Thứ Sáu, 22/11/2024, 20:46 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam
Cách đây 65 năm, với quyết tâm đánh bại cuộc hành quân chiến lược “Lam Sơn 719” của địch, bảo vệ vững chắc tuyến vận tải và cơ sở hậu cần chiến lược ở khu vực Sê-pôn, quân ta đã mở chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào và giành thắng lợi to lớn. Đây là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, với nhiều nét nghệ thuật đặc sắc làm chấn động toàn bộ quân ngụy trên các chiến trường.
Để thúc đẩy Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, hòng làm suy yếu sức chiến đấu của đối phương, rèn luyện khả năng tác chiến của quân đội Sài Gòn, tạo điều kiện cho quân Mỹ rút dần về nước, đầu năm 1971, Mỹ - ngụy tổ chức nhiều cuộc hành quân lớn; trong đó, cuộc hành quân “Lam Sơn 719” đánh sang khu vực Đường 9 - Nam Lào có quy mô lớn nhất. Mục đích cuộc hành quân nhằm cắt đứt, tiến tới phá hủy hoàn toàn tuyến vận tải và cơ sở hậu cần chiến lược của ta, triệt bỏ nguồn tiếp tế từ miền Bắc, khiến ta không thể đánh lớn được trong mùa khô 1971 - 1972; từ đó, phải quay về hoạt động nhỏ lẻ, phân tán trong khuôn khổ một cuộc chiến tranh du kích. Nắm chắc âm mưu, thủ đoạn của địch, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã chủ trương mở chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào nhằm đánh tan cuộc hành quân “Lam Sơn 719”, bảo vệ an toàn tuyến vận tải chiến lược. Thực hiện quyết tâm đó, Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã khẩn trương làm mọi công tác chuẩn bị (nghiên cứu chiến trường, tổ chức lực lượng, tạo lập thế trận) và vận dụng phương thức tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn một cách linh hoạt, sáng tạo, tạo sức mạnh tổng hợp, đánh bại hoàn toàn cuộc hành quân chiến lược của địch1 mà chúng đã tập trung với nỗ lực cao nhất và đặt rất nhiều hy vọng. Thắng lợi to lớn đó do nhiều yếu tố hợp thành; trong đó, nghệ thuật lập thế ta, phá thế địch, giành quyền chủ động để đánh bại quân địch là nét nghệ thuật rất đặc sắc và được thể hiện một cách cụ thể qua những nội dung cơ bản sau:
1. Kết hợp chặt chẽ thế trận của chiến dịch tạo ra với thế trận của chiến lược, tạo sức mạnh tổng hợp đánh thắng cuộc hành quân chiến lược của địch. Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào diễn ra trên địa bàn rừng núi rộng lớn (dài 140 km, rộng 60 km), thưa dân, nên việc triển khai đánh địch trên các hướng gặp nhiều khó khăn; trong khi đó, địch tổ chức tiến công bất ngờ, sử dụng nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại. Do vậy, để đánh bại cuộc hành quân quy mô lớn của địch, đòi hỏi Chiến dịch phải tạo lập được thế trận liên hoàn, vững chắc, có trọng điểm, có chiều sâu. Ngay sau khi có dấu hiệu rõ nét về cuộc hành quân của địch, Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã chỉ đạo lực lượng tại chỗ (Đoàn 559, Mặt trận B5) khẩn trương nghiên cứu địa bàn để chủ động thiết lập thế trận đánh địch cả mặt đất và trên không ở các hướng, nhất là các vị trí chốt chặn, đón lõng, trận địa phòng không, mạng lưới thông tin liên lạc và hệ thống bảo đảm hậu cần, kỹ thuật các cấp,… sẵn sàng đánh địch, bảo đảm an toàn cho tuyến vận tải chiến lược. Trước đó, để hỗ trợ trực tiếp cho Chiến dịch, Bộ Tổng Tham mưu đã có kế hoạch tác chiến, điều động lực lượng (thành lập Binh đoàn 70 - binh đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội ta), chỉ đạo việc chuẩn bị và thiết bị chiến trường ở khu vực Đường 9 - Nam Lào. Triệt để tận dụng thế trận của cấp trên, Chiến dịch bố trí lực lượng bộ đội chủ lực ở Nam Khu 4 để sẵn sàng cơ động đánh địch trên các hướng. Đồng thời, chủ động nghiên cứu tình hình địch và địa hình, từng bước hình thành hệ thống đường cơ động (cho xe cơ giới), các vị trí tập kết, triển khai lực lượng bộ binh, pháo cơ giới, xe tăng,… nhằm tạo lập thế trận đánh tiêu diệt lớn quân địch ở một số địa bàn trọng điểm. Mặt khác, chỉ đạo các đơn vị ở hướng Tây Đường 9, Đoàn 968 Quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với Quân giải phóng nhân dân Lào, mở đợt tiến công phía Đông Bô-lô-ven, cùng với Trung đoàn 48 (Sư đoàn 320) đập tan nơi địch dự kiến hội tụ của hai hướng Đông và Tây của cuộc hành quân, buộc địch phải phân tán đối phó. Đây là sự kết hợp chặt chẽ, khoa học, phù hợp giữa thế trận liên hoàn vững chắc của Chiến dịch với thế trận có chiều sâu của chiến lược. Nhờ đó, khi địch bất ngờ mở cuộc hành quân quy mô lớn với nhiều vũ khí, phương tiện hiện đại, nhất là về đường không vào toàn bộ địa bàn Chiến dịch, đều bị ta đón đánh kịp thời, quyết liệt. Chỉ tính riêng 2 ngày đầu Chiến dịch, ta đã bắn rơi hàng chục máy bay lên thẳng, khiến địch bất ngờ, choáng váng. Địch càng bất ngờ hơn khi chủ lực ta cùng với xe tăng bất ngờ xuất hiện, đột kích vào Điểm cao 543, tiêu diệt toàn bộ Tiểu đoàn 3, Tiểu đoàn Pháo binh và Sở Chỉ huy Lữ đoàn 3 địch, bắt sống toàn bộ chỉ huy Lữ đoàn. Như vậy, kết hợp chặt chẽ giữa thế của chiến lược với thế của Chiến dịch đã tạo ra sức mạnh to lớn, đánh bại hoàn toàn địch.
2. Coi trọng tạo lập thế trận chốt chặn, gắn với triển khai thế trận tiến công rộng khắp, đẩy địch vào thế bị động, lúng túng đối phó. Đặc điểm của chiến dịch phản công là dùng hành động tiến công để đánh địch đang trong trạng thái tiến công, nên quyền chủ động ban đầu thuộc về địch. Hơn nữa, điều kiện của chiến dịch Đường 9 - Nam Lào không diễn ra tiếp sau chiến dịch phòng ngự, nên việc tạo thế trận hơn hẳn địch, nhất là khi lực lượng quân địch lớn, đang cơ động tiến công là vấn đề rất phức tạp. Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh Chiến dịch chủ trương tạo lập thế trận chốt chặn vững chắc trên các hướng, buộc địch phải triển khai ở thế bất lợi, tạo điều kiện cho các hoạt động phản công, tiến công tiêu diệt địch. Theo đó, bằng thế trận chốt chặn vững chắc ở Tây Bản Đông (trên Đường 9) và hai cánh Bắc và Nam trục lộ này, quân ta đã chặn đứng cuộc hành quân của địch, buộc chúng phải co cụm ở Bản Đông và tạm dừng dã chiến tại các điểm cao hai bên Đường 9. Đây là biện pháp rất quan trọng để giành quyền chủ động trong chiến dịch phản công. Ở đây, nét nổi bật trong tạo lập thế trận là ta đã kết hợp chặt chẽ giữa thế chốt chặn (trong đó có hướng chủ yếu) với triển khai thế trận đánh địch rộng khắp, hãm toàn bộ quân địch tại lòng chảo Bản Đông, tạo ra thế và thời cơ thuận lợi để đánh thắng các trận then chốt của Chiến dịch. Thực tiễn, với thế trận đó, mặc dù địch co cụm ở Bản Đông và trên các hướng, nhưng đều bị cô lập, phải chi viện chủ yếu bằng máy bay trực thăng. Đây là điều kiện thuận lợi để lực lượng tại chỗ rộng khắp của Chiến dịch bắn rơi hàng trăm máy bay địch. Đồng thời, tạo thời cơ để các đơn vị chủ lực triển khai lực lượng, phương tiện, tiêu diệt lớn quân địch ở Điểm cao 500 và 543, hoàn thành trận then chốt thứ nhất của Chiến dịch. Thậm chí, khi địch chủ động tổ chức lực lượng phản công từ Bản Đông, hòng chiếm lại Điểm cao 543, khôi phục cánh quân bảo vệ sườn Bắc, nhưng đều rơi vào thế trận ta đã bày sẵn và nhanh chóng bị tiêu diệt. Ở hướng phía Nam, Đoàn 559 tổ chức chặn địch quyết liệt, tạo điều kiện cho Sư đoàn 324 cơ động vào đánh thiệt hại nặng một số đơn vị thuộc Sư đoàn 1 địch, bắn rơi nhiều máy bay, buộc chúng phải dừng lại ở thế bất lợi. Như vậy, bằng thế trận chốt chặn vững chắc, kết hợp với thế trận đánh địch rộng khắp, Chiến dịch đã buộc địch đang từ thế chủ động tiến công, rơi vào thế bị động đối phó ở cả ba cánh quân, tạo điều kiện thuận lợi để Chiến dịch tiêu diệt từng bộ phận quân địch.
3. Tập trung đập tan thế gọng kìm của địch, đánh bại từng bước, tiến tới đánh bại hoàn toàn quân địch. Trong cuộc hành quân “Lam Sơn 719”, địch tổ chức tiến công thành ba cánh quân. Cánh quân chủ yếu tiến theo Đường 9, qua Lao Bảo bằng xe cơ giới và thiết giáp. Hai cánh quân khác đổ bộ bằng máy bay lên thẳng, chiếm một số điểm cao phía Bắc và phía Nam, lập căn cứ bảo vệ hai bên sườn cánh quân chủ yếu, tạo thế gọng kìm đánh chiếm Sê-pôn, cắt đứt tuyến vận tải chiến lược của ta. Để đánh lại cuộc hành quân của địch, ta không thể dàn đều lực lượng đối phó với cả ba cánh quân, mà phải cô lập từng hướng, đập tan thế gọng kìm của địch, thực hiện bẻ gãy từng cánh quân, khiến chúng không thể hỗ trợ cho nhau được, tiến tới tiêu diệt toàn bộ quân địch. Thực hiện ý định đó, ngay từ cuối tháng 01-1971, bộ đội Đặc công và lực lượng vũ trang Mặt trận B5 đánh vào phía trước, bên sườn và phía sau cánh quân phía Bắc của địch, như: Xuân Khánh, Vinh Quang Thượng, v.v. Tiếp đó, một số đơn vị Binh đoàn 70 tích cực tạo thế vây lấn, phá tan thế phòng ngự vòng ngoài của địch, khiến địch ở cụm điểm cao phía Bắc bị cô lập và bị tiêu diệt hoàn toàn. Sau khi bẻ gãy hoàn toàn cánh quân phía Bắc, dựa vào thế chốt chặn và các điểm tựa phòng ngự, Chiến dịch tăng cường lực lượng, đẩy mạnh các hoạt động tác chiến phá thế địch ở Nam Đường 9. Điển hình là trận then chốt thứ hai tiến công tiêu diệt địch ở Điểm cao 723, đánh thiệt hại nặng Sư đoàn 1 ngụy, bẻ gãy cánh quân phía Nam của địch. Bị ta chặn đánh phá thế tiến công ở cả phía trước, bên sườn và phía sau, đặc biệt là cả hai cánh quân phía Bắc và phía Nam đều bị tiêu diệt, địch phòng ngự ở khu vực Bản Đông hoang mang, dao động tột độ. Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh Chiến dịch vừa hạ quyết tâm tiêu diệt lực lượng chủ yếu của địch ở Bản Đông, vừa bố trí thế trận đón lõng dọc Đường 9, sẵn sàng đánh địch rút chạy. Đúng như dự đoán của ta, trước nguy cơ bị tiêu diệt, địch ở Bản Đông đã bỏ trận địa, luồn rừng tháo chạy; ta tổ chức truy kích, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, kết thúc thắng lợi Chiến dịch. Như vậy, có thể thấy, trên cơ sở nắm chắc tình hình địch, ta và địa hình tác chiến, ta đã tạo lập thế trận chiến dịch có lợi, từng bước phá tan thế ba gọng kìm của địch, buộc địch phải đánh theo cách đánh của ta. Thậm chí, khi các cánh quân bảo vệ bên sườn lần lượt bị tiêu diệt, cánh quân chủ yếu của địch, tuy còn tương đối mạnh nhưng đã tự tan rã. Điều đáng nói là, khi bỏ trận địa tháo chạy, địch không dám dùng cơ giới và đi đường lớn, mà phải luồn rừng thoát thân, bởi chúng lo sợ bị các trận địa chốt chặn, đón lõng dọc Đường 9 của ta tiêu diệt. Sau này, tướng Oét-mo-len đã phải thú nhận: khi quân Bắc Việt bắt đầu phản công, sức ép của họ hết sức nặng nề, quân đội Sài Gòn bắt đầu bằng việc làm khó khăn nhất trong tất cả các hoạt động quân sự - rút lui trước cuộc tiến công mãnh liệt của địch2.
Thắng lợi to lớn của Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào đã góp phần quan trọng đánh bại Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ, củng cố, nâng cao vị thế của ta trong quá trình đàm phán tại Hội nghị Pa-ri; đồng thời, đánh dấu bước phát triển mới về nghệ thuật chiến dịch Việt Nam nói chung và nghệ thuật lập thế ta, phá thế địch trong chiến dịch phản công nói riêng. Những nét đặc sắc đó cần tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng, phát triển trong điều kiện mới của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Đại tá, TS. DƯƠNG ĐÌNH LẬP, Thượng tá NGUYỄN VĂN SỬ
________________
1 - Ta đã tiêu diệt trên 20.000 tên (gồm: 06 trung đoàn và lữ đoàn, 13 tiểu đoàn bộ binh và pháo binh); đánh thiệt hại nặng 03 sư đoàn (gồm: Sư đoàn dù, Sư đoàn lính thủy đánh bộ, Sư đoàn bộ binh 1); bắn rơi và phá hủy trên 500 máy bay; lực lượng tăng - thiết giáp địch bị tổn thất lớn.
2 - Oét-mo-len - Một quân nhân tường trình, Nxb. Đáp-bơ-đây Căm-pơ-ny Inh Ga-đừn Xi-ty, Niu-oóc, 1976, tr. 97.
Nghệ thuật lập thế,Đường 9 Nam Lào,năm 1971
Nét đặc sắc của nghệ thuật vận dụng cách đánh trong Chiến dịch tiến công Tây Sơn Tịnh năm 1966 21/11/2024
Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào 29/10/2024
Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972 - nét đặc sắc về nghệ thuật sử dụng lực lượng 24/10/2024
Nghệ thuật đánh điểm, diệt viện trong Chiến dịch Bu Prăng - Đức Lập năm 1969 27/09/2024
Nghệ thuật chỉ đạo của Đảng về tạo và nắm thời cơ, giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 19/08/2024
Nghệ thuật đánh trận then chốt quyết định trong Chiến dịch Nông Sơn - Thượng Đức năm 1974 15/07/2024
Nhà Lý kết hợp tiến công quân sự với biện pháp ngoại giao để kết thúc chiến tranh, kiến tạo hòa bình 24/06/2024
Chiến dịch Long Khánh năm 1969 - nét đặc sắc của nghệ thuật tập kích 04/06/2024
Nghệ thuật đánh điểm, diệt viện trong Chiến dịch Trung - Hạ Lào năm 1954 22/04/2024
Nét nổi bật về nghệ thuật đánh trận mở đầu trong Chiến dịch Bắc Tây Nguyên năm 1954 15/02/2024
Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972 - nét đặc sắc về nghệ thuật sử dụng lực lượng
Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào
Nét đặc sắc của nghệ thuật vận dụng cách đánh trong Chiến dịch tiến công Tây Sơn Tịnh năm 1966