Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam

QPTD -Thứ Năm, 05/07/2018, 09:27 (GMT+7)
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng trong chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh Xuân - Hè 1968

Cuối năm 1967, trước sự uy hiếp ngày càng mạnh của ta trên toàn chiến trường miền Nam, Mỹ - ngụy lâm vào thế bị động về chiến lược, buộc chúng phải chuyển vào phòng ngự, tập trung bảo vệ các vùng trọng điểm, trong đó có tuyến phòng thủ chiến lược Đường 9 - Khe Sanh, hòng ngăn chặn tuyến vận chuyển chiến lược của ta từ miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Để thực hiện ý định đó, tại đây địch xây dựng hệ thống công sự trận địa kiên cố, vững chắc; bố trí khoảng 45.000 quân (28.000 quân Mỹ), cùng nhiều vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại và sự chi viện tối đa của hỏa lực các cấp.

Về phía ta, Bộ Quốc phòng quyết định mở Chiến dịch tiến công Đường 9 - Khe Sanh, nhằm nghi binh chiến lược cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; đồng thời, quyết tâm đánh chiếm bằng được địa bàn chiến lược này để nối thông tuyến đường vận tải huyết mạch từ hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam. Điều đó cho thấy, vào thời điểm đó, mặt trận Đường 9 - Khe Sanh có tầm quan trọng chiến lược đối với cả ta và địch. Để đảm bảo cho Chiến dịch giành thắng lợi, cùng với tập trung lực lượng, phương tiện tối đa, Quân ủy Trung ương đã chỉ đạo Chiến dịch phải chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ về mọi mặt, từ xây dựng bản lĩnh, quyết tâm chiến đấu cao cho cán bộ, chiến sĩ đến chuẩn bị phương án, cách đánh tối ưu và công tác bảo đảm các mặt. Thực tế đã chứng minh, qua 177 ngày, đêm chiến đấu liên tục, trong điều kiện vô cùng ác liệt, ta đã tiêu diệt, bắt sống 11.900 tên (trong đó chủ yếu là lính Mỹ), bắn cháy 197 máy bay, 80 tàu vận tải, phá hủy 78 xe các loại và nhiều phương tiện chiến tranh khác, buộc Mỹ - ngụy phải tháo chạy khỏi thung lũng Khe Sanh, tạo bước đột phá cho Cuộc tiến công chiến lược Xuân 1968. Thắng lợi của Chiến dịch là sự tổng hợp của nhiều yếu tố; trong đó, vấn đề tổ chức, sử dụng lực lượng có vai trò hết sức quan trọng, được thể hiện trên một số nội dung chủ yếu sau.

Một là, tổ chức, sử dụng lực lượng Chiến dịch linh hoạt trên từng hướng tác chiến. Để thực hiện thắng lợi phương châm chỉ đạo tác chiến của Bộ Tổng Tư lệnh1, trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá tình hình, so sánh tương quan lực lượng giữa ta và địch, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Chiến dịch xác định quyết tâm tác chiến trên hai hướng: hướng Tây và hướng Đông; trong đó, hướng Tây là hướng tiến công chủ yếu, hướng Đông là hướng quan trọng, quá trình diễn biến tùy tình hình có thể chuyển hướng linh hoạt. Mặc dù xác định như vậy, nhưng trên thực tế, việc sử dụng lực lượng của Chiến dịch trên hai hướng là tương đương nhau. Xét về mặt lý luận, thông thường việc tổ chức, sử dụng lực lượng tác chiến trên hướng chủ yếu bao giờ cũng được tập trung, ưu tiên hơn hẳn các hướng khác, vì hướng chủ yếu có nhiệm vụ nặng nề, khó khăn hơn. Tuy nhiên, trong chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, mặc dù hướng Đông là hướng tiến công thứ yếu, nhưng lại là nơi địch bố trí phòng ngự mạnh hơn hướng Tây, nên việc sử dụng lực lượng tiến công trên hướng thứ yếu tương đương hướng chủ yếu là phù hợp. Đây là nét sáng tạo trong tổ chức, sử dụng lực lượng, đảm bảo phù hợp với thực tiễn chiến trường của Bộ Tư lệnh Chiến dịch. Bởi lẽ, tổ chức, sử dụng lực lượng hai hướng tương đương nhau, ngoài việc căn cứ vào đặc điểm, tính chất bố phòng của địch, quá trình tác chiến, các hướng có thể chuyển hóa linh hoạt cho nhau, từ thứ yếu thành chủ yếu và ngược lại, mà không phải điều chuyển lực lượng, phương tiện tác chiến từ hướng này sang hướng khác. Hơn nữa, việc tổ chức, sử dụng lực lượng gần như cân bằng trên hai hướng trong chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, làm quân địch phòng ngự tại chỗ phải phân tán, căng kéo lực lượng ra đối phó, không có điều kiện chi viện cho nhau, tạo sức ép lớn, buộc chúng phải đưa lực lượng ở nơi khác đến ứng cứu, giải tỏa. Đây chính là mục đích chủ yếu của Chiến dịch.

Bộ đội ta hành quân trong Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh. (Ảnh tư liệu)

Thực tế cho thấy, nhờ tổ chức, sử dụng lực lượng linh hoạt trên các hướng tiến công, nên đợt 1 và đợt 2 của Chiến dịch, lực lượng tác chiến hướng chủ yếu đã nhanh chóng tiêu diệt được các cứ điểm của địch, mở thông Đường 9 từ Ku Bốc đến biên giới Việt - Lào, đưa lực lượng vào vây lấn địch ở Tà Cơn, gây sức ép lớn cho chúng. Các lực lượng tiến công trên hướng thứ yếu cũng đã tiêu diệt được một bộ phận sinh lực địch, thu hút phần lớn hỏa lực không quân, pháo binh của chúng, tạo điều kiện cho quân và dân Trị - Thiên - Huế và toàn Miền tiến công địch.

Hai là, coi trọng phát huy sở trường của từng lực lượng để tổ chức, sử dụng đan xen, tạo sức mạnh tổng hợp trên từng mũi, hướng. Tham gia chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh có nhiều đơn vị, cả bộ binh, binh chủng, quân chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương, trong đó có một số đơn vị mới được điều đến, chưa thông thuộc địa bàn, nên việc tổ chức, sử dụng lực lượng Chiến dịch một cách hiệu quả gặp không ít khó khăn. Để phát huy sức mạnh tổng hợp trên từng hướng tiến công, Bộ Tư lệnh Chiến dịch chủ trương: tổ chức, sử dụng lực lượng đan xen giữa đơn vị cũ và mới, giữa đơn vị đang hoạt động trên khu vực (B5) với đơn vị từ nơi khác đến, nhằm vừa phát huy sức mạnh sở trường của từng lực lượng, vừa tạo điều kiện để các đơn vị bổ khuyết, chi viện cho nhau trong quá trình tác chiến. Thực tế đã chứng minh, lực lượng tác chiến ở hướng Tây của Chiến dịch được tổ chức, sử dụng đan xen: Sư đoàn Bộ binh 325 (B5), Sư đoàn Bộ binh 304 (mới), tiểu đoàn bộ đội địa phương (B5) tăng cường thêm 01 đại đội địa phương, Trung đoàn Pháo binh 675 và 45 (mới) cùng lực lượng pháo cao xạ, tăng thiết giáp, đặc công, công binh, thông tin, v.v. Lực lượng tác chiến trên hướng Đông, gồm: Sư đoàn Bộ binh 324 (B5), Sư đoàn Bộ binh 320 (mới), Trung đoàn Bộ binh 270 (B5), lực lượng bộ đội địa phương Gio Linh (B5) cùng với đặc công, pháo binh, phòng không, tăng thiết giáp, trinh sát, thông tin đều đan xen giữa cũ và mới.

Cùng với đó, Bộ Tư lệnh Chiến dịch còn tổ chức, sử dụng lực lượng đan xen hài hòa giữa lực lượng bộ binh và binh chủng, giữa đơn vị chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương,... tạo thế trận mạnh ở mọi khu vực, hướng tiến công địch. Thực tiễn cho thấy, trong các đợt hoạt động của Chiến dịch, mỗi trận đánh của sư đoàn bộ binh đều có sự hiệp đồng chặt chẽ của xe tăng, pháo binh, phòng không và hoạt động tác chiến rộng khắp của lực lượng vũ trang địa phương,... tạo sự kết hợp hài hòa, kịp thời chi viện, bổ khuyết, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình tác chiến, nhất là trong ứng phó với các đòn phản kích bất ngờ của địch. Đây là cơ sở, điều kiện thuận lợi để các đơn vị phát huy sức mạnh trong quá trình tiến công quân địch, giành thắng lợi.

Ba là, kết hợp chặt chẽ giữa sử dụng lực lượng tiến công vây ép địch trong cứ điểm với cơ động đánh địch ngoài công sự trong từng tình huống Chiến dịch. Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh được chia thành 4 đợt tác chiến, mặc dù diễn ra ở mức độ khác nhau, nhưng nhìn chung đợt tác chiến nào cũng xuất hiện tình huống phải giải quyết. Vì thế, việc sử dụng lực lượng đúng đắn, linh hoạt để giành thắng lợi trong từng tình huống Chiến dịch là vấn đề rất quan trọng. Trong đợt 1 và đợt 2 của Chiến dịch, ở hướng Tây, địch sử dụng 01 đại đội bảo an từ Quảng Trị đổ bộ đường không xuống Ku Bốc để chi viện cho lực lượng đang bị ta vây hãm ở điểm cao 832 và Tà Cơn. Trên hướng Đông, chúng tổ chức một số đợt phản kích, chi viện cho lực lượng phòng ngự đang bị vây hãm. Trước thực tế đó, Bộ Tư lệnh Chiến dịch kịp thời đánh giá đúng tình hình, tổ chức, sử dụng lực lượng hợp lý, khoa học, vừa đảm bảo vây ép địch mạnh hơn nữa ở Tà Cơn, đồng thời tổ chức lực lượng cơ động đánh địch ngoài công sự trên các hướng, giải quyết thắng lợi các tình huống xảy ra. Nhờ đó, Chiến dịch đã tiêu diệt hàng nghìn tên địch, phá hủy nhiều phương tiện, vũ khí của chúng, giữ vững thế trận.

Tuy nhiên, thực hiện sự kết hợp trên là hết sức khó khăn, nhất là khi Chiến dịch diễn ra trên địa bàn rộng, địa hình phức tạp, trong khi đó địch có quân đông, hỏa lực mạnh,... đòi hỏi việc sử dụng lực lượng phải hết sức linh hoạt, sáng tạo mới giành được thế chủ động. Thậm chí ngay trong sử dụng lực lượng cơ động cũng phải cân nhắc kỹ để vừa không mắc mưu, vừa tạo ra sức mạnh tổng hợp để đánh bại địch. Đây cũng là điểm nhấn nổi bật về sử dụng lực lượng trong đợt 3 của Chiến dịch, khi địch tổ chức phản kích trên nhiều hướng: từ Tà Cơn ra kết hợp với đổ bộ đường không xuống các khu vực Đồng Cho, Úc Nghi, Bồng Kho, Sa Mưu, Làng Cát, Cà Lu - Rào Quán,... hòng giải tỏa giao thông Đường 9. Để giải quyết tình huống này, Bộ Tư lệnh Chiến dịch một mặt chỉ đạo các lực lượng vây ép Tà Cơn tăng cường đánh địch phản kích; mặt khác, sử dụng lực lượng tổ chức chốt chặn dọc Đường 9 và cơ động chặn địch trên hướng Cà Lu,... làm chậm bước tiến công của chúng. Đồng thời, sử dụng lực lượng cơ động, bất ngờ từ nhiều hướng tiến công tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, đánh bại biện pháp tác chiến chiến dịch của chúng. Như vậy, với một lực lượng không nhiều, vũ khí, trang bị không ngang bằng địch, nhưng do tổ chức, sử dụng hợp lý, sáng tạo, Chiến dịch không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ vây ép, đánh chiếm địa bàn trọng yếu của địch, mà còn buộc quân Mỹ phải thân chinh ứng cứu, giải tỏa ở nhiều quy mô, tạo điều kiện cho ta tiêu diệt nhiều sinh lực địch ngoài công sự, đáp ứng mục đích, yêu cầu chiến lược đề ra.

Nét đặc sắc trong nghệ thuật sử dụng lực lượng tác chiến còn được thể hiện trong đợt 4 của Chiến dịch, khi địch tổ chức cuộc hành quân giải tỏa “Scốt-len 2”2, nhằm đánh vào khu vực hoạt động của Sư đoàn 308 (mới được tăng cường từ miền Bắc vào). Nhân cơ hội địch di chuyển lực lượng lớn ngoài công sự, ta đã sử dụng chính Sư đoàn 308, Trung đoàn 246, lực lượng pháo binh và lực lượng vũ trang địa phương, kịp thời chuyển hóa thế trận, thực hiện nhiều trận tập kích vào các cứ điểm: Rô Mơ, Húc Thượng, điểm cao 635,... tiêu diệt hàng nghìn tên và hàng chục máy bay các loại. Điều đáng nói là, mặc dù dành nhiều lực lượng để vây ép và cơ động đánh địch phản kích, giải tỏa, Chiến dịch vẫn chủ động tổ chức lực lượng bám sát và sẵn sàng truy kích khi địch rút chạy. Đúng như dự đoán của ta, trước nguy cơ bị tiêu diệt, địch đã quyết định rút bỏ thung lũng Khe Sanh và rơi vào thế trận ta đã bày sẵn. Vì thế, đợt 4 Chiến dịch đã giành thắng lợi lớn, ta tiêu diệt được hơn 5.000 tên, bắn rơi gần 100 máy bay, phá hủy nhiều pháo binh và xe cơ giới địch.

Với việc tổ chức, sử dụng lực lượng hợp lý, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh đã phát huy cao khả năng của các đơn vị tham gia chiến đấu, góp phần tạo nên chiến thắng của Chiến dịch. Thắng lợi đó để lại nhiều bài học quý; trong đó, nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Đại tá, ThS. VƯƠNG VĂN YÊN, Trưởng ban Tổng kết lịch sử, Bộ Tổng Tham mưu
________________

1 - Lấy đánh địch ngoài công sự làm chính, đánh địch trong công sự khi cần thiết và chắc thắng; kết hợp đánh nhỏ, đánh vừa, đánh liên tục, rộng khắp, tạo điều kiện cho đánh lớn; phối hợp chặt chẽ 3 thứ quân, v.v.

2 - Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Chiến dịch tiến công Đường 9 - Khe Sanh, Xuân - Hè 1968, Nxb QĐND, H. 1987, tr. 48.

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào
Ngày 30/10/1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định thành lập Quân tình nguyện tại Lào, đánh dấu sự phát triển mới của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào; đồng thời, khẳng định đường lối, quan điểm đúng đắn của Đảng ta trong thực hiện nghĩa vụ quốc tế.