Thứ Bảy, 23/11/2024, 11:28 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam
Bảo vệ biên giới, chúng ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: biên giới nước ta kéo dài hàng nghìn dặm cả trên bộ, trên biển, nơi địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn, khí hậu thời tiết khắc nghiệt, kinh tế, văn hóa chậm phát triển, khu vực cư trú của hầu hết các tộc người thiểu số; nhà nước phong kiến chưa đủ điều kiện vươn tay quản lý đến các vùng đất biên thuỳ. Vì vậy, nhiệm vụ bảo vệ biên giới không hẳn chỉ là của “thú binh” (lính biên giới), của “khổn quan” (quan coi giữ biên giới) hoặc của riêng một địa phương nào, mà thuộc trách nhiệm của triều đình Trung ương, của cả nước. Thấm nhuần tư tưởng minh triết phương Đông "dân vi quý" (Luận ngữ - Khổng Tử), hiểu rõ sức mạnh của dân, sức dân như nước, dân là gốc của nước - "dân duy bang bản" (Kinh thư) - các triều đại phong kiến Việt Nam luôn xác định nhân dân vùng biên là những người "đứng mũi chịu sào", lực lượng chủ yếu bảo vệ biên cương. Bởi vì, họ là lực lượng luôn có mặt ở vùng biên, thường xuyên nắm bắt những hoạt động ở gần biên giới của ngoại bang, kịp thời ngăn chặn những hành vi lấn chiếm, xâm lược. Theo đó, các triều đại phong kiến Việt Nam thực hiện nhiều chính sách, biện pháp trên các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quân sự nhằm “vỗ về” người xa, huy động đồng bào các dân tộc tham gia bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ. Đó là chiến lược “biên giới lòng dân” của ông cha, như Vua Lê Thái Tổ đã từng quan tâm: "Biên phòng hảo vị trù phương lược/ Xã tắc ưng tu kế cửu an"1 (Biên phòng phải có phương lược tốt/ Giữ nước nên cần kế cửu an).
Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, nhà nước phong kiến Việt Nam luôn phát huy tốt nguồn lực tại chỗ bảo vệ biên cương. Với địa hình biên giới hiểm trở, vùng biển đảo ngăn cách, khi có chiến sự không thể huy động kịp binh mã, lương thảo để bảo vệ bờ cõi. Do vậy, nhà nước luôn coi trọng biện pháp huy động lực lượng nhân dân tại chỗ, vũ khí tại chỗ, lương thảo tại chỗ nhằm thiết lập thế trận tại chỗ đánh trả, chống lại âm mưu xâm lược, gặm nhấm biên cương của ngoại bang; đồng thời, tiêu hao, hãm chặn đưa địch vào thế bất lợi, bị động ngay tại cửa ngõ, tạo thời cơ có lợi cho chính binh của triều đình đập tan đội quân xâm lược. Với quan điểm "bách tính giai vi binh” (trăm họ đều là lính), nhà nước không những tập trung xây dựng quân của triều đình (kinh binh), quân các địa phương (cơ, vệ của trấn, tỉnh) hùng mạnh, mà còn khuyến khích xây dựng và sử dụng quân của các thôn ấp, làng bản như hương binh, thổ binh, dân binh, quân của các thổ tù, châu mục biên giới. Đội quân này, ngày thường thì sản xuất làm ăn và là tai mắt cấp báo tình hình ở bản làng, khi giặc đến cướp phá, xâm lấn biên giới hoặc tiến hành chiến tranh thì họ sử dụng nguồn lực tại chỗ, vũ khí tự tạo (hầm chông, cạm bẫy, cung tên,…) chiến đấu. Sự chuẩn bị chu đáo mọi nguồn lực tại chỗ giúp các đội quân, các đội dân binh: của Phò mã Thân Cảnh Phúc ở Lạng Sơn (thời Lý), của anh em Hà Bổng ở Tây Bắc (thời Trần) đã làm quân xâm lược khiếp đảm; kẻ thù nhiều lần kinh sợ gọi đó là “những thiên thần Động Giáp”. Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông, thủ lĩnh của trại Quy Hóa (thuộc vùng Yên Bái, Lào Cai), thường xuyên cho người cải trang thành lái buôn ngược sông Hồng vào Đại Lý do thám tình hình, đã sớm phát hiện âm mưu của chúng, giúp vua tôi nhà Trần chủ động chuẩn bị kháng chiến, ba lần đánh bại quân xâm lược. Chính sách mỗi người dân biên giới là một người lính biên thuỳ, đã tạo ra đội quân hùng mạnh, rải khắp nghìn dặm, ngày đêm canh giữ biên cương, như sử sách đã ghi: “nhân dân ai cũng là binh, nên mới phá được giặc dữ, làm cho thế nước được mạnh"2.
Để tăng cường sức mạnh, tiềm lực bảo vệ biên giới, nhà nước phong kiến Việt Nam đã tập trung mọi nguồn lực phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, an ninh khu vực biên giới; vì đó được xem vừa là mục tiêu vừa là động lực bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Các triều đại phong kiến nước ta đều cho mở các chợ biên giới (bạc dịch trường), vùng biển xa để thông thương với nước ngoài, một mặt nâng cao đời sống kinh tế, mặt khác để do thám tình hình các nước láng giềng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn người nước ngoài vào sâu nội địa, kinh đô để dò la tin tức của triều đình. Đồng thời, đưa ra nhiều chính sách: khuyến khích nhân dân, kể cả thành phần tù phạm, chú trọng các “khổn quan” phát triển đồn điền, khai khẩn đất hoang, mở rộng diện tích canh tác; cho vay vốn, giống, cấp dụng cụ, trâu bò, nhằm phát triển kinh tế, xác lập chính quyền nhà nước ở biên giới, khẳng định chủ quyền lãnh thổ. Bên cạnh đó, nhà nước còn thực hiện nhiều hình thức khen thưởng (với khổn quan thì tăng thêm một cấp, với nhân dân ban tặng đất vừa khai khẩn, không thu thuế nhiều năm hoặc đánh thuế nhẹ), động viên quan chức, nhân dân tham gia khai khẩn đất hoang, lập đồn điền ở khu vực biên viễn. Nhờ đó, đến nửa đầu thế kỷ XIX, Nguyễn Công Trứ lập ra 2 huyện Tiền Hải (Thái Bình) và Kim Sơn (Ninh Bình) ở ven biển phía Bắc; ở Tây Nam, lập được hơn 100 thôn ấp mới. Ngoài cư dân người Việt, nhà nước cho phép cư dân Chăm, Khơ-me, Hoa đến nước ta lập các pa-lay (làng Chăm), phum sóc (Khơ-me) để định cư, sinh sống bằng nhiều ngành nghề… Ngoài ra, Nhà nước còn huy động lực lượng nhân dân nạo vét sông, đắp lộ ở biên giới phục vụ giao lưu, buôn bán, dân sinh (đưa nước ngọt vào sản xuất, thau chua, rửa phèn). Đặc biệt, ở biên giới Tây Nam, nhà Nguyễn đã huy động lực lượng nhân dân đào các con kênh: Vĩnh Tế, Vĩnh An, Thoại Hà nối liền với hào luỹ tự nhiên để phát triển kinh tế, khẳng định chủ quyền và bảo vệ lãnh thổ. Những biện pháp tích cực của nhà nước: “tịch thổ tráng biên” (mở rộng đất đai, làm mạnh biên giới), “tĩnh vi nông, động vi binh” đã góp phần phát triển kinh tế, ổn định xã hội, tăng cường khả năng bảo vệ bờ cõi.
Cùng với đó, nhà nước phong kiến Việt Nam còn thực hiện chính sách an dân, cố kết các dòng họ, vỗ về nhân dân, để họ gắn bó với bản làng, quê hương, sẵn sàng bám trụ bảo vệ biên cương đất nước. Các thổ tù, châu mục, tầng lớp trên ở biên giới là những người có uy tín, thế lực trong việc tập hợp, đoàn kết nhân dân vùng biên, được nhà nước đặc biệt quan tâm: ban chức tước (có những chức ngang với đại thần trong triều), ban quốc tính (ví dụ: cho họ Xa ở Đà Giang mang họ Vua), cấp ruộng đất (phong tước - kiến địa), trao bổng lộc nhằm biến họ thành quan chức triều đình. Cao hơn là thực hiện biện pháp hôn nhân (thời Lý, Trần), gả công chúa cho các tù trưởng thiểu số để họ trở thành phò mã, gia thần, tôi trung thay mặt nhà nước quản lý, đoàn kết toàn dân nơi biên giới, ngăn ngừa tình trạng cát cứ, chống đối, tự dâng đất cho giặc. Đối với những dòng họ lớn (Nùng Trí Cao ở Cao Bằng thời Lý, Đèo Cát Hãn ở Tây Bắc thời Lê…), nhà nước cho duy trì chế độ thế tập (cha truyền con nối), cai quản nhân dân các địa phương biên giới. Đồng thời, trao cho các tù trưởng những quyền hạn rộng lớn ở địa phương, “toàn quyền cai quản dân theo phong tục tập quán”3. Tù trưởng được lập quân đội riêng, đội quân này được tập hợp từ nhân dân của các bản, làng. Khi bờ cõi bị xâm lấn hoặc đất nước có giặc, các tù trưởng đem quân của mình đi đánh dẹp theo thánh chỉ của triều đình. Để an dân, nhà nước còn thực hiện nhiều biện pháp: lập các kho “thường bình” (dự trữ lương thảo) ở các địa phương để cứu đói, khi thiên tai, dịch bệnh, “để việc biên phòng được đầy đủ”4, bảo đảm cho việc động binh khi biên phòng hữu sự; “khoan thư sức dân” khi đất nước “an bình”. Cùng với chính sách ưu đãi đặc biệt, nhà nước cũng sử dụng biện pháp cứng rắn, trấn áp những thổ tù, châu mục không bảo vệ được sự toàn vẹn lãnh thổ, nhưng cũng sẵn sàng tha tội, để họ trở về phụng sự triều đình. Đối với nhân dân vùng biên, nhất là các thổ tù, châu mục, nhà nước coi trọng thực hiện chính sách “ki-mi” (ràng buộc lỏng lẻo), “nhu-viễn” (mềm dẻo phương xa), để phủ dụ, vỗ về họ, làm cho họ thức tỉnh không mắc mưu địch. Nhờ đó, nhà nước đã đoàn kết được các dân tộc thiểu số, cố kết được các tộc người, chung sức khai phá đất hoang, bảo vệ toàn vẹn bờ cõi trước những âm mưu thâm độc của ngoại bang.
Ngoài những biện pháp trên, để chống lại sự nô dịch, đồng hoá dân tộc của phong kiến phương Bắc ngay tại địa bàn “cổ họng”, nhà nước phong kiến Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp: sắc phong thành hoàng, ban hành các nghi thức tế lễ, thờ cúng; duy trì các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của các dân tộc. Mỗi triều đại đều có biện pháp riêng, nhưng tựu chung là bảo vệ bản sắc văn hoá dân tộc, như: nhà Lý khẳng định “Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư”; nhà Lê cấm dân không được bắt chước ngôn ngữ, y phục nước ngoài; Nguyễn Huệ tuyên bố: “Đánh cho để dài tóc, đánh cho để đen răng”;… Cùng với đó, nhà nước còn chọn tướng tài thông thạo việc biên phòng, am hiểu phong tục các dân tộc thiểu số, biết phủ dụ, vỗ về và sửa đổi phong tục xấu cho dân, làm cho nhân dân biên giới hiểu là quốc gia Việt Nam có nhiều tộc người khác nhau, nhưng đều là cư dân của nước Việt Nam thống nhất, nên đều phải có trách nhiệm bảo vệ biên cương, lãnh thổ.
Kinh nghiệm huy động lực lượng nhân dân bảo vệ biên giới của cha ông trong lịch sử rất phong phú, đa dạng, đã trở thành một bộ phận của di sản truyền thống, một nét đặc sắc của văn hóa dân tộc - văn hóa giữ nước, văn hóa bảo vệ chủ quyền Việt Nam. Vì thế, cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng trong sự nghiệp xây dựng nền biên phòng toàn dân, bảo vệ toàn vẹn từng tấc đất biên cương thiêng liêng của Tổ quốc ngày nay.
Đại tá, TS. CAO THANH TÂN
1 - Quốc sử quán triều Nguyễn - Đại Nam nhất thống chí, Tập 4, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1992, tr. 322 - 323.
2 - Phan Huy Chú - Lịch triều hiến chương loại chí, Tập 4, Nxb Sử học, H. 1964, tr. 6.
3 - UBKHXH Việt Nam - Lịch sử Việt Nam, Tập 1, Nxb Khoa học Xã hội, H. 1971, tr. 271.
4 - Quốc sử quán triều Nguyễn - Việt sử thông giám cương mục, Tập 12, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1993, tr. 32.
Nét đặc sắc của nghệ thuật vận dụng cách đánh trong Chiến dịch tiến công Tây Sơn Tịnh năm 1966 21/11/2024
Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào 29/10/2024
Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972 - nét đặc sắc về nghệ thuật sử dụng lực lượng 24/10/2024
Nghệ thuật đánh điểm, diệt viện trong Chiến dịch Bu Prăng - Đức Lập năm 1969 27/09/2024
Nghệ thuật chỉ đạo của Đảng về tạo và nắm thời cơ, giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 19/08/2024
Nghệ thuật đánh trận then chốt quyết định trong Chiến dịch Nông Sơn - Thượng Đức năm 1974 15/07/2024
Nhà Lý kết hợp tiến công quân sự với biện pháp ngoại giao để kết thúc chiến tranh, kiến tạo hòa bình 24/06/2024
Chiến dịch Long Khánh năm 1969 - nét đặc sắc của nghệ thuật tập kích 04/06/2024
Nghệ thuật đánh điểm, diệt viện trong Chiến dịch Trung - Hạ Lào năm 1954 22/04/2024
Nét nổi bật về nghệ thuật đánh trận mở đầu trong Chiến dịch Bắc Tây Nguyên năm 1954 15/02/2024
Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972 - nét đặc sắc về nghệ thuật sử dụng lực lượng
Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào
Nét đặc sắc của nghệ thuật vận dụng cách đánh trong Chiến dịch tiến công Tây Sơn Tịnh năm 1966