Thứ Bảy, 23/11/2024, 02:26 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam
Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ là sự kết tinh trí tuệ với tinh thần đoàn kết, quyết chiến, quyết thắng ngoại xâm của toàn dân tộc, tạo sức mạnh vô địch làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Theo tướng Na-va – Tổng chỉ huy quân Viễn chinh Pháp ở Đông Dương, lòng chảo Điện Biên Phủ là một thung lũng rộng, tương đối bằng phẳng và trống trải, thuận lợi cho việc sử dụng xe cơ giới, thiết giáp và thiết lập cầu hàng không để tiếp tế; còn đối với quân đội Việt Nam thì gặp nhiều khó khăn trong tác chiến và đảm bảo hậu cần, lại xa hậu phương. Từ nhận định trên, quân Pháp quyết định chọn Điện Biên Phủ làm nơi quyết chiến, đánh bại đối phương, sớm kết thúc chiến tranh.
Thực hiện kế hoạch này, quân Pháp tập trung xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh, với quân số khoảng 16.200 tên, bố trí thành 03 phân khu, 08 trung tâm đề kháng, được trang bị nhiều vũ khí, phương tiện kỹ thuật hiện đại. Pháp và Mỹ huyênh hoang rằng, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là “pháo đài khổng lồ không thể công phá”, một “con nhím” hoàn hảo, hiện đại. Đối với ta chọn Điện Biên Phủ là chiến trường chính cũng có lý do riêng, tức là chọn đánh vào chỗ mạnh của địch, nhưng là nơi hiểm yếu với điểm yếu chí tử dễ bị bao vây, cô lập, nên ta đã tập trung lực lượng lớn. Như vậy, đối với cả hai bên, trận Điện Biên Phủ là trận quyết chiến chiến lược có ý nghĩa quyết định hình thái chiến tranh. Theo đó, ta tập trung các đơn vị chủ lực, gồm đại đoàn: 308, 312, 316 và Trung đoàn 57 (Đại đoàn 304); các đơn vị hỏa lực mạnh: Trung đoàn 45 lựu pháo, Trung đoàn 675 sơn pháo, Trung đoàn 367 pháo cao xạ, nhằm tiến công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm này. So sánh tương quan lực lượng thì địch hơn ta về vũ khí, trang bị và hệ thống trận địa kiên cố, vững chắc, song về sức mạnh tổng hợp thì ta hơn địch. Bởi lẽ, cuộc kháng chiến của ta là chính nghĩa, được toàn dân tham gia, các nước bạn bè và nhân dân tiến bộ thế giới ủng hộ.
Chiến dịch diễn ra từ ngày 13-3 đến ngày 07-5-1954 với 3 đợt tiến công: đợt 1 từ ngày 13 đến 17-3-1954; đợt 2 từ ngày 30-3 đến 30-4-1954; đợt 3 diễn ra từ đầu tháng 5 cho đến 22 giờ ngày 07-5-1954. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi thuộc về ta. Chiến thắng đó có nhiều nguyên nhân trong đó nguyên nhân quan trọng là, nghệ thuật phát huy sức mạnh toàn dân tộc.
Trước hết, nghệ thuật phát huy trí tuệ Việt Nam, cội nguồn sức mạnh của dân tộc. Trong từng trận đánh hay từng chiến dịch và rộng hơn là một cuộc chiến tranh thì việc đấu trí giữa hai bên quyết định đến thành bại trên chiến trường. Vấn đề này, ta hơn hẳn địch là vì dân tộc ta có Đảng Cộng sản - đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam lãnh đạo. Quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nắm chắc tình hình đề ra đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo. Trong khi địch gấp rút xây dựng khối cơ động chiến lược để phản công từng phần, giành quyền chủ động trên chiến trường thì Bộ Tổng tư lệnh ra lệnh cho bộ đội chủ lực trên các mặt trận: Lai Châu, Trung Lào, Tây Nguyên nhanh chóng tiến công địch; tích cực chuẩn bị mọi mặt, trong đó chú trọng điều thêm lực lượng lên Điện Biên Phủ. Thực hiện kế hoạch này, Đại đoàn 312, 351 tiến lên Tây Bắc. Cuộc đấu trí còn được thể hiện rõ khi tình hình địch đã có nhiều thay đổi, Bộ Chỉ huy Chiến dịch chủ động, linh hoạt chuyển từ phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Đây là chủ trương đúng đắn, chính xác, kịp thời, kiên quyết của Đảng ủy và Bộ Chỉ huy Chiến dịch. Chủ trương đó, thể hiện sự quán triệt sâu sắc tư tưởng “đánh chắc, tiến chắc” của Trung ương Đảng và Bác Hồ, bảo đảm cho Quân đội chắc thắng khi tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Với hình thái vây lấn, ta từng bước thắt chặt, không cho địch tiếp tế bằng đường không như chúng dự tính. Ta còn chủ động tạo thế trận cài xen với địch làm cho chúng không sử dụng không quân ném bom vào các lực lượng của ta. Trong lúc đó việc tiếp tế của ta vẫn được đảm bảo, mặc dù địch đánh phá ác liệt. Trong chiến đấu, bộ đội sáng tạo nhiều cách đánh phù hợp, đạt hiệu suất chiến đấu cao, như: “vây, lấn, tấn, diệt”; phát động nhiều phong trào, như: “săn tây, bắn tỉa”, “hát cho bộ đội nghe”, đào giao thông hào, từng bước khép chặt vòng vây, trói quân Pháp để tiêu diệt.
Hai là, động viên toàn quân, toàn dân đánh địch rộng khắp trên các chiến trường. Thực hiện chủ trương hạn chế thấp nhất lực lượng ứng cứu Điện Biên Phủ khi bị ta tiến công. Đảng ta huy động cả dân tộc xung trận, đánh địch trên khắp các chiến trường nhằm tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, buộc chúng phải điều quân cơ động ở Đồng bằng Bắc Bộ chi viện cho các chiến trường. Theo đó, ta mở nhiều chiến dịch tiến công quy mô nhỏ gối đầu và kế tiếp trên nhiều hướng từ Bắc Bộ đến Trung Bộ và Nam Đông Dương (Lai châu, Trung - Hạ Lào, Đông Bắc Căm-pu-chia, Bắc Tây Nguyên, Thượng Lào) đã tiêu diệt hàng vạn tên địch, giải phóng nhiều địa bàn chiến lược quan trọng. Hàng nghìn lính ngụy, tề, điệp đem hàng nghìn súng các loại,… về với nhân dân. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương vùng sau lưng địch (đồng bằng Bắc Bộ, Bình Trị Thiên, Nam Trung Bộ, Nam Bộ) đẩy mạnh chiến tranh du kích đánh vào các đồn, bốt, kho tàng, tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, mở rộng thêm nhiều căn cứ du kích, căng địch ra khắp nơi, phân tán khối chủ lực cơ động của chúng, khoảng 70/80 tiểu đoàn cơ động rải ra khắp các chiến trường trên toàn Đông Dương. Tướng Na-va cũng phải thú nhận rằng, “hơn 80% lực lượng cơ động của quân Pháp đã bị phân chia ra các chiến trường Đông Dương và khi quân ta nổ súng tiến công Điện Biên Phủ thì lực lượng cơ động không thể tập trung lớn để đối phó được nữa”.
Ba là, huy động lực lượng toàn dân đóng góp sức người, sức của cho Chiến dịch. Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta gấp rút chuẩn bị mọi mặt cho Chiến dịch. Trước hết, tập trung lực lượng cao nhất để làm đường vận chuyển vật chất hậu cần, kỹ thuật cho Điện Biên Phủ. Bộ đội công binh, bộ binh, cùng đông đảo thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến ra sức sửa, mở một số tuyến đường mới. Mặc dù, địch sử dụng không quân, pháo binh bắn phá dữ dội, nhưng sau nhiều ngày đêm các lực lượng dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, vượt mọi khó khăn, gian khổ xẻ núi, bắc cầu mở rộng đường Tuần Giáo - Điện Biên Phủ, khai thông dòng Nậm Na chuyển vật chất hậu cần, kỹ thuật vào Điện Biên Phủ. Củng cố và làm đường đã khó, nhưng giữ và bảo vệ còn khó khăn hơn, vì địch sử dụng không quân đánh phá ác liệt các tuyến đường và khu vực xung quanh Điện Biên cùng với mưa to và nước lũ. Để giữ vững giao thông thông suốt, ta tổ chức các lực lượng đánh địch bảo vệ và đông đảo lực lượng công binh, thanh niên xung phong và dân công trực sẵn sàng khắc phục, sửa chữa. Cùng với đó, huy động nhiều loại phương tiện vận chuyển từ thô sơ đến cơ giới, gồm: 11.800 chiếc thuyền, hơn 20.000 xe đạp thồ, 628 xe ô tô, v.v. Trên 26 vạn dân công vùng tự do và vùng tạm bị chiếm đã phục vụ tiền tuyến trên 3 triệu ngày công. Riêng tuyến hậu cần chiến dịch có 33.500 người phục vụ. Nhân dân góp 27.400 tấn gạo. Đồng bào vùng mới giải phóng Tây Bắc đóng góp vượt mức với 7.300 tấn lương thực. Với tinh thần “Tất cả cho mặt trận”, từng đoàn xe ô tô, xe đạp thồ, thuyền lớn nhỏ, ngựa thồ và hàng vạn dân công không quản ngại khó khăn, gian khổ, dũng cảm vượt suối, băng rừng dưới làn mưa bom, bão đạn của kẻ thù vận chuyển lương thực, thực phẩm và đạn dược ra mặt trận, phục vụ đẩy đủ, kịp thời cho Chiến dịch. Nhân dân ta đã lập nên kỳ tích ngoài sự tính toán của địch.
Bốn là, xây dựng yếu tố chính trị - tinh thần cho toàn dân và toàn quân, tạo sức mạnh tổng hợp tiêu diệt địch, giành thắng lợi. Chiến thắng của ta và sự thất bại của quân Viễn chinh Pháp ở Điện Biên Phủ là tất yếu, hợp quy luật: mạnh được, yếu thua. Đương nhiên nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó yếu tố chính trị - tinh thần là quan trọng nhất. Công tác động viên chính trị - tinh thần được các cấp đặc biệt quan tâm. Các đơn vị thường xuyên giáo dục ý nghĩa to lớn của Chiến dịch và quyết tâm của Đảng ta. Lấy kết quả của cuộc cách mạng cải cách ruộng đất, thắng lợi của ta, thất bại của địch, những tấm gương anh dũng chiến đấu, hy sinh,… để cổ vũ, động viên toàn dân, toàn quân làm cho tinh thần chiến đấu, phục vụ chiến đấu chuyển biến mạnh mẽ.
Cùng với đó là cuộc chỉnh quân và chỉnh huấn ngay trong Chiến dịch được tiến hành rộng rãi ở trong các đơn vị và chi bộ. Đó là cuộc vận động lớn để cách mạng hóa Quân đội thêm một bước mới, hướng cho cán bộ và chiến sĩ nhận thức rõ bản chất của Quân đội nhân dân; phân biệt rõ bạn, thù; xác định rõ mục tiêu chiến đấu là giành độc lập dân tộc, ruộng đất cho dân cày, tiến tới chủ nghĩa xã hội. Quân đội nhân dân phải chịu sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp và toàn diện của Đảng tiên phong của giai cấp công nhân, v.v. Cán bộ, chiến sĩ được trang bị thêm một số kiến thức khoa học về quy luật của cuộc đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc, họ đã hiểu rõ hơn vì ai mà chiến đấu, chiến đấu để làm gì, phần thắng cuối cùng nhất định về ai, v.v. Những câu hỏi đó, đến nay đã được trả lời! Cuộc đấu tranh đó là vì dân, vì nước và vì chính bản thân họ. Vì thế, càng thúc đẩy tinh thần anh dũng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đó chính là điều thực dân Pháp, nhất là các tướng lĩnh của quân Viễn chinh Pháp không lường tới. Một thành công lớn nhất của Đảng ta là đã nắm chắc và phát huy cao độ yếu tố chính trị - tinh thần trong suốt Chiến dịch và ở ngoài tiền tuyến cũng như ở hậu phương.
Với ý nghĩa to lớn và tầm vóc vĩ đại của chiến thắng Điện Biên Phủ được bạn bè khắp năm châu ca ngợi. Còn đối phương, trong đó có cả Na-va dù còn có những quan điểm chưa thống nhất, nhưng cũng phải thừa nhận thất bại thảm hại. Trong cuốn: “Trận Điện Biên Phủ dưới con mắt người Pháp”, Jules Roy viết: “Trên toàn thế giới, Waterloo trước đây không gây tiếng vang bằng, Điện Biên Phủ thất thủ gây nỗi kinh hoàng khủng khiếp. Đó là một trong những thảm bại lớn nhất của phương Tây, báo trước sự sụp đổ của các đế quốc thuộc địa và sự cáo chung của một nền cộng hòa. Tiếng sấm Điện Biên Phủ hãy còn vang vọng...”1.
Đại tá HOÀNG MẠNH DU, Học Viện Quốc phòng ______________________
1 - Điện Biên Phủ - Mốc vàng thời đại, Nxb QĐND, tr. 455.
Điện Biên Phủ,chiến thắng
Nét đặc sắc của nghệ thuật vận dụng cách đánh trong Chiến dịch tiến công Tây Sơn Tịnh năm 1966 21/11/2024
Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào 29/10/2024
Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972 - nét đặc sắc về nghệ thuật sử dụng lực lượng 24/10/2024
Nghệ thuật đánh điểm, diệt viện trong Chiến dịch Bu Prăng - Đức Lập năm 1969 27/09/2024
Nghệ thuật chỉ đạo của Đảng về tạo và nắm thời cơ, giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 19/08/2024
Nghệ thuật đánh trận then chốt quyết định trong Chiến dịch Nông Sơn - Thượng Đức năm 1974 15/07/2024
Nhà Lý kết hợp tiến công quân sự với biện pháp ngoại giao để kết thúc chiến tranh, kiến tạo hòa bình 24/06/2024
Chiến dịch Long Khánh năm 1969 - nét đặc sắc của nghệ thuật tập kích 04/06/2024
Nghệ thuật đánh điểm, diệt viện trong Chiến dịch Trung - Hạ Lào năm 1954 22/04/2024
Nét nổi bật về nghệ thuật đánh trận mở đầu trong Chiến dịch Bắc Tây Nguyên năm 1954 15/02/2024
Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972 - nét đặc sắc về nghệ thuật sử dụng lực lượng
Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào
Nét đặc sắc của nghệ thuật vận dụng cách đánh trong Chiến dịch tiến công Tây Sơn Tịnh năm 1966