Thứ Bảy, 23/11/2024, 05:16 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã đập tan chính quyền Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đánh dấu sự phát triển vượt bậc của nghệ thuật quân sự Việt Nam; trong đó, nghệ thuật phối hợp giữa các lực lượng, hình thức đấu tranh là một trong những nét đặc sắc.
Nhân dân Sài Gòn tham dự mít - tinh mừng chiến thắng (Ảnh tư liệu)
1. Nghệ thuật phối hợp tác chiến giữa các quân chủng, binh chủng, lực lượng trong đánh tiêu diệt quân địch. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 bắt đầu bằng chiến dịch Tây Nguyên với trận then chốt mở đầu là Buôn Ma Thuột. Để giành thắng lợi, ngay từ đầu ta chủ trương sử dụng một lực lượng lớn quân chủng, binh chủng nhằm tiêu diệt gọn quân địch ở chiến trường này1. Với lực lượng đó, trên từng hướng tiến công, ta bố trí lực lượng vượt trội so với địch. Cụ thể, ở Buôn Ma Thuột: về bộ binh ta gấp 4,5 (18dBB/4dBB); xe tăng, xe thiết giáp gấp 3,5 lần (64 chiếc/18 chiếc); pháo binh gấp 5 lần (78 khẩu/16 khẩu). Trong chiến dịch Trị - Thiên - Huế và chiến dịch Đà Nẵng, ta chiếm ưu thế về đơn vị bộ binh (1,2/1). Chiến dịch Hồ Chí Minh, ta tập trung lực lượng ưu thế áp đảo (gấp 1,7 lần). Đặc biệt, trong chiến dịch này, ta còn phối hợp sử dụng lực lượng Hải quân để giải phóng quần đảo Trường Sa và lần đầu tiên sử dụng lực lượng Không quân đánh phá sào huyệt của kẻ địch.
Với việc tập trung lực lượng có ưu thế hơn hẳn địch và thực hành tác chiến hiệp đồng quân chủng, binh chủng quy mô lớn một cách nhịp nhàng, nên ta đủ sức đánh tiêu diệt từng sư đoàn, quân đoàn chủ lực địch, đập tan từng mảng lớn trong hệ thống phòng thủ chiến lược của chúng để giành thắng lợi. Trong chiến dịch Tây Nguyên, Bộ đội Đặc công luồn sâu, đánh hiểm vào các mục tiêu trong thị xã Buôn Ma Thuột, đặc biệt là chiếm giữ các cầu, tạo điều kiện cho các đơn vị thọc sâu đánh chiếm mục tiêu theo hiệp đồng chiến dịch. Pháo binh đã phát huy cao độ sức mạnh công phá và khả năng chế áp địch, bắn phá các mục tiêu bên trong Thị xã và chi viện cho bộ binh, xe tăng tiến công. Bộ đội Phòng không bám sát từng hướng tiến công, bắn máy bay địch, bảo vệ đội hình chiến đấu. Lực lượng Tăng - Thiết giáp cùng với bộ binh đột kích đập tan hệ thống phòng ngự của địch; dẫn đầu các đơn vị thọc sâu đánh chiếm các mục tiêu quan trọng. Bộ đội Thông tin, Công binh, Vận tải theo chức năng, nhiệm vụ, phát huy hết khả năng, phục vụ nhanh nhất, kịp thời nhất cho Chiến dịch. Bằng cuộc tiến công hiệp đồng binh chủng phối hợp với các đơn vị đặc biệt tinh nhuệ, ta đã hoàn thành xuất sắc trận then chốt thứ nhất của Chiến dịch, mở ra điều kiện thuận lợi trong phản kích và truy kích địch rút chạy.
Thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên đã đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc về nghệ thuật phối hợp tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, tiếp tục tạo thế và lực cho ta trong chiến dịch Trị - Thiên - Huế và chiến dịch Đà Nẵng. Phát huy ưu thế về lực lượng, sau khi tiến công giải phóng Quảng Trị (ngày 19-3), ta tiến công giải phóng thành phố Huế (ngày 25-3) và tỉnh Thừa Thiên, giải phóng Đà Nẵng (ngày 29-3). Thắng lợi của các chiến dịch thể hiện rõ trình độ nghệ thuật tổ chức và sử dụng một binh đoàn chủ lực cơ động (Quân đoàn 2) phối hợp với lực lượng vũ trang Quân khu Trị - Thiên và Quân khu 5 đánh thọc sâu, chia cắt, bao vây, nhanh chóng giành thắng lợi. Sau khi Đà Nẵng được giải phóng, thực hiện Quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị: “giải phóng Sài Gòn và miền Nam trước mùa mưa (tháng 5-1975)”2, các binh đoàn chủ lực được lệnh hành quân thần tốc, áp sát Sài Gòn tạo thế bao vây, cô lập địch. Theo đó, 5 binh đoàn chủ lực cùng với hàng chục sư đoàn, lữ đoàn, trung đoàn và lực lượng tại chỗ của Nam Bộ hình thành 5 hướng tiến vào Sài Gòn, đánh chiếm các mục tiêu (Dinh Độc Lập, Bộ Tổng Tham mưu ngụy, sân bay Tân Sơn Nhất, Biệt khu Thủ đô, Tổng nha Cảnh sát) theo quyết tâm của Bộ Tư lệnh chiến dịch. Với ưu thế áp đảo và sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, ta nhanh chóng tiêu diệt các sư đoàn địch phòng ngự ở vòng ngoài và thọc sâu đánh chiếm các mục tiêu ở bên trong để giành thắng lợi hoàn toàn. Với tầm nhìn, tư duy chiến lược sắc sảo, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã sử dụng lực lượng Hải quân giải phóng quần đảo Trường Sa và nhiều mục tiêu khác trên biển từ tay chính quyền Sài Gòn, hoàn thành vẻ vang công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Có thể thấy, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 là thành công lớn về nghệ thuật phối hợp tác chiến hiệp đồng quân chủng, binh chủng trên quy mô lớn, tạo ưu thế tuyệt đối cả về thế và lực, đẩy địch vào thế suy sụp, bị động về chiến lược và tan rã nhanh chóng.
2. Nghệ thuật kết hợp giữa tiến công với nổi dậy, nổi dậy với tiến công ở cả rừng núi, nông thôn, đồng bằng và đô thị. Đó là sự kết hợp giữa những đòn tiến công quân sự bằng các trận đánh hiệp đồng binh chủng quy mô lớn của bộ đội chủ lực với sự nổi dậy mạnh mẽ của quần chúng cách mạng, đập tan bộ máy kìm kẹp của ngụy quyền ở địa phương, cơ sở để giành quyền làm chủ. Về phương thức giành thắng lợi, ta chủ trương “tiến công quân sự phải đi trước một bước để hỗ trợ và kết hợp với nổi dậy của quần chúng”3, nhằm tiêu diệt địch và giành quyền làm chủ, tạo sức mạnh áp đảo quân địch. Trong đó, tiến công quân sự của bộ đội chủ lực tạo thuận lợi, “khêu ngòi” để quần chúng nhân dân vùng dậy đấu tranh. Đến lượt nó, phong trào nổi dậy của quần chúng có tác dụng căng kéo, phân tán địch, làm cho tinh thần binh lính, viên chức chính quyền Sài Gòn hoang mang, dao động, mở ra thế tiến công và điều kiện thuận lợi để lực lượng vũ trang đánh tiêu diệt địch, giành thắng lợi lớn.
Thực tiễn cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, việc kết hợp tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng đã có bước phát triển cả về tính chất, quy mô và nhịp độ. Khi chiến dịch Tây Nguyên mở màn, địch vô cùng hoảng loạn. Nắm vững thời cơ, Thị ủy Đắc Lắc đã chỉ đạo đội vũ trang tuyên truyền tiến vào thị xã nối lại các cơ sở và huy động quần chúng nổi dậy, quét sạch 13 khu đồn, 35 ấp chiến lược và bộ máy kìm kẹp của địch; giải phóng hoàn toàn 70 buôn và 11 dinh điền, chính quyền cách mạng nhanh chóng được thiết lập ở các cấp. Trong khi các trung tâm chỉ huy của địch bị bộ đội chủ lực của ta tiến công thì ở các thôn, xã, quần chúng nhân dân cùng với lực lượng du kích và bộ đội địa phương nổi dậy, truy kích địch, tiêu diệt ác ôn, giành lại chính quyền ở cơ sở, tiếp tục củng cố sức mạnh cho bộ đội chủ lực. Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi đã cổ vũ phong trào đấu tranh chính trị giành đất, giành dân ở vùng ven và nội đô trên khắp chiến trường miền Nam.
Trong các chiến dịch: Trị - Thiên - Huế, Đà Nẵng, khi các binh đoàn, sư đoàn chủ lực chuẩn bị tiến công vào nội đô thì ở vùng ven, quần chúng và lực lượng vũ trang địa phương kịp thời nổi dậy, đập tan bộ máy kìm kẹp của địch ở thôn, xã, tạo địa bàn cho quân chủ lực triển khai thế trận tiến công. Cùng thời điểm đó, ở nội đô, lực lượng chính trị đã vận động quần chúng xuống đường biểu tình gây sức ép với chính quyền địch, làm cho binh lính quân đội Sài Gòn ở Đà Nẵng hoang mang, dao động. Chiến dịch Trị - Thiên - Huế và chiến dịch Đà Nẵng giành thắng lợi, Vùng I và Vùng II chiến thuật của quân đội Sài Gòn bị đập tan, dồn toàn bộ sức ép vào trung tâm Sài Gòn - Gia Định. Trước khi 5 cánh quân của ta tiến công vào nội đô Sài Gòn, công tác chuẩn bị cho nổi dậy của quần chúng rất sôi động. Thành ủy Sài Gòn - Gia Định đã phân công hàng vạn cán bộ, đảng viên, quần chúng nòng cốt, các đội tuyên truyền xung phong sẵn sàng phối hợp với các hướng của các binh đoàn chủ lực nổi dậy giành chính quyền. Dưới sự chỉ đạo của cán bộ cơ sở, từ ngày 29-4 đến sáng 30-4-1975, đã có 107 điểm nổi dậy của nhân dân (76 điểm ở nội thành và 31 điểm ở ngoại thành). Thực tiễn chứng minh, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 là đỉnh cao của sự kết hợp chặt chẽ giữa tiến công với nổi dậy, nổi dậy với tiến công để làm tan rã và đánh bại toàn bộ lực lượng địch, kết thúc chiến tranh trong thời gian ngắn nhất, có lợi nhất.
3. Nghệ thuật kết hợp đấu tranh quân sự, chính trị, binh vận. Trong quá trình đấu tranh cách mạng, Đảng ta xác định: tiến hành đánh địch bằng ba mũi giáp công quân sự, chính trị và binh vận. Trong đó, tiến công quân sự giữ vai trò quyết định trực tiếp, còn đấu tranh chính trị, binh vận để tăng thêm sức mạnh quân sự, tạo nên sức mạnh tổng hợp, làm biến chuyển cục diện, kết thúc chiến tranh. Việc kết hợp đấu tranh quân sự, chính trị, binh vận diễn ra trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhưng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 diễn ra với nhịp độ nhanh hơn, quy mô rộng lớn hơn, tạo thế trận chiến tranh nhân dân vững mạnh, rộng khắp. Thế trận đó, không chỉ tiêu diệt nhiều sinh lực, làm cho binh lính quân đội Sài Gòn đảo ngũ, rã ngũ, quay về với cách mạng, mà còn làm cho nhân viên chính quyền địch bỏ nhiệm sở, hoặc tự nguyện bàn giao chính quyền cho lực lượng cách mạng. Thậm chí ở nhiều nơi, chính quyền địch tan rã trước khi các lực lượng vũ trang tiến vào giải phóng.
Để công tác binh vận, địch vận trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đạt hiệu quả cao nhất thì lực lượng binh vận, địch vận phải nắm chắc thời cơ. Theo đó, khi các binh đoàn, sư đoàn chủ lực của ta đập tan các cứ điểm vòng ngoài của địch, lực lượng nổi dậy và đấu tranh binh vận, địch vận tiến hành rải truyền đơn, dùng loa gọi hàng, trực tiếp tiếp xúc với binh lính, nhân viên chính quyền địch vận động họ đầu hàng. Thực tiễn cho thấy, trong chiến dịch Hồ Chí Minh, khi 5 cánh quân của ta bắt đầu tiến công vào các mục tiêu trong nội đô, thì lực lượng nổi dậy và đấu tranh binh vận, địch vận trong nội đô đã có kế hoạch tham gia khởi nghĩa, giành chính quyền ở cấp cơ sở. Trước sức tiến công mạnh mẽ của các binh đoàn chủ lực, từ ngày 28-4, lực lượng nổi dậy và đấu tranh chính trị đã làm tan rã hàng nghìn binh lính quân đội Sài Gòn, nhiều cơ sở chính quyền địch tự nguyện bàn giao cho lực lượng cách mạng. Đến sáng ngày 30-4, hầu hết hệ thống chính quyền của địch ở cơ sở đều tan rã. Đây là yếu tố thuận lợi cho các binh đoàn đánh chiếm và làm chủ các mục tiêu được phân công.
Lịch sử đã lùi xa, nhưng bài học kinh nghiệm quý báu được rút ra từ chiến thắng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 vẫn còn nguyên giá trị, cần tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn chiến tranh để phát triển lý luận khoa học, nghệ thuật quân sự Việt Nam, vận dụng sáng tạo vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Đại tá, TS. NGUYỄN VĂN LƯỢNG, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam ____________________
1 - Lực lượng ta tham gia chiến dịch, gồm: 05 sư đoàn, 04 trung đoàn bộ binh, cùng nhiều đơn vị binh chủng và lực lượng vũ trang địa phương trên địa bàn chiến dịch. Lực lượng địch, gồm: 01 sư đoàn bộ binh, 07 tiểu đoàn biệt động quân, 01 lữ đoàn thiết giáp, 01 sư đoàn không quân.
2 - Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Bộ Quốc phòng (1945 - 2000), Biện niên sự kiện, Nxb QĐND, H. 2003, tr. 468.
3 - Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Tổng kết tác chiến chiến lược trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945- 1975), Nxb QĐND, H. 2005, tr. 621.
Nghệ thuật phối hợp,Tổng tiến công và nổi
Nét đặc sắc của nghệ thuật vận dụng cách đánh trong Chiến dịch tiến công Tây Sơn Tịnh năm 1966 21/11/2024
Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào 29/10/2024
Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972 - nét đặc sắc về nghệ thuật sử dụng lực lượng 24/10/2024
Nghệ thuật đánh điểm, diệt viện trong Chiến dịch Bu Prăng - Đức Lập năm 1969 27/09/2024
Nghệ thuật chỉ đạo của Đảng về tạo và nắm thời cơ, giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 19/08/2024
Nghệ thuật đánh trận then chốt quyết định trong Chiến dịch Nông Sơn - Thượng Đức năm 1974 15/07/2024
Nhà Lý kết hợp tiến công quân sự với biện pháp ngoại giao để kết thúc chiến tranh, kiến tạo hòa bình 24/06/2024
Chiến dịch Long Khánh năm 1969 - nét đặc sắc của nghệ thuật tập kích 04/06/2024
Nghệ thuật đánh điểm, diệt viện trong Chiến dịch Trung - Hạ Lào năm 1954 22/04/2024
Nét nổi bật về nghệ thuật đánh trận mở đầu trong Chiến dịch Bắc Tây Nguyên năm 1954 15/02/2024
Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972 - nét đặc sắc về nghệ thuật sử dụng lực lượng
Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào
Nét đặc sắc của nghệ thuật vận dụng cách đánh trong Chiến dịch tiến công Tây Sơn Tịnh năm 1966