Thứ Bảy, 23/11/2024, 23:15 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, những trận thủy chiến chống giặc ngoại xâm của quân và dân ta phần nhiều giành được thắng lợi bằng nghệ thuật kết hợp tác chiến thủy, bộ đặc sắc. Trận thủy chiến Rạch Gầm - Xoài Mút (năm 1785) đánh tan 05 vạn quân xâm lược Xiêm của quân Tây Sơn là một trong những đỉnh cao của nghệ thuật ấy.
Nguyễn Huệ chỉ huy trận thủy chiến Rạch Gầm – Xoài Mút (tranh minh họa)
Cuối tháng 7-1784, núp dưới danh nghĩa “cứu giúp Nguyễn Ánh, đánh Tây Sơn khôi phục cơ đồ của dòng họ”, vua Xiêm điều động 02 vạn thủy quân, hơn 300 chiến thuyền cùng 03 vạn bộ binh tiến sang xâm lược nước ta. Cuộc kháng chiến của quân và dân ta tại địa bàn Gia Định - Mỹ Tho chống quân xâm lược Xiêm buổi đầu diễn ra trong tương quan lực lượng hết sức chênh lệch1. Trước cuộc tiến công ồ ạt của quân Xiêm, quân Tây Sơn (dưới quyền chỉ huy của Trương Văn Đa), vừa chặn đánh quyết liệt quân địch ở một số địa bàn, vừa rút lui từng bước để bảo toàn lực lượng; đồng thời, tiến hành những trận đánh nhỏ, lẻ nhằm kiềm chế, tiêu hao sinh lực địch để chờ quân tiếp viện. Đến cuối năm đó, với lợi thế ban đầu (quân đông, lực mạnh), quân Xiêm đã chiếm được gần một nửa đất Gia Định. Tuy nhiên, với thắng lợi tương đối dễ dàng, quân Xiêm sinh kiêu ngạo, không nghĩ đến việc tiến quân, mà chỉ màng tới việc đàn áp, cướp bóc người dân vô tội. Vì thế, mâu thuẫn giữa quân Xiêm, Nguyễn Ánh với nhân dân ta ngày càng sâu sắc. Nhân dân Gia Định chất chứa căm thù, ngày đêm mong đợi đại quân Tây Sơn tiến vào diệt giặc, giải phóng quê hương.
Nhận được tin báo và trên cơ sở phân tích, đánh giá chỗ mạnh, chỗ yếu của địch, Nguyễn Huệ thống lĩnh 02 vạn quân, dùng thuyền vượt biển vào đất Gia Định chống giặc. Với quyết tâm cao, lòng dũng cảm và mưu trí sáng tạo, tháng 01-1785, bằng trận Rạch Gầm - Xoài Mút, quân Tây Sơn đã đánh tan 05 vạn quân Xiêm, đập tan mưu đồ xâm lược của vua Xiêm, với nhiều nét nghệ thuật đặc sắc, mà đỉnh cao là nghệ thuật kết hợp tác chiến thủy, bộ trong trận quyết chiến chiến lược có một không hai trong lịch sử, được thể hiện ở một số nội dung sau:
1. Khéo chọn địa bàn tác chiến hiểm yếu để kết hợp tác chiến thủy, bộ tiêu diệt lớn quân địch. Khi hành quân xuống phía Nam, Nguyễn Huệ không vào thẳng thành Gia Định (nơi tướng Trương Văn Đa đóng giữ), mà cho đóng quân tại Mỹ Tho, nhằm che giấu lực lượng và tiến hành do thám tình hình để lập mưu kế đánh giặc. Lúc này quân Tây Sơn tuy được tăng cường lực lượng, nhưng so với địch (đang bố phòng tại Sa Đéc) vẫn ít hơn. Vì vậy, nếu đem quân đánh thẳng vào nơi địch phòng thủ, khả năng giành thắng lợi không cao, thậm chí thất bại. Vấn đề đặt ra lúc này là phải dùng mưu, kéo chúng ra khỏi căn cứ, nhử đến nơi có địa hình, địa vật có lợi nhất cho ta và bất ngờ nhất đối với quân địch để tiến công tiêu diệt chúng.
Tuy nhiên, do lực lượng thủy binh địch đông, lại gồm nhiều chiến thuyền lớn, nếu ta chỉ dùng tác chiến bằng thủy quân khó có thể ngăn được địch. Hơn nữa, đại bộ phận quân Tây Sơn vừa cơ động từ xa tới, chưa quen khí hậu, thông thuộc địa bàn nên muốn tiêu diệt chúng, phải lựa chọn địa bàn tác chiến bảo đảm vừa thuận lợi cho ta, khó khăn cho địch, vừa có thể kết hợp tác chiến thủy, bộ tạo sức mạnh tổng hợp. Sau khi cân nhắc kỹ, Nguyễn Huệ đã chọn khúc sông Mỹ Tho, đoạn từ cửa sông Rạch Gầm đến cửa sông Xoài Mút làm khu vực tác chiến chủ yếu để tiêu diệt địch. Đây là khúc sông dài chừng 07 km, rộng từ 01 đến 02 km, có thể dung chứa hàng trăm chiến thuyền lớn của địch để ta tiêu diệt. Mặt khác, Rạch Gầm và Xoài Mút là hai con sông nhỏ, nhưng giữ vị trí quan trọng trong thế trận của ta. Thủy binh Tây Sơn có thể bố trí ở hai rạch này tạo thành hai mũi tiến công lợi hại chặn đầu và khóa đuôi toàn bộ đội hình quân địch, khi chúng lọt vào trận địa chuẩn bị sẵn của ta. Khoảng giữa cửa sông Rạch Gầm và cửa sông Xoài Mút có các cù lao Thái Sơn, cù lao Hộ là nơi thuận lợi để bộ binh Tây Sơn bí mật triển khai binh, hỏa lực sẵn sàng đánh vào sườn đội hình quân địch và đón đánh những tên địch liều mình đổ bộ lên bờ. Những nhánh sông nằm giữa các cù lao và bờ Nam sẽ là những nơi mai phục và xuất phát của đội thuyền chiến Tây Sơn. Chọn khúc sông Mỹ Tho, từ Rạch Gầm đến Xoài Mút làm trận địa quyết chiến, chứng tỏ nghệ thuật lợi dụng địa hình hết sức tinh tường của Nguyễn Huệ. Thực tiễn trận đánh đã chứng minh, việc chọn địa hình tác chiến hiểm yếu như vậy là nhân tố tạo sức mạnh cho quân Tây Sơn, chỉ trong 01 ngày, với 02 vạn quân đã đánh tan 05 vạn quân Xiêm trong trận Rạch Gầm - Xoài Mút.
2. Tạo thế trận phục kích liên hoàn, vững chắc, phát huy sức mạnh các lực lượng thủy, bộ để tiêu diệt địch. Trong trận Rạch Gầm - Xoài Mút, do điều kiện ta phải lấy ít địch nhiều, quân Tây Sơn đã chủ động sử dụng chiến thuật phục kích trên sông. Vì thế, việc tạo lập thế trận tác chiến liên hoàn, vững chắc, có chiều sâu giữ vai trò rất quan trọng với sự thành bại của trận đánh. Nhận thức rõ điều đó, Nguyễn Huệ một mặt, sai người đi thám sát tình hình thực địa, nhất là nắm chắc quy luật con nước, đặc điểm các luồng, lạch, cửa sông và địa thế hai bên bờ để bố trí lực lượng. Đồng thời, ông cũng tổ chức huy động đại bộ phận binh lực cả bộ binh và thủy binh, bí mật vận động triển khai lực lượng tại khu vực đã được lựa chọn từ trước. Do đặc điểm đoạn sông từ Rạch Gầm đến Xoài Mút có ít các vật cản tự nhiên có thể tận dụng, nên việc chặn địch, nhất là ở khu vực chặn đầu và khóa đuôi, chủ yếu phải dựa vào sức mạnh từ thế trận và lực lượng của ta; do đó, việc tạo lập thế trận tại đây còn có ý nghĩa quyết định đến hiệu xuất của trận đánh. Tại hai khu vực này, ngoài việc lựa chọn bố trí lực lượng thủy quân tinh nhuệ, Nguyễn Huệ còn cho bố trí tập trung đại bác và lực lượng ở hai bên bờ để sẵn sàng giáp chiến, bảo đảm khóa chặt quân địch khi chúng đi vào địa bàn tác chiến. Hai bên sườn trận địa mai phục, quân Tây Sơn còn bố trí xen kẽ lực lượng thủy quân (ở các luồng, lạch, nhánh sông) kết hợp với bộ binh, sẵn sàng đánh vào bên sườn đội hình địch cả trên sông, trên bộ.
Điều đáng nói là, trước thế giặc mạnh, cùng với tạo lập thế trận tác chiến, Nguyễn Huệ còn chủ trương làm địch sinh kiêu, mà đã vậy thì: “Vạn cổ kiêu binh thường thất bại/Thói đời kinh địch khó thành công”. Theo đó, ông chỉ tổ chức những trận đánh nhỏ rồi rút lui; cử người sang doanh trại quân Xiêm xin giảng hòa; đồng thời, dàn sẵn một số chiến thuyền ra giữa sông, tỏ ý chờ kết quả giảng hòa, làm cho quân địch chủ quan thúc quân tiến lên và nhanh chóng sa vào trận địa mai phục. Đây là thế trận toàn diện, chắc, hiểm, có chiều sâu của quân Tây Sơn. Với thế trận này, quân ta không chỉ phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của cả thủy binh và bộ binh, mà còn đẩy địch vào thế cùng quẫn, rối loạn và nhanh chóng bị tiêu diệt.
3. Vận dụng linh hoạt, sáng tạo các biện pháp, thủ đoạn kết hợp tác chiến thủy, bộ đánh địch trên mọi hướng. Sau khi đã bố trí xong lực lượng, Nguyễn Huệ chủ động cho quân tới khiêu chiến, nhằm kéo quân Xiêm đến đoạn sông đã chuẩn bị trước để tiêu diệt. Nét nghệ thuật đặc sắc ở đây là, thời gian quân Tây Sơn khiêu chiến gần như trùng khớp với thời gian đề ra trong kế hoạch xuất phát tiến công của quân Xiêm. Chỉ chờ có thế, hai tướng giặc là Chiêu Tăng và Chiêu Sương lập tức huy động toàn bộ các chiến thuyền lớn, nhỏ và một bộ phận bộ binh (nhân cuộc truy kích quân Tây Sơn) mà tiến công vào thẳng sở chỉ huy đối phương, hòng chiếm lấy toàn tỉnh Mỹ Tho.
Khi đoàn thuyền chiến của địch đã lọt hẳn vào trận địa mai phục, Nguyễn Huệ ra lệnh tiến công. Hai đội thủy binh Tây Sơn từ Rạch Gầm, Xoài Mút bất ngờ xông ra, chặn đầu, khóa đuôi và dồn quân địch vào khu vực đã bố trí sẵn. Lúc đầu, cậy thế quân đông, thuyền lớn, thủy binh Xiêm còn hăng hái lao vào giáp chiến, gây cho ta một số thiệt hại. Nhưng khi Nguyễn Huệ sử dụng đại bác từ trên bờ bắn mãnh liệt vào thuyền giặc (đang bị dồn ứ lại), thì chúng mới hay là đã rơi vào trận địa phục kích của quân Tây Sơn. Bị chặn đầu, khóa đuôi và bị hỏa lực quân Tây Sơn áp đảo từ nhiều phía, quân địch hết sức hốt hoảng, hoang mang. Ngay sau đó, những đội thuyền chiến của quân Tây Sơn từ các vị trí mai phục xông thẳng vào đội hình địch đang rối loạn ở giữa lòng sông, chia nhỏ đoàn thuyền của chúng ra từng mảng để tiêu diệt. Chiến thuyền của quân ta từ Mỹ Tho cũng kịp thời đến tiếp ứng. Quân Tây Sơn, thủy bộ phối hợp với nhau, khép chặt vòng vây, tiêu diệt quân địch hết mảng này đến mảng khác. Dưới sự chỉ huy và đốc chiến của Nguyễn Huệ, quân Tây Sơn xung trận chiến đấu với khí thế, quyết tâm hừng hực, mãnh liệt và một tinh thần dũng cảm, ngoan cường. Quân Xiêm rơi vào tình thế hiểm nghèo, bị bao vây, chia cắt, đội hình tan vỡ, quân lính khiếp sợ. Bị dồn vào chân tường, đôi nơi quân địch cố sức chống cự, phóng hỏa hòng đốt cháy thuyền chiến Tây Sơn, nhưng những hành động kháng cự đơn lẻ ấy nhanh chóng bị đập tan trước sức tiến công ào ạt như triều dâng, sóng dậy của quân ta. Hàng loạt thuyền chiến của địch lần lượt bị đánh đắm vì trúng đạn đại bác hoặc bị quân Tây Sơn xông lên tiêu diệt. Đại bộ phận quân địch bị giết chết tại trận. Một số tên cố lao thuyền vào bờ để tìm đường tháo chạy nhưng lại gặp phải những đơn vị bộ binh Tây Sơn đã bố trí sẵn để chờ chúng. Trong lúc tuyệt vọng, chúng đành phải bó giáp quy hàng. Hai tướng Chiêu Tăng và Chiêu Sương thoát chết, lần được về đất Xiêm. Nguyễn Ánh và bộ tướng của hắn bỏ mặc quân lính thoát ra biển, lênh đênh trở lại đất Xiêm xin cho được nương tựa.
Như vậy, với quyết tâm cao và vận dụng nghệ thuật quân sự đặc sắc, bằng cả “mưu, kế, thế, thời”, quân Tây Sơn đã đánh tan 05 vạn quân Xiêm, đánh đắm hàng trăm chiến thuyền. Trận quyết chiến chiến lược Rạch Gầm - Xoài Mút, là một điển hình về sự kết hợp tác chiến thủy, bộ bằng hình thức mai phục trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Thắng lợi này, không chỉ quét sạch quân xâm lược ra khỏi bờ cõi nước ta, đánh bại ý chí xâm lược của địch, mà còn giáng một đòn đích đáng mưu đồ quân sự, chính trị của bè lũ phong kiến phản động Nguyễn Ánh. Bài học từ chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút của quân Tây Sơn (năm 1785) còn nguyên giá trị, cần tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng vào nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
HÀ THÀNH ________
1 - Số quân Tây Sơn đóng giữ ở Gia Định do Phò mã Trương Văn Đa chỉ huy lúc bấy giờ chỉ vài nghìn người.
Tác chiến,Rạch Gầm,Xoài Mút,Tây Sơn
Nét đặc sắc của nghệ thuật vận dụng cách đánh trong Chiến dịch tiến công Tây Sơn Tịnh năm 1966 21/11/2024
Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào 29/10/2024
Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972 - nét đặc sắc về nghệ thuật sử dụng lực lượng 24/10/2024
Nghệ thuật đánh điểm, diệt viện trong Chiến dịch Bu Prăng - Đức Lập năm 1969 27/09/2024
Nghệ thuật chỉ đạo của Đảng về tạo và nắm thời cơ, giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 19/08/2024
Nghệ thuật đánh trận then chốt quyết định trong Chiến dịch Nông Sơn - Thượng Đức năm 1974 15/07/2024
Nhà Lý kết hợp tiến công quân sự với biện pháp ngoại giao để kết thúc chiến tranh, kiến tạo hòa bình 24/06/2024
Chiến dịch Long Khánh năm 1969 - nét đặc sắc của nghệ thuật tập kích 04/06/2024
Nghệ thuật đánh điểm, diệt viện trong Chiến dịch Trung - Hạ Lào năm 1954 22/04/2024
Nét nổi bật về nghệ thuật đánh trận mở đầu trong Chiến dịch Bắc Tây Nguyên năm 1954 15/02/2024
Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972 - nét đặc sắc về nghệ thuật sử dụng lực lượng
Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào
Nét đặc sắc của nghệ thuật vận dụng cách đánh trong Chiến dịch tiến công Tây Sơn Tịnh năm 1966