Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam

QPTD -Thứ Năm, 30/03/2023, 07:51 (GMT+7)
Nghệ thuật tạo và nắm thời cơ trong Chiến dịch Tây Nguyên năm 1975

Chiến dịch Tây Nguyên là đòn tiến công then chốt, bằng sức mạnh hiệp đồng binh chủng, đánh vào nơi hiểm yếu nhất của địch trên chiến trường miền Nam và giành thắng lợi quan trọng, làm thay đổi căn bản cục diện chiến trường, mở ra thời cơ chiến lược, rút ngắn Kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Thắng lợi đó đánh dấu bước phát triển vượt bậc của nghệ thuật quân sự Việt Nam, trong đó có nghệ thuật tạo và nắm thời cơ.

Bước sang năm 1974, trước sức tiến công liên tục, rộng khắp của ta, kế hoạch “Bình định” của địch đứng trước tình thế phá sản. Các cuộc hành quân lấn chiếm theo kế hoạch hầu như không thực hiện được, địch chỉ còn khả năng duy trì và giữ vững những vùng đang nắm quyền kiểm soát. Ngoài việc bị sa sút về tinh thần chiến đấu và lúng túng về phương thức tác chiến, quân địch buộc phải căng kéo, phân tán lực lượng đối phó trên các hướng, nên bộc lộ nhiều điểm yếu, sơ hở. Ở địa bàn chiến lược Tây Nguyên, địch bố trí lực lượng lớn1; trong đó, tập trung co cụm ở các thị xã và một số vị trí quan trọng trên những trục giao thông huyết mạch, như: Đường số 14, 19, 21, v.v. Với ý đồ, ngăn chặn và đối phó các cuộc tiến công của ta từ phía Bắc, nên địch tập trung lực lượng chủ yếu ở Pleiku và Kon Tum; còn khu vực Nam Tây Nguyên, chúng bố trí lực lượng ít hơn.

Về phía ta, tháng 01/1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương họp và hạ quyết tâm chiến lược, giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 - 1976; đồng thời, ta còn dự kiến một phương án cực kỳ quan trọng: “Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”2. Sau khi chuẩn bị kỹ lưỡng, Bộ Chính trị quyết định chọn Tây Nguyên (trọng điểm là Nam Tây Nguyên) là hướng tiến công chủ yếu, mở màn cho cuộc tiến công chiến lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Đúng như tính toán của ta, chiến dịch Tây Nguyên đã giành thắng lợi lớn, tiêu diệt và làm tan rã một lực lượng lớn quân địch phòng ngự, tạo bước ngoặt quyết định, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn. Qua đó, khẳng định sự phát triển ở trình độ cao của nghệ thuật chiến dịch, với nhiều nét sáng tạo, đặc sắc, mà tâm điểm là nghệ thuật tạo và nắm thời cơ.

Một là, tích cực, chủ động tạo thời cơ có lợi. Trong chiến dịch Tây Nguyên, trên cơ sở nắm chắc quyền chủ động về chiến lược, ta “luôn luôn chủ động tạo ra tình huống tốt và chín muồi, tạo ra thế có lợi và thời cơ có lợi”3, được cụ thể hóa bằng những hoạt động, như: xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang đủ sức hành động khi thời cơ đến, đi đôi với dùng mọi biện pháp để tiêu hao, làm suy yếu lực lượng địch; xây dựng, bố trí, điều chỉnh thế trận, tiến hành các hoạt động tác chiến tạo thế khi cần thiết và hạn chế các lợi thế của địch; cải tạo môi trường tác chiến và bố trí thiết bị chiến trường phù hợp với yêu cầu của tác chiến khi có thời cơ. Trong những yếu tố trên, việc phát triển thế và lực của ta, làm suy yếu thế và lực của địch là nội dung chủ yếu, quan trọng nhất của quá trình tạo ra thời cơ có lợi của Chiến dịch.

Cũng từ cơ sở phân tích, đánh giá đúng tương quan lực lượng giữa ta và địch, Bộ Chính trị xác định thời cơ chiến lược đã đến, trong đó chỉ rõ: “Hai mươi năm chiến đấu mới tạo được thời cơ này, chúng ta phải biết nắm lấy để đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc đến thắng lợi hoàn toàn”4. Do vậy, nhiệm vụ cấp bách lúc này được xác định là tăng cường lực lượng, bảo đảm đầy đủ nhu cầu về vật chất, kỹ thuật cho chiến trường, coi đó là điều kiện cơ bản để giành thắng lợi. Thực hiện chủ trương đó, Bộ Tổng Tư lệnh đã tăng cường cho Mặt trận Tây Nguyên cả về lực lượng5, vũ khí, trang bị, bảo đảm khối chủ lực ở đây đủ khả năng tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn và có sức cơ động cao. Theo đó, các sư đoàn bộ binh được bổ sung thêm quân số và được tăng cường thêm trung đoàn pháo binh; đồng thời, ta kiện toàn tổ chức, biên chế, xây dựng lực lượng binh chủng mạnh của Mặt trận gồm: 02 trung đoàn pháo binh hoàn chỉnh, các trung đoàn xe tăng, phòng không, thông tin, đặc công,... gấp rút được kiện toàn, bổ sung kịp thời vũ khí, trang bị, khí tài hiện đại, sẵn sàng sử dụng tập trung lực lượng, đáp ứng yêu cầu tác chiến hiệp đồng binh chủng khi thời cơ đến.

Để tạo thế vững chắc cho các đơn vị chủ lực đứng chân ở những vị trí hiểm yếu, quan trọng, ngay từ năm 1974, ta sử dụng Sư đoàn 320 tiến công căn cứ địch ở Lệ Ngọc và các điểm cao: 711, 601; Trung đoàn 25 đánh chiếm Ea Súp, đẩy đối phương vào sát các thị trấn, thị xã, giải phóng vùng đất đai rộng lớn phía Tây nằm giữa hai tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk; Sư đoàn 10 đánh chiếm Kon Rốc, quận lỵ Măng Đen và Đắc Pét, dồn ép địch co cụm ở thị xã Kon Tum, tạo lập được thế trận ban đầu hiểm chắc, có thế đánh, thế giữ. Cùng với đó, nhằm phát triển thế và lực của ta, làm suy yếu thế và lực của địch, tạo thời cơ thuận lợi bảo đảm chắc thắng cho trận then chốt mở đầu ở Buôn Ma Thuột, ta tích cực đẩy mạnh hoạt động nghi binh lừa dụ địch về hướng Trị - Thiên và thu hút, kìm giữ chủ lực địch ở Bắc Tây Nguyên, khiến chúng phán đoán và hành động sai lầm, tạo điều kiện thuận lợi cho ta giữ bí mật, bất ngờ về ý định Chiến dịch. Sử dụng Sư đoàn 968 bí mật thay thế vị trí Sư đoàn 10 và 320, tiếp tục duy trì hoạt động mạnh trên hướng Pleiku (mở đường ở Tây Pleiku, đánh cắt Đường số 19,... ) và Kon Tum (tổ chức các trận tiến công nhỏ, đánh cắt Đường số 14 đoạn giữa Kon Tum và Pleiku, huy động dân công rầm rộ làm đường,... ). Khi Sư đoàn 10 và 320 cùng các đơn vị binh chủng cơ động vào Nam Tây Nguyên, đã để lại toàn bộ điện đài và nhân viên báo vụ ở vị trí cũ, phát sóng như thường lệ, truyền đi những báo cáo, mệnh lệnh giả khiến địch tin rằng hai Sư đoàn vẫn còn ở Bắc Tây Nguyên. Những hoạt động nghi binh hiệu quả đó khiến cho địch nhận định hướng tiến công chủ yếu của ta sẽ là Kon Tum và Pleiku, buộc chúng phải giữ khối chủ lực cơ động ở Bắc Tây Nguyên. Để có thời cơ chín muồi hơn, ta thực hiện các đòn chia cắt chiến dịch và chiến lược: cắt Đường số 19, 21, 14; tiến công Đức Lập, tạo thành thế bao vây, cô lập hoàn toàn mục tiêu chủ yếu Buôn Ma Thuột và vây chặt chủ lực của địch ở Bắc Tây Nguyên, không cho chúng tăng viện, ứng cứu Buôn Ma Thuột một cách dễ dàng; chia cắt Tây Nguyên với các tỉnh duyên hải miền Trung, cắt đứt tuyến đường tiếp tế của địch từ các căn cứ liên hợp quân sự, hậu cần ở Cam Ranh, Quy Nhơn, Chu Lai, Đà Nẵng. Nhờ đó, ta “trói chặt” địch, tạo thời cơ thuận lợi để bí mật cơ động, triển khai lực lượng, phương tiện, tiến hành trận then chốt mở đầu Chiến dịch giành thắng lợi.

Hai là, bám sát tình hình, nắm và chớp thời cơ đúng lúc, thực hành tiến công giành thắng lợi. Trong tác chiến, thời cơ xuất hiện và mất đi rất nhanh, nên nắm và chớp thời cơ đúng thời điểm chín muồi để hành động kịp thời, chính xác là vấn đề hệ trọng, liên quan đến thành, bại của chiến dịch, giữ vững và phát triển những thành quả đạt được để giành thắng lợi. Do vậy, yêu cầu đặt ra là phải luôn chủ động nắm chắc địch, đặc biệt là thế bố trí, khả năng chi viện, ứng cứu, giải tỏa của chúng, tính biến động và dự kiến sự phát triển của tình huống; chuẩn bị chu đáo, xử lý linh hoạt, kịp thời mọi tình huống xảy ra. Khi thời cơ đến, phải phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, bằng sức mạnh hiệp đồng binh chủng, nhanh chóng, kịp thời tiến công tiêu diệt địch, kết thúc chiến dịch, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao.

Để nắm chắc thời cơ, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Chiến dịch phân tích tình hình mọi mặt, nêu rõ những điều kiện tiến công địch giành thắng lợi - các dấu hiệu của thời cơ. Đó là khi địch bộc lộ sơ hở, phân tán đối phó theo ý định, nghi binh, lừa dụ của ta; đối với ta, tạo được thế trận có lợi, các lực lượng sẵn sàng, giữ được bí mật ý định tác chiến và tiến hành chu đáo mọi công tác bảo đảm; đặc biệt, khi Mặt trận Tây Nguyên được tăng cường thêm hai sư đoàn, một số trung đoàn độc lập, pháo binh, xe tăng và có sự phối hợp của một sư đoàn thuộc Quân khu 5 cùng sự hỗ trợ trực tiếp của Binh đoàn 559. Nhờ phân tích, đánh giá chính xác tình hình, ta đã nắm chắc thời cơ, tập trung lực lượng lớn hơn địch nhiều lần, bằng sức mạnh hiệp đồng binh chủng, thực hiện trận then chốt mở đầu Chiến dịch, tiến công thị xã Buôn Ma Thuột, giành thắng lợi to lớn. Đòn “điểm huyệt” Buôn Ma Thuột làm đảo lộn hoàn toàn thế phòng ngự của địch ở Tây Nguyên, làm rung chuyển toàn chiến trường miền Nam, buộc địch phải tổ chức lực lượng ứng cứu, giải tỏa, tạo ra thời cơ mới cho Chiến dịch. Tiếp tục nắm và tận dụng thời cơ, ta nhanh chóng cơ động lực lượng bao vây tiêu diệt lực lượng phản kích chủ yếu của địch khi chúng vừa đổ bộ, đứng chân chưa vững, tiêu diệt gọn Sư đoàn Bộ binh 23 (thiếu) và Liên đoàn Biệt động 21, đập tan mưu đồ giành lại Buôn Ma Thuột, đẩy địch vào những sai lầm nghiêm trọng hơn về mặt chiến lược, đó là rút bỏ Tây Nguyên. Trước tình thế không thể chống đỡ, lực lượng địch với khoảng 15 nghìn quân tạo nên một cuộc “tháo chạy hỗn loạn của một đoàn quân bại trận thảm hại”6 theo Đường số 7 về hướng Phú Bổn. Sai lầm về chiến lược của địch dẫn đến hàng loạt sai lầm về chiến dịch và chiến thuật tiếp theo và đây là thời cơ thuận lợi để ta tiêu diệt toàn bộ quân địch rút chạy trong trạng thái tinh thần hoang mang, rối loạn chỉ huy, hiệp đồng thiếu chặt chẽ, lộ rõ nhiều sơ hở. Nắm chắc thời cơ xuất hiện đột biến đó, không để cho địch kịp ổn định đội hình, ta sử dụng Sư đoàn 320 được tăng cường Trung đoàn 95B, cụm pháo binh Chiến dịch, tiểu đoàn thiết giáp, mở cuộc truy kích thần tốc tiêu diệt và bắt sống gần như toàn bộ quân địch rút chạy trên Đường số 7. Đây là trận then chốt thứ ba và là trận then chốt kết thúc thắng lợi Chiến dịch.

Thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên tạo ra sự thay đổi căn bản về so sánh lực lượng và thế chiến lược có lợi cho ta, quân địch bị suy sụp và tan rã về chiến lược, mở ra thời cơ phát triển cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Chiến dịch để lại nhiều bài học quý về nghệ thuật quân sự, đặc biệt là nghệ thuật tạo và nắm thời cơ - vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Đại tá, TS. DƯƠNG VĂN THIÊN, Học viện Lục quân
_________________

1 - Gồm: Sư đoàn bộ binh 23, 07 tiểu đoàn biệt động quân, 36 tiểu đoàn bảo an, 04 thiết đoàn thiết giáp, Sư đoàn không quân số 6, v.v.

2 - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam – Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954 - 1975, Nxb CTQG, H. 2013, tr. 206.

3 - Thượng tướng, Giáo sư, Hoàng Minh Thảo – Chiến dịch Tây Nguyên đại thắng, Nxb QĐND, H. 2004, tr. 178.

4 - ĐCSVN – Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 35, Nxb CTQG, H. 2004, tr. 177.

5 - Gồm: 05 sư đoàn bộ binh (10, 320, 316, 968, 3), 04 trung đoàn bộ binh (25, 271, 95A, 95B), Trung đoàn xe tăng - thiết giáp 273, 02 trung đoàn pháo binh, 03 trung đoàn phòng không, 02 trung đoàn công binh, v.v.

6 - Thượng tướng, Giáo sư, Hoàng Minh Thảo – Chiến dịch Tây Nguyên đại thắng, Nxb QĐND, H. 2004, tr. 114.

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào
Ngày 30/10/1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định thành lập Quân tình nguyện tại Lào, đánh dấu sự phát triển mới của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào; đồng thời, khẳng định đường lối, quan điểm đúng đắn của Đảng ta trong thực hiện nghĩa vụ quốc tế.