Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam

QPTD -Thứ Sáu, 29/05/2020, 11:21 (GMT+7)
Nghệ thuật tạo thế, khêu ngòi - nét đặc sắc trong Chiến dịch Ba Gia

Chiến dịch Ba Gia (1965) tuy là chiến dịch tiến công quy mô nhỏ diễn ra trong giai đoạn đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; song, với nghệ thuật tạo thế, khêu ngòi, lừa, dụ, điều địch linh hoạt, ta đã giành thắng lợi vang dội, góp phần đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ. Đây là một trong những nét nổi bật của Chiến dịch này.

Tượng đài chiến thắng Ba Gia

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, trên cơ sở phân tích tình hình, so sánh tương quan lực lượng giữa ta và địch, Bộ Tư lệnh Khu V quyết định mở Chiến dịch Ba Gia, phối hợp với các hướng tiến công khác đẩy mạnh đợt hoạt động tác chiến Xuân - Hè (1965), nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực và làm tan rã lực lượng bán vũ trang của địch, mở rộng vùng giải phóng, hỗ trợ cho phong trào đấu tranh chính trị ở địa phương, giữ vững tuyến hành lang nối liền miền núi với đồng bằng Trung Trung Bộ. Sau gần một tháng  hoạt động (28/6 - 20/7/1965), dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo linh hoạt, sáng tạo của Bộ Tư lệnh Chiến dịch, quân và dân Khu V đã chiến đấu dũng cảm, kiên cường, vượt mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Chiến dịch đề ra. Trong Chiến dịch, ta tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 06 tiểu đoàn, diệt và làm tan rã 05 đại đội Bảo an, 12 trung đội Dân vệ, diệt gọn một chiến đoàn quân ngụy (gồm lực lượng cơ động Vùng chiến thuật và lực lượng dự bị), loại khỏi vòng chiến đấu hơn 2.200 tên, v.v. Lần đầu tiên trên chiến trường Khu V, ta mở chiến dịch quy mô nhỏ, nhưng hiệu suất chiến đấu cao, thể hiện sự phát triển vượt bậc của bộ đội chủ lực về nghệ thuật tác chiến nói chung, nghệ thuật đánh tiêu diệt địch nói riêng. Nét nổi bật của Chiến dịch là vận dụng thành công nghệ thuật tạo lập thế trận, đánh khêu ngòi, lừa, dụ, điều địch vào thế trận ta chuẩn bị sẵn, bao vây, cô lập, tiêu diệt; được thể hiện ở một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, lập thế trận tiến công liên hoàn, linh hoạt. Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá chính xác địa hình, quy luật hoạt động của địch tại Quảng Ngãi, khả năng tác chiến của quân và dân Khu V, Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã tổ chức bố trí đội hình tiến công trên nhiều hướng, hình thành thế bao vây, chia cắt, cô lập, tạo thế trận có lợi nhất đánh trận then chốt quyết định, tiêu diệt lực lượng chủ lực địch, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ Chiến dịch đề ra. Để hỗ trợ, tạo điều kiện cho Trung đoàn 1 (chủ lực của Khu V) tiến công tiêu diệt địch trên hướng chủ yếu (Bắc sông Trà Khúc) ta sử dụng Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 51, Tiểu đoàn 3 Thủy quân Lục chiến trên đường Sơn Tịnh đi Ba Gia (đoạn Phước Lộc); trên hướng tiến công thứ yếu (hướng Nam), ta sử dụng Tiểu đoàn 83 bộ đội địa phương tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với lực lượng vũ trang, dân quân, du kích các huyện Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, tổ chức bao vây, chia cắt, phối hợp cùng Tiểu đoàn 45 tiêu diệt Tiểu đoàn 39 Biệt động quân và giam chân Tiểu đoàn 37 Biệt động quân (lực lượng dự bị của chiến đoàn ngụy) ở Nam thị xã Quảng Ngãi không cho chúng cơ động, ứng cứu giải tỏa, chi viện cho cánh chủ yếu khi bị ta tiến công. Trên hướng phối hợp (hướng Đông Bắc), ta bố trí Tiểu đoàn 48 bộ đội địa phương Tỉnh ở phía Đông Đường 1 ngăn chặn không cho địch cơ động từ Bình Sơn xuống khu vực Ba Gia, Phước Lộc.

Để tạo lập thế trận đánh điểm diệt viện, yêu cầu đòi hỏi Chiến dịch phải chọn điểm đánh khêu ngòi đúng, trúng, buộc địch phải điều quân đến ứng cứu, giải tỏa. Theo đó, ta bố trí Đại đội 2 (Tiểu đoàn 90) tiến công đại đội địch cơ động, đóng quân dã ngoại tại Diên Niên, đánh trận mở đầu khêu ngòi Chiến dịch, sau đó lực lượng này chuyển thành bộ phận chốt chặn. Tiểu đoàn 90, bí mật bố trí ở Minh Thành (phía Nam đường Sơn Tịnh đi Ba Gia) là lực lượng cơ động, vận động phục kích, tiến công Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 51) địch từ đồn Ba Gia ra ứng cứu. Lực lượng chủ yếu của Chiến dịch là Trung đoàn 1, gồm: Tiểu đoàn 40, 60 và 45 đứng chân tại Đông Nam núi Khỉ, núi Nhàn, Vĩnh Lộc và Nam núi Chóp Nón sẵn sàng đánh trận then chốt quyết định tiêu diệt địch ở khu vực Phước Lộc, Điểm cao 47 và đồi Mả Tổ. Đảm bảo an toàn cho lực lượng này, Trung đoàn bố trí bộ phận hỏa lực gần đồn Ba Gia sẵn sàng tập kích, chế áp hỏa lực và khống chế không cho địch đổ bộ đường không; một bộ phận của bộ đội địa phương huyện Sơn Tịnh bố trí ở núi Giữa sẵn sàng đánh địch từ Ba Gia vu hồi vào bên sườn đội hình chủ yếu của ta tại núi Khỉ, núi Nhàn, bảo vệ Sở chỉ huy Trung đoàn. Phần lớn bộ đội địa phương cùng dân quân, du kích huyện Sơn Hà hoạt động trên đoạn đường giữa đồn Ba Gia và Thanh Hà, sẵn sàng đánh địch ứng cứu, giải tỏa đường bộ và đường không. Với thế bố trí đó, ta không chỉ ngăn chặn, chia cắt địch trên các hướng của Chiến dịch mà còn đủ sức đánh địch ứng cứu, giải tỏa cả đường bộ và đường không ngay trên hướng tiến công chủ yếu. Đây là sự kết hợp chặt chẽ giữa thế trận của các đơn vị chủ lực với thế trận chiến tranh nhân dân địa phương, tạo thế liên hoàn, rộng khắp, không thể phá vỡ bảo đảm Chiến dịch chắc chắn giành thắng lợi.

Chiến dịch Ba Gia diễn ra tại địa bàn nhỏ hẹp, nằm sâu trong vùng địch, bốn bề là đồn bốt, chi khu, quận lỵ và tay sai chỉ điểm. Để lập được thế trận bí mật, đội hình Chiến dịch không bị chia tách và hạn chế thương vong khi hỏa lực địch đánh phá, Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã chủ động xây dựng cơ sở cách mạng vững chắc, kết hợp với sự giúp đỡ tích cực của nhân dân, tổ chức bố trí đội hình chiến đấu bảo đảm bí mật, linh hoạt, vững chắc. Vì thế, khi ta chọn Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 51 ngụy đánh trận khêu ngòi, buộc địch phải điều động Tiểu đoàn 39 Biệt động quân đánh vu hồi, như vậy là địch đã trúng kế của ta. Các lực lượng Chiến dịch nhanh chóng chuyển từ phục kích sang vận động tiến công, tiêu diệt địch, giành thắng lợi.

Hai là, sử dụng linh hoạt hình thức tác chiến khêu ngòi, lừa, dụ, điều địch, từng bước diệt viện. Với phương châm tác chiến lấy đánh vận động tiến công tiêu diệt địch ngoài công sự làm chính, để đạt hiệu quả cao trong chiến đấu cần phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa đánh khêu ngòi với diệt viện. Do vậy, chọn mục tiêu đánh khêu ngòi phải đúng chỗ hiểm yếu, thậm chí đánh vào chỗ mạnh nhất của địch, nhưng sơ hở thì khi bị ta tiến công địch buộc phải điều động lực lượng cơ động đến ứng cứu, giải tỏa, chi viện. Trong Chiến dịch Ba Gia, nét đặc sắc là nghệ thuật chọn mục tiêu đánh trận khêu ngòi là mục tiêu điểm – điểm đóng quân dã ngoại của 01 đại đội địch, điểm yếu cốt tử của chúng là không có công sự kiên cố, vững chắc, nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn, nên khi bị ta tiến công chúng buộc phải điều lực lượng đến ứng cứu giải tỏa. Đây là điểm sáng tạo, linh hoạt của Bộ Tư lệnh Chiến dịch, khác với Chiến dịch Biên giới (1950), chọn mục tiêu đánh trận khêu ngòi là cứ điểm Đông Khê có công sự trận địa kiên cố, vững chắc – chỗ mạnh nhất của địch, nhưng sơ hở, vì đánh vào đây sẽ phá vỡ tuyến phòng thủ của chúng, cô lập Cao Bằng, v.v.

Đồn Ba Gia giữ vị trí quan trọng bảo vệ phía Tây thị xã Quảng Ngãi, nếu bị tấn công, tất yếu quân chủ lực của địch tại thị xã Quảng Ngãi sẽ cơ động ứng cứu. Mặt khác, Quảng Ngãi gần căn cứ Mỹ ở Chu Lai nên các mục tiêu ở đây bị uy hiếp, chắc chắn địch phải ứng cứu để giữ địa bàn. Khi ứng cứu, lực lượng địch bộc lộ ngoài công sự là cơ hội để ta tiêu diệt. Trong Chiến dịch Ba Gia, đúng ngày mở màn Chiến dịch tình hình địch có sự thay đổi, để bảo đảm chắc thắng và đủ lực lượng đánh viện lớn, Bộ Tư lệnh Chiến dịch quyết định sử dụng một trung đội bộ đội địa phương tiến công vào 02 trung đội dân vệ ở Phước Lộc để kéo địch từ núi Tròn ra ứng cứu. Khi ta tiến công tiêu diệt Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 51, đồn Ba Gia bị uy hiếp, địch buộc phải tổ chức lực lượng đi ứng cứu, tạo điều kiện thuận lợi để ta đánh địch ngoài công sự.

Tiến công địch ngoài công sự, đánh viện nhỏ khêu ngòi để câu viện lớn, đánh trận trước khêu ngòi cho trận sau, lừa, dụ, điều địch cuốn theo lối đánh của ta, đồng thời sử dụng lực lượng hợp lý để tiến công địch một lần nữa khẳng định sự linh hoạt và nghệ thuật đánh trận “gối đầu” của Bộ Tư lệnh Chiến dịch. Nghiên cứu nắm chắc tình hình, phát hiện địch chủ quan, sai lầm, Bộ Tư lệnh Chiến dịch nhanh chóng điều chỉnh kế hoạch tác chiến sát hợp, làm cho địch bị động, lúng túng phải đánh theo cách đánh của ta. Khi ta tiến công trung đội dân vệ thì địch ở núi Tròn quay về ứng cứu, khi ở núi Tròn bị tiến công thì địch ở đồn Ba Gia ra ứng cứu, tạo sơ hở và xuất hiện điểm yếu chí mạng, đó là căn nguyên để ta chọn Ba Gia đánh trận khêu ngòi kế tiếp, tạo thời cơ để ta sẵn sàng đón đánh tiêu diệt chiến đoàn địch đến ứng cứu. Cả 3 lần địch cơ động ra chi viện, ứng cứu thì cả 3 lần ta đều sử dụng lực lượng hợp lý tiến công tiêu diệt địch ngoài công sự. Lần thứ nhất, ta dùng đại đội bộ binh tiến công, kéo được đại đội ứng cứu; lần thứ hai ta sử dụng một tiểu đoàn tiến công, địch tăng viện một tiểu đoàn; lần thứ ba, khi Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 51) ngụy bị tiêu diệt, đồn Ba Gia bị uy hiếp, Quân đoàn 1 của địch vội vã thành lập chiến đoàn do Nguyễn Chánh Thi - Tư lệnh Quân đoàn trực tiếp chỉ huy lực lượng ứng cứu, giải tỏa. Không chấp nhận liên tục thất bại, lần này địch tăng viện với lực lượng rất đông, Bộ Tư lệnh Chiến dịch nhận định đây là thời cơ có một không hai đánh trận then chốt quyết định tiêu diệt lớn quân địch giành thắng lợi. Để làm được điều đó, Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã sử dụng bộ đội địa phương uy hiếp, kiềm chế đồn Ba Gia; căng kéo, giam chân Tiểu đoàn 37 biệt động quân; bao vây, uy hiếp các quận lỵ, tạo điều kiện cho chủ lực tiêu diệt lực lượng địch ứng cứu, giải tỏa. Ba Tiểu đoàn 40, 60 và 45 - lực lượng chủ lực của Chiến dịch, tổ chức chặn Tiểu đoàn 39 biệt động quân (cánh thứ yếu) tại Đông Nam núi Chóp Nón và từng bước tiêu diệt chủ lực địch gồm Tiểu đoàn 2 (Trung đoàn 51), Tiểu đoàn 3 Thủy quân lục chiến (cánh chủ yếu) tại khu vực Phước Lộc, Điểm cao 47 và đồi Mả Tổ.

Dưới sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt, sáng suốt của Bộ Tư lệnh Chiến dịch, chỉ với một trung đoàn bộ đội chủ lực, phối hợp tác chiến chặt chẽ với lực lượng vũ trang địa phương, Chiến dịch Ba Gia đã giành thắng lợi giòn giã, thể hiện bước phát triển mới của nghệ thuật chiến dịch - lập thế, khêu ngòi, lừa, dụ, điều địch vào thế trận chuẩn bị sẵn để tiêu diệt, cơ sở khoa học để các trận đánh, các chiến dịch trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi, bài học quý cần tiếp tục nghiên cứu vận dụng vào bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Thượng tá, ThS. PHẠM HỒNG THÁI, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào
Ngày 30/10/1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định thành lập Quân tình nguyện tại Lào, đánh dấu sự phát triển mới của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào; đồng thời, khẳng định đường lối, quan điểm đúng đắn của Đảng ta trong thực hiện nghĩa vụ quốc tế.