể hiện nét đặc sắc về nghệ thuật nghi binh chiến lược, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, đến nay vẫn còn nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn.
Đầu năm 1954, dưới sự chỉ huy của tướng Na-va, quân Pháp đã tăng cường lực lượng, phương tiện, xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhằm quyết chiến với quân chủ lực của ta. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của Chiến dịch Điện Biên Phủ, nhất là khi chuyển phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, ngày 26-01-1954, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định sử dụng Đại đoàn 308 mở Chiến dịch Thượng Lào. Mục đích là nhằm tiêu diệt, phá vỡ hành lang bảo vệ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, nghi binh, phân tán lực lượng cơ động chiến lược của thực dân Pháp, cô lập quân Pháp ở nơi đây, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị tham gia Chiến dịch đưa lực lượng, phương tiện trở lại khu vực tập kết an toàn, chuẩn bị mọi mặt thực hiện phương châm tác chiến mới; đồng thời, giúp bạn Lào mở rộng vùng giải phóng. Nhìn nhận một cách toàn diện, Chiến dịch Thượng Lào năm 1954 được xem như đợt hoạt động tác chiến, tuy quy mô không lớn, tiến hành trong thời gian ngắn, nhưng mang tầm chiến lược. Trong Chiến dịch này, ta đã giải quyết thành công nhiều vấn đề trong tổ chức, thực hành chiến dịch, đạt được mục tiêu của cả chiến lược và chiến dịch, để lại nhiều bài học quý.
Một là, lựa chọn chính xác khu vực, mục tiêu tiến công để nghi binh. Xét về mặt lý luận, khu vực, mục tiêu được lựa chọn để tiến công nghi binh, thu hút địch thường là những địa bàn chiến lược, mục tiêu phòng ngự, phòng thủ trọng yếu của địch. Nếu mục tiêu được lựa chọn chính xác, khi ta tổ chức tiến công sẽ thu hút được sự tập trung, chú ý mạnh của địch và buộc chúng phải có những phản ứng quyết liệt để bảo vệ. Ngược lại, lựa chọn mục tiêu không chính xác hoặc không đúng, sẽ không thu hút được sự quan tâm, chú ý của địch và chúng ta sẽ không đạt được mục đích đề ra. Trong Chiến dịch Thượng Lào, Tổng Quân ủy đã lựa chọn mục tiêu tiến công để nghi binh, thu hút địch là “Phòng tuyến sông Nậm Hu”. Sự lựa chọn đó là hoàn toàn chính xác, bởi phòng tuyến này bao gồm một loạt cứ điểm quan trọng của quân Pháp, được xây dựng dọc theo sông Nậm Hu, kéo dài từ Pắc U qua Mường Ngòi đến Mường Khoa, để bảo vệ Thượng Lào. Hơn nữa, khu vực này có khoảng cách khá gần với Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, nên được xem như một hậu phương chiến lược của địch, nơi có thể sẵn sàng cơ động chi viện lực lượng, phương tiện ứng cứu, giải tỏa cho Điện Biên Phủ; đồng thời, là hành lang quan trọng đề phòng tình huống bất trắc khi bị thất thế, quân Pháp có đường rút lui chiến lược về Luông Pha Băng. Nếu để mất khu vực này, quân Pháp sẽ gặp nhiều bất lợi, vì ngoài việc bị cô lập, Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ sẽ phải đối mặt trực tiếp với nguy cơ thất thủ ở đây là rất cao. Vì vậy, tổ chức tiến công Thượng Lào sẽ thu hút sự quan tâm lớn của địch, buộc chúng phải căng kéo lực lượng để bảo vệ. Và thực tế diễn ra đúng như dự kiến của ta, khi Đại đoàn 308 tiến công vào “Phòng tuyến sông Nậm Hu”, ngay lập tức quân Pháp trên toàn chiến trường đã tập trung cao độ sự chú ý về hướng Thượng Lào, làm tăng thêm sự phán đoán sai lầm của địch, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị của ta ở Điện Biên Phủ cơ động lực lượng, phương tiện ra khu tập kết an toàn.
Hai là, sử dụng lực lượng khoa học, hợp lý. Trong điều kiện chiến trường xa, gặp nhiều khó khăn về công tác bảo đảm hậu cần, nhất là về quân nhu, quân y và trên cơ sở đánh giá tình hình địch, Bộ Tổng Tư lệnh đã chỉ đạo tổ chức chiến dịch quy mô nhỏ. Theo đó, Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã quyết định sử dụng toàn bộ lực lượng Đại đoàn 308 phối hợp với một số đơn vị bộ đội Pa-thét Lào tiến hành Chiến dịch. Đây là một quyết định sáng suốt, thể hiện rõ sự quán triệt, chấp hành phương châm “đánh chắc thắng”, phù hợp với nguyên tắc sử dụng lực lượng trong điều kiện ta tác chiến tiến công, địch phòng ngự. Trong Chiến dịch này, quân địch ở “Phòng tuyến sông Nậm Hu” có 06 tiểu đoàn, trong khi Đại đoàn 308 sử dụng toàn bộ lực lượng, gồm: 03 trung đoàn (102, 88, 36), Tiểu đoàn Phòng không, Tiểu đoàn Cối 102mm và một số đơn vị trực thuộc khác. Mặc dù quân địch có hỏa lực mạnh, bố trí phòng ngự trong công sự kiên cố, vững chắc, nhưng khi biết Đại đoàn 308 sử dụng toàn bộ lực lượng để tiến công, một số bộ phận quân địch đã hoang mang, rút chạy. Điều này đã thu hút được sự quan tâm, chú ý mạnh mẽ của toàn bộ quân Pháp trên chiến trường hướng về Thượng Lào.
Trên hướng Mường Khoa - Mường Sài, do căn cứ của địch bố trí có khoảng cách xa nhau, nhiều sơ hở, mỏng yếu, cùng với việc một số bộ phận của chúng do hoảng loạn, tự rút chạy, lực lượng bộc lộ ngoài công sự,… tạo thời cơ thuận lợi để Đại đoàn 308 sử dụng Trung đoàn 102 triển khai tiến công, truy kích tiêu diệt địch. Cụ thể, Đại đoàn đã sử dụng lực lượng quân báo phối hợp với một số đơn vị cấp đại đội thuộc các tiểu đoàn của Trung đoàn 102 và một đại đội thuộc Tiểu đoàn 920 (Quân đội Pa-thét Lào) nhanh chóng tìm đường cơ động vòng vượt lên phía trước để bao vây, chặn địch rút chạy. Lực lượng chủ yếu còn lại của Trung đoàn 102, hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng vũ trang tại chỗ của Lào tổ chức bao vây, chia cắt, hình thành nhiều hướng, mũi tiến công, truy kích địch rút chạy và vận động tiến công tiêu diệt địch tạm dừng ở khu vực Mường Khoa - Mường Sài.
Ở hướng Nậm Bạc - Luông Pha Băng, do địa hình rừng núi hiểm trở, phức tạp, lại có Sở Chỉ huy quân Pháp, Chiến dịch đã sử dụng tập trung lực lượng 02 trung đoàn (88 và 36) kết hợp với lực lượng vũ trang địa phương của Bạn để tiến công, truy kích tiêu diệt địch. Trong suốt quá trình tác chiến Chiến dịch, Tiểu đoàn Phòng không, Tiểu đoàn Cối 102mm cùng một số đại đội trực thuộc được sử dụng làm lực lượng hỏa lực chi viện chung, hiệp đồng chặt chẽ với các tiểu đoàn, trung đoàn trên từng hướng, mũi, vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu, như: tiến công, vận động tiến công, bao vây, chia cắt, truy kích tiêu diệt địch giành thắng lợi. Do Chiến dịch tổ chức sử dụng lực lượng hợp lý, nên trong quá trình tác chiến, các lực lượng đã phát huy tối đa sức mạnh sở trường, phối hợp tác chiến nhịp nhàng, các hướng, mũi phát triển chiến đấu tương đối đồng đều, thuận lợi. Kết quả, chỉ trong một thời gian ngắn, quân địch trên cả hai hướng Chiến dịch đều bị thiệt hại nặng nề1, buộc phải điều động Tiểu đoàn cơ động số 01 Ngụy Thái từ Mường Sài, lập cầu hàng không, tăng cường lực lượng cơ động từ Điện Biên Phủ và các căn cứ khác đến ứng cứu, giải tỏa cho Sở Chỉ huy quân Pháp ở Nậm Ngà trước nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn.
Nhờ tổ chức, sử dụng lực lượng khoa học, phù hợp, Chiến dịch đã hoàn thành tốt mục đích đề ra, tạo sức ép lớn đối với quân địch, nghi binh thu hút toàn bộ sự chú ý của quân Pháp trên chiến trường về hướng Thượng Lào. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ chuyển hóa linh hoạt thế trận sang thực hiện phương châm tác chiến mới.
Ba là, vận dụng linh hoạt các biện pháp nghi binh. Đây là một nội dung quan trọng, không thể thiếu trong nghệ thuật nghi binh tác chiến. Chiến dịch Thượng Lào đã vận dụng linh hoạt nhiều biện pháp nghi binh, làm cho quân địch trên chiến trường Đông Dương nói chung, khu vực Điện Biên Phủ nói riêng phải dồn hết tâm trí để chú ý theo dõi và tìm cách đối phó. Điều đáng nói là, Đại đoàn 308 đã tận dụng hiệu quả các biện pháp trong quá trình cơ động từ Điện Biên Phủ sang Thượng Lào để thu hút quân Pháp, nghi binh đánh lừa chúng về một hướng. Trong đó, các lực lượng vừa cơ động, vừa tổ chức nắm địch, địa bàn với những nơi địch bố trí lực lượng và tai mắt theo dõi. Ngoài ra, Đại đoàn 308 còn cố tình để lộ một số chi tiết, như: tổ chức nghiên cứu phát sóng một số thông tin nhất định, đủ để địch biết là ta đang cơ động lực lượng sang Lào, thu hút sự chú ý theo dõi của Na-va và các căn cứ của quân Pháp trên chiến trường về Thượng Lào. Chính vì thế, sau 03 ngày cơ động lực lượng (từ ngày 26 đến 29-01-1954), khi Đại đoàn 308 vừa đặt chân đến Nậm Hu (Thượng Lào), Bộ Tổng Tư lệnh tiền phương đã thông báo “Địch đã phát hiện Đại đoàn 308 rời khỏi Điện Biên Phủ sang Lào, chúng đã ra lệnh rút quân khỏi Mường Khoa và các đồn lân cận về Nậm Bạc”2.
Cùng với đó, quá trình thực hiện tiến công, truy kích địch, Đại đoàn 308 đã vận dụng linh hoạt các hình thức tác chiến, tạo ra nhiều hoạt động gây tiếng vang và phô trương sức mạnh để nghi binh, thu hút mạnh mẽ sự theo dõi của quân địch, như: kết hợp hình thức tiến công với vận động tiến công, vận động tập kích và bao vây tiêu diệt quân địch của 03 trung đoàn (102, 88, 36); kết hợp lực lượng của Đại đoàn 308 với Tiểu đoàn 920 (Quân đội Pa-thét Lào), Tiểu đoàn 970 địa phương của Lào để bao vây tiêu diệt địch; kết hợp hoạt động tác chiến của lực lượng bộ binh với hỏa lực để đánh địch, v.v. Những biện pháp phối hợp đó, không những đã tiêu hao, tiêu diệt một phần sinh lực địch, mà còn vây ép, dồn Sở Chỉ huy của quân Pháp ở Nậm Ngà vào thế cô lập, không có lối thoát. Qua đó, thu hút sự chú ý mạnh mẽ của quân Pháp, buộc tướng Na-va phải lập cầu hàng không, cơ động lực lượng đến ứng cứu, giải tỏa. Ngoài vận dụng linh hoạt những biện pháp nêu trên, Đại đoàn 308 còn thực hiện hiệu quả biện pháp tuyên truyền địch vận, phao tin, khuyếch trương kết quả tác chiến để thu hút sự chú ý của quân địch, mục đích là đánh lạc hướng chúng về Thượng Lào, tạo điều kiện cho các lực lượng ở Điện Biên Phủ chuyển hóa thế trận theo phương châm “đánh chắc, tiến chắc”.
Nhờ vận dụng linh hoạt các biện pháp nêu trên, Chiến dịch Thượng Lào (1954) do Đại đoàn 308 tiến hành đã thu hút mạnh mẽ sự chú ý, theo dõi của quân Pháp trên chiến trường Đông Dương, nghi binh đánh lạc hướng chúng về Thượng Lào, tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ chuẩn bị tốt mọi mặt, thực hiện thắng lợi phương châm tác chiến mới.
Đại tá VƯƠNG VĂN YÊN - Đại tá PHẠM ANH TUẤN
____________
1 - Đại đoàn 308 đã tiêu diệt gọn 01 tiểu đoàn lê dương (2/2 REL) và 03 đại đội Ngụy; đánh tan 02 tiểu đoàn Ngụy và đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn Ta-bo số 05, loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 2.000 tên, bắt sống 354 tên, thu hàng chục tấn vũ khí.
2 - Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam - Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), Nxb QĐND, H. 2000, tr. 482.
Chiến dịch Điện Biên Phủ,nghi binh chiến lược
Nét đặc sắc của nghệ thuật vận dụng cách đánh trong Chiến dịch tiến công Tây Sơn Tịnh năm 1966 21/11/2024
Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào 29/10/2024
Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972 - nét đặc sắc về nghệ thuật sử dụng lực lượng 24/10/2024
Nghệ thuật đánh điểm, diệt viện trong Chiến dịch Bu Prăng - Đức Lập năm 1969 27/09/2024
Nghệ thuật chỉ đạo của Đảng về tạo và nắm thời cơ, giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 19/08/2024
Nghệ thuật đánh trận then chốt quyết định trong Chiến dịch Nông Sơn - Thượng Đức năm 1974 15/07/2024
Nhà Lý kết hợp tiến công quân sự với biện pháp ngoại giao để kết thúc chiến tranh, kiến tạo hòa bình 24/06/2024
Chiến dịch Long Khánh năm 1969 - nét đặc sắc của nghệ thuật tập kích 04/06/2024
Nghệ thuật đánh điểm, diệt viện trong Chiến dịch Trung - Hạ Lào năm 1954 22/04/2024
Nét nổi bật về nghệ thuật đánh trận mở đầu trong Chiến dịch Bắc Tây Nguyên năm 1954 15/02/2024
Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972 - nét đặc sắc về nghệ thuật sử dụng lực lượng
Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào
Nét đặc sắc của nghệ thuật vận dụng cách đánh trong Chiến dịch tiến công Tây Sơn Tịnh năm 1966