Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam

QPTD -Thứ Năm, 26/11/2020, 06:52 (GMT+7)
Nghệ thuật lựa chọn cách đánh trong chiến dịch Plây Me

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Chiến dịch tiến công  Plây Me là chiến dịch đầu tiên ta đối đầu trực tiếp với quân viễn chinh Mỹ trên chiến trường Tây Nguyên. Thắng lợi của Chiến dịch là sự vận dụng và phát triển sáng tạo nghệ thuật chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp, trong đó, nổi bật là nghệ thuật lựa chọn cách đánh.

Di tích Chiến thắng Plei Me. Ảnh: baogialai.com.vn

Năm 1965, để chuyển từ Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” sang “Chiến tranh cục bộ”, đế quốc Mỹ ồ ạt đưa vào chiến trường miền Nam Việt Nam nhiều sư đoàn, lữ đoàn được coi là tinh nhuệ bậc nhất, với số quân trực tiếp tham chiến hơn 18 nghìn, trong đó có Sư đoàn Kỵ binh bay số 1. Với binh lực, hỏa lực mạnh và trên 30 vạn quân ngụy, Mỹ hy vọng sẽ nhanh chóng “tìm diệt” quân chủ lực Giải phóng miền Nam, hỗ trợ cho quân ngụy nhanh chóng bình định miền Nam Việt Nam. Thực hiện ý định đó, chúng đưa Sư đoàn này lên án ngữ tại An Khê, nhằm ngăn chặn quân chủ lực ta và chia cắt Tây Nguyên với vùng đồng bằng ven biển, đồng thời đánh chiếm Tây Nguyên, Đường 19, khống chế vùng Duyên hải miền Trung, tiến tới mục tiêu lớn hơn là làm chủ cả khu vực Đông Dương.

Trước tình hình đó, Trung ương Đảng chủ trương quyết tâm đánh bại Chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, giành và giữ quyền chủ động, đẩy quân địch vào thế bị động. Theo đó, ta quyết định mở Chiến dịch Plây Me, nhằm tiêu diệt một bộ phận quân viễn chinh Mỹ, tiếp tục làm tan rã quân ngụy, đánh bại kế hoạch tiến công mùa khô năm 1965 của chúng, v.v. Lực lượng của ta tham gia Chiến dịch chủ yếu là các đơn vị bộ binh và lực lượng vũ trang địa phương với vũ khí mang vác1, chưa quen chiến trường, nhưng trên cơ sở quán triệt sâu sắc đường lối chiến tranh nhân dân, tư tưởng cách mạng tiến công của Đảng, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, thực hiện phương châm “gặp Mỹ là đánh, tìm Mỹ mà diệt”. Vì thế, ta bước vào Chiến dịch Plây Me với tinh thần, khí thế quyết tâm chiến thắng. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, mà trực tiếp là Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Chiến dịch, sau 38 ngày, đêm (từ ngày 19/10 đến 26/11/1965) chiến đấu liên tục, dũng cảm, kiên cường, ta đã giành thắng lợi quan trọng2, có ý nghĩa quyết định trong thời kỳ đầu đánh Mỹ trên chiến trường rừng núi, điều đó được thể hiện rõ nét ở các nội dung sau:

Một là, lựa chọn cách đánh phù hợp. Sau mùa hè năm 1965, quân ngụy trên chiến trường Tây Nguyên suy yếu nghiêm trọng, không đủ khả năng tổ chức những trận phản kích có ý nghĩa chiến dịch. Để hỗ trợ cho quân ngụy giành lại quyền chủ động trên chiến trường và thực hiện ý định làm chủ Tây Nguyên, Mỹ đã tiến hành chuẩn bị mọi mặt, như: xây dựng 01 sân bay quân sự mới tại Gia Lai, vận chuyển một nghìn tấn vật chất lên Pleiku và đưa Sư đoàn Kỵ binh bay số 1 lên An Khê. Tình hình đó, đặt ra cho ta nhiều vấn đề khi mở Chiến dịch, như: lựa chọn mục tiêu tiến công, xác định khu vực tác chiến, nhưng quan trọng nhất là đánh giá đúng đối tượng tác chiến, làm cơ sở để xác định cách đánh phù hợp. Đối với quân ngụy, qua tác chiến ta đã hiểu rất rõ về chúng, còn đối với quân viễn chinh Mỹ, ta thiếu thông tin, từ tổ chức biên chế tới nghệ thuật tác chiến. Mặc dù, ta tác chiến trong điều kiện chưa có lý luận và kinh nghiệm thực tiễn về đánh quân viễn chính Mỹ, nhưng Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã chủ động nghiên cứu, dự kiến nhiều biện pháp, phương án đánh địch; kết hợp phân tích, đánh giá với tổ chức trinh sát nắm địch chặt chẽ, kịp thời. Qua đó, ta xác định được đối tượng tác chiến của Chiến dịch là Sư đoàn Kỵ binh bay số 1 - đây là đối tượng tác chiến mới, được trang bị vũ khí, phương tiện hiện đại với thủ đoạn chiến đấu là “nhảy cóc” và “trực thăng vận”.

Trên cơ sở đánh giá đúng đối tượng tác chiến, ta xác định vận dụng cách đánh “vây điểm, diệt viện”; tức là, vây ép, tiến công một cứ điểm, buộc quân ngụy và quân viễn chinh Mỹ phải cơ động ứng cứu, giải tỏa bằng đường bộ và đổ bộ đường không, tạo điều kiện cho ta tổ chức tiến công tiêu diệt lớn lực lượng địch bộc lộ ngoài công sự. Trong Chiến dịch Plây Me, Bộ Tư lệnh đã chỉ đạo các đơn vị tiến hành vây lấn đồn Plây Me, tiêu diệt đồn Chư Ho, thực hiện đánh trận then chốt tiêu diệt Chiến đoàn Thiết giáp 3 ngụy đi tiếp viện trên Đường 21, buộc quân viễn chinh Mỹ phải tham chiến. Khi chúng sử dụng Sư đoàn Kỵ binh bay số 1 đổ quân, tổ chức lùng sục, tập kích vào hậu phương của ta, đó là thời cơ thuận lợi để ta thực hiện trận then chốt thứ hai tiêu diệt Sư đoàn này. Như vậy, với việc nghiên cứu, dự báo tương đối chính xác đối tượng tác chiến là quân viễn chinh Mỹ và xác định cách đánh “vây điểm, diệt viện”, lấy đánh địch ngoài công sự là chủ yếu đã mang lại thắng lợi quyết định của Chiến dịch Plây Me.

Hai là, vận dụng linh hoạt nhiều hình thức chiến thuật và thủ đoạn chiến đấu. Chiến dịch Plây Me là cuộc đọ sức cả về trí và lực giữa ta với đội quân viễn chinh Mỹ mạnh gấp nhiều lần, từ quân số, vũ khí, trang bị đến khả năng cơ động. Tuy nhiên, với việc sử dụng sáng tạo cách đánh chiến dịch, nhất là vận dụng linh hoạt nhiều hình thức chiến thuật và thủ đoạn chiến đấu, như: vây lấn, phục kích, tập kích, vận động tiến công,… trong từng trận đánh của Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã góp phần nâng cao hiệu suất chiến đấu.

Quán triệt tư tưởng chỉ đạo: “vây điểm, diệt viện, lấy tiêu diệt địch ngoài công sự làm chính”, ngay từ khi chuẩn bị Chiến dịch, Bộ Tư lệnh đã sử dụng hình thức chiến thuật vây lấn nhằm kéo địch ra ngoài công sự theo ý định của ta để tác chiến. Khi ta sử dụng Trung đoàn 33 (thiếu một tiểu đoàn) và đại đội súng máy phòng không 12,7 mm vây lấn đồn Plây Me (từ ngày 19 đến 26/10/1965), từng bước tiêu diệt đồn Chư Ho khiến quân ngụy gặp nhiều khó khăn. Sau nhiều lần phá vây không thành, lực lượng, phương tiện bị tổn thất, buộc chúng phải sử dụng Chiến đoàn Thiết giáp 3 đi ứng cứu, giải tỏa. Việc kéo được lực lượng lớn quân ngụy ra khỏi công sự đi tiếp viện, tạo điều kiện thuận lợi cho Trung đoàn 320 phục kích, tiêu diệt Chiến đoàn này trên Đường 21, đoạn từ Phú Mỹ về Plây Me.

Khi Chiến đoàn Thiết giáp 3 bị tiêu diệt, Mỹ vội vàng cho quân tham chiến, cứu nguy cho quân ngụy, đây là cơ hội để ta tiếp tục tổ chức tiến công tiêu diệt quân viễn chinh. Trong Chiến dịch Plây Me, khi giao chiến với quân viễn chinh Mỹ, ta đã tiến hành 03 trận tập kích, gồm: 02 trận do Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 66 thực hiện ở bãi “Tia X” và 01 trận do Trung đoàn 33 tập kích vào trận địa pháo Phan-cơn ở Tây suối Ea Mơ. Cả 03 trận tập kích ta đều tiêu diệt được quân địch, nhưng chỉ có trận tập kích thứ nhất của Tiểu đoàn 7 là ta làm chủ được trận địa. Các trận tập kích này tuy chưa thành công trọn vẹn, nhưng ta đã rút ra được một số kinh nghiệm ban đầu về khả năng tiêu diệt từng đại đội, tiểu đoàn Mỹ bên ngoài công sự. Ngoài ra, trong Chiến dịch ta còn thực hành hai trận vận động tiến công, gồm: trận của Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 66 tiến công Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 3 Mỹ sau khi Tiểu đoàn này đổ bộ đường không tiến công vào Sở Chỉ huy Tiểu đoàn 9 và trận Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 66 phối hợp với Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 33 tiêu diệt Tiểu đoàn 7, Lữ đoàn 3 Mỹ đang rút về hướng Ea Mơ. Hai trận vận động tiến công này ta chưa chuẩn bị trước địa hình, chưa nắm chắc địch và chưa dự kiến kế hoạch nên không nắm được quyền chủ động ngay từ đầu, tuy nhiên ta vẫn giành được những kết quả đáng khích lệ, tiêu diệt lớn quân Mỹ. Đặc biệt, trận vận động tiến công của Tiểu đoàn 9 đã tạo tiền đề cho sự hình thành chiến thuật “vận động tiến công kết hợp chốt” của ta sau này.

Ba là, thực hiện thắng lợi trận then chốt và then chốt quyết định chiến dịch. Để thực hiện thắng lợi mục đích và nhiệm vụ Chiến dịch đề ra, trong quá trình chuẩn bị, Bộ Tư lệnh đã xác định hai trận then chốt Chiến dịch. Thực hiện thắng lợi trận then chốt Chiến dịch thứ nhất sẽ tiêu diệt lớn quân chủ lực ngụy, qua đó tạo phản ứng dây truyền kéo được quân Mỹ tham chiến. Đó cũng là cơ sở để ta thực hiện trận then chốt thứ hai - trận then chốt quyết định của Chiến dịch, góp phần đánh bại Chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của chúng. Theo đó, Bộ Tư lệnh Chiến dịch sử dụng Trung đoàn 33 làm nhiệm vụ vây đồn, kéo quân ngụy ra khỏi công sự, Trung đoàn 320 phục kích quân ngụy thực hiện trận then chốt thứ nhất và Trung đoàn 66 có nhiệm vụ tiêu diệt quân viễn chinh Mỹ thực hiện trận then chốt thứ hai - trận then chốt quyết định của Chiến dịch.

Ngày 23/10/1965, để tiếp viện cho lực lượng đang bị vây lấn tại đồn Plây Me, Biệt đội 24 ngụy quyết định sử dụng Chiến đoànThiết giáp 3 đi ứng cứu, đây là Chiến đoàn mạnh, được trang bị nhiều vũ khí và phương tiện hiện đại, có kinh nghiệm chiến đấu, khi cơ động luôn cảnh giác cao độ. Nắm chắc ý định của địch, ta bố trí Trung đoàn 320 tại khu vực đồi Độc lập, phục kích Chiến đoàn này trên Đường 21. Khi quân địch lọt vào trận địa phục kích, ta tiến hành chặn đầu, khóa đuôi, thực hành tiến công vào bên sườn đội hình quân ngụy. Sau hơn 01 ngày chiến đấu quyết liệt ta tiêu diệt 800 tên địch, phá hủy 02 pháo 105 mm và 06 xe đạn, 59 xe tăng, thiết giáp và các loại xe của Chiến đoàn Thiết giáp 3 quân ngụy. Khi biết tin Chiến đoàn Thiết giáp 3 quân ngụy bị tiêu diệt, tướng William Childs Westmoreland đã lệnh cho Sư đoàn Kỵ binh số 1 “phải đi tìm địch và cướp lấy quyền chủ động về tay mình”. Như vậy, thắng lợi của Trung đoàn 320 - trận then chốt thứ nhất hoàn thành xuất sắc, thúc đẩy Chiến dịch phát triển mạnh mẽ, kéo được quân viễn chinh Mỹ trực tiếp tham chiến, qua đó, ta nhanh chóng thực hiện mục đích Chiến dịch. Nếu trận này không thắng lợi, thì quân viễn chinh Mỹ có thể không xuất đầu lộ diện làm “vật tế thần” để ta đánh các đòn chí tử. Đúng như kế hoạch và và ý định tác chiến Chiến dịch, từ ngày 14 đến 17/11/1965, Trung đoàn 66 tổ chức các trận đánh trực tiếp với 02 tiểu đoàn kỵ binh Mỹ ở thung lũng Ia Đ’Răng, trong đó có trận then chốt thứ 2 và cũng là trận then chốt quyết định kết thúc Chiến dịch. Thắng lợi của Trung đoàn 66, góp phần không nhỏ vào việc nhanh chóng kết thúc thắng lợi Chiến dịch.

Thắng lợi của Chiến dịch Plây Me là thắng lợi của tinh thần chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, đồng thời thể hiện rõ tư tưởng quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh “lấy kém hiện đại, đánh thắng hiện đại”. Trong đó, bài học về vận dụng cách đánh còn nguyên giá trị, cần được nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Thượng tá, TS. LÊ QUỐC HUY, Trường Sĩ quan Lục quân 1
___________________      

1 - Gồm: Trung đoàn 320, 33, 66; 01 tiểu đoàn tập trung, 01 tiểu đoàn cối, 01 đại đội đặc công tỉnh Gia Lai.

2 - Loại khỏi vòng chiến đấu 1.700 quân Mỹ, 1.274 quân ngụy; tiêu diệt và đánh thiệt hại 02 Tiểu đoàn Kỵ binh; bắn rơi 59 máy bay; phá hủy 89 xe quân sự, 05 khẩu pháo 105 mm, v.v.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

"Sự kiện Vịnh Bắc Bộ" năm 1964 và bài học Chiến thắng trận đầu của quân, dân miền Bắc
Ngày 05-8-1964, với việc dựng lên “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, đế quốc Mỹ đã phát động cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân, hòng đè bẹp ý chí chiến đấu của nhân dân Việt Nam. Song, chúng đã bị quân và dân miền Bắc giáng trả những đòn thích đáng, với những nét nghệ thuật đặc sắc.