Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam

QPTD -Thứ Năm, 11/10/2012, 12:52 (GMT+7)
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng trong Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947


Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hội đồng Chính phủ nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo tình hình Chiến dịch Việt Bắc, Thu – Đông 1947 (Ảnh tư liệu)  
 

Thực hiện mưu đồ triệt phá cơ quan đầu não kháng chiến, tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta nhằm giành thắng lợi quyết định kết thúc chiến tranh, ngày 07-10-1947, thực dân Pháp huy động lực lượng tinh nhuệ nhất trong hải, lục, không quân khoảng 10 nghìn quân1 tiến công ồ ạt theo 3 hướng: đường không, đường bộ và đường sông vào vùng căn cứ địa Việt Bắc. Đối với ta, do các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và các trung đoàn bộ đội chủ lực cùng một loạt nhà máy, xí nghiệp vừa sơ tán khỏi Hà Nội về vùng căn cứ địa Việt Bắc; bộ đội chủ lực mới hình thành, trình độ tác chiến còn thấp; lực lượng vũ trang địa phương chưa kịp xây dựng… nên gặp nhiều khó khăn. Nhưng, với ý chí và tinh thần quả cảm, lại có lợi thế về: “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, toàn dân và toàn quân ta quyết tâm chiến đấu đến cùng để giữ vững độc lập, tự do của dân tộc. Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947 đã được Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Bộ Tổng chỉ huy sáng suốt chỉ huy bộ đội cùng với nhân dân các dân tộc Việt Bắc phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, vượt qua mọi hiểm nguy, từng bước tháo gỡ khó khăn, giành quyền chủ động, đánh bại cuộc hành binh đầy tham vọng của thực dân Pháp. Ở đây, nghệ thuật tổ chức và sử dụng lực lượng để đánh bại cuộc hành binh của địch được xem là nguyên nhân bao trùm và quan trọng nhất làm nên thắng lợi của Chiến dịch quan trọng này.

Kịp thời điều chỉnh tổ chức, biên chế bộ đội chủ lực, đẩy mạnh xây dựng bộ đội địa phương. Nghiên cứu, phân tích, đánh giá kỹ tình hình, Bộ Tổng chỉ huy đã thống nhất nhận định: địch tuy có ưu thế về máy bay, pháo binh, cơ giới, nhưng không thể phát huy được đầy đủ trên chiến trường rừng núi. Điểm yếu chí tử của chúng là lực lượng phải dàn mỏng trên một chiến trường rộng (khoảng 12 tỉnh), lại xa hậu phương, trong điều kiện rét buốt mùa đông; chỉ có thể tiếp tế, tăng viện bằng đường bộ và đường sông. Ta triển khai lực lượng chủ lực (13 trung đoàn và 11 tiểu đoàn) chiến đấu trên địa bàn rộng (gồm 3 khu: 1, 10 và 12), khắc phục những hạn chế của vũ khí, trang bị, nhất là phương tiện thông tin liên lạc. Dựa trên phân tích khoa học, đánh giá đúng tương quan so sánh lực lượng địch - ta, Bộ Tổng chỉ huy xác định phương châm tác chiến là: không tập trung binh lực lớn bộ đội chủ lực tiến công vào các căn cứ, đối mặt với bộ binh, cơ giới của địch; chỉ tổ chức lực lượng “đại đội độc lập” và “tiểu đoàn tập trung” bí mật, bất ngờ tập kích vào đội hình, các vị trí đồn trú của quân Pháp dọc đường hành quân. Bộ Tổng chỉ huy hạ quyết tâm chiến đấu: tập trung bao vây, giam chân, cô lập địch ở những vị trí chúng vừa chiếm; cắt đứt đường giao thông liên lạc, tiếp tế, chi viện, ứng cứu giữa các bộ phận, nhất là chia cắt hậu phương với lực lượng hành binh của quân Pháp. Đồng thời, xác định đối tượng tác chiến chủ yếu là lực lượng cơ động trên bộ và trên sông, nên ta chủ trương điều chỉnh tổ chức đơn vị chủ lực thành các “đại đội độc lập” và “tiểu đoàn tập trung”.

Theo đó, Bộ Tổng chỉ huy đã điều 30 “đại đội độc lập” (trong đó có nhiều cán bộ tiểu đoàn đã có kinh nghiệm xây dựng lực lượng trong những ngày đầu kháng chiến được điều làm cán bộ đại đội) về các huyện trọng điểm thuộc các tỉnh: Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng và Tuyên Quang làm lực lượng nòng cốt xây dựng bộ đội địa phương, dân quân, du kích; phát động chiến tranh nhân dân. Cán bộ, chiến sĩ trong các “đại đội độc lập” đã vượt mọi khó khăn, gian khổ, xuống các thôn, bản tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thành lập các tổ, đội dân quân, du kích, các đơn vị bộ đội địa phương; giúp đỡ nhân dân vận chuyển, cất giấu tài sản; di chuyển, phân tán các cơ quan, nhà máy, kho tàng, bệnh viện… Vì thế, lực lượng vũ trang địa phương ở các tỉnh trong địa bàn Chiến dịch đã nhanh chóng được hình thành và không ngừng lớn mạnh; hằng ngày, hằng giờ đánh phá, quấy rối quân Pháp trong các thị xã, thị trấn; phá đường giao thông, cắt đứt liên lạc giữa các căn cứ, nhất là giữa hậu phương địch với quân hành binh. Các cuộc càn quét, cướp phá của quân Pháp không đạt mục đích, yêu cầu đề ra. Bởi, đi đến đâu chúng cũng gặp “vườn không nhà trống” làm cho đội quân “dũng mãnh” có sức mà như không, đã thiếu thốn lương thực lại càng thiếu thốn hơn, tinh thần chiến đấu bị giảm sút, bị lôi cuốn vào cách đánh du kích của quân và dân ta.

Đối với các lực lượng chủ lực, Ban Thường vụ Trung ương Đảng vẫn chủ trương phát triển dần từng bước, từ quy mô tiểu đoàn, trung đoàn, đại đoàn để đánh lớn. Tuy nhiên, trước yêu cầu phải bảo toàn lực lượng để đánh lâu dài, Bộ Tổng chỉ huy đã quyết định, trước mắt phải phân tán các trung đoàn bộ binh thành nhiều tiểu đoàn (khoảng 20 tiểu đoàn bộ binh và pháo binh tập trung) biên chế nhỏ, gọn, có khả năng cơ động linh hoạt, luồn sâu vào vùng địch tạm chiếm, bám dân, xây dựng cơ sở, phát triển lực lượng vũ trang địa phương, phát động chiến tranh du kích. Đây không phải là bước “lùi” về tổ chức, xây dựng lực lượng chủ lực mà là chủ trương đúng đắn, sáng tạo của Bộ Tổng chỉ huy. Thời điểm đó, do còn nhiều yếu tố tác động, ta chưa thể tập trung đơn vị quy mô cấp trung đoàn, đại đoàn để đánh địch, nên cấp tiểu đoàn được xác định là đơn vị tác chiến chủ yếu, bố trí ở những vị trí thuận lợi cho cơ động, triển khai lực lượng đánh địch cơ động ứng cứu, tăng viện, tiếp tế lương thực và những bộ phận đồn trú nhỏ, lẻ ở từng khu vực, từng mặt trận. Việc điều chỉnh tổ chức, biên chế lực lượng bộ đội chủ lực theo hướng đó trên 3 mặt trận: Sông Lô - Đường số 4 - Đường số 3, có ý nghĩa hết sức quan trọng về nghệ thuật chiến tranh du kích, làm cho các cuộc càn quét, đánh phá của địch “không có” đối tượng tác chiến, thậm chí trước mắt quân Pháp là cả một khoảng không gian “trống rỗng”. Nhưng, chúng lại rất dễ bị các “tiểu đoàn tập trung” bao vây, tiêu diệt ở khắp mọi nơi trong địa bàn Chiến dịch. Vì thế, ta không những bảo toàn được lực lượng mà còn hạn chế đến mức thấp nhất sức mạnh tiến công, từng bước vô hiệu hoá, tiến tới bẻ gãy từng gọng kìm của quân Pháp. Việc quyết định phân tán các trung đoàn bộ binh thành các “đại đội độc lập” và “tiểu đoàn tập trung” để phá vỡ ý đồ hành binh của thực dân Pháp đã thể hiện rõ nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng sáng tạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sử dụng lực lượng hợp lý, phát huy tối đa sức mạnh của các đơn vị, đánh địch rộng khắp, bằng mọi thứ vũ khí. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tổng chỉ huy và các mặt trận, bộ đội địa phương, dân quân, du kích và nhân dân các dân tộc Việt Bắc đã thực hiện triệt để “tiêu thổ kháng chiến”, “tiễu phỉ giữ nhà”… tránh các cuộc càn quét, đánh phá, cướp bóc của quân Pháp. Do vậy, “Những nhát búa tiến công của địch đã giáng vào chân không... Chúng ta đã kịp thời khai thác đúng chỗ yếu nhất của cuộc tiến công là những đoàn quân xa, những chiến thuyền buộc phải thường xuyên di chuyển trên những trục đường bộ, đường sông nhất định để duy trì sức sống cho một đạo quân lớn không thể tìm ra lương thực, đạn dược ở địa phương. Nó cho phép những đơn vị nhỏ của ta với trình độ, trang bị hạn chế có thể giáng trả quân địch những đòn hiệu quả”2. Lực lượng vũ trang của các địa phương trong căn cứ địa Việt Bắc còn tích cực, chủ động phá các công trình kiên cố, cầu đường, đắp ụ chống xe tăng cản địch; làm trận địa giả, trận địa nghi binh để lừa địch; cắm chông tre, chông sào ở các khu vực trống trải đề phòng địch nhảy dù… Đồng thời, lực lượng này còn đảm trách việc kiểm soát, tuần tra, canh gác những khu vực bố trí các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; các nhà máy, xí nghiệp, kho tàng; đoạn đường trọng điểm, những nơi xung yếu… Với nghệ thuật sử dụng lực lượng (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân, du kích) linh hoạt, khéo léo của Bộ Tổng chỉ huy, Chiến dịch đã có nhiều hình thức, biện pháp đánh địch sáng tạo đạt hiệu suất chiến đấu cao: sử dụng lực lượng vũ trang địa phương vừa làm nhiệm vụ bảo vệ, vừa nghi binh, tạo giả (đốt rơm, rạ tạo khói; gây tiếng nổ…) nhằm thu hút hỏa lực địch về trận địa giả, tạo điều kiện, thời cơ cho các đơn vị bộ đội chủ lực (bộ binh, pháo binh, pháo cao xạ) nổ súng tiến công tiêu diệt địch. Cùng với đó, Bộ Tổng chỉ huy đã tổ chức hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng trong từng mặt trận, giữa các mặt trận phục kích, bao vây, tiêu hao, tiêu diệt lực lượng chi viện, tiếp tế, trên sông, trên bộ, thậm chí còn đánh tiêu diệt những bộ phận nhỏ nằm sâu trong địa bàn Chiến dịch…

Có thể khẳng định rằng, với việc vận dụng linh hoạt nguyên tắc tập trung lực lượng, chúng ta vừa tạo được ưu thế ở những địa điểm, thời cơ quyết định, vừa giữ được yếu tố bí mật, bất ngờ, từ đó cơ động, phục kích đánh vào chỗ yếu, chỗ sơ hở để tiêu diệt địch. Do tổ chức, biên chế lực lượng chủ lực hợp lý, khoa học, nên các “đại đội độc lập” và “tiểu đoàn tập trung” đã phát huy tối đa sở trường, thế mạnh của từng loại vũ khí trên từng mặt trận. Trên hướng Tây (Sông Lô), Bộ đội Pháo binh vừa tổ chức lực lượng bảo vệ, nghi binh lừa địch, vừa mưu trí, dũng cảm bố trí pháo ở sát bờ sông bắn chìm nhiều tàu địch, đánh thắng nhiều trận. Đặc biệt, trong trận Đoan Hùng ngày 24-10-1947, ta đã bắn chìm 2 tàu, bắn bị thương 2 tàu khác, diệt nhiều tên địch, buộc chúng phải ngừng hoạt động dài ngày trên tuyến Sông Lô. Trên hướng Đường số 4, ngày 29-10-1947, Bộ Tổng chỉ huy đã kịp thời chỉ đạo Tiểu đoàn 249 của Trung đoàn 11 Lạng Sơn tổ chức thành công trận phục kích tại Bản Sao - đèo Bông Lau, phá huỷ 27 xe quân sự, diệt 94 lính Âu Phi, 51 lính nguỵ, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng, cắt đứt Đường số 4 nhiều ngày, buộc quân Pháp phải dùng máy bay tiếp tế cho lực lượng ở Cao Bằng, Bắc Kạn và tổ chức đóng thêm nhiều đồn bốt lẻ để bảo vệ việc vận chuyển trên Đường số 4...

Như vậy, với việc tổ chức binh lực thích hợp, phát động phong trào toàn dân đánh giặc, cả nước phối hợp với Việt Bắc; dùng cách “đánh nhỏ ăn chắc”, phối hợp tác chiến của các “tiểu đoàn tập trung” với hoạt động của các “đại đội độc lập” và lực lượng vũ trang tại chỗ, quân và dân ta đã làm thất bại cuộc tiến công của quân Pháp, góp phần đẩy mạnh phong trào chiến tranh du kích trên toàn chiến trường Việt Bắc. Thắng lợi của chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947 khẳng định chủ trương tổ chức “đại đội độc lập” và “tiểu đoàn tập trung” là đúng đắn và phù hợp với điều kiện trang bị, trình độ tác chiến của lực lượng vũ trang cũng như đặc điểm chiến trường của ta lúc bấy giờ. Nghệ thuật tổ chức và sử dụng lực lượng trong Chiến dịch năm xưa là một bước sáng tạo, trở thành phương thức cần thiết để phát động phong trào toàn dân đánh giặc, tạo thế, tạo lực cho “du kích chiến” phát triển và “du kích vận động chiến” có đà mở rộng ra phạm vi chiến trường cả nước. Đây là bước phát triển mới, đặt nền móng cho nghệ thuật chiến dịch Việt Nam; góp phần vào thắng lợi của quân và dân ta trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Đại tá PHẠM HỮU THẮNG

                  

1 - 5 trung đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn dù, 2 tiểu đoàn pháo, 2 tiểu đoàn công binh, 3 đại đội cơ giới, 2 phi đội (40 máy bay), 3 thuỷ đội (40 tàu, xuồng).

2 - Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Chiến đấu trong vòng vây, Nxb QĐND - Nxb Thanh niên, H. 1995,   tr. 210.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào
Ngày 30/10/1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định thành lập Quân tình nguyện tại Lào, đánh dấu sự phát triển mới của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào; đồng thời, khẳng định đường lối, quan điểm đúng đắn của Đảng ta trong thực hiện nghĩa vụ quốc tế.