Thứ Sáu, 22/11/2024, 21:03 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam
Trong Chiến dịch Tây Nguyên (năm 1975) với lực lượng, thế trận và mưu lược vượt trội, ta đã giành thắng lợi giòn giã trong trận then chốt quyết định mở đầu Chiến dịch. Thắng lợi của trận Buôn Ma Thuột không chỉ có ý nghĩa chiến dịch mà còn là thắng lợi chiến lược và để lại một số bài học kinh nghiệm quý về nghệ thuật quân sự.
Chiến dịch Tây Nguyên là chiến dịch mở đầu của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Trong Chiến dịch có 3 trận then chốt; trong đó, trận tiến công thị xã Buôn Ma Thuột là trận đánh then chốt mở đầu và cũng là trận then chốt quyết định của Chiến dịch. Đây là trường hợp hi hữu trong lịch sử chiến tranh; đồng thời, cũng là nét đặc sắc, độc đáo của nền nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Trên cơ sở kế thừa thế trận chiến lược và quá trình tích cực tạo thế, tạo lực trực tiếp cho trận đánh, ngày 10 và ngày 11-3-1975, dưới sự chi viện mạnh mẽ của pháo binh, xe tăng, quân và dân ta (nòng cốt là Sư đoàn 316, Trung đoàn 95B, Trung đoàn Đặc công 198) thực hành tiến công địch ở Buôn Ma Thuột. Sau 33 giờ tiến công mãnh liệt, ta đã giải phóng hoàn toàn Thị xã với khoảng 12 vạn dân; tiêu diệt, bắt sống và làm tan rã 10.210 tên địch, thu và phá huỷ toàn bộ vũ khí, khí tài cùng hàng ngàn tấn vật chất khác. Thắng lợi to lớn, toàn diện của trận Buôn Ma Thuột đã: “tạo ra đột biến về chiến dịch, dẫn đến đột biến về chiến lược, gây tác động dây chuyền, tạo thời cơ cho những trận then chốt tiếp sau, tạo nên bước ngoặt quyết định của sự phát triển chiến dịch và cả chiến lược dẫn đến sự phá vỡ chiến lược”1. Đây là một trận đánh hay, có nhiều nét đặc sắc, sáng tạo về nghệ thuật quân sự. Dưới đây là một số thành công lớn đã góp phần quan trọng tạo nên đại thắng của ta trong trận Buôn Ma Thuột.
1. Lựa chọn mục tiêu tiến công chính xác, tạo lập thế trận vững chắc đánh trận then chốt quyết định. Trong kế hoạch chiến lược hai năm 1975 - 1976, quyết tâm của Bộ Chính trị là hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ ở miền Nam, nhưng năm 1975 là năm bản lề tạo điều kiện cho năm 1976 giành thắng lợi cuối cùng. Hướng chiến lược của bộ đội chủ lực trong năm 1975 được dự kiến mở ra trên hai hướng: miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Sau nhiều lần bàn bạc, trao đổi, Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương đã xác định chiến trường Tây Nguyên là hướng chiến lược chủ yếu và thị xã Buôn Ma Thuột được chọn làm mục tiêu cho trận then chốt quyết định khâu đột phá của Chiến dịch Tây Nguyên. Đây là sự lựa chọn chính xác, được cấp chiến dịch, chiến lược của ta phân tích, đánh giá tình hình đúng đắn, khoa học. Thị xã Buôn Ma Thuột rộng khoảng 25 km2, có đường giao thông nối với các tỉnh phía Bắc, phía Đông, phía Nam và đường hàng không qua sân bay Hòa Bình và sân bay Thị xã. Vào đầu năm 1975, Buôn Ma Thuột là thủ phủ, là trung tâm kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa của Tây Nguyên, là nơi tập trung bọn đầu sỏ phản động của ngụy quân, ngụy quyền. Vì thế thị xã Buôn Ma Thuột được đánh giá là khâu trọng yếu trong việc duy trì sự ổn định thế bố trí lực lượng và thế trận của địch ở Tây Nguyên, mất Buôn Ma Thuột sẽ phá vỡ thế liên hoàn ở Tây Nguyên, uy hiếp đồng bằng ven biển và miền Đông Nam Bộ. Mặc dù có vị trí quan trọng như vậy, nhưng theo cách bố trí của địch, Buôn Ma Thuột chỉ đóng vai trò là hậu phương của Quân khu 2 - Quân đoàn 2 ngụy nên lực lượng quân sự ở đây ít, chủ yếu là lực lượng địa phương, kho tàng và hậu cứ các đơn vị chủ lực ngụy ở Tây Nguyên.
Tuy nhiên, đây là thị xã tương đối lớn, có nhiều công trình kiên cố (sân bay, hậu cứ, kho tàng), nên từ lâu địch đã tổ chức phòng ngự cẩn mật. Do đó, chọn mục tiêu tiến công thị xã Buôn Ma Thuột đặt ra cho ta nhiều khó khăn, nhất là phải cơ động hàng vạn quân, cùng các phương tiện cơ giới vào sâu phía Nam, rất dễ bị lộ bí mật. Hơn nữa, ta phải khắc phục khó khăn về bảo đảm hậu cần và đưa lực lượng, phương tiện qua sông Sê Rê Pốc địa hình hiểm trở và là nơi địch kiểm soát gắt gao. Nhưng các khó khăn trên nếu được khắc phục triệt để sẽ tạo lợi thế rất lớn; đó là, thế bất ngờ, vì thị xã Buôn Ma Thuột - vị trí chiến lược quan trọng ở Nam Tây Nguyên - nhưng lại tương đối cô lập, xa các trung tâm quân sự khác, nên ta chỉ đánh một trận là đã tạo được sự rung động về chiến lược mà sự chi viện của địch lại bị hạn chế.
Để thực hiện quyết tâm tiêu diệt địch ở Buôn Ma Thuột trong trận then chốt đầu tiên Chiến dịch, cùng với các hoạt động nghi binh, ta đã bí mật tạo lập thế trận tiến công vững chắc, linh hoạt ở Nam Tây Nguyên. Theo đó, việc tổ chức trinh sát chuẩn bị chiến trường được tổ chức chặt chẽ ở tất cả các cấp. Các đơn vị bộ binh, binh chủng tổ chức trinh sát xác định các vị trí: xuất phát tiến công, đường cơ động, các mục tiêu vòng ngoài, phần tử bắn và hướng phát triển trong Thị xã. Các tổ, đội công binh xác định bến vượt, phương án khắc phục vật cản trên đường cơ động, bảo đảm tuyệt đối bí mật. Trung đoàn Đặc công 198, ngoài việc xác định các mục tiêu trong Thị xã, còn tổ chức lót sẵn một bộ phận lực lượng tại các vị trí xung yếu. Điều đáng nói là, mặt dù ta thiết lập thế trận trong nhiều ngày, trên địa bàn rộng, chiều sâu lớn, nhưng đã tuyệt đối giữ được bí mật, tạo bất ngờ lớn cho địch. Nhờ thế trận này, ta đã nhanh chóng hình thành các hướng, mũi tiến công thọc sâu, bao vây, chia cắt ngay từ đầu áp đảo địch và giành thắng lợi.
2. Tạo ưu thế về lực lượng, phương tiện trong trận then chốt quyết định. Mặc dù là mục tiêu tương đối yếu và sơ hở, nhưng địch ở Buôn Ma Thuột còn đông, gồm: một trung đoàn bộ binh; Trung đoàn 8 Thiết giáp; Trung đoàn 232 Pháo binh; hậu cứ Sư đoàn 23, căn cứ của Trung đoàn 45 và 53 ngụy cùng lực lượng cảnh sát, bảo an, mật vụ, v.v. Vì vậy, việc tạo ra ưu thế vượt trội về lực lượng, phương tiện chiến đấu cho Chiến dịch nói chung, trận then chốt mở đầu Buôn Ma Thuột nói riêng có vai trò rất quan trọng. Để đáp ứng yêu cầu chiến trường, từ tháng 01-1975, Quân ủy Trung ương đã tăng cường cho Chiến dịch Tây Nguyên thêm 02 sư đoàn bộ binh cùng nhiều phương tiện chiến đấu. Theo đó, trên hướng Buôn Ma Thuột, ta tập trung lực lượng lớn, gồm: Sư đoàn 316, Trung đoàn 95B, Trung đoàn 24; Trung đoàn 198 và Tiểu đoàn 27 (Đặc công); Trung đoàn Thiết giáp 273; hai Trung đoàn Pháo binh: 40, 675; hai Trung đoàn Pháo Cao xạ: 232, 234; hai trung đoàn Công binh và một số đơn vị của lực lượng vũ trang tỉnh Đắc Lắc. Như vậy, để bảo đảm chắc thắng trận then chốt quyết định, ngoài ưu thế tuyệt đối về chính trị - tinh thần, ta đã tập trung lực lượng, phương tiện hơn địch từ 3 đến 4 lần. Cùng với đó, ta còn chủ động thực hiện tốt việc nghi binh lừa địch, buộc chúng phải phân tán đối phó, như: sử dụng mạng thông tin giả, cơ động chuyển quân và vây ép địch ở Bắc Tây Nguyên. Đặc biệt, việc tuyệt đối giữ bí mật hướng Nam và tổ chức các trận đánh hướng Kon Tum, Plây-cu, Đường số 19,… đã buộc địch rút bớt lực lượng ở Nam Tây Nguyên tiếp viện cho Plây-cu, làm cho lực lượng ở Buôn Mê Thuột đã yếu lại càng yếu hơn. Nhờ đó, khi nổ súng tiến công, quân ta từ 4 hướng đồng loạt đánh vào Thị xã, tạo thế áp đảo địch và giành thắng lợi. Cũng nhờ nghệ thuật tập trung ưu thế lực lượng cho trận then chốt quyết định này mà chúng ta đã tạo lập và chuyển hóa thế trận vững chắc, kịp thời, đủ sức đánh bại trận phản đột kích bằng đổ bộ đường không của địch tại Phước An, hoàn thành thắng lợi trận then chốt thứ 2 của Chiến dịch. Đây là trận đánh làm cho địch không gượng dậy được, buộc phải rút bỏ Tây Nguyên, tạo thời cơ lớn cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.
3. Vận dụng đúng đắn, sáng tạo cách đánh địch ở địa bàn đô thị. Yêu cầu đặt ra đối với trận mở màn Chiến dịch là phải thắng giòn giã, nhanh gọn để tạo đà cho các trận đánh tiếp theo. Hơn nữa, Buôn Ma Thuột là thị xã lớn, lại ở vị trí hiểm yếu, khi bị ta tiến công địch sẽ phản ứng quyết liệt hòng giành lại mục tiêu đã mất, nên nếu không chiến thắng nhanh gọn, trận đánh sẽ gặp nhiều khó khăn khó lường trước được. Vì vậy, nghiên cứu, vận dụng cách đánh đúng đắn, sáng tạo là vấn đề có tính quyết định đến thành bại của trận đánh. Trên cơ sở phân tích, đánh giá đúng tình hình: địch, ta và địa hình khu vực tác chiến, chỉ huy Chiến dịch quyết định sử dụng sức mạnh hiệp đồng binh chủng, táo bạo, bất ngờ tiến công trên nhiều hướng mũi, đánh thẳng vào các mục tiêu trọng yếu bên trong Thị xã, nhanh chóng làm chủ địa bàn trong thời gian ngắn nhất. Đây là cách đánh táo bạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn, bởi địch ở Buôn Ma Thuột tuy còn đông, nhưng không phải là lực lượng chiến đấu chủ yếu; các căn cứ trong Thị xã tuy kiên cố, nhưng thiếu liên hoàn, bố trí cách xa nhau, khả năng hỗ trợ, chi viện cho nhau hạn chế. Đồng thời, do chủ quan, nên địch đã sai lầm cho rằng, ta chưa có khả năng đánh vào một thị xã lớn như Buôn Ma Thuột trong năm 1975. Cho nên, nếu ta tổ chức tiến công lần lượt từ ngoài vào sẽ mất nhiều thời gian, yếu tố bất ngờ giảm, dẫn đến lỡ thời cơ diệt địch; trong khi đó, địch sẽ có điều kiện phục hồi, tổ chức phản kích, trận đánh có thể phải kéo dài, phức tạp. Thực tiễn cho thấy, nhờ sự quyết đoán, táo bạo trong cách đánh nên khi Trung đoàn 95B, Trung đoàn 148, Trung đoàn 174, Trung đoàn 98,… cùng xe tăng, pháo cơ giới từ 4 hướng bất ngờ xuất hiện, nhanh chóng cơ động lực lượng, vượt qua các tuyến phòng thủ vòng ngoài tiến công thẳng vào các mục tiêu trong Thị xã, làm cho địch hoang mang, rối loạn và tan rã nhanh chóng. Với cách đánh này, hầu như cùng một lúc hai sân bay (sân bay Thị xã và sân bay Hòa Bình), căn cứ thiết giáp, pháo binh, tiểu khu Đắc Lắc, sư đoàn bộ Sư đoàn 23 ngụy,… đều bị tiến công và tiêu diệt trong thời gian rất ngắn (sau 33 giờ chiến đấu). Sau này, Vũ Thế Quang - Chỉ huy phó Sư đoàn 23 ngụy đã phải thú nhận rằng, cách đánh này của ta đều nằm ngoài dự đoán của Bộ Tổng Tham mưu ngụy và của cả người Mỹ. Nét đặc sắc của nghệ thuật vận dụng cách đánh ở trận Buôn Ma Thuột còn được ta vận dụng trong quá trình tiến công phá tan phòng tuyến Phan Rang và cả khi tiến công vào sào huyệt của kẻ thù trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử .
Ngày nay, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (BVTQ), hoàn cảnh và điều kiện của ta đã khác nhiều so với các cuộc kháng chiến trước đây. Ta đã có thế và lực mạnh hơn để BVTQ. Tuy nhiên, chiến tranh BVTQ (nếu xảy ra), ta vẫn ở trong hoàn cảnh nhỏ thắng lớn, yếu chống mạnh... và Tây Nguyên vẫn được xác định là địa bàn chiến lược trọng yếu. Do đó, chúng ta cần tiếp tục quán triệt và cụ thể hoá những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng về quân sự, quốc phòng, BVTQ, nhằm giải quyết hàng loạt vấn đề về chiến lược, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật đang đặt ra cả trước mắt và lâu dài. Những kinh nghiệm quý được đúc rút từ trận Buôn Ma Thuột (năm 1975), sẽ là cơ sở để tiếp tục nghiên cứu, vận dụng phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam, cũng như trong xây dựng tiềm lực, thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam trong tình hình mới.
Đại tá, TS. HOÀNG XUÂN NHIÊN, Học viện Quốc phòng _____________________
1 - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam - Lịch sử Nghệ thuật Chiến dịch Việt Nam 1945 - 1975, Nxb QĐND, H. 1995, tr. 487.
Nghệ thuật tác chiến,Chiến dịch Tây Nguyên
Nét đặc sắc của nghệ thuật vận dụng cách đánh trong Chiến dịch tiến công Tây Sơn Tịnh năm 1966 21/11/2024
Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào 29/10/2024
Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972 - nét đặc sắc về nghệ thuật sử dụng lực lượng 24/10/2024
Nghệ thuật đánh điểm, diệt viện trong Chiến dịch Bu Prăng - Đức Lập năm 1969 27/09/2024
Nghệ thuật chỉ đạo của Đảng về tạo và nắm thời cơ, giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 19/08/2024
Nghệ thuật đánh trận then chốt quyết định trong Chiến dịch Nông Sơn - Thượng Đức năm 1974 15/07/2024
Nhà Lý kết hợp tiến công quân sự với biện pháp ngoại giao để kết thúc chiến tranh, kiến tạo hòa bình 24/06/2024
Chiến dịch Long Khánh năm 1969 - nét đặc sắc của nghệ thuật tập kích 04/06/2024
Nghệ thuật đánh điểm, diệt viện trong Chiến dịch Trung - Hạ Lào năm 1954 22/04/2024
Nét nổi bật về nghệ thuật đánh trận mở đầu trong Chiến dịch Bắc Tây Nguyên năm 1954 15/02/2024
Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972 - nét đặc sắc về nghệ thuật sử dụng lực lượng
Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào
Nét đặc sắc của nghệ thuật vận dụng cách đánh trong Chiến dịch tiến công Tây Sơn Tịnh năm 1966