Thứ Bảy, 23/11/2024, 07:41 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam
Cách đây 42 năm, bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quân và dân ta đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đây là trận quyết chiến chiến lược, với sự phát triển đỉnh cao của nghệ thuật tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng; trong đó, nghệ thuật tác chiến thọc sâu, đánh chiếm mục tiêu chiến lược là nét độc đáo, sáng tạo.
Sau thất bại ở Xuân Lộc - Long Khánh - phòng tuyến cuối cùng bảo vệ Sài Gòn từ xa bị phá vỡ, Chính quyền Sài Gòn vội vàng tập trung toàn bộ lực lượng còn lại, tổ chức phòng thủ bảo vệ Sài Gòn - Gia Định. Chúng tập trung đến 05 sư đoàn và 02 lữ đoàn bảo vệ vòng ngoài, tạo lớp vỏ cứng, sẵn sàng đẩy lui các cuộc tiến công của ta. Ở ngoại vi Sài Gòn, địch sử dụng 03 liên đoàn biệt động quân, tổ chức thành 03 khu: Bắc, Tây và Nam. Trong nội đô, địch tổ chức thành 05 liên khu do lực lượng cảnh sát, phòng vệ dân sự đảm nhiệm. Với cách bố trí đội hình như trên, địch đã tạo lập được hệ thống phòng ngự khá vững chắc để “tử thủ” bảo vệ Sài Gòn, kéo dài sự tồn tại để tìm giải pháp thương lượng với quân Giải phóng. Lúc này, tinh thần chiến đấu của địch rất hoang mang, tổ chức, chỉ huy lỏng lẻo, nhưng hết sức ngoan cố và liều lĩnh. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị quyết định thực hiện trận quyết chiến chiến lược - Chiến dịch Hồ Chí Minh để kết thúc chiến tranh. Thực hiện quyết tâm đó, trong 05 ngày (từ ngày 26 đến ngày 30-4-1975), năm cánh quân của ta đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang địa phương và quần chúng cách mạng tổ chức tổng công kích kết hợp với nổi dậy, đập tan tuyến phòng ngự vòng ngoài, nhanh chóng thọc sâu đánh chiếm 05 mục tiêu chiến lược trong nội đô, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh là kết quả hợp thành của nhiều yếu tố, trong đó nổi bật là nghệ thuật tác chiến thọc sâu đánh chiếm mục tiêu chiến lược, được thể hiện ở một số nội dung sau:
1. Tổ chức, sử dụng lực lượng thọc sâu chiến dịch linh hoạt, tạo ưu thế về sức mạnh, đánh chiếm mục tiêu chiến lược, giành thắng lợi. Bước vào Chiến dịch cuối cùng này, quân và dân ta phải đương đầu với tập đoàn địch phòng ngự mạnh ở quanh Sài Gòn, tuy đang trong thế tan vỡ về chiến lược, nhưng quân số còn đông, vũ khí trang bị còn nhiều. Vì thế, nếu ta không tổ chức tiến công nhanh, tạo thế áp đảo, giải quyết dứt điểm các mục tiêu chiến lược,... chúng sẽ dần hồi phục, tổ chức lực lượng chống trả, cuộc chiến sẽ kéo dài, gây bất lợi cho ta. Trên cơ sở phân tích, đánh giá đúng tình hình các mặt, Bộ Tư lệnh Chiến dịch quyết định: cùng với tiêu diệt và làm tan rã tại chỗ các sư đoàn địch ở vòng ngoài, tổ chức lực lượng thọc sâu nhanh chóng phá vỡ sức đề kháng của địch. Để nâng cao khả năng đột kích, trên từng cánh quân, Chiến dịch tổ chức bộ phận thọc sâu tương đương sư đoàn tăng cường, gồm: bộ binh, xe tăng, pháo binh, phòng không, công binh,... có nhiệm vụ đánh lướt, vượt qua các trọng điểm đề kháng, đánh thẳng vào mục tiêu chiến lược. Đây là nét phát triển mới về nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng thọc sâu chiến dịch trong điều kiện ta có ưu thế về lực lượng, nhằm tạo sức mạnh ở thời điểm và thời cơ quyết định để tiêu diệt các cơ quan đầu não của địch. Nét đặc sắc của nghệ thuật tác chiến thọc sâu được thể hiện khi Chiến dịch không chỉ tổ chức bộ phận thọc sâu trên hướng chủ yếu, mà tổ chức trên cả 05 cánh quân. Điều đó không chỉ phản ánh nghệ thuật tập trung lực lượng lớn, trong thời gian ngắn của ta, mà còn thể hiện tính linh hoạt trong tiến công tiêu diệt địch, đánh chiếm các mục tiêu chiến lược. Theo đó, bộ phận thọc sâu của Quân đoàn 1 là Sư đoàn 320B, từ hướng Bắc đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy; Quân đoàn 2 là Lữ đoàn tăng - thiết giáp 203, Trung đoàn bộ binh 66 từ hướng Đông - Đông Nam đánh chiếm Dinh Độc Lập; Quân đoàn 3 là Sư đoàn 10, từ hướng Tây Bắc, đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất; Quân đoàn 4 là Sư đoàn 7, từ hướng Đông đánh chiếm Dinh Độc Lập; Đoàn 232 là Sư đoàn 9, từ hướng Tây Nam đánh chiếm Tổng Nha cảnh sát, Biệt khu Thủ đô. Tổ chức lực lượng như vậy, ta đã phát huy được tính chủ động trên từng cánh quân, bởi thời gian lúc này là lực lượng, cánh quân nào phát triển thuận lợi thì nhanh chóng đánh chiếm mục tiêu quy định, tạo điều kiện hoặc chi viện cho các hướng khác phát triển, từ đó nhanh chóng đánh chiếm toàn bộ các mục tiêu chiến lược trong nội đô. Đồng thời, việc tổ chức lực lượng thọc sâu cũng là thực hiện triệt để tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị: “thần tốc, táo bạo, chắc thắng”. Vì thế, khi thực hiện tổng công kích, lực lượng thọc sâu chỉ mất từ 03 giờ đến 05 giờ để đánh chiếm các mục tiêu chiến lược trong nội đô, với quãng đường thọc sâu từ 20km đến 30km.
2. Tạo lập thế trận thọc sâu vững chắc, sẵn sàng đột kích đánh chiếm mục tiêu đảm nhiệm. Với đội hình thọc sâu lớn, nhiều xe cơ giới, và đặc biệt là phải đạt được yêu cầu “thần tốc”, nên việc tạo thế cho lực lượng này được Bộ Tư lệnh Chiến dịch hết sức coi trọng. Trước khi bước vào Chiến dịch, cùng với chuẩn bị chu đáo các mặt ta đã khẩn trương chuẩn bị tốt các trục đường cơ động trên các hướng, nhất là đường cơ động cho xe cơ giới. Đồng thời, Bộ Tư lệnh Chiến dịch chỉ đạo các lực lượng còn lại tổ chức các đợt chiến đấu tạo thế rộng lớn, hiệu quả, tạo ra thế chiến dịch hiểm, bảo đảm có thể hợp vây lớn và chia cắt cả tập đoàn phòng ngự của địch. Đây là thế trận ban đầu rất quan trọng để các quân đoàn chủ lực quân Giải phóng nhanh chóng tiêu diệt, làm tan rã tại chỗ các sư đoàn chủ lực địch ở vòng ngoài, kịp thời đưa lực lượng thọc sâu tiếp tục áp sát các mục tiêu chiến lược trong nội đô, khiến địch trong ngoài không ứng cứu được nhau dẫn tới sụp đổ từng mảng.
Thực tiễn Chiến dịch cho thấy, từ ngày 26 đến ngày 28-4-1975, quân ta đã chiếm Trảng Bom, Vũng Tàu, cắt lộ 15, khóa sông Lòng Tàu, bao vây chặt địch từ hướng Đông và Đông Nam; cắt lộ 4, bao vây chặt địch từ hướng Tây - Tây Nam và khống chế sân bay Biên Hòa, Tân Sơn Nhất, v.v. Tiếp đó, ngày 29-4-1975, ta đột phá, mở cửa, thực hành tiến công vây hãm, tiêu diệt và làm tan rã 06 sư đoàn và 02 lữ đoàn địch ở vòng ngoài. Trên hướng tiến công Đông Nam, mặc dù địch dùng hỏa lực không quân, pháo binh, thậm chí cả hỏa lực xe tăng chôn ngầm để ngăn chặn, khống chế đội hình tiến công của ta, nhưng Sư đoàn bộ binh 304 (Quân đoàn 2) được pháo binh và xe tăng chi viện, kiên quyết bám trụ, liên tục đánh địch phản kích, thực hiện tiến công đánh chiếm căn cứ Nước Trong, Bình Long, tạo điều kiện cho mũi thọc sâu của Quân đoàn phát triển ra Xa lộ Biên Hòa, sẵn sàng đột phá mục tiêu chiến lược. Cùng với đó, các đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng đặc công, biệt động đánh chiếm, giữ vững các bàn đạp trọng yếu, nhất là các cây cầu nối vào nội đô, tạo điều kiện cho lực lượng thọc sâu cơ động tiến công địch. Đặc biệt, ở nhiều nơi, lực lượng vũ trang tại chỗ phối hợp với quần chúng nổi dậy lật đổ ngụy quyền ở cơ sở, cô lập ngụy quân, tạo hành lang an toàn để các lực lượng thọc sâu phát triển chiến đấu, đánh chiếm các bàn đạp vùng ven để tiến vào mục tiêu chủ yếu. Đây cũng là nét đặc sắc về tạo lập thế trận cho lực lượng thọc sâu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh Lịch sử.
3. Vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu thọc sâu, nhanh chóng đánh chiếm mục tiêu, kết thúc sớm Chiến dịch. Xuất phát từ đặc điểm địa bàn Chiến dịch tương đối phức tạp, có nhiều sông, rạch, bưng, sình; địch lại tăng cường các hỏa điểm, cụm đề kháng để ngăn chặn đội hình tiến công của ta. Vì vậy, để thọc sâu có hiệu quả, các đơn vị đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu trong suốt quá trình tiến công. Theo đó, trên từng hướng Chiến dịch các đơn vị thọc sâu đã kết hợp chặt chẽ giữa tiến công chính diện với vu hồi, đánh hiểm sau lưng địch; thực hiện phương châm “gạt địch ra mà tiến”, kết hợp trong đánh ra, ngoài đánh vào, tổ chức đánh lướt qua các mục tiêu trên đường bằng sức cơ động nhanh của cơ giới. Quá trình tiến công đã triệt để phát huy sức mạnh tổng hợp của bộ binh, xe tăng, pháo binh, cao xạ, công binh, trinh sát ,… trong đội hình để tiêu diệt địch nhanh, gọn trên đường cơ động. Bên cạnh đó, Chiến dịch còn tổ chức các lực lượng đặc công, biệt động, tự vệ thực hiện luồn sâu chiến dịch, phối hợp chặt chẽ với lực lượng tại chỗ nắm chắc địa bàn cùng các chướng ngại vật mà đội hình thọc sâu của các hướng phải vượt qua để tổ chức dẫn đường, bảo đảm đánh chiếm bàn đạp, đường cơ động cho lực lượng này tiến công mục tiêu chiến lược theo đường gần nhất, an toàn nhất.
Ngoài ra, việc phối hợp giữa lực lượng tác chiến vòng ngoài với lực lượng thọc sâu cũng là nét nổi bật tạo nên hiệu quả Chiến dịch lớn nhất. Thực tiễn Chiến dịch đã chứng minh, do ta tổ chức uy hiếp Sài Gòn từ nhiều hướng, buộc địch phải đưa một lực lượng lớn ra vòng ngoài đối phó, tạo điều kiện để lực lượng thọc sâu của Quân đoàn 2 từ hướng Đông - Đông Nam vượt qua quãng đường khoảng 30km tiến vào Dinh Độc Lập, bắt sống toàn bộ nội các Chính quyền Sài Gòn, buộc Tổng thống Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Cùng với đó, lực lượng thọc sâu của các hướng khác, bằng sức cơ động nhanh, hỏa lực mạnh, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng nhanh chóng vượt qua các mục tiêu trên đường tiến quân, đánh chiếm các mục tiêu chiến lược được đảm nhiệm, giành thắng lợi trọn vẹn, kết thúc vẻ vang Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kéo dài 21 năm của dân tộc.
Chiến dịch Hồ Chí Minh thắng lợi là mốc son chói lọi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Nó in đậm vào ký ức của quân và dân cả nước. Thắng lợi vĩ đại đó để lại nhiều bài học quý; trong đó, nghệ thuật tác chiến thọc sâu đánh chiếm các mục tiêu chiến lược là nét đặc sắc nhất, cần tiếp tục được nghiên cứu, phát triển và vận dụng vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Trung tá, ThS. LÊ QUANG LẠNG
Nghệ thuật thọc sâu,nét đặc sắc,Chiến dịch Hồ Chí Minh
Nét đặc sắc của nghệ thuật vận dụng cách đánh trong Chiến dịch tiến công Tây Sơn Tịnh năm 1966 21/11/2024
Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào 29/10/2024
Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972 - nét đặc sắc về nghệ thuật sử dụng lực lượng 24/10/2024
Nghệ thuật đánh điểm, diệt viện trong Chiến dịch Bu Prăng - Đức Lập năm 1969 27/09/2024
Nghệ thuật chỉ đạo của Đảng về tạo và nắm thời cơ, giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 19/08/2024
Nghệ thuật đánh trận then chốt quyết định trong Chiến dịch Nông Sơn - Thượng Đức năm 1974 15/07/2024
Nhà Lý kết hợp tiến công quân sự với biện pháp ngoại giao để kết thúc chiến tranh, kiến tạo hòa bình 24/06/2024
Chiến dịch Long Khánh năm 1969 - nét đặc sắc của nghệ thuật tập kích 04/06/2024
Nghệ thuật đánh điểm, diệt viện trong Chiến dịch Trung - Hạ Lào năm 1954 22/04/2024
Nét nổi bật về nghệ thuật đánh trận mở đầu trong Chiến dịch Bắc Tây Nguyên năm 1954 15/02/2024
Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972 - nét đặc sắc về nghệ thuật sử dụng lực lượng
Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào
Nét đặc sắc của nghệ thuật vận dụng cách đánh trong Chiến dịch tiến công Tây Sơn Tịnh năm 1966