Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam

QPTD -Thứ Sáu, 20/01/2012, 04:50 (GMT+7)
Nghệ thuật phối hợp tác chiến giữa mặt trận chính diện và mặt trận sau lưng địch trong Chiến dịch Hoà Bình

alt
Lễ kỷ niệm 60 năm ngày chiến thắng Tu Vũ - trận mở màn xuất sắc của chiến dịch Hòa bình.
Sau thất bại thảm hại trong Chiến dịch Biên giới 1950, quân Pháp ở Đông Dương rơi vào thế bị động, khốn khó. Thực dân Pháp vội vàng tăng quân, đổi tướng, triển khai xây dựng một loạt hệ thống đồn, bốt kiên cố, vững chắc ở những vị trí có ý nghĩa chiến lược dọc theo các tuyến giao thông quan trọng hòng kiểm soát, ngăn chặn mọi hoạt động của ta, nhất là các cuộc tiến công của quân chủ lực từ vùng thượng du xuống đồng bằng và cắt đứt nguồn tiếp tế nhân lực, vật lực từ vùng châu thổ sông Hồng, nơi đông dân, nhiều lúa gạo cho căn cứ cách mạng. Đồng thời, chúng đẩy nhanh quá trình bình định nông thôn, các vùng tạm chiếm bằng các cuộc hành binh càn quét quy mô lớn nhằm tiêu diệt các cơ sở chính trị, vũ trang, bắt lính, dồn dân, triệt phá kinh tế… Cùng với đó, thực dân Pháp dùng chính sách “mị dân” thâm độc để dụ dỗ, mua chuộc người dân bản địa chống lại cách mạng, thực hiện “dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”. Không dừng ở đó, chúng còn gấp rút chuẩn bị lực lượng để ngăn chặn sự cung cấp sức người, sức của cho kháng chiến, phá thế chuẩn bị tiến công của ta, giành quyền chủ động trên chiến trường chính Bắc Bộ; tập trung binh lực (hậu cần, kỹ thuật và điều động phần lớn lực lượng cơ động chiến lược) mở cuộc tiến công đánh chiếm Hoà Bình - vùng tự do duy nhất còn lại của Liên khu 3, mở rộng vùng chiếm đóng hòng xây dựng nơi đây thành một tập đoàn cứ điểm mạnh, cắt đứt đường liên lạc, tiếp tế giữa căn cứ cách mạng với Liên khu 3; đồng thời, thu hút chủ lực của ta lên để tiêu diệt.

Trên cơ sở phân tích đánh giá đúng tình hình, Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy Trung ương quyết định chuyển từ tác chiến phản công sang tiến công tiêu diệt địch. Tổng Quân uỷ nhanh chóng xác định quyết tâm chiến đấu, kịp thời đề xuất phương án tác chiến đánh địch trên cả 2 mặt trận: tiến công tiêu diệt địch ở Hoà Bình; đồng thời, tiến công, bao vây, tiêu hao, giam chân, căng xé lực lượng địch ở Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ; đẩy mạnh hoạt động du kích, xây dựng các tổ chức chính trị, vũ trang ở những địa bàn đã mất hoặc chưa có, làm cơ sở để tập hợp quần chúng đấu tranh, vạch mặt kẻ thù. Tổng Quân uỷ nhận định: đây là thời cơ thuận lợi cho ta tiêu diệt địch, thu hẹp phạm vi chiếm đóng của chúng, mở rộng địa bàn hoạt động của ta. Đánh ra Hoà Bình, quân Pháp sẽ phải đối mặt với những khó khăn: địa hình rừng núi, cách xa “hậu phương”; hệ thống công sự chưa kịp xây dựng kiên cố, vững chắc nên phải rải quân trên một tuyến dài mà không có “boong-ke” bảo vệ. Đối với ta, tuy lúc đầu ở thế bị động, nhưng các lực lượng ở mặt trận chính diện có điều kiện phát huy sở trường đánh địch ở địa hình rừng núi, gần căn cứ, thuận tiện cho việc chỉ huy, chi viện, ứng cứu. Còn ở mặt trận sau lưng địch, mặc dù phạm vi không gian tác chiến rộng, địa hình đồng bằng trống trải dễ bị địch phát hiện, nhưng lực lượng của ta được nhân dân che chở, đùm bọc… Căn cứ vào những phân tích, đề xuất đúng đắn mang tính chiến lược của Tổng Quân uỷ, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch tiến công vây đánh địch ở Hoà Bình; đồng thời, mở mặt trận tác chiến rộng khắp ở vùng sau lưng địch. Đây là nghệ thuật chỉ đạo tác chiến tài tình, sáng tạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lần đầu tiên trên chiến trường chính Bắc Bộ, ta chủ động mở Chiến dịch và phối hợp chặt chẽ hai mặt trận: chính diện và sau lưng địch để đánh địch, giành quyền chủ động trên chiến trường. Ngày 24-11-1951, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 22-CT/TW: “Nhiệm vụ phá cuộc tấn công Hoà Bình của địch”. Chỉ thị nêu rõ: nhiệm vụ của mặt trận Hoà Bình là phải tiến công tiêu diệt địch, động viên lực lượng toàn dân phá kế hoạch chiếm đóng, dựng lực lượng ngụy quân, đặt cơ sở ngụy quyền, tuyên truyền lừa phỉnh nhân dân của địch; mặt trận Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ phát triển mạnh mẽ các hoạt động chiến tranh du kích tiến công tiêu diệt địch ở các đồn, bốt lẻ, thậm chí bao vây, đánh chiếm các quận, lỵ, mở rộng và phát triển căn cứ du kích; tuyên truyền, vận động nhân dân bất hợp tác với địch, đẩy mạnh công tác địch vận lôi kéo những người đang hợp tác với địch trở về với cách mạng… Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư khích lệ tinh thần chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích. Trong thư, Người nêu rõ: “Trước kia, ta phải lừa địch ra mà đánh. Nay địch tự ra cho ta đánh. Đó là một cơ hội tốt cho ta”1. Người nhấn mạnh: “Bộ đội chủ lực đánh. Bộ đội địa phương, dân quân du kích cũng đánh. Các lực lượng phải phối hợp với nhau chặt chẽ để tiêu diệt sinh lực của địch, để đánh tan kế hoạch Thu - Đông của chúng”2.

Chấp hành Chỉ thị của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, các lực lượng, các địa phương từ miền xuôi đến miền ngược gấp rút chuẩn bị mọi mặt cho Chiến dịch; trọng tâm là xây dựng ý chí, quyết tâm chiến đấu; giáo dục tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau; bảo đảm các mặt cho lực lượng tiến công tiêu diệt địch trên hai mặt trận. Nhờ đó, Chiến dịch đã huy động được đông đảo quần chúng nhân dân phối hợp cùng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích tham gia chiến đấu với tinh thần dũng cảm, kiên cường, mưu trí, linh hoạt và sẵn sàng cơ động tăng viện, ứng cứu giữa mặt trận chính diện và mặt trận sau lưng địch. Chớp thời cơ khi địch mới đánh chiếm được thị xã Hoà Bình, chưa kịp củng cố địa bàn đứng chân, quân và dân ta ở hai mặt trận đồng loạt nổ súng tiến công mãnh liệt vào chỗ hiểm, yếu, thậm chí đánh thẳng vào chỗ mạnh nhưng tương đối sơ hở của địch, làm cho chúng hoàn toàn bất ngờ, lúng túng, buộc phải vội vàng chuyển từ thế tiến công sang phòng ngự thụ động.

Tại mặt trận Hoà Bình, quân ta chủ động tiến công tiêu diệt cứ điểm Tu Vũ - Núi Chẹ - một vị trí quan trọng thuộc tuyến phòng thủ vòng ngoài của phân khu sông Đà; đồng thời, sử dụng lực lượng thọc sâu đánh thẳng vào trung tâm Hoà Bình và các mục tiêu trọng yếu, làm cho quân địch tan vỡ từng mảng lớn. Ở mặt trận sau lưng địch, ta tổ chức Trung đoàn 48, Đại đoàn 320 cùng với lực lượng vũ trang địa phương tiến công vào thị trấn Phát Diệm - căn cứ mạnh của địch ở đồng bằng Bắc Bộ, làm rung chuyển vùng tề nguỵ mạnh của địch. Cùng với đó, ta tổ chức đánh địch từ Vĩnh Phúc, Bắc Giang… đến Nam Định, Ninh Bình; trong đó, có nhiều địa bàn vùng đồng bào tôn giáo mà địch cho là đã bình định được, nhưng nhờ có chính sách tôn giáo, dân vận đúng đắn của Đảng, bộ đội ta đã tranh thủ được lòng tin và sự giúp đỡ nhiệt tình của đồng bào theo đạo Thiên chúa, nhanh chóng đánh chiếm nhiều cơ sở quan trọng của địch, mở rộng căn cứ, thu hẹp đáng kể phạm vi chiếm đóng của địch; xây dựng, phát triển nhiều đội du kích mới ở khắp các địa phương. Như vậy, sự phối hợp chặt chẽ về thời gian, chọn mục tiêu hiểm, yếu; các lực lượng phối, kết hợp với nhau tiến công đồng loạt vào nhiều mục tiêu ở hai chiến trường cách xa nhau làm cho lực lượng của địch bị giằng xé giữa hai mặt trận, đối phó lúng túng, bị động không thể chi viện, ứng cứu cho nhau. Không những thế, nét đặc sắc của Chiến dịch còn thể hiện ở nghệ thuật chỉ đạo phối hợp tác chiến nhịp nhàng, ăn khớp giữa hai mặt trận. Khi so sánh tương quan lực lượng ở mặt trận này bất lợi cho ta thì mặt trận kia lại thực hiện đánh mạnh nhằm chia lửa, kéo địch về hướng mình. Do vậy, ngay từ đầu Chiến dịch, địch đã nhiều lần phải điều các đơn vị xe thiết giáp GM1, GM4 cơ động liên tục giữa hai chiến trường, không những không phát huy được hiệu quả của vũ khí hiện đại mà còn bị tiêu diệt một cách nhục nhã… Hơn nữa, trong lúc mặt trận chính diện vừa tiến công tiêu diệt địch, vừa đánh chia cắt giao thông đường bộ (đường số 6), đường thuỷ (sông Đà), thực hiện bao vây, cô lập làm chúng khốn quẫn đôi đường, thiếu cả lực lượng và nhu yếu phẩm, buộc địch phải lập cầu hàng không tiếp viện cứu nguy, thì ở mặt trận sau lưng địch, ta vận động nhân dân bất hợp tác với địch, không đi lính, không cung cấp lương thực cho Pháp; đồng thời, đẩy mạnh công tác binh địch vận, vận động được nhiều binh lính trở về với cách mạng và động viên được nhiều tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên tăng cường cho mặt trận chính diện. Đối với mặt trận Hoà Bình, quân ta vừa chiến đấu, vừa tổ chức đón nhận quân tăng viện bổ sung về các đơn vị trực tiếp huấn luyện ngay trên chiến hào, thậm chí lấy đồn, bốt, xe địch làm mục tiêu tập bắn để bảo đảm đủ lực lượng, lập thế trận đánh địch rút chạy khỏi Hoà Bình. Sự phối hợp tác chiến giữa mặt trận chính diện và mặt trận sau lưng địch đã tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng thị xã Hoà Bình, phá âm mưu chia cắt vùng giải phóng với chiến trường phía Nam của địch, mở rộng căn cứ, phát triển chiến tranh du kích. Đó là thắng lợi của đường lối chỉ đạo chiến tranh đúng đắn, sáng tạo của Đảng, làm cho địch phải chấp nhận “một thất bại kép về chiến lược” trên cả hai chiến trường.

Ngày nay, trong chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), địch có thể tổ chức tiến công hoả lực bằng vũ khí công nghệ cao nhằm chia cắt chiến lược, kết hợp với các lực lượng bên trong tạo dựng “ngọn cờ” đòi “ly khai”, “tự trị”, thậm chí bạo loạn lật đổ cướp chính quyền. Trong đó, địch sẽ tập trung lực lượng tiến công vào các khu vực mục tiêu trọng yếu, khu vực dễ bị chia cắt, nhanh chóng đánh chiếm hoặc dựng lên một chính quyền đối lập… Vì thế, ngay từ thời bình, chúng ta phải đẩy mạnh xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững chắc theo tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 07-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường lãnh đạo thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW và Nghị định 152/2007/NĐ-CP của Chính phủ. Qua đó, phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp của khu vực phòng thủ nhằm ngăn chặn, làm chậm bước tiến của địch; đồng thời, bảo đảm hậu cần, kỹ thuật tại chỗ, hệ thống giao thông, công trình trận địa cho các lực lượng cơ động của quân khu, của Bộ tiến công tiêu diệt địch từ xa đến gần, cả trên không, trên biển và mặt đất… Cùng với đó, tích cực xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc làm cơ sở phát triển chiến tranh nhân dân trong từng khu vực và trên cả nước; chỗ dựa tin cậy cho các lực lượng bám trụ địa bàn, nhanh chóng phát hiện và kịp thời ngăn chặn làm thất bại mưu đồ của các đối tượng, các bộ phận, nhất là tiêu diệt lực lượng cầm đầu, kích động nhân dân bạo loạn cướp chính quyền. Ngoài ra, căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ, tình hình thực tiễn ở từng khu vực, coi trọng địa bàn chiến lược, tuyến biên giới, biển đảo, các lực lượng, các địa phương nghiên cứu đề xuất phương án điều chỉnh, bố trí lực lượng bảo đảm thuận lợi trong phối, kết hợp tác chiến, trước là giữ vững ổn định chính trị, phát triển sản xuất, xoá đói giảm nghèo..., sau là kịp thời đánh thắng địch ngay từ trận đầu. Để đạt được mục đích trên, các địa phương, đơn vị phải thường xuyên tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, tình huống từ thấp đến cao, từ tiến công bọn tội phạm, lực lượng phản động nội địa đến quy mô đánh lớn, hiệp đồng quân binh chủng tiến công kẻ thù xâm lược trên phạm vi từng vùng, miền và cả nước. Trong đó, chú trọng nâng cao khả năng phối hợp giữa Quân đội với Công an trong việc xử lý các tình huống xảy ra; khả năng hiệp đồng quân binh chủng quy mô chiến dịch, tác chiến trong phạm vi nhiều vùng, miền; nhất là hiệp đồng tác chiến giữa các lực lượng đánh địch trên không, trên bộ và trên biển, nhằm bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

PGS, TS. NGUYỄN MINH ĐỨC

______________

1, 2 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 6, Nxb CTQG, H. 2002, tr. 341.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

"Sự kiện Vịnh Bắc Bộ" năm 1964 và bài học Chiến thắng trận đầu của quân, dân miền Bắc
Ngày 05-8-1964, với việc dựng lên “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, đế quốc Mỹ đã phát động cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân, hòng đè bẹp ý chí chiến đấu của nhân dân Việt Nam. Song, chúng đã bị quân và dân miền Bắc giáng trả những đòn thích đáng, với những nét nghệ thuật đặc sắc.