Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam

QPTD -Thứ Sáu, 28/02/2014, 10:41 (GMT+7)
Nghệ thuật tiến công truy kích địch trong Chiến dịch Thượng Lào năm 1954

Chiến dịch Thượng Lào (năm 1954) có ý nghĩa chiến dịch - chiến lược, nhằm tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng đất đai và phân tán lực lượng cơ động chiến lược của thực dân Pháp, cô lập tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chiến dịch đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý về nghệ thuật tiến công truy kích địch.

Lực lượng Pa-thét Lào vào giải phóng Sầm Nưa, tỉnh Hủa Phăn. (Ảnh tư liệu)

Ngày 26-01-1954, Bộ Tổng Tư lệnh đã quyết định sử dụng Đại đoàn 308 và Trung đoàn 148 mở Chiến dịch sang Thượng Lào. Trong đó, Đại đoàn 308 là lực lượng chủ yếu ở phía Nam - hướng Luông Pha-băng, có nhiệm vụ tiến công đập tan “hành lang chiến lược” của địch ở Thượng Lào. Đây là phòng tuyến được địch xây dựng dọc theo sông Nậm Hu để bảo vệ Thượng Lào, che chắn cho Điện Biên Phủ và tạo một hành lang lui quân từ Điện Biên Phủ sang Lào khi cần thiết. Tiến công phòng tuyến sông Nậm Hu, có ý nghĩa quan trọng; một mặt, làm tăng thêm sự phán đoán sai lầm của địch, tạo điều kiện thuận lợi cho chiến trường Điện Biên Phủ hoàn thành công tác chuẩn bị theo phương châm tác chiến mới; mặt khác, sẵn sàng “cắt cầu” rút chạy của địch từ Điện Biên Phủ sang Lào (theo kế hoạch Xê-nô-phôn của chúng), cô lập tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Vì thế, Chiến dịch này quy mô không lớn, nhưng lại mang tầm chiến lược. Với quyết tâm chiến đấu cao và sự nỗ lực vượt qua khó khăn, gian khổ, các lực lượng tham gia Chiến dịch đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, với nhiều nét nghệ thuật đặc sắc; trong đó, nổi bật là:

1. Đánh giá đúng tình hình, sử dụng lực lượng khoa học, hiệu quả. Chiến dịch Thượng Lào được mở trong điều kiện hết sức khẩn trương, mục tiêu ở xa hàng trăm ki-lô-mét, điều kiện bảo đảm vô cùng khó khăn. Do đó, Bộ Tổng Tư lệnh giao cho Đại đoàn 308 tự xác định quy mô lực lượng tham gia Chiến dịch. Trên cơ sở các nguồn tin và đánh giá tình hình, Bộ Chỉ huy Đại đoàn nhận định: địch ở phòng tuyến sông Nậm Hu tương đối đông (khoảng 06 tiểu đoàn), bố trí ở những vị trí hiểm yếu từ Pắc U, Mường Ngòi đến Mường Khoa, địa bàn tác chiến rộng, địa hình hiểm trở, nếu ta tiến công với lực lượng không áp đảo địch thì sẽ khó giành thắng lợi. Hơn nữa, địch ở đây lại thông thạo địa bàn, nếu chúng tổ chức rút chạy hoặc co cụm để bảo toàn lực lượng, cần phải có lực lượng đủ sức tiến công, truy kích liên tục. Từ nhận định đó, Bộ Chỉ huy Đại đoàn đã quyết định sử dụng toàn bộ binh lực của mình tham gia Chiến dịch. Để nâng cao tốc độ cơ động và triển khai đội hình chiến đấu nhanh, Đại đoàn tổ chức thành 02 cánh quân bí mật tiến sang Thượng Lào; trên từng cánh quân Đại đoàn đều tổ chức bộ phận tiền trạm, làm nhiệm vụ nắm địch, mở đường, chuẩn bị phương án tác chiến, liên hệ với bộ đội Pa-thét Lào và các cơ sở cách mạng của Bạn để vận động nhân dân địa phương bảo đảm lương thực cho bộ đội. Đây là một quyết định đúng đắn, có tính quyết đoán cao, thể hiện sự thấu triệt chấp hành nguyên tắc cơ bản “đánh chắc thắng” của Đại đoàn. Thực tế đã chứng minh: với binh lực quy mô đại đoàn, được tổ chức chặt chẽ, khoa học, cơ động nhanh, kịp thời hình thành các hướng, mũi tiến công trên toàn phòng tuyến sông Nậm Hu, quân ta đã tạo được sức mạnh áp đảo, làm cho địch chưa đánh đã tháo chạy, tạo thời cơ để ta truy kích mạnh giành thắng lợi. Nét đặc sắc của nghệ thuật sử dụng lực lượng còn thể hiện ở chỗ: do đánh giá đúng tình hình, dự kiến chính xác tình huống, nên khi địch tháo chạy, ta đã không bất ngờ mà nhanh chóng chuyển hóa thế trận, chủ động hình thành 02 hướng truy kích địch. Hướng thứ nhất, sử dụng Trung đoàn 102 truy kích địch tháo chạy về Mường Khoa - Mường Sài. Tại đây, ta đã sử dụng ngay phân đội quân báo phía trước tạo một “cái nút”, bịt chặt đường rút của địch; tiếp đó lực lượng chủ yếu của Trung đoàn truy kích đánh tan địch co cụm ở Mường Khoa, tiêu diệt một tiểu đoàn Ngụy và một số đơn vị Âu Phi, tạo nên khí thế mới, động viên toàn Đại đoàn dốc sức truy kích địch. Trên hướng Mường Ngòi - Pắc U, Trung đoàn 36 đánh thiệt hại 05 đại đội địch, rồi tiếp tục truy kích dọc sông Nậm Hu. Tuy nhiên, do địa bàn rộng, địa hình phức tạp nên việc truy kích tiêu diệt gọn địch gặp nhiều khó khăn. Ở nhiều nơi, khi bị tiến công địch đã lợi dụng địa hình để lẩn trốn, tránh sự truy kích của ta. Trước tình hình đó, Đại đoàn đã sử dụng Trung đoàn 88 làm nhiệm vụ truy quét tàn quân sau các trận đánh. Kết quả Trung đoàn đã bắt sống hàng trăm tên ở địa bàn mới giải phóng và giúp Bạn xây dựng, củng cố cơ sở cách mạng. Đặc biệt, khi nhiệm vụ truy kích địch cơ bản hoàn thành, Đại đoàn vẫn sử dụng một bộ phận bí mật vượt sông Nậm Hu tiêu diệt cứ điểm Bản Na - một tiền đồn của Luông Pha-băng, buộc Bộ Chỉ huy Pháp ở Đông Dương phải ưu tiên chi viện không quân và tăng cường lực lượng từ đồng bằng Bắc Bộ sang Lào, làm cho khối cơ động chiến lược của Na-va càng bị phân tán.

2. Triệt để lợi dụng địa hình, nâng cao tốc độ cơ động, đuổi đánh địch hiệu quả trên nhiều hướng. Trước tin chủ lực ta rời Điện Biên Phủ tiến công sang Thượng Lào và đang tiến sát phòng tuyến sông Nậm Hu, đã làm địch hoảng hốt, vội vã bỏ phòng tuyến rút chạy về hướng Mường Sài, Luông Pha-băng, nên khoảng cách giữa ta và chúng cách nhau khá xa. Vì vậy, nâng cao tốc độ cơ động thực hiện tiến công gấp, truy kích mạnh là vấn đề có ý nghĩa quyết định thắng lợi của Chiến dịch. Để thực hiện điều đó, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị đã kịp thời quán triệt nhiệm vụ, động viên tư tưởng cán bộ, chiến sĩ truy kích địch đến cùng; đồng thời, chủ động nghiên cứu tình hình, liên hệ với Bạn tìm đường tắt, đường ngắn nhất có thể cơ động được. Khó khăn nhất lúc này là vấn đề vượt sông. Do lực lượng đông, thuyền ít, nên Bộ đội ta đã chủ động tìm kiếm tre, bương làm mảng chở vũ khí nặng và thương binh, dùng vải nhựa gói ba lô, quần áo làm phao dìu nhau bơi qua sông theo đội hình từng tổ chiến đấu. Nhờ sự mưu trí sáng tạo, tổ chức chặt chẽ, cộng với quyết tâm cao, nhiều đơn vị, bộ phận không quản đói rét, liên tục cơ động để đuổi kịp và vượt lên trước địch làm chúng bất ngờ, hoảng loạn. Điển hình là, trên hướng Mường Khoa - Mường Sài khi được thông báo địch còn cách 10 km, cả Trung đoàn 102 cơ động ngay trong đêm với quyết tâm: đơn vị nào, bộ phận nào có khả năng cứ vượt lên trước, thấy địch là đánh, gặp Bạn là phối hợp, kiên quyết truy kích địch đến cùng. Với tinh thần ấy, toàn Trung đoàn như một mũi lao cắt đôi đội hình địch đang cụm tại Mường Khoa và tiêu diệt gọn từng bộ phận. Cùng thời điểm này, trên hướng Mường Ngòi - Pắc U, địch được lệnh rút chạy từ trước nên khá chủ quan. Chớp thời cơ, Trung đoàn 36 đã vận dụng nhiều hình thức: vượt sông, cắt rừng, đi đường tắt đuổi đánh địch. Thậm chí, trên đường rút chạy từ Nậm Ngà về Luông Pha-băng, để đề phòng ta đuổi theo, địch đã gài rất nhiều mìn; tương kế, tựu kế ta đã cho bộ đội đóng bè, mảng vượt sông, tiến đến mục tiêu bằng con đường khác. Chính vì thế, khi quân ta đuổi kịp, vượt lên làm cho địch hoàn toàn bất ngờ, không kịp phòng bị và nhanh chóng bị tiêu diệt. Đây là nét đặc sắc mà chính Na-va sau này đã phải thừa nhận rằng, trong cuộc truy kích quân Pháp rút chạy khỏi phòng tuyến sông Nậm Hu, quân ta đã đạt “một tốc độ kỷ lục phi thường”1.

3. Nắm chắc thời cơ, chủ động hiệp đồng, vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu tiến công truy kích địch. Mục đích ban đầu của Chiến dịch là, tiến công tiêu diệt địch phòng ngự ở phòng tuyến sông Nậm Hu, nhưng khi ta chưa tiến công thì địch đã hoảng sợ bỏ đồn rút chạy. Tận dụng thời cơ đó, Đại đoàn 308 đã kịp thời chuyển cách đánh từ tiến công trận địa sang tiến công truy kích địch. Trong quá trình thực hiện có cả thuận lợi và khó khăn đan xen. Thuận lợi là, địch bộc lộ lực lượng ngoài công sự, không có sự chi viện của hỏa lực, tinh thần lại hoang mang, dao động. Khó khăn là, tình hình địch luôn biến động, ta phải cơ động liên tục, công tác chuẩn bị, tổ chức hiệp đồng chiến đấu phải tiến hành đồng thời ngay trong quá trình cơ động. Trước tình hình đó, Bộ Chỉ huy Đại đoàn 308 đã tỏ rõ bản lĩnh của người cầm quân từ chủ động nắm địch, chuẩn bị chiến đấu, tổ chức dẫn đường và bảo đảm thông tin liên lạc,… Đặc biệt, các đơn vị trong Đại đoàn còn phát huy tinh thần độc lập tác chiến, vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu, như: truy kích, chốt chặn, phục kích, đón lõng và tiến công địch co cụm trên đường rút chạy. Trong đó, nổi bật là trận tiến công địch co cụm ở Mường Khoa, ta đã kết hợp chặt chẽ giữa chốt chặn phía trước, bao vây, tiến công địch từ nhiều hướng, mũi và phối hợp với bộ đội Pa-thét Lào truy kích địch trong đêm, tạo ra trận đầu thắng lợi giòn giã. Nét đặc sắc của nghệ thuật tiến công, truy kích địch càng được thể hiện ở sự sáng tạo, chớp thời cơ khi chiều 31-01-1954, lực lượng tháo chạy của Vô-đơ-rây đang cấp tốc xuống núi, rút chạy theo đường mòn nhưng ta lại không có lực lượng chặn đầu, Tiểu đoàn 18 (Trung đoàn 102) đã kịp thời chiếm lĩnh địa hình cao kết hợp giữa hỏa lực và xung lực đánh địch ở thế thấp, diệt tại chỗ hàng trăm tên, buộc chúng phải bỏ đường mòn trốn chạy vào rừng, tạo điều kiện cho ta tổ chức truy quét trong đêm tiêu diệt thêm nhiều địch.

Bên cạnh đó, nghệ thuật vận dụng các hình thức chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu và khả năng phối hợp, hiệp đồng trong Chiến dịch cũng được nâng lên một trình độ mới. Điển hình là ngày 05-02-1954, khi Tiểu đoàn 89 (Trung đoàn 36) tiến sát đến ngã ba Nậm Bạc, thì cũng là lúc hai đại đội ngụy Thái từ Mường Sài kéo đến tăng cường cho khu vực này. Một trận “tao ngộ chiến” đã diễn ra ngay cửa ngõ Nậm Ngà, quân ta đã nhanh chóng hình thành thế bao vây, kết hợp trong đánh ra, ngoài đánh vào, tiến công mãnh liệt, tiêu diệt gọn quân địch. Chớp thời cơ, Tiểu đoàn 89 tung lực lượng đánh thẳng vào quân địch chiếm đóng ở Nậm Ngà, diệt gọn một đại đội. Đây là một trong những chiến thắng tiêu biểu của Chiến dịch, ta đã vận dụng sáng tạo các hình thức chiến thuật để giải quyết, xử trí các tình huống cụ thể và đã đạt hiệu xuất chiến đấu cao.

Qua hơn 10 ngày chiến đấu, tiến công truy kích địch, Đại đoàn 308 đã đánh nhiều trận, tiêu diệt hơn 17 đại đội địch; trong đó, tiểu đoàn lính lê dương bị diệt gọn, thu hàng chục tấn vũ khí, đạn dược, giải phóng hoàn toàn lưu vực sông Nậm Hu, đập tan hành lang chiến lược, đẩy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ vào thế bị cô lập hoàn toàn. Đồng thời, sự phát triển của Chiến dịch đã uy hiếp trực tiếp đến Luông Pha-băng và Mường Sài, nơi “được coi là một cột mốc của thế giới tự do mà cộng sản không thể vượt qua”2 buộc Bộ Chỉ huy Pháp phải khẩn cấp lập cầu hàng không chi viện cho Lào; tiếp tục “xé nhỏ” khối chủ lực cơ động chiến lược của chúng từ đồng bằng Bắc Bộ sang tăng viện ứng cứu. Với thắng lợi to lớn này, Chiến dịch Thượng Lào (năm 1954) đã đạt trọn vẹn mục tiêu của cả chiến lược và chiến dịch. Chiến dịch đã để lại một bài học kinh nghiệm sâu sắc về nghệ thuật tổ chức lực lượng trong hành quân, tiến công thần tốc, nắm chắc thời cơ, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu trong tiến công truy kích địch, mà ngày nay chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu và phát triển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

XUÂN NGUYÊN
_______

1 - Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1945 - 1954, Tập II, Nxb QĐND, H. 1994, tr. 353.

2 - Sđd, tr. 356.

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào
Ngày 30/10/1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định thành lập Quân tình nguyện tại Lào, đánh dấu sự phát triển mới của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào; đồng thời, khẳng định đường lối, quan điểm đúng đắn của Đảng ta trong thực hiện nghĩa vụ quốc tế.