Thứ Bảy, 23/11/2024, 07:26 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam
Vùng Đông Bắc Đại Việt có nhiều sông lớn liên kết với nhau, tạo thuận lợi cho việc giao thông thủy nội địa, giao thương với các nước trong khu vực và trên thế giới, thông qua các cửa biển. Điển hình là vị trí Lục Đầu Giang, nơi hội tụ của 06 sông: sông Chanh, sông Kênh, sông Nam, sông Giá, sông Đá Bạch và sông Bạch Đằng. Do cửa sông Bạch Đằng nối liền vùng Biển Đông Bắc với nội địa, nên từ Biển Đông qua cửa sông này có thể đi sâu vào nội địa bằng đường thủy. Mặt khác, khu vực này còn có rất nhiều rừng rậm, bãi cát, đụn cát, rặng phi lao chạy dài, sú vẹt mọc dầy và hàng trăm đảo lớn, nhỏ, tạo thành địa hình thiên hiểm có giá trị rất lớn về quân sự. Nhân dân vùng Đông Bắc có tinh thần cố kết cộng đồng rất cao, do phải thường xuyên chống chọi với thiên nhiên và giặc ngoại xâm; đồng cam, chịu khổ, luôn tin tưởng vào triều đình, một lòng, một dạ quyết tâm đánh giặc giữ nước.
Xuất phát từ vị trí địa lý đó, nên khi xâm lược nước ta, ngoài các đạo quân tiến công trực tiếp qua biên giới, phong kiến phương Bắc còn thường tổ chức một đạo quân tiến công từ hướng biển vào nội địa qua các cửa sông lớn, như cửa sông Bạch Đằng, hòng tạo gọng kìm nhanh chóng đánh chiếm Đại Việt. Vì tiến công từ hướng biển vào nội địa nước ta, chúng gặp rất nhiều thuận lợi: giữ được bí mật, tạo yếu tố bất ngờ, dễ dàng vận chuyển số lượng lớn lương thảo và quân lính. Năm 938, quân Nam Hán đã tổ chức một đạo quân hùng mạnh với hàng trăm chiến thuyền lớn vượt biển tiến công xâm lược Đại Việt qua cửa sông Bạch Đằng. Khi vào đến cửa sông này, quân Nam Hán bị quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Ngô Quyền đánh tiêu diệt hoàn toàn, chấm dứt nghìn năm Bắc thuộc. Năm 981, quân Tống cũng tổ chức một đạo thủy quân do tướng Thứ sử Ninh Châu Lưu Trừng chỉ huy, hùng hổ tiến công xâm lược nước ta bằng đường biển qua cửa sông Bạch Đằng. Đạo quân này bị quân, dân Đại Cồ Việt do Lê Đại Hành chỉ huy đánh cho tơi bời. Còn Quân Nguyên - Mông - đội quân có sở trường đánh trên sa mạc bằng ngựa chiến chinh phục khắp thiên hạ, nhưng khi xâm lược nước ta, vó ngựa của chúng đã không phát huy được tác dụng, do vậy lần thứ nhất thất bại, lần thứ hai cũng thất bại, chúng phải rút chạy bằng đường thủy, theo các sông lớn ra biển. Vậy mà vẫn không thoát khỏi cái chết; quân hùng, tướng mạnh phải “gửi xác” dưới các lòng sông của Đại Việt. Lần thứ ba, năm 1288, rút kinh nghiệm của các lần thất bại trước, quân Nguyên - Mông bí mật tổ chức một đạo quân thủy do Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp chỉ huy với sức mạnh vượt trội, tiến công xâm lược theo hướng biển, buộc quân của triều đình do Trần Khánh Dư chỉ huy phải lui về để tính kế quyết chiến. Chỉ ít ngày sau, Trần Khánh Dư trực tiếp chỉ huy quân, dân vùng Đông Bắc đánh tan đoàn thuyền lương của địch, thu được nhiều quân lương, khí giới và bắt nhiều tù binh. Trận đánh thắng lợi là điều kiện, cơ sở để quân dân nhà Trần đánh bại quân Nguyên - Mông trên sông Bạch Đằng, đập tan ý chí xâm lược Đại Việt. Từ đây, “Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã/ Sơn hà thiên cổ điện kim âu”1.
Tại sao các triều đại phong kiến Việt Nam có được những thắng lợi oanh liệt ở cửa sông Bạch Đằng, vùng biển, ven biển Đông Bắc? Phải chăng, đó chính là tài thao lược của các triều đại phong kiến Việt Nam - nghệ thuật tạo lập thế trận hiểm hóc, biến hóa linh hoạt chống giặc ngoại xâm trên vùng biển, ven biển Đông Bắc Tổ quốc. Thế trận này được thể hiện ở một số nội dung chủ yếu sau.
Một là, ban hành nhiều chính sách khuyến khích người dân khai hoang đất ven biển, lập làng canh tác, kết hợp làm việc binh, tạo thế trận vững chắc bảo vệ vùng biển, ven biển. Đây là chính sách được các triều đại phong kiến Việt Nam vận dụng sáng tạo, hiệu quả trong quá trình dựng nước và giữ nước, đặc biệt là việc xây dựng thế trận phòng thủ trên tuyến biển, đảo phía Đông Bắc. Theo đó, các vương triều đều xác lập “tuyến biên giới” trên biển rồi cử con, cháu, người thân đi trấn trị ở một số châu, lộ; cho phép và khuyến khích vương hầu, quan lại chiêu mộ dân nghèo, sử dụng tù binh khai khẩn đất hoang, lập đồn điền, lập làng ven biển để canh tác, chiêu tập dân phiêu tán đắp đê, lập điền trang, trong điền trang tổ chức các đội quân riêng; ban thái ấp cho vương hầu, quan lại để trấn giữ địa bàn. Điển hình như thời nhà Ngô, nhà Đinh, đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích người dân ở vùng ven biển Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Thanh Hóa (ngày nay) cải tạo những ô trũng, bãi bồi ven biển, khai phá đất hoang, lập làng canh tác và làm việc binh. Triều Tiền Lê, trong lúc hòa hiếu với nhà Tống, hai bên đã xác lập biên giới trên biển, hay phong vương cho con nuôi và cử ra trấn giữ ở Phù Đái (Vĩnh Bảo, Hải Phòng); quân triều đình có thể cơ động ra bố phòng ở các khu vực trọng yếu phía Đông Bắc. Triều Nhà Lý thi hành chính sách “nhu viễn”, khéo léo tranh thủ các tù trưởng vỗ yên cư dân; lập điền trang ở ngoài hải đảo (nay là Vân Đồn) làm nơi giao dịch, mua bán với thương nhân nước ngoài, nhưng chỉ cho phép họ ngụ cư ở đảo, không được vào đất liền, tránh dòm ngó, do thám nội tình đất nước. Nhà Trần có sự kế thừa và phát triển, các vua Trần đều thực hiện chính sách chia vùng biển, ven biển Đại Việt thành Hải Đông (từ Cửa Đáy đến Khâm - Liêm) và Hải Tây (chạy dọc từ Thanh - Nghệ - Tĩnh trở vào) để quản lý, bảo vệ; xuống chiếu cho các vương hầu, công chúa, phò mã, cung phi chiêu tập dân nghèo không có đất đi khai hoang ven biển, lập các điền trang, xây dựng phủ đệ, tổ chức lực lượng vũ trang riêng ở địa bàn quan trọng. Để có thêm lương thực, giữ vương quyền và phòng vệ đất nước, các triều đại phong kiến đều tập trung phát triển Vân Đồn thành một thương cảng lớn, có giá trị về quân sự; đồng thời, có các biện pháp quản lý chặt chẽ, đề phòng âm mưu do thám của người nước ngoài, góp phần bảo vệ đất nước từ xa trên biển. Ngoài ra, lực lượng đồn trú, canh phòng biên cương, ven biển cũng phải khai phá đất hoang, lập đồn điền, trồng trọt, chăn nuôi để có lương thực dự phòng tại chỗ.
Sau khi giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống quân Minh, với chủ trương “lo giữ nước từ khi nước còn chưa nguy”, các vua triều thời Lê sơ tiếp tục kế thừa thành tựu dựng nước và giữ nước, chú trọng xây dựng thế trận bảo vệ vùng biển, ven biển Đông Bắc bằng các biện pháp: cử một số người thân tín, trung thành, đủ năng lực trấn giữ vùng trọng yếu phía Đông Bắc; chăm lo cải tạo giao thông, thủy lợi, thương nghiệp. Triều Nguyễn, thời vua Gia Long, Minh Mạng, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo được đưa vào thành luật, trong đó quy định rõ trách nhiệm của quan lại, binh sĩ, dân chúng. Ngoài ra, triều đình còn ban hành nhiều chính sách nâng cao đời sống của người dân và kết hợp với các hoạt động quân sự ở vùng ven biển.
Việc xây dựng các điền trang, thái ấp, đồn điền binh ở khu vực ven biển là biện pháp kết hợp việc binh với phát triển kinh tế, đó là kế sách quan trọng hàng đầu của các triều đại phong kiến Việt Nam trong quá trình dựng nước và giữ nước. Thông qua đó, làm cho “quân lương đầy đủ, quốc dụng dồi dào, lính tráng đều là người thổ dân, có công việc làm ăn; chỗ nào cũng đóng đồn để cày bừa, trồng trọt, đội ngũ này liên lạc với nhau để bảo đảm các chỗ trọng yếu chẳng phải lo ngại gì; thông qua lao động sản xuất mà tích lũy tiềm lực, binh lương đầy đủ, vừa đáp ứng nhu cầu bảo đảm cho binh lính khi tập luyện, vừa sẵn sàng huy động khi có giặc xâm lăng; khi đồn điền binh đã thành lập thì làng, xã dần dần phục hồi, không phải nhọc lòng tập hợp và do đó hộ khẩu thêm nhiều”.
Hai là, xây dựng thủy binh, đóng thuyền chiến, rèn binh khí, luyện tập quân sĩ, tăng cường lực lượng bố phòng ở các đảo, cửa biển, cửa sông, tổ chức tuần tra, bảo vệ bờ cõi. Trước âm mưu xâm lược của giặc phương Bắc, các triều đại phong kiến nước ta đều tăng cường cảnh giác, thực hiện nhiều chính sách, biện pháp giữ yên giang sơn, bờ cõi, như: đưa quân canh giữ nơi hiểm yếu, nơi cửa sông, cửa biển, trên các đảo; tiến hành tuần tra, kiểm soát trên đất liền và các vùng biển Đông Bắc. Chú trọng xây dựng lực lượng bộ binh và thủy binh tinh nhuệ, bố trí quân vương phủ, hương binh, dân binh ở các lộ, phủ, châu, hương, xã,... hợp lý, làm nòng cốt xây dựng thế trận chống giặc trên địa bàn. Ngoài ra, các vương triều còn tiến hành “sắm sửa vũ khí và đóng thuyền chiến”; tổ chức luyện quân, thao binh theo định kỳ nghiêm ngặt, sát với tình hình đất nước lúc bấy giờ và đặt giới hạn phạm vi giao thương với nước ngoài ở khu vực đảo Vân Đồn.
Từ thời nhà Ngô đến nhà Lý đều chú trọng phép kén chọn binh lính để bổ sung vào quân ngũ, chọn dân làm binh lấy những người khỏe mạnh, đồng thời vua còn luật định việc tuyển chọn quân lính, nghiêm cấm việc ẩn lậu hoặc trốn tránh. Cùng với việc xây dựng quân triều đình, quân địa phương, thủy quân tinh nhuệ, còn chú trọng xây dựng phòng tuyến trên các sông, ven biển và trên biển Đông Bắc để chống giặc. Nhà Lý chú trọng việc sắm sửa vũ khí, đóng thuyền chiến kết hợp với rèn quân, tuy quân không đông nhưng tinh nhuệ, điều đó thể hiện trong việc đánh Khâm Châu, Liêm Châu theo đường thủy. Thời nhà Trần, chú trọng xây dựng thủy quân và quân ở các lộ, cho phép các vương hầu có “quân vương phủ”; phát triển hương binh, dân binh ở các làng, xã và tổ chức bố trí linh hoạt. Ngoài ra, bố trí đội quân Bình Hải ở Hải Đông có nhiệm vụ tuần tra bảo vệ vùng biển, ven biển phía Đông Bắc; tổ chức tuyển quân, tuyển tướng, huấn luyện binh pháp, tích cực sửa chữa thuyền chiến, chế tạo vũ khí, ngăn ngừa do thám, phát hiện âm mưu xâm lược của giặc; đặt đồn lũy giao cho quân địa phương canh giữ; lập cơ quan kiểm soát ngoại thương trên đất liền và trên biển, quy định những nơi ngoại quốc đến nước ta buôn bán. Các chính sách của nhà Trần đã phát huy được sức mạnh tổng hợp, xây dựng thế trận toàn dân đánh giặc, cơ sở để 03 lần đánh tan quân Nguyên - Mông. Triều nhà Nguyễn đã kế thừa kết quả của các triều đại trước, tập trung xây dựng lực lượng thủy binh, trang bị thuyền chiến, trong đó thuyền lớn được bọc đồng, có máy bắn đá, đại bác; công tác luyện quân, thao diễn quân thủy được tổ chức chặt chẽ, duy trì lực lượng tuần thám gồm quân chủ lực và nhân dân, thường xuyên tuần tra, phòng, chống hải tặc xâm nhập. Những chính sách phù hợp của các triều đại phong kiến Việt Nam đã làm cho “trong nước được yên hàn, ngoài biên không có giặc giã”.
Cùng với việc ban hành nhiều chính sách nhằm cố kết cộng đồng, tạo sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc xây dựng thế trận chống giặc trên vùng biển, ven biển Đông Bắc, các triều đại phong kiến Việt Nam còn kết hợp với thực hiện chính sách ngoại giao mềm dẻo, kiên quyết, linh hoạt, giữ mối hòa hiếu, ngăn ngừa chiến tranh với các đế chế phong kiến phương Bắc.
Những bài học đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị, cần được nghiên cứu, vận dụng trong xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, bảo vệ Tổ quốc.
Thượng tá, ThS. CẢNH CHÍ CƯỜNG, Khoa Chiến lược, Học viện Quốc phòng ___________
1 - Xã tắc hai phen chồn ngựa đá/ Non sông nghìn thuở vững âu vàng.
ven biển Đông Bắc,xây dựng thế trận,chống giặc ngoại xâm
Nét đặc sắc của nghệ thuật vận dụng cách đánh trong Chiến dịch tiến công Tây Sơn Tịnh năm 1966 21/11/2024
Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào 29/10/2024
Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972 - nét đặc sắc về nghệ thuật sử dụng lực lượng 24/10/2024
Nghệ thuật đánh điểm, diệt viện trong Chiến dịch Bu Prăng - Đức Lập năm 1969 27/09/2024
Nghệ thuật chỉ đạo của Đảng về tạo và nắm thời cơ, giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 19/08/2024
Nghệ thuật đánh trận then chốt quyết định trong Chiến dịch Nông Sơn - Thượng Đức năm 1974 15/07/2024
Nhà Lý kết hợp tiến công quân sự với biện pháp ngoại giao để kết thúc chiến tranh, kiến tạo hòa bình 24/06/2024
Chiến dịch Long Khánh năm 1969 - nét đặc sắc của nghệ thuật tập kích 04/06/2024
Nghệ thuật đánh điểm, diệt viện trong Chiến dịch Trung - Hạ Lào năm 1954 22/04/2024
Nét nổi bật về nghệ thuật đánh trận mở đầu trong Chiến dịch Bắc Tây Nguyên năm 1954 15/02/2024
Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972 - nét đặc sắc về nghệ thuật sử dụng lực lượng
Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào
Nét đặc sắc của nghệ thuật vận dụng cách đánh trong Chiến dịch tiến công Tây Sơn Tịnh năm 1966