Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam

QPTD -Thứ Năm, 14/02/2013, 23:02 (GMT+7)
Nghệ thuật tạo bất ngờ trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968)
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968) là một trong ba đòn Tiến công chiến lược của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nó đã gây cú “sốc đột ngột”, làm đảo lộn thế bố trí, phá vỡ kế hoạch tác chiến của Mỹ; làm rung chuyển không chỉ toàn bộ chiến trường miền Nam, mà còn gây chấn động Nhà trắng, Lầu năm góc và làm lay chuyển ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ. Tổng thống Mỹ Giôn-xơn phải cách chức Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng chỉ huy quân viễn chinh Mỹ ở miền Nam Việt Nam; đồng thời, xuống thang chiến tranh, chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam tại Pa-ri. Về cá nhân, Giôn-xơn tuyên bố không tham gia ứng cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ thứ 2. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968) về cơ bản đã làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ, mở ra khả năng và cục diện mới cho quân và dân ta thực hiện quyết chiến chiến lược “đánh cho Mỹ cút”, tiến tới “đánh cho ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc vào mùa Xuân 1975. Thắng lợi đó có nhiều nguyên nhân và để lại nhiều bài học quý. Xét về lĩnh vực quân sự, đó là bài học nghệ thuật tạo bất ngờ trên cả ba phương diện: chiến lược, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật.

Bộ đội hành quân trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. (Ảnh tư liệu)


Trước hết là sự chuẩn bị chu đáo về lực lượng và vũ khí trang bị. Đây là điều kiện tiên quyết để ta mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân với quy mô lớn trên toàn miền Nam, trong đó tập trung vào các thành phố, đô thị. Vì thế, yêu cầu đặt ra là phải có lực lượng quân sự tinh nhuệ, lực lượng đấu tranh chính trị hùng hậu, rộng khắp và khối lượng lớn vũ khí, trang thiết bị quân sự... Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, các sư đoàn chủ lực dự bị cơ động chiến lược (308, 304, 320, 312) được gấp rút kiện toàn về tổ chức, biên chế, trang bị, đẩy mạnh huấn luyện để sẵn sàng vào chiến trường khi có lệnh. Các trung đoàn, sư đoàn bộ binh và các đơn vị binh chủng từ nhiều nơi trên chiến trường miền Nam bí mật hành quân “ém sẵn” ở các địa bàn ven đô. Riêng khu vực Sài Gòn, Trung ương Cục quyết định giải thể Quân khu 7 và Quân khu Sài Gòn - Gia Định, thành lập “Khu trọng điểm” gồm nhiều phân khu (Tiểu đoàn mũi nhọn) được tổ chức và trang bị gọn nhẹ; trong đó, biên chế nhiều tổ, đội biệt động, đặc công, bảo đảm cho các lực lượng vừa có mũi nhọn, vừa có chiều sâu tiến công đồng loạt từ nhiều hướng vào Sài Gòn... Bên cạnh đó, việc đảm bảo lương thực, thực phẩm, vũ khí, trang bị kỹ thuật cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy (từ miền Bắc chuyển vào) được chuẩn bị hết sức chu đáo. Trong nội đô, nhiều tổ chức - cơ sở cách mạng của ta đã sử dụng các phương tiện vận tải (ô tô, xuồng máy) hợp pháp, đêm ngày bí mật chuyển lương thực, thuốc men ra vùng giải phóng và nhận súng đạn đưa về nội đô... Với chiến thuật “thiên biến vạn hóa” đó, chúng ta đã đưa một lực lượng bộ đội chủ lực cùng với khối lượng lớn vũ khí, trang bị quân sự vượt qua hệ thống trạm kiểm soát và mạng lưới mật vụ, biệt kích, thám báo chìm, nổi dày đặc của địch, vào “lót sẵn” trong nội đô. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình, táo bạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân (thậm chí có cả vợ, con của sĩ quan ngụy) trong các thành phố, thị xã đã nhiệt tình ủng hộ, che chở, đùm bọc lực lượng cách mạng. Họ bí mật đào những căn hầm chứa vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự ngay dưới nền nhà của mình; nhiều bà má, chị, em không quản gian khổ, hiểm nguy, hy sinh để vận chuyển vũ khí vào thành phố... Nhờ đó, các lực lượng của ta với đầy đủ vũ khí, trang bị đã “nằm sẵn” trong lòng thành phố, thị xã, quận lỵ sẵn sàng chờ lệnh nổ súng tiến công tiêu diệt địch. Những việc làm trên được khắc ghi trong sử sách là minh chứng sống động về nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, mà biểu hiện cụ thể của nó là tạo bất ngờ cả về thế và lực đối với địch.

Tạo bất ngờ về thời điểm tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy. Chọn dịp Tết Nguyên Đán và thời khắc giao thừa1 đồng loạt nổ súng mở màn là nét đặc sắc của nghệ thuật tạo bất ngờ; bởi đây là lúc địch sơ hở và chủ quan nhất. Cân nhắc, nghiên cứu và tính toán rất kỹ, cụ thể từng chi tiết, phong tục tập quán Tết cổ truyền của dân tộc trên đất phương Nam; việc “điều binh, khiển tướng” của Quân lực Việt Nam cộng hòa từ nhiều năm trước đó, sau khi có sự thống nhất giữa cơ quan chỉ đạo tối cao và chỉ huy các chiến trường, Bộ thống soái quyết định chọn thời điểm Giao thừa là “giờ G” làm hiệu lệnh nổ súng mở màn cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân. Với sự tính toán mưu lược chu tất như vậy, nên khi ta tiến công, địch hoàn toàn bị bất ngờ, không kịp đối phó. Ngay sau khi sự kiện Tết Mậu Thân diễn ra, giới chỉ huy quân sự và học giả Mỹ cũng như phương Tây đã xác nhận: Vào những ngày Tết Mậu Thân, các đơn vị của Quân đội Việt Nam cộng hòa chỉ có một nửa quân số, khiến cho Bộ Chỉ huy Quân sự Mỹ ở Sài Gòn vô cùng lúng túng trong việc ứng phó. Từ thực tế đó, càng khẳng định: việc chọn thời điểm Tết Nguyên Đán mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân có ý nghĩa chiến lược, góp phần tạo bất ngờ về thời gian - yếu tố quan trọng làm nên thắng lợi của Xuân Mậu Thân. Vì thời gian là lực lượng. 

Tạo bất ngờ về hướng và mục tiêu tiến công chủ yếu. Vào thời điểm trước cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, địch còn rất mạnh cả về thế và lực, nên chúng ta không thể sử dụng toàn bộ lực lượng chủ lực để đánh vào các thành phố lớn. Do vậy, chủ trương của Đảng ta là căng, kéo, lừa địch trải lực lượng ra khắp chiến trường miền Nam, nhất là đến địa bàn có lợi để dùng những quả đấm mạnh đánh những đòn tiêu diệt lớn, bẻ gãy các cuộc hành quân “tìm diệt” của chúng. Thực hiện chủ trương đó, cuối năm 1967, Quân ủy Trung ương quyết định mở chiến dịch tiến công Đường 9 - Khe Sanh2, nhằm dụ quân Mỹ lên để giam chân và tiêu diệt chúng tại đó, tạo ra kẽ hở, điểm yếu ở các đô thị. Trong khi đó, giới chức chỉ huy quân sự Mỹ và Sài Gòn cho rằng bộ đội chủ lực ta có rất ít kinh nghiệm tác chiến trong thành phố, lực chưa đủ mạnh để tiến công vào các cơ quan đầu não của chúng; bởi, đây là những mục tiêu được canh phòng cẩn mật, với hệ thống thiết bị cảnh giới tinh vi, hỏa lực ngăn chặn mạnh và dày đặc nhiều tầng, nhiều lớp. Từ đánh giá sai về ta, lại “tuyệt đối hóa” sức mạnh của vũ khí, thiết bị chiến trường, nên từ chỉ huy đến binh sĩ của quân đội Mỹ cũng như quân đội ngụy chủ quan, mất cảnh giác. Do vậy, chọn đô thị là hướng tiến công chủ yếu là ta đã chọn đánh vào điểm yết hầu, hiểm yếu của kẻ thù. Đòn hiểm đó đã phơi bày sự thất bại về quân sự và sự yếu kém của Mỹ và chính quyền ngụy. Lần đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chúng ta đã đưa được chiến tranh vào đô thị, thực hiện một đòn đánh hiểm, đánh đau vào “trung tâm đầu não” của địch; đồng thời, khẳng định: với đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn, sáng tạo của Đảng thì mọi điều đều có thể xảy ra, dù khó khăn, phức tạp đến mấy. Đó chính là tư duy chiến lược, chiến thuật của những bộ não chỉ huy và trực tiếp điều hành chiến tranh thời đại Hồ Chí Minh; sự sáng tạo, độc đáo, vượt trước của Đảng ta trong cuộc đấu mưu, đấu trí sinh tử với kẻ thù. Sau thảm bại trong Tết Mậu Thân, với tâm trạng hoang mang, dao động, nhiều giới chức quân sự và chính khách Mỹ đã tự hỏi: Tại sao nửa triệu lính Mỹ và hơn 70 vạn lính Nam Việt Nam cộng tác, có ưu thế hoàn toàn trên không và ngoài biển, được cung cấp quá đầy đủ và được trang bị những vũ khí hiện đại nhất lại không có khả năng bảo vệ được thành phố khỏi bị đối phương tấn công! Chính nội dung câu hỏi đã lộ rõ và thừa nhận về sự bị động và bất ngờ của quân Mỹ - lực lượng đóng vai trò chủ chốt trong chiến lược “chiến tranh cục bộ”.

Ngoài ra, nét độc đáo về nghệ thuật tạo bất ngờ trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân còn được thể hiện ở cách thức phát hiệu lệnh tiến công. Để bảo đảm bí mật, bất ngờ tuyệt đối, hiệu lệnh khởi phát cuộc Tổng tiến công Tết của ta được ấn định vào thời điểm giao thừa, lúc Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc thơ chúc mừng năm mới trên Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam, một phương tiện thông tin đại chúng, có độ lan tỏa rộng, nhanh và ít bị địch chế áp, theo dõi. Vì thế, Lời chúc Tết Mậu Thân của Bác trở thành một sự kiện gây bất ngờ đối với quân thù. Như vậy, hiệu lệnh của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân cũng thực sự là một hiện tượng thật đặc sắc, góp thêm một bất ngờ nữa đối với Mỹ và Quân đội Sài Gòn.

Tóm lại, nghệ thuật tạo bất ngờ đối với Mỹ và Quân đội Việt Nam cộng hòa thực sự là một trong những nhân tố đóng vai trò quyết định thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân. Đây là “sản phẩm đặc biệt” của tầm cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh; nét đặc sắc đáng ghi nhớ nhất, hấp dẫn nhất của sự kiện Tết Mậu Thân đã diễn ra cách đây 45 năm, trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt. Bài học kinh nghiệm về nghệ thuật tạo bất ngờ trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968) nói riêng, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung, vẫn mãi giữ nguyên giá trị để chúng ta tiếp tục nghiên cứu, vận dụng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
 
Đại tá, TS. NGUYỄN HUY THỤC
Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam
 
 ---------------                 
1 - Đêm 30 rạng ngày 31-01-1968 - đêm giao thừa và ngày Mùng 1 Tết Mậu Thân.
2 - Chiến dịch bắt đầu từ ngày 20-01-1968.
 

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào
Ngày 30/10/1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định thành lập Quân tình nguyện tại Lào, đánh dấu sự phát triển mới của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào; đồng thời, khẳng định đường lối, quan điểm đúng đắn của Đảng ta trong thực hiện nghĩa vụ quốc tế.