Thứ Bảy, 23/11/2024, 02:41 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Chiến dịch tiến công Bình Giã Đông Xuân 1964 - 1965 tuy là chiến dịch đầu tiên của bộ đội chủ lực Miền, nhưng đã giành thắng lợi giòn giã, góp phần quan trọng thúc đẩy nhanh sự phá sản của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”. Đây là chiến dịch đạt hiệu suất chiến đấu cao, với nhiều nét nghệ thuật độc đáo, sáng tạo, để lại nhiều bài học quý, nổi bật là nghệ thuật sử dụng lực lượng, cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Bước vào những năm 1961 - 1963, trước phong trào đấu tranh mạnh mẽ của quân và dân miền Nam, Mỹ - ngụy ngày càng lâm vào thế bất lợi và suy yếu nghiêm trọng. Để cứu vãn tình thế, chúng ngoan cố đẩy mạnh chiến tranh bằng kế hoạch “Mac Namara”, âm mưu đẩy chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” lên đỉnh cao, sử dụng ưu thế quân sự và thủ đoạn “dùng người Việt đánh người Việt”, đàn áp, dập tắt phong trào cách mạng miền Nam.
Trước tình hình đó, tháng 12 năm 1963, Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị lần thứ 9 đề ra chủ trương, đường lối lãnh đạo cách mạng miền Nam, trong đó chỉ rõ: “cần tranh thủ thời cơ thuận lợi, tập trung lực lượng, quyết giành cho được những thắng lợi có tính chất quyết định trong mấy năm tới”1. Bộ Chính trị giao Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng chuẩn bị kế hoạch chiến lược, tranh thủ thời cơ đánh bại quân ngụy trước khi Mỹ tăng cường lực lượng vào miền Nam. Thực hiện chủ trương đó, Trung ương Cục miền Nam xác định nhiệm vụ: Phải xây dựng được khối chủ lực mạnh, tổ chức tác chiến tập trung lớn, nhằm tiêu diệt từng bộ phận quân chủ lực ngụy, đánh bại chỗ dựa cơ bản của đế quốc Mỹ trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, tạo ra cục diện mới cho cách mạng. Cụ thể hóa nhiệm vụ trên, Đảng ủy và Bộ Chỉ huy Miền quyết định mở chiến dịch tiến công Bình Giã trên địa bàn miền Đông Nam Bộ. Sau hơn một tháng chiến đấu liên tục, tuy lực lượng chủ lực còn non trẻ, nhưng với quyết tâm chiến đấu cao, vận dụng nghệ thuật quân sự độc đáo, ta đã tiêu diệt lực lượng lớn quân địch2, phá vỡ nhiều “ấp chiến lược”, giải phóng một vùng đất đai rộng lớn, tạo bước ngoặt về tương quan lực lượng và cục diện chiến trường theo hướng có lợi cho ta; đồng thời, đánh dấu bước phát triển, trưởng thành của bộ đội chủ lực Miền, nhất là về trình độ tổ chức, thực hành chiến dịch và vận dụng nghệ thuật tác chiến; trong đó, nghệ thuật sử dụng lực lượng là nét nổi bật.
Một là, tập trung lực lượng, hình thành “quả đấm mạnh”, tiêu diệt gọn từng tiểu đoàn địch. Thực tiễn cách mạng miền Nam trước khi Chiến dịch diễn ra cho thấy, ta đang đứng trước thời cơ rất thuận lợi, nhưng chưa xây dựng được khối chủ lực tại chỗ mạnh và tác chiến tập trung để có thể tiêu diệt gọn từng bộ phận quân địch. Vì vậy, tập trung lực lượng, hình thành “quả đấm mạnh” để tiêu diệt gọn từng tiểu đoàn, đánh thiệt hại nặng các lữ đoàn, sư đoàn địch, tạo thế và lực mới, có lợi cho ta là đòi hỏi cấp thiết. Thực hiện chỉ đạo của Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương, lần đầu tiên trên chiến trường miền Nam, ta sử dụng tập trung lực lượng: 02 trung đoàn bộ binh (Trung đoàn 761 và 762), Đoàn 80 pháo binh Miền, Tiểu đoàn 500 và Tiểu đoàn 800 của chủ lực Quân khu miền Đông, Tiểu đoàn 186 của Quân khu 6, cùng bộ đội địa phương tỉnh Bà Rịa (Đại đội 445), bộ đội địa phương các huyện và du kích trên địa bàn, tổng cộng khoảng 7.000 quân để mở Chiến dịch. Theo đó, các trung đoàn bộ binh và các tiểu đoàn trợ chiến của Miền được bí mật điều về chiến trường chính Bà Rịa, khẩn trương làm công tác tổ chức, chuẩn bị chiến đấu, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.
Để tạo ưu thế về lực lượng, Bộ Tư lệnh Chiến dịch chủ trương sử dụng tập trung lực lượng trên hướng chủ yếu để tiến hành các trận đánh then chốt, then chốt quyết định. Nét đặc sắc về nghệ thuật tổ chức và sử dụng lực lượng trong Chiến dịch là ta chỉ sử dụng một bộ phận lực lượng chủ lực, còn chủ yếu là bộ đội địa phương để “đánh điểm”, tổ chức bao vây, tiến công đối tượng chính là địch ở xã, ấp; tập trung chủ yếu chủ lực các trung đoàn ở những vị trí tiện cơ động, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức chiến thuật và thủ đoạn chiến đấu tiến công tiêu diệt gọn từng tiểu đoàn địch cơ động tăng viện, bộc lộ lực lượng - “diệt viện”. Trên hướng tiến công chủ yếu (Bà Rịa - Long Khánh), Trung đoàn 762 đã phối hợp với lực lượng địa phương Bà Rịa vận động phục kích trên Đường số 2, tiêu diệt gọn Chi đoàn thiết giáp số 3 (lực lượng cơ động mạnh của quân đội Sài Gòn); Trung đoàn 761 được tăng cường Đại đội bộ đội địa phương 445 của tỉnh Bà Rịa, trong thời gian ngắn đã tiến hành thắng lợi 02 trận then chốt, tiêu diệt Tiểu đoàn 33 biệt động quân và Tiểu đoàn 4 thủy quân lục chiến ngụy (thuộc lực lượng tổng dự bị chiến lược) ở Bình Giã. Thắng lợi của Chiến dịch cho thấy, chỉ có sử dụng và phát huy tốt vai trò của những “quả đấm chủ lực”, tập trung lực lượng cho hướng tiến công, mục tiêu chủ yếu mới tiêu diệt và đánh bại quân chủ lực của đối phương, đặc biệt lần đầu tiên tiêu diệt gọn từng tiểu đoàn, chi đoàn thiết giáp thuộc lực lượng tổng dự bị chiến lược, tinh nhuệ nhất của quân đội Sài Gòn, góp phần quan trọng tiến lên đánh bại hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của địch.
Hai là, tổ chức lực lượng đánh địch rộng khắp, buộc địch phải căng kéo, đối phó. Chiến dịch Bình Giã được mở trên một địa bàn tương đối rộng, dựa vào thế trận chiến tranh nhân dân đã được xây dựng và phát triển mạnh mẽ, phát huy sức mạnh tổng hợp của lực lượng vũ trang ba thứ quân, cùng với tập trung “quả đấm mạnh” thực hiện tiêu diệt lớn ở hướng chủ yếu, ta chủ trương sử dụng bộ đội địa phương và du kích trong địa bàn đẩy mạnh các hoạt động phối hợp chiến đấu. Trước khi mở màn Chiến dịch, để nghi binh đánh lạc hướng, tạo thuận lợi cho công tác chuẩn bị, bảo đảm bí mật, bất ngờ trên hướng chủ yếu và trận then chốt quyết định, Bộ Tư lệnh Miền mở đợt hoạt động của bộ đội địa phương rộng khắp trên toàn chiến trường, trọng điểm là Quân khu 6 và Quân khu miền Đông. Theo đó, trên hướng phối hợp (Hoài Đức, Tánh Linh), ta sử dụng Tiểu đoàn 186 đánh chiếm ấp chiến lược Mê Pu, nhử viện binh địch từ Hoài Đức ra và Đường số 1 lên; đánh thiệt hại 01 đại đội bảo an, 01 đại đội dân vệ, lực lượng Tiểu khu La Gi đến tiếp viện, làm thiệt hại thêm 02 đại đội bảo an; sử dụng lực lượng pháo binh Miền tập kích sân bay Biên Hòa gây thiệt hại lớn, làm hạn chế khả năng chi viện hỏa lực bằng không quân của địch. Cùng với đó, các hoạt động phá “ấp chiến lược” trên Đường 15 và quanh chi khu Long Điền, Đất Đỏ được đẩy mạnh, phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng lên cao, buộc địch phải phân tán đối phó, tạo điều kiện, thời cơ thuận lợi cho các hướng, mũi cơ động vượt sông Đồng Nai, vào vị trí chiếm lĩnh, triển khai đội hình tiến công, bảo đảm bí mật, an toàn, đúng kế hoạch, thời gian, tạo lập thế trận ban đầu vững chắc. Nhờ đó, quá trình thực hành tác chiến, bộ đội địa phương huyện Long Khánh đã phối hợp với chủ lực trên hướng tiến công chủ yếu đánh thiệt hại 01 đoàn xe lửa của địch; bộ đội địa phương huyện Bến Cát tập kích Tiểu đoàn biệt kích “Lôi Hổ”; lực lượng vũ trang Bình Thuận tiến công Chi khu Thiện Giáo, tiêu diệt 01 đại đội địch; Tiểu đoàn 800 tập kích Trại biệt kích Bình Sơn, diệt đồn Tam An, Phước Thọ, hỗ trợ quần chúng phá nhiều “ấp chiến lược”. Việc tổ chức lực lượng đánh địch rộng khắp đã tạo điều kiện, tiền đề quan trọng để Bộ Tư lệnh Chiến dịch xây dựng, củng cố thế trận tiến công vững chắc, tiêu diệt, tiêu hao một phần sinh lực, cô lập địch trong khu vực tiến công chủ yếu, hạn chế khả năng chi viện, ứng cứu từ các nơi khác, buộc chúng phải phân tán lực lượng trên diện rộng để đối phó, ta có điều kiện tập trung lực lượng đánh vào mục tiêu chủ yếu.
Ba là, đánh giá chính xác tình hình, kịp thời điều chỉnh lực lượng, chuyển hóa thế trận linh hoạt, tạo sức mạnh tiêu diệt địch. Phương pháp tác chiến mà Bộ Tư lệnh Chiến dịch xác định là “đánh điểm, diệt viện”, lấy tiêu diệt địch ngoài công sự là chủ yếu, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu, nhằm đánh bại ưu thế chiến thuật “trực thăng vận” và “thiết xa vận” của địch, nên tình huống chiến dịch sẽ diễn ra mau lẹ, phức tạp, thậm chí ngoài dự kiến. Vì vậy, việc nắm vững tình hình, kịp thời điều chỉnh lực lượng, chuyển hóa thế trận, tạo sức mạnh tiêu diệt địch là vấn đề rất quan trọng, nhằm đối phó hiệu quả với mọi âm mưu, thủ đoạn của địch. Thực tiễn Chiến dịch cho thấy, quá trình tổ chức, sử dụng lực lượng, Bộ Tư lệnh bố trí Trung đoàn 762 ở Đông Nam Núi Nghệ (phía Tây của Đường số 2), đánh địch ứng cứu giải tỏa Bình Giã bằng đường bộ. Đúng như dự kiến, địch tổ chức cuộc hành quân “Bình Tuy 33”, sử dụng Chi đoàn thiết giáp số 3 giải tỏa dọc Đường số 2 lên đến Bình Giã, Đức Thạnh. Tuy nhiên, địch lại cơ động không đúng khu vực ta đã bố trí phục kích, nên Trung đoàn 762 chưa đánh được địch. Do đó, Trung đoàn kịp thời cơ động lực lượng, tổ chức bố trí lại đội hình ở phía Đông Núi Nghệ, cho trinh sát nắm chắc địch từ Đức Thạnh trở về; khi địch lọt vào trận địa bố trí sẵn, Trung đoàn nhanh chóng cơ động lực lượng, thực hiện chặn đầu, khóa đuôi, bao vây, chia cắt, tiến công đội hình, sau khoảng một giờ chiến đấu, ta tiêu diệt gọn chi đoàn thiết giáp của địch. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, dự kiến địch sẽ điều thêm lực lượng đến để giải quyết hậu quả và tiếp tục tiến công ta, thực hiện “trận đánh trước tạo thế và lực cho trận đánh sau”, Trung đoàn 761 nhanh chóng di chuyển lực lượng từ Bình Giã về bố trí ở Nam và Đông Nam của Quảng Giáo, kịp thời điều chỉnh đội hình, triển khai nhanh, bổ sung phương án tác chiến mới, tổ chức chuẩn bị và thực hành đánh địch, diệt gọn Tiểu đoàn 4 thủy quân lục chiến ngụy, gây tiếng vang lớn. Những thắng lợi trên thể hiện nổi bật nghệ thuật phân tích, đánh giá tình hình địch và dự kiến chính xác tình huống, nắm chắc thời cơ, tổ chức điều chỉnh lực lượng kịp thời, triển khai chiến đấu nhanh, chuyển hóa thế trận linh hoạt, giành quyền chủ động hoàn toàn, “đánh hiểm, đánh đau” địch, hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Chiến thắng Bình Giã là mốc son chói lọi trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của chủ lực Quân Giải phóng miền Nam gắn với sự phát triển quan trọng của nghệ thuật chiến dịch Việt Nam. Thắng lợi của Chiến dịch để lại nhiều bài học quý về nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng, cần tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng sáng tạo, phát triển trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Thượng tá, TS. NGUYỄN VĂN PHÚC, Trường Sĩ quan Lục quân 1 ________________
1 - ĐCSVN – Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 24, Nxb CTQG, H. 2003, tr. 839.
2 - Ta đã tiêu diệt gọn 01 tiểu đoàn thủy quân lục chiến, 01 chi đoàn M.113 - lực lượng nòng cốt, tinh nhuệ nhất của quân ngụy lúc bấy giờ, phá hủy 45 xe quân sự, bắn rơi và làm hỏng hơn 56 máy bay, v.v.
Chiến dịch Bình Giã,Đông Xuân 1964 - 1965
Nét đặc sắc của nghệ thuật vận dụng cách đánh trong Chiến dịch tiến công Tây Sơn Tịnh năm 1966 21/11/2024
Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào 29/10/2024
Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972 - nét đặc sắc về nghệ thuật sử dụng lực lượng 24/10/2024
Nghệ thuật đánh điểm, diệt viện trong Chiến dịch Bu Prăng - Đức Lập năm 1969 27/09/2024
Nghệ thuật chỉ đạo của Đảng về tạo và nắm thời cơ, giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 19/08/2024
Nghệ thuật đánh trận then chốt quyết định trong Chiến dịch Nông Sơn - Thượng Đức năm 1974 15/07/2024
Nhà Lý kết hợp tiến công quân sự với biện pháp ngoại giao để kết thúc chiến tranh, kiến tạo hòa bình 24/06/2024
Chiến dịch Long Khánh năm 1969 - nét đặc sắc của nghệ thuật tập kích 04/06/2024
Nghệ thuật đánh điểm, diệt viện trong Chiến dịch Trung - Hạ Lào năm 1954 22/04/2024
Nét nổi bật về nghệ thuật đánh trận mở đầu trong Chiến dịch Bắc Tây Nguyên năm 1954 15/02/2024
Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972 - nét đặc sắc về nghệ thuật sử dụng lực lượng
Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào
Nét đặc sắc của nghệ thuật vận dụng cách đánh trong Chiến dịch tiến công Tây Sơn Tịnh năm 1966