Thứ Sáu, 22/11/2024, 09:28 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam
Năm 1967, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền, quân và dân ta đánh bại cuộc hành quân Gian-xơn Xi-ty của địch. Chiến thắng khẳng định sự đúng đắn, sáng tạo về đường lối chiến tranh nhân dân và sự phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam, nổi bật là nghệ thuật xây dựng thế trận phản công.
Cuộc hành quân Gian-xơn Xi-ty do quân viễn chinh Mỹ và quân ngụy tiến hành tại miền Nam Việt Nam với mục đích: tiêu diệt cơ quan lãnh đạo đầu não của ta; bẻ gãy xương sống chủ lực Quân giải phóng; lập vành đai án ngữ tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia; triệt phá kho hậu cần; chia cắt, lấn chiếm khu căn cứ, tạo lá chắn vòng ngoài cho quân ngụy tiến hành bình định, bảo vệ Sài Gòn - Gia Định. Với lực lượng, phương tiện hùng hậu1 Mỹ, ngụy tập trung đánh phá có trọng điểm khu vực Bắc Tây Ninh, cố gắng giành thắng lợi quân sự, tạo bước ngoặt có ý nghĩa quyết định, làm chuyển biến cục diện chiến trường trong thời gian ngắn.
Về phía ta, với quyết tâm đánh bại cuộc hành quân Gian-xơn Xi-ty của địch, Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền phát huy cao độ thế trận chiến tranh nhân dân, lãnh đạo, chỉ đạo quân và dân căn cứ Dương Minh Châu (Bắc Tây Ninh) xây dựng thế trận phản công liên hoàn, linh hoạt, rộng khắp; phát huy tối đa sức mạnh lực lượng tại chỗ trong vùng căn cứ và chủ lực Quân giải phóng. Mục tiêu là hạn chế sức mạnh vũ khí, trang bị của địch, buộc chúng phải đánh theo cách đánh của ta, giữ và giành quyền chủ động chiến trường, từng bước đánh bại hoàn toàn cuộc hành quân. Nét nổi bật trong Chiến dịch phản công đánh bại cuộc hành quân Gian-xơn Xi-ty của Mỹ, ngụy là nghệ thuật xây dựng thế trận phản công, thể hiện ở một số nội dung chủ yếu sau:
Một là, xây dựng thế trận phản công liên hoàn, rộng khắp. Khu vực Dương Minh Châu là địa bàn rừng, núi, rộng lớn (khoảng 1.500 km2), dân cư rất ít (trên 800 người), nên đối phó với cuộc hành quân quy mô chiến dịch của Mỹ, ngụy gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền nghiên cứu đánh giá kỹ địa hình, địa bàn; tương quan so sánh lực lượng giữa ta và địch, thống nhất gấp rút xây dựng thế trận phản công, tạo yếu tố bí mật, bất ngờ - nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Yếu tố tiên quyết đánh bại cuộc hành quân Gian-xơn Xi-ty của Mỹ, ngụy. Theo đó, Bộ Chỉ huy Miền khẩn trương tổ chức các cơ quan quân, dân chính, Đảng thành những đơn vị du kích, tự vệ, bộ đội địa phương, hình thành thế trận liên hoàn, rộng khắp. Căn cứ vào đặc điểm nhiệm vụ, địa bàn, Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền phân chia khu Căn cứ thành 13 huyện2 và tổ chức lực lượng theo vị trí đóng quân của các cơ quan, đơn vị Trung ương Cục, Mặt trận Dân tộc giải phóng và Bộ Chỉ huy Miền. Cán bộ, nhân viên các cơ quan dân chính, Đảng, bộ đội ở các đơn vị bảo vệ, vận tải, kho, trạm sửa chữa, bệnh viện,… được tổ chức thành các tiểu đội, trung đội du kích, đại đội và tiểu đoàn bộ đội địa phương cơ động. Lực lượng này cùng với nhân dân bám trụ, đánh địch tại chỗ bảo vệ căn cứ, cơ động trong phạm vi đóng quân, đánh tiêu hao, chia cắt và phối hợp với bộ đội chủ lực chiến đấu.
Với cách tổ chức đó, trong Căn cứ ta đã xây dựng được thế trận đánh địch liên hoàn, rộng khắp, có thế đánh, thế cắt, thế giữ, chi viện cho nhau và hỗ trợ đắc lực cho bộ đội chủ lực cơ động chiến đấu. Vì vậy, khi địch bắt đầu cuộc hành quân (22/02/1967), lực lượng vũ trang huyện Tà Đạt, du kích huyện Cà Tum bí mật phục kích, đón bắn máy bay trực thăng, quân dù và tiến công quân địch cơ động đường bộ. Lực lượng vũ trang các huyện cùng với du kích các cơ quan kiên trì bám trụ, tích cực chiến đấu ở mọi lúc, mọi nơi, đồng thời còn sáng tạo cách đánh độc đáo, như: tận dụng bom, đạn không nổ của địch chế tạo thành mìn chống tăng, cải tiến ngòi nổ, dùng chong chóng kích nổ tiêu diệt máy bay trực thăng địch3,… buộc chúng phải phân tán đối phó, tập trung lực lượng bảo vệ căn cứ, khu vực trú quân và đường cơ động, hạn chế lực lượng trực tiếp tham gia chiến đấu. Trong Đợt 1 cuộc hành quân, địch chỉ sử dụng được 08/26 tiểu đoàn cơ động chiến đấu. Sự kết hợp chiến đấu chặt chẽ giữa du kích, tự vệ của các cơ quan Trung ương với nhân dân khu Căn cứ đã tiêu hao, tiêu diệt một phần lực lượng, làm giảm tốc độ tiến công của địch, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng cơ động làm công tác tổ chức chuẩn bị tiến hành các trận then chốt quyết định.
Hai là, xây dựng thế trận phản công linh hoạt, bí mật, bất ngờ. Đây là thế trận hết sức độc đáo của Bộ Chỉ huy Chiến dịch, nhằm tránh bị địch “tìm phá” và sử dụng hỏa lực phá thế ta, tạo thế địch, cơ sở, nền tảng để lực lượng cơ động bí mật, bất ngờ đánh những đòn tiêu diệt lớn. Lực lượng cơ động của Chiến dịch ngoài Sư đoàn 9 còn được tăng cường một số đơn vị có kinh nghiệm chiến đấu trên chiến trường miền Đông Nam Bộ, hỏa lực mạnh4. Để phát huy sức mạnh của lực lượng này - “quả đấm chủ lực”, Bộ Chỉ huy Chiến dịch bố trí ở các vị trí thuận lợi, bảo đảm cơ động linh hoạt vừa có thể tập trung lực lượng tạo thế hơn hẳn địch khi cần thiết, vừa có thể phân tán lực lượng làm cho địch mất mục tiêu, phương hướng tiến công, vừa tranh thủ thời gian huấn luyện lực lượng vũ trang địa phương. Thực hiện kế hoạch, Bộ Chỉ huy bố trí các trung đoàn của Sư đoàn 9 và các đơn vị được tăng cường ở vòng ngoài, bên sườn, phía sau các mũi tiến công của địch, làm cho chúng không phát hiện được lực lượng cơ động của ta; cụ thể: bố trí 03 trung đoàn cơ động đánh địch Tây Đường 22, khu vực Chà Dơ, Phước Sang; 01 trung đoàn trên Đường 13 và khu vực Suối Dây.
Quá trình triển khai, xây dựng thế trận, ta giữ được bí mật, nên lực lượng cơ động phối hợp chặt chẽ với du kích, tự vệ cơ quan và nhân dân trong Căn cứ tập kích bất ngờ vào bên sườn, phía sau đội hình hành quân của địch, từng bước tiêu hao, tiêu diệt và phá hủy vũ khí, trang bị, phương tiện chiến đấu của chúng5. Cùng với đó, lựa chọn mục tiêu, làm tốt công tác chuẩn bị các trận đánh quy mô tiểu đoàn, trung đoàn, thậm chí sư đoàn thiếu, như trận: Đồng Pan (Đợt 1), Đồng Rùm - Ấp Gù (Trảng Ba Vùng, Đợt 2), đạt hiệu suất chiến đấu cao. Do đó, tuy quân địch chủ động tiến công, vượt trội về vũ khí, trang bị, phương tiện và khả năng cơ động, nhưng lại không giành được quyền chủ động trên chiến trường, không thể tiến công được lực lượng cơ động của ta.
Ba là, kết hợp chặt chẽ thế trận của lực lượng tại chỗ với thế trận lực lượng cơ động. Thực hiện phương châm lực lượng tại chỗ bám địch, đánh địch, giữ chắc ấp, xã chiến đấu; bộ đội chủ lực tập trung, phân tán linh hoạt, phối hợp với lực lượng tại chỗ đánh nhỏ, đánh vừa, đánh lớn khi điều kiện thời cơ cho phép, bẻ gãy các mũi hành quân của địch. Theo đó, quân và dân trong căn cứ tổ chức đánh địch ở mọi lúc, mọi nơi, cả phía trước, bên sườn và phía sau, khiến chúng không phân biệt được đâu là bộ đội chủ lực, đâu là du kích cơ quan, bộ đội địa phương. Khi chúng lùng sục, tìm diệt bộ đội chủ lực của ta không được, buộc phải chuyển sang trú quân hoặc đổ quân càn quét thì lại bị bộ đội chủ lực ta giáng những đòn sấm sét, khiến chúng vừa phải phân tán lực lượng đối phó, vừa phải co cụm chống đỡ, dẫn đến mệt mỏi, giảm sút ý chí chiến đấu.
Thực tiễn, khi quân địch đánh vào căn cứ Dương Minh Châu, lực lượng tại chỗ đã triệt để lợi dụng địa hình, vận dụng linh hoạt các thủ đoạn chiến đấu, đánh rộng khắp, tiêu hao, tiêu diệt, phá hủy nhiều vũ khí, trang bị, phương tiện của chúng. Sư đoàn 9 và các đơn vị được tăng cường tổ chức bám, nắm địch, lựa chọn các mục tiêu hiểm yếu, thậm chí mạnh, nhưng sơ hở, như: trận địa pháo binh, vị trí tạm dừng,… của địch để tiến công, điển hình là trận tập kích suối Ông Hùng, trận Đồng Pan. Bị tiến công liên tục, mục đích cuộc hành quân không thực hiện được, lực lượng, phương tiện tiêu hao, quân địch buộc phải co cụm dọc Đường 1, 4, 22 và rải quân trên một đoạn dài bảo vệ hành lang tiếp vận. Nắm chắc tình hình, du kích, tự vệ các cơ quan và nhân dân bung ra đánh địch ở Bảy Bàu, Ang Khắc, Cà Tum,… Sư đoàn 9 tiến hành một loạt các trận đánh lớn ở Lô Via, Bầu Cỏ, Trảng A Lầu, tiêu diệt nhiều đại đội, phá hủy hàng trăm xe quân sự, buộc quân địch phải kết thúc Đợt 1 cuộc hành quân (11/3/1967). Khi tiến hành Đợt 2 cuộc hành quân (15/3/1967), quân địch chuyển hướng tiến công sang phía Đông. Biết được ý định của chúng, Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã tăng cường vũ khí chống tăng cho lực lượng tại chỗ và tổ chức một phần lực lượng này thành các đội săn cơ giới, bắn máy bay, thực hiện đánh nhỏ, lẻ, rộng khắp, kết hợp với lực lượng cơ động đánh vừa, đánh lớn. Ngày 20/3/1967, lực lượng cơ động phối hợp chặt chẽ với lực lượng tại chỗ tập kích vào bộ phận hỏa lực của địch ở căn cứ Bầu Bàng, tiến công cụm quân Mỹ ở Đồng Rùm - Ấp Gù giành thắng lợi lớn6, buộc quân địch kết thúc cuộc hành quân.
Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), khi xây dựng thế trận chiến dịch phản công, tiến công cần phải xây dựng thế trận của lực lượng tại chỗ liên hoàn, rộng khắp, có thế đánh, thế lui; bố trí bộ đội chủ lực phải linh hoạt, cơ động nhằm hạn chế thương vong, nhưng vẫn có thể tập trung ưu thế về lực lượng, phương tiện vào hướng, khu vực, mục tiêu chủ yếu, đặc biệt là các trận then chốt chiến dịch. Nghệ thuật tạo lập thế trận Chiến dịch phản công đánh bại cuộc hành quân Gian-xơn Xi-ty của Mỹ, ngụy năm 1967 vẫn còn nguyên giá trị cả lý luận và thực tiễn cần tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng và phát triển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Đại tá, TS. ĐẶNG XUÂN CỬ - Trung tá NGUYỄN TRUNG HIỀN _______________
1 - Khoảng 45.000 quân, gần 1.200 xe tăng, thiết giáp, hơn 450 máy bay các loại, v.v.
2 - Từ Đường 22 đến giáp sông Vàm Cỏ (nơi đóng quân của Trung ương Cục, Mặt trận Dân tộc giải phóng) tổ chức thành 06 huyện; Đông Đường 4 đến giáp sông Sài Gòn (nơi đóng quân của Bộ Chỉ huy Miền) tổ chức thành 07 huyện.
3 - Bắn rơi 21 máy bay, diệt gần 300 tên địch, phá hủy 27 xe cơ giới; riêng trận Đồng Rùm, với một bãi mìn ĐH10 ta phá hủy 08 máy bay trực thăng.
4 - Trung đoàn 16 chủ lực Miền; 01 tiểu đoàn cối 120 mm; 01 tiểu đoàn súng máy 12,7 mm; 01 đại đội thông tin; 01 đại đội công binh, v.v.
5 - Đêm 06/3/1967, ta diệt 200 lính Mỹ ở Trảng Ta Xia, phá hủy 12 khẩu pháo; đêm 08/3 diệt 30 tên địch ở Bến Ra; đêm 09/3 diệt hàng trăm tên địch, phá hủy 01 khẩu pháo ở Truông Bình. Tỷ lệ thương vong giữa ta với địch: du kích 01 - địch 54; bộ đội chủ lực 01 - địch 60.
6 - Tiêu diệt 01 tiểu đoàn pháo binh; 03 chi đoàn thiết giáp; đánh thiệt hại nặng 01 tiểu đoàn và 02 đại đội địch.
Gian-xơn Xi-ty,thế trận phản công
Nét đặc sắc của nghệ thuật vận dụng cách đánh trong Chiến dịch tiến công Tây Sơn Tịnh năm 1966 21/11/2024
Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào 29/10/2024
Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972 - nét đặc sắc về nghệ thuật sử dụng lực lượng 24/10/2024
Nghệ thuật đánh điểm, diệt viện trong Chiến dịch Bu Prăng - Đức Lập năm 1969 27/09/2024
Nghệ thuật chỉ đạo của Đảng về tạo và nắm thời cơ, giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 19/08/2024
Nghệ thuật đánh trận then chốt quyết định trong Chiến dịch Nông Sơn - Thượng Đức năm 1974 15/07/2024
Nhà Lý kết hợp tiến công quân sự với biện pháp ngoại giao để kết thúc chiến tranh, kiến tạo hòa bình 24/06/2024
Chiến dịch Long Khánh năm 1969 - nét đặc sắc của nghệ thuật tập kích 04/06/2024
Nghệ thuật đánh điểm, diệt viện trong Chiến dịch Trung - Hạ Lào năm 1954 22/04/2024
Nét nổi bật về nghệ thuật đánh trận mở đầu trong Chiến dịch Bắc Tây Nguyên năm 1954 15/02/2024
Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972 - nét đặc sắc về nghệ thuật sử dụng lực lượng
Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào
Nét đặc sắc của nghệ thuật vận dụng cách đánh trong Chiến dịch tiến công Tây Sơn Tịnh năm 1966